Xuân Hương – Truyện ngắn Vũ Văn Song Toàn

1288

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trăng mười ba quầng như cái nống. Tiếng cá đớp mồi nghe rõ mồn một. Một con vạc ăn đêm trong đám bèo, bay vụt lên. Xuân Hương ngồi quệt vôi têm trầu, nhìn gió đùa trên ngọn cây hoa hòe. Nàng nhả bả trầu ra, soi dưới ánh sáng đèn dầu lạc. Gớm, đỏ gì mà đỏ thế. Nàng lấy tay lau nước mắt sống.

Nhà văn Vũ Văn Song Toàn

I. Đợi trăng trước ngày xuất gia

Xuân Hương ủ ê ngủ, từ sau mùng bốn Tết qua tiết kinh trập.

Độ xuân phân, gần ngày rằm, Xuân Hương lên vãn cảnh trên núi Sài Sơn. Cách xa hang Cắc Cớ độ hai trăm thước có một cái am nhỏ. Chủ am là một ni cô tu cùng hai nữ đệ tử. Nghe nói ni cô trước là một công chúa của tiền triều. Khi đang ngồi uống trà đàm đạo dưới gốc cây thanh mai, thì có một ông già vào xin nước.

Ông già râu tóc bạc phơ, trán dồ, môi đỏ, răng trắng đều chân chấn. Xuân Hương lấy làm lạ lắm. Người đó từ chối uống trà, chỉ xin một ngụm nước mưa.

Ông già bảo đi lên núi tìm thuốc, rồi chỉ về bạt rừng phía trời Tây, nói nhà tôi ở chỗ kia. Một trái thanh mai non rụng đúng trán, ông già cười bảo: Thời Tam Quốc, Tào Tháo bị vây, tìm mãi mà không ra nguồn nước, tưởng chết khát, Tào Tháo liền bảo đằng trước có một rừng mơ. Quân sĩ nghĩ đến mơ liền tiết nước bọt, lập tức giải được cơn khát. Biết là kỳ nhân, Xuân Hương mới hỏi chuyện mình. Ông già nhìn tướng, hỏi ngày sinh, xem mạch, suy nghĩ một lát rồi cho một đơn thuốc. Đơn thuốc gồm bảy vị. Ông bảo: Cơm ba bát, thuốc ba thang thì khỏi. Nhưng mà thuốc chỉ chữa bệnh, còn mệnh thì tùy duyên. Rồi dặn dò Xuân Hương mấy điều.

Xuân Hương cầm đơn thuốc lên đọc rồi lại đặt xuống mấy lần, đăm chiêu, trên gương mặt luống tuổi điểm thêm vài vệt nhăn vân vi. Nàng nghĩ về câu chuyện của ông già, những niềm vui hay bất hạnh phải chăng do tâm tưởng mà ra.

Nàng nằm đó ngủ say mê. Ngủ như người đã thức một nghìn năm văn hiến.

Gương mặt rỗ hoa giãn ra bằng lặng như nước Hồ Tây trước quán Nghênh Phong. Mái tóc xoăn nhiều sợi bạc sổ ra từ chiếc khăn nhiễu mầu huyết dụ. Vú già bê bát thuốc bắc đặt trên cái đôn cạnh cái đỉnh đồng. Tro tàn buồn bã bám xung quanh lò hương như lâu ngày ai biếng đốt. Mấy mẹ con gà bông thi nhau bươi bếp, con gà mái bỗng gáy lên te te. Bà vú già lưng còng sát đất nhìn ra trời nắng quái, rồi vác gậy lùa lũ gà. Đàn gà chạy tứ tán.

Mẻ bánh trôi làm ngày hôm qua vẫn yên vị trên bàn. Vú mở lồng bàn cầm đĩa bánh lên ngửi rồi thở dài. Bánh trái trời nồm chưa làm đã thiu.

Con cá chép nhốt trong hồ non bộ quẫy lên thật mạnh. Con Nhài ra xem bảo, vú ơi, nước cạn, trời oi quá. Con cá ngoắc cái mang đỏ như máu ra thở.

Xuân Hương hai đùi như khép, lăn qua lăn lại, rồi day mặt vào vách. Yếm váy trễ nãi chẳng thèm ý tứ. Nghênh Phong quán cả con trăng này chưa có ai lai vãng. Thư đi mấy lần mà chưa thấy bóng người. Thôi thì nàng ngủ vậy, ngủ luôn như thế cho trăm năm nghìn năm. Biết đâu, một ngày có người tri kỉ họa thơ, đánh thức nàng dậy.

Nàng lại cựa mình.

Nàng mơ thấy người đàn ông mặt chữ điền, đầu chiết khăn chữ nhân, mặc áo lương đen lầm lũi đi trên lối mòn từ núi ra biển. Ông thầy đồ ngồi trên bến nhẫn nại vẫy những chuyến thuyền chở mắm từ Nghệ An ra Kẻ Chợ. Một bên vai ông như trĩu xuống bởi sức nặng của cái tráp gỗ sơn đen, trong đó chứa nghìn cân nặng của cuộc mưu sinh và món nợ công danh. Trong cái rét đài mưa bụi tháng hai, người con gái Kinh Bắc dậy sớm vừa quạt dâu vừa hát một điệu quan họ cổ. Đó là hai đấng đã sinh thành ra Xuân Hương.

Nàng lấy hai tay ôm lấy ngực. Hồi tưởng miên man.

Cô bé Xuân Hương hàng ngày nấu nước, pha trà cho cha. Mỗi khi đi qua dẫy nhà học, cô dừng lại nghe ngóng. Vốn nhanh trí, cô thuộc làu làu cả tam tự kinh. Chữ đầu tiên in vào đầu và khắc vào trong tim cô bé là chữ An. Người đàn bà có mái nhà trên đầu mình là được yên hàn.

Gió thổi mạnh, Xuân Hương bỗng vật vã. Cơn đau bụng dữ dội, mồ hôi trên trán đầm đìa.

Ông đồ Nghệ là người đọc bài thơ đầu tiên của nàng. Ông nhìn Xuân Hương rồi thở dài. Ông yêu chiều con gái hơn để bù đắp cho quãng đời bão tố của nàng sau này. Còn mẹ càng nghiêm với nàng, dậy nàng chăm chỉ dệt lụa nhuộm vải.

Sen trong hồ mùa này đang rộ, những bông hoa bách diệp tỏa hương sực nức cả một vùng. Cỡ giờ Thân, bên kia lầu thủy tạ của nhà ai réo rắt tiếng tơ tiếng trống. Nàng cố lắng nghe lời hát, nhẩm đọc rồi thở hắt ra một hơi thở dài. Sơn hà mấy cơn tao loạn, nay đang buổi thái bình thịnh trị, thi nhân vẫn làm thơ buồn. Lời hát ca ngợi sự nhàn tản, nhưng chứa chất nỗi niềm của kẻ sĩ chưa được phỉ nỗi tang bồng.

Con Nhài cặm cụi đốt rơm nếp. Khói loang ra hòa vào sương chiều, trời đất nhìn như hỗn mang. Bà vú vẫn tỉ mẫn giã thuốc Bắc trong cái cối gỗ. Tiếng đá va vào gỗ, tạo thành âm thanh nhịp nhàng, hòa lẫn với tiếng gõ mái chèo của mấy người thuyền chài. Bà vú vừa làm con chuột vừa chép miệng, những nếp nhăn hằn sâu hơn trên gương mặt già nua. Tội, cái số cô Xuân Hương khổ thế, cứ đến tháng là bị trời hành. Bà vú nghe cụ đồ cha nàng bảo, đó là bệnh giời, phận gái mà nhật nguyệt đồng lâm. Bà gần bốn mươi đã sạch. Sao mà cô Hương đã gần năm mươi, trời vẫn chưa cho hết tội.

Trăng mười ba quầng như cái nống. Tiếng cá đớp mồi nghe rõ mồn một. Một con vạc ăn đêm trong đám bèo, bay vụt lên. Xuân Hương ngồi quệt vôi têm trầu, nhìn gió đùa trên ngọn cây hoa hòe. Nàng nhả bả trầu ra, soi dưới ánh sáng đèn dầu lạc. Gớm, đỏ gì mà đỏ thế. Nàng lấy tay lau nước mắt sống.

Con Nhài đổ siêu thuốc ra cái mẹt, bươi mớ bã để tìm táo tàu, mãi không thấy. Nó hỏi vú thuốc này là thuốc gì. Xuân Hương bảo, thuốc giải tội, có bảy vị thất tình lục dục. Nhài hỏi, tội gì. Vú gắt, mày còn bé tí, biết gì, có tội lội xuống sông.

Thư nàng đã gửi đi, cả nửa tháng nay rồi vẫn chưa thấy hồi âm. Chỉ vì việc hậu sự của bà vú già mới phiền tới chàng. Người gì mà bạc. Cái chút tình cỏn con nàng dành cho chàng Hổ giờ chỉ còn là tình bạn tri âm. Nào đâu tình cầm sắt, mà chẳng còn tình cầm kỳ. Nhưng giờ chàng không những làm quan, mà còn làm thầy, dậy đám hàn nho lẫn lũ vương tôn công tử. Cái tiếng nguyệt hoa chớt nhả năm xưa của chàng, giờ người ta đâu dám nhắc. Ai cũng khen chàng hay chữ, nghiêm nghị. Hay nhỉ, áo cà sa làm nên sư cụ đấy phỏng.

Từ khi chàng Hổ ra làm quan, chàng tránh nàng như tránh tà. Ừ, người ta danh giá, vợ đẹp con khôn, vinh thân phì da. Số nàng hẩm, hai lần lấy chồng nào đâu được một mụn con. Nàng vẫn biết chữ tam tòng, tứ đức, nhưng cả hai lần làm lẽ, chồng đều cỡi hạc quy tiên, nên đành ôm cầm sang thuyền khác. Người giỏi tử vi bảo đàn bà vũ khúc, số sát chồng. Chàng Hổ sợ điều tiếng, hay sợ cái số phận oan nghiệt?

Con chó mực sủa rống lên rồi lại như mừng. Hóa ra cậu học trò trường Quốc Tử Giám, con ông chánh tổng Cóc sang chơi. Cũng nhờ nàng viết thư cho quan đốc học Hổ mà con ông Cóc được nhận làm ấm sinh. Cậu ấm sinh bảo hôm nay quan giảng về kinh thi, có nhắc đến bài Tự Tình của cô. Xuân Hương đang nhặt gạo sen để ướp trà, dừng tay hỏi cậu ấm, thầy nhà anh giảng sao. Cậu ấm cười bẽn lẽn: Thầy nhà con khen thơ cô lắm ạ.

Xuân Hương thừa hiểu cái cười của cậu ấm. Cái lối chương từ, hàn lâm cười vào cái nôm na mánh quóe của nàng. Các cậu chuyên cần nấu sử sôi kinh theo đuổi một giấc mộng hoàng lương, nàng thừa biết ra.

Như nhớ ra điều gì, Xuân Hương chột dạ, nàng thẩn thờ một hồi. Hóa ra người ta vẫn nhớ nàng cơ đấy. Nhưng hôm kia con Nhài ra phố hỏi, thì người nhà lại bảo quan bận đi chấm thi tận trong Thanh.

Xuân Hương uống thêm một chén thuốc. Bà vú nói bát này là thang cuối, nước ba. Ông thầy lang bảo, nếu có một cơn đau dữ dội thì thuốc đã phát tác.

Người ta mang đến một cỗ áo quan. Bà vú mân mê rồi bảo, áo này tốt quá, tôi chết cũng an lòng, chỉ thương cô. Xuân Hương bảo, đây là gỗ vàng tâm, không được gỗ huỳnh đàn, cô nhờ người quen mua tận trong Nghi Xuân quê cụ Tiên Điền. Xuân Hương phải nhờ cậy cụ Nguyễn Du tìm cho vú. Nàng cầm tay vú, nước mắt chảy ra, rồi nàng lại bật cười. Vú già đã theo nàng từ ngày xuất giá về với tổng Cóc, rồi lại qua nhà ông phủ Vĩnh Tường. Vú bảo, giá trời sinh ra cô là trai, chắc chẳng kém gì quan nghè Hổ. Số chàng đẻ bọc điều, sinh ra trong thời toan loạn mà được hưởng phúc, nhờ tập sách Vũ trung tùy bút, chẳng cần thi cử cũng được tân triều trọng vọng. Xuân Hương tự nhiên mặt đỏ bừng bừng, tay chân nóng ran. Con Nhài và vú phải dìu vô phản. Vú bảo, mai tôi thịt cá, nấu cơm cho cô ăn sớm rồi hẵng đi nhé. Xuân Hương khẽ gật đầu.

Xuân Hương đã hẹn với ni cô trên núi Sài Sơn, khi nào hết tội sẽ lên ở hẳn.

Xuân Hương quằn quại trong cơn đau bụng dữ dội. Cơn đau như đi từ lục phủ ngũ tạng, xuống hạ thân, rồi thốc lên đầu. Đau như triệu triệu năm đàn bà vẫn đau thế. Miên man. Mộng mị. Nhiễu nhại. Nàng vẫn ngủ.

Đúng ngày trăng câu liêm. Nàng chờ mãi mà không thấy. Xuân Hương bảo với vú, tôi đã sạch mình.

Sóng duyềnh lên như có bão. Những cột sóng như thủy triều Đông Hải tạo thành những âm thanh như biển động. Trên trời chia ra hai vùng sáng tối, một bên trăng sao vằng vặc, một bên mây đen vẫn vũ. Đột nhiên gió thổi, hai vùng trời chuyển động hòa vào nhau như vòng lưỡng nghi. Nàng thả cái giỏ xuống nước, con cá chép vội nhảy ra rồi lặn mất hút xuống đáy hồ để lại một chùm bong bóng khí. Chuông chùa bên kia hồ thong thả khua. Trời quang. Xuân Hương thấy một quầng sáng lấp lánh như ánh vàng mười hình con trâu trong đám lau sậy, hình như con kim ngưu đi ăn đêm.

Xuân Hương mặc áo tứ thân nhuộm củ nâu, chân mang giầy cỏ đi dọc phía hồ. Nàng bước phăng phăng trên đám cỏ gà còn vương những hạt móc. Đằng Đông đỏ lên dần dần, mây như luống cầy vỡ. Mảnh trăng lưỡi liềm mờ dần rồi lặn hẳn vào mây.

Nàng buông tay, những trang giấy xổ ra. Giấy trắng xóa như một đàn diệc bay lả tả, đậu trên đám cỏ màn trầu, mắc lên cành tre gai. Vài tờ được gió cuốn đi, bay ra tận khoảng trời mùa hạ xanh ngăn ngắt.

Bóng nàng in trên mặt hồ, làm con cá chép giật mình, vẫy đuôi đỏ như chu sa.

Mặt nước lăn tăn. Bóng nàng chập chờn trên mặt sóng.

Ngày mộc dục, nghỉ việc quan, Chiêu Hổ tắm gội, mặc áo gấm xông hương, cùng hề đồng và mấy học trò ra hồ chèo thuyền. Ấm ô tử sa, trà ô long quý chiêu với nước hứng từ hạt sương đọng trên lá sen. Chàng nhấp một chén rượu cúc hạ thổ từ mùa thu năm ngoái. Men rượu và hơi ấm từ ánh sáng bình minh khiến mồ hôi trán rịn ra. Chiêu Hổ nhìn về phía Nghênh Phong quán, bất giác cục yết hầu chạy đi chạy lại trên cổ.

Hôm qua, vợ chàng đã đánh con ở một trận thừa sống thiếu chết. Hóa ra, trong lúc con hầu ngồi chẻ củi, đọc một bài thơ học được ngoài phố khi đi gánh nước. Chàng định nói, không phải là thơ của Xuân Hương, chẳng qua người đời thêu dệt. Đó không phải thơ của nàng, có chàng hiểu rõ nhất. Chỉ có chàng mới làm chứng được. Nhưng nhớ lại cái đoạn đời đầu xanh trẻ tuổi, những năm tháng phong lưu, chàng thấy thẹn với lòng mình.

Bốn nghìn năm lịch sử, một nghìn năm văn hiến, chỉ có một Xuân Hương. Nàng là con chim xanh lạc từ chốn thần tiên, xuống trần gian, cất lên tiếng hót riêng của lòng mình.

Chàng nghĩ về đám giám sinh mà chàng ra công dạy dỗ, rồi đây, bia đá bảng vàng, mộng đời đẹp và dài bằng thời gian một nồi ngô nấu chín.

Một con gọng vó chạy từ đám lá sen khô ra chỗ khoảng nước trống, những dấu chân để lại những chấm tròn, tạo thành những vòng tròn đồng tâm, giao thoa vào nhau tạo thành những vân nước kỳ lạ, như vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vô lượng. Tâm tư chàng chìm vào những suy nghĩ về vũ trụ mênh mông, về kiếp nhân sinh vô thường.

Chiêu Hổ thấy vật gì trăng trắng trôi bồng bềnh với rong xanh. Chàng vớt lên, giấy mục nước, tan ra không đọc được. Chàng cố đọc một bài thơ mắc trong gốc cây lúa hoang. Chẳng lẫn vào đâu được, đó là thơ của Xuân Hương. Chàng uống một chén trà, lầm nhẩm đọc thuộc lòng.

Chàng nhìn lên bờ, thấp thoáng bóng người mải miết đi về phía Tây. Chàng che tay, nheo mắt nhìn, cho đến khi cái bóng mất dạng.

II. Giã biệt kinh kì

Sau vụ ném giầy, Chiêu Hổ ốm liệt giường. Vua cho thái y đến xem mạch, bảo rằng chàng có hỉ sự, cấn thai. Chiêu Hổ ngồi phất dậy, mắt quắc lên quát:
– Ngươi bị cuồng sao, đàn ông sao lại có thai.
Vì Xuân Hương chê chàng không đỗ nổi cái tú tài, có ý cười cợt anh đồ say. Trong cơn uất ức, Hổ nói rằng: Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn Ly Đoài khéo nói rằng Khôn.

Hai người từ đấy ít đi lại.

Chàng đứng bên bờ sông cùng hai người hề đồng. Mắt nhìn ra phía một vùng phá mênh mông sông nước. Gương mặt đăm chiêu. Người học trò nhỏ chấp tay định hỏi thầy một câu rồi lại thôi. Chàng Hổ từ khi sanh ra đến khi làm quan vốn là người phong lưu nho nhã. Buồn vui không ra vẻ mặt.

Mưa xuân rầm rề như rây bột, mây xám, đất thâm, tầm nhìn rất ngắn. Hơi nước bốc lên, mắt thường không ai phân biệt được đâu là trời đâu là đất. Trong lòng chàng tự nhủ đây có lẽ là những ngày cuối cùng ở kinh thành. Chàng sai người hầu lấy chai rượu quý ra, rượu bồ đào, cống phẩm từ nước Phú Lang Sa. Màu rượu đỏ thâm như mào gà sống thiến. Chàng nhìn người hầu, lắc đầu. Ba con người im lặng. Nước mưa thấm trên mặt quan, ngài lấy tay vuốt mặt, rồi chàng nhìn con nước đang lên mà ca rằng :

Đã đầy vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi

Với chỗ cụ Nguyễn Tiên Điền cũng là chỗ sơ giao. Đêm qua, dưới ánh bạch lạp, chàng mở sách và bói được câu trên. Đúng là ứng với điềm bị chính học trò của mình sỉ nhục. Những người ở cửa Khổng sân Trình đều coi trọng danh phận, bằng cấp. Chàng mới thi đỗ tam trường, đến cái tú tài còn chưa được. Người đời nói chàng tài hoa, văn hay, chữ tốt. Chấp vào bằng cấp, không xét đến tài năng thực sự, là giáo điều. Chàng nổi tiếng là người thầy nghiêm khắc và hay chữ.

Lúc giáp mặt rồng, chàng quỳ phủ phục, mồ hôi trên trán đầm đìa. Chàng quỳ mãi cho đến khi Gia Long đọc xong “vũ trung tùy bút”. Gió Phú Xuân mùa đông khiến chàng bị cảm hàn, lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh dậy trên giường thì một quan thái giám mang chỉ của hoàng thượng đến. Người nhà đỡ dậy, chàng quỳ phủ phục trước mặt giám quan để nghe đọc lệnh vua.

Gia Long dòng dõi nhà chúa Nguyễn Hoàng, qua bao cơn tao loạn, đánh đông dẹp bắc, giang sơn thu về một mối. Vua khen chàng hay chữ, một tài tử sành chơi, là người có khí chí, nên phong cho chàng làm làm quan tế tửu.

Những nhắn nhe qua lại với Xuân Hương được người đời truyền tụng. Còn về vế đối trêu trọc kia chàng phải gặp nàng hỏi cho ra nhẽ. Lẽ nào nàng lại chấp vào cái bia đá bảng vàng. Hai người tuyệt giao từ đó. Cho đến tận ngày Xuân Hương qua đời hai người vẫn không nhìn mặt nhau. Chữ nghĩa nhiều như thế, mà một giọt lệ bằng thơ cho người tình cũ cũng không có. Chàng yêu mà hận Xuân Hương. Đến hôm nay nỗi nhục nhã đó đã bung ra. Chàng nhìn vào cành mai trắng cắm trong độc bình có vẽ đôi hạc khẽ thầm đọc: Trắng mai một đoá tinh khôi- Sao thiên hạ chấp để làm tội nhau.

Thủy triều lên đến thắt lưng, chàng vẫn lặng im như tượng. Người hề đồng ra trước mặt quan và lắp bắp điều gì đó. Chàng quay mặt lại phía bờ, thay quần áo, dặn hai người hề đồng về đi.

Chàng gối đầu lên đùi người hầu rượu. Người hầu rượu chỉ độ mười bảy, chưa dạn dĩ vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. Chàng thấy tâm hồn mình nhẹ như mây, đầu óc thanh thản lạ thường. Đối diện với chàng là quan phủ sắp bị đổi lên vùng sơn cưới, vì phạm luật Hồi tị của triều đình. Người quan phủ lấy tay vuốt tóc, nô đùa với cô đào trong cơn say nàng tiên nâu. Say hơi cả Tú Uyên mê Giáng Kiều, say hơn Từ Thức lạc vào động tiên. Quan Phủ trước là học trò của quan Tế Tửu Phạm Đình Hồ, đỗ tiến sĩ, được bổ ra làm quan tri phủ. Người học trò này từ trước đến nay, đối với chàng vẫn giữ nguyên vẹn tình thầy trò. Khi ra làm quan, phải lòng một cô con gái nhà thầy đồ ở nơi nhậm chức, lấy làm vợ hai, phạm vào luật hồi tị của triều đình. Vì thương một người tài đức, nhà vua đổi từ tri phủ sang làm quan huyện ở một vùng sơn cước, ma thiêng nước độc.

Chủ nhà tơ nâng cần, bảo với Chiêu Hổ rằng, đây là hơi thuốc ân tình. Mai quan về quê, may ra kiếp sau mới cùng một chiếu bàn đèn như vậy. Chàng không ngần ngại gì, hút liền mấy điếu. Cơn say phù dung khiến chàng như lạc vào chốn thần tiên, mọi thứ hồng lên rực rỡ. Chàng đòi giấy mực, rồi viết một câu thơ:

Kiếp sau xin chớ làm ngươi
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Tự dưng nước mắt chảy ra, chàng lấy tay lau nước mắt sống. Đúng là người học trò đó không sai, chàng làm quan tế tửu, mà chưa từng đỗ đại khoa

Chàng lại hận Xuân Hương, là chỗ thâm tình, sao nàng lại nói vậy “ Ví đây đổi phận làm trai được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”

Cả một đời là cậu ấm, được cha mẹ nâng như nâng ngọc, hứng như hứng hoa. Chàng là con người giữ hạnh, chỉ việc uống trà mà chàng không dám nghiện, sợ thiên hạ cười là say là đắm.

Nhưng mai giã biệt kinh kì, chàng phải chơi cho thâu đêm. Lẳng lơ thì cũng chẳng có mòn, chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ. Đêm nay là đêm cuối, tửu sắc yên đổ cho thỏa thích.

Khi gặp vua, Gia Long nói: Các vị túc nho xưa nay chỉ hay sách vở giáo điều mà nói, trích kinh điển, nay ngươi trải qua mấy cơn tao loạn mà vẫn phụng sự được cho văn học. Ngươi viết hai quyển Vũ Trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục với mục đích gì.

Hổ đáp: Thần chẳng mong có được phước gặp hoàng thượng hôm nay, chỉ mong để lại cho đời một chút tâm tư, để thần còn được sống trong tâm tưởng của người đời mãi mãi. Âu cũng là lấy cái sự vô thường của đời người, mượn cây bút, nghiên mực, cảo thơm để hằng thường vậy.

Trong lúc giảng bài, có cậu giám sinh lơ đãng nhìn ra những đóa phù dung ngoài ngõ. Chiêu hổ lấy ngay chiếc giầy Gia Định ném người học trò. Giám sinh lấy tay xoa mặt rồi bảo:

Thầy dậy trò đã có roi mây, ném giầy là cớ làm sao. Giầy là thứ giẫm xuống đất ô uế, sao lại dùng nó sỉ nhục ta, chuyện này cô ta biết thì thầy không yên được. Những bậc túc nho xưa nay đều đỗ đại khoa, thầy mới đỗ tam trường, tú tài cũng chưa có, rõ là một anh chân trắng, lấy tư cách gì để dậy những bậc cử nhân.

Người giám sinh nói xong, ném giầy trúng mặt chiêu Hổ.

Hổ nổi giận đùng đùng, tức ứa gan, tím mặt, á khẩu không phản biện được gì, vội vàng bỏ bục giảng đi về. Các học trò ngơ ngác nhìn nhau.

Người đó lại là cháu bà thái phi đang được nhà vua sủng ái. Việc giám sinh không tôn trọng thầy, cũng có lí do. Nhưng ngay cả Xuân Hương còn nói như thế, thì hai người tuyệt giao là phải.

Tối đó chàng lên cơn nóng lạnh, tựa hồ như ma nhập, cả đêm thức dậy năm lần, ú a ú ớ làm người nhà kinh sợ. Bệnh kinh quý làm chàng nằm liệt giường bảy ngày đêm.

Hoàng hôn. Phía Tây có mây mỡ gà. Cơn ngản đầu nguồn chiếu xuống dòng sông như ai nhuộm vàng. Chàng ngồi một bên, viết một bài hát nói, bài hát rất có tình.

Đào Dung cầm lấy bản viết thảo, giọng nàng rất tốt, lời bài hát của bậc tài hoa, tiếng nào tiếng nấy choang như vàng ném, tiếng nàng cất lên làm các nhà thuyền khác im lặng. Ông già đánh cá trên sông cũng xếp lưới lại nghe hát.

Cả khúc sông lặng đi. Sương chiều mịt mùng, sực nức mùi thơm của cây xương bồ. Trên mặt sông, những cánh hoa màu trắng đã úa tán lờ đờ trôi trên con nước tiểu mãn. Chiêu Hổ lưng dựa và vách thuyền, nước mắt sống chảy ra. Đào Dung ngưng tay phách, hỏi rằng chàng có nỗi niềm chi, chàng chỉ ậm ừ.

Bữa tiệc sanh cầm với người tri phủ vừa bị đàn hặc bị thiếu một con cá. Người học trò cũ định gọi người hầu ra mắng. Tiệc sanh cầm ăn theo đôi, thiếu một con cá quả nhỏ là điềm gỡ. Hổ gạt đi, chẳng qua người ta quên, đừng vì một điều mê tín mà làm tội người khác, mai ta về lại Bắc Hà, không biết khi nào mới gặp, Người học trò bảo, thầy trò ở buổi chia li này, không được lời nói, cũng phải có ít tiền bạc. Quan phủ sai người hầu lấy hai mươi mươi nén bạc, Chiêu Hổ để cho người hề đồng nhận lấy, mặt chàng nhìn dòng Hương Giang lững lờ qua cửa tò vò, nét mặt như người bị mất hồn.

Nhớ lại buổi hôm trước. Người quan thị mang chỉ đến, quan Tế tửu quỳ mọp. Người yêm nhân bảo đây là trăm quan tiền, gọi là ơn nước lộc vua. Người hề đồng đưa mắt nhìn chủ, ý như hỏi có phải đếm không. Chiêu Hổ lắc đầu, bụng thầm nghĩ cái gì của vua mà chả đủ chả đúng, rồi bái vọng.

Người thái giám trước khi ẻo lả đi ra, còn ném lại cho Chiêu Hổ một nụ cười ruồi.

Chiêu Hổ uống vào mấy chén rượu bồ đào cống phẩm của người Phú Lang Sa, chàng như người trong mộng.

Lâu nay, chàng thấy mình lơ mơ, đôi khi không phân biệt đâu là mộng, đâu là là thực tại. Chàng cứ tưởng mình đang mơ. Nào tiền tài, nào địa vị, nào vàng bạc, châu báu, bia đá bảng vàng, mũ cao áo rộng cũng chỉ là giấc mộng hoàng lương thôi sao.

Chàng ôm lấy đào Dung, má sát má, môi kề môi, bảo mai ta về rồi, nếu muốn theo ta thì giờ Mão ra bến đò mà đợi.

Đào Dung nhổ máu trầu vào cái bình, đoạn ngồi dậy. Lưng chữ ngũ, vú chữ tâm, mắt thì như vâm thế kia là người thích truy hoan lắm. Đào Dung bảo, vẫn biết tấm lòng của quan dành cho thiếp, nhưng nhà chàng có năm bà vợ rồi, thì về làm vợ sáu dễ gì ăn ở với người ta. Thôi hãy ngủ với thiếp hôm nay, may ra được đứa con làm kỉ niệm.

Hai người quấn vào nhau như loài rắn ăn thề. Chả biết cuộc mây mưa thế nào mà đào Dung nức nở khóc.

Bấy lâu Chiêu Hổ chỉ có ý dâm, chứ chưa bao giờ đi trêu hoa ghẹo nguyệt. Đào Dung thất vọng khi Chiêu Hổ không tài nào xâm nhập vào mình được. Bao mộng ước vỡ tan tành sau cuộc mây mưa dang dở.

Chiếc thuyền thuận gió, lướt trên sóng như bay, đi từ Phú Xuân ra Bắc Hà. Chàng đứng trên mũi thuyền, gió thổi sàn sạt qua mặt.

Tôi là thế hệ hậu sinh, cũng mê uống trà. Thích vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục. Tôi vẫn hay mơ rằng, nếu được uống trà thì chỉ thích nhất là với Chiêu Hổ, đấy là một người chân chính, biết giữ nguyên vẹn lòng mình, không mê, không chấp vào đâu.

Trong vườn nhà, ngài Chiêu hổ ngắm hoa thu hải đường nở. Nét mặt hoan hỉ.

Chàng Hổ tiến vi quan, thoái vi sư. Đời chàng bình yên, giờ hưởng chữ nhàn trong tam lạc thanh.

Tiếng trẻ cười, tiếng thoi đưa, tiếng học trò bình văn.

Nhưng tôi lấy câu đối của bậc hậu bối là của Phạm Đình Hổ, là tiền bối của tôi, là cụ tú Hải Văn tức thân phụ của nhà văn Nguyễn Tuân để kết thúc câu chuyện này:

“Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu”

“Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”.

Phạm Đình Hổ từ khi được chẩn là mang thai, liền đi nói khắp nơi, ở đâu cũng cười vui.

Sau về Bắc Hà thì tâm bệnh khỏi hẳn.

Người thầy lang đó tài thật, dùng sự ngược đời đả thông mạch, người bệnh thấy thế cười mãi, hết bệnh.