Xuân mùa của yêu thương – Tản văn Võ Văn Thọ

301

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tết đến, Xuân về theo vòng quay của đất trời, mỗi năm một lần trong chu kỳ 365 ngày trong năm. Năm nào cũng vậy, khi tháng Chạp về là Tết – Xuân sắp đến.

Ảnh minh họa

Ai ai cũng trông mong dù bộn bề công việc, nhưng luôn hướng đến chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đón Tết, chờ Xuân về chu đáo nhất trong khả năng kinh tế của mỗi gia đình, để mong sao Tết Nguyên Đán hay Tết Cổ Truyền đoàn viên, vui vẻ, thật ấm áp yêu thương và mong năm mới đến mọi việc tốt đẹp nhất.

Một năm con cái đi làm ăn mưu sinh nơi đất khách, quê người hay đi học tập làm việc ở nơi xa, đều mong chờ dịp Tết đến, Xuân về được nghỉ Tết với thời gian dài trên dưới một tuần mới có cơ hội được về quê đón Tết sum họp cùng đầy đủ các thành viên trong đại gia đình. Tết cũng là dịp con cháu được gặp gỡ ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con xóm làng sau một năm đi xa trở về đoàn tụ. Chính vì lẽ ấy, mà ai ai cũng trông mong, nhất là ông bà, cha mẹ ở quê luôn mong ngóng, lo lắng cho con cháu đi làm ăn xa không biết có thuận lợi hay không, sức khoẻ ra sao…nên gia đình nào con cháu về đông đủ là ông bà cha mẹ như trẻ ra được vài tuổi, còn gia đình nào con cháu vì lý do nào đó không về được, đương nhiên ông bà, cha mẹ không thể có niềm vui trọn vẹn và nụ cười sẽ không tươi như bông hoa thiếu nước

Tết đến là dịp, để con cháu thể hiện sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. Những món quà tuy đơn sơ nhưng rất ấm áp tình yêu thương như cái khăn, cái áo, quần, hộp thuốc bổ, bao lì xì là những món quà được chuẩn bị sẵn để chúc mừng năm mới mừng tuổi ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu….mạnh khoẻ, an khang, hạnh phúc. Đây là truyền thống, nét văn hoá ngàn đời của người Việt còn được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.

Những ngày giáp Tết đến, Xuân về độ 28 đến 30 tháng Chạp còn gọi là Tết, còn là dịp để các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em quay quần lo các nguyên liệu như: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lá chuối xanh, lạt….để gói bánh chưng, bánh tét, bánh rò, hay chuẩn bị đường bột, trứng, khuôn để gói bánh ổ, bánh in, bánh thuẩn và các loại mứt gừng, dừa, bí…

Phải nói rằng không khí chuẩn bị đón Tết Cổ Truyền ở thôn quê rất rộn ràng có phần hơn phố thị. Chính vì lẽ đó, nên ai ai cũng muốn về quê đón Tết vui Xuân mới.

Tuổi thơ tôi hồi còn học cấp một đến cấp ba được đón Tết, vui Xuân cùng với cha mẹ, chị em trong gia đình, dù không còn ông bà nội ngoại đã mất trong chiến tranh hoặc ở ngoài Bắc xa xôi. Tuy nhiên, không khí Tết thật ấm cúng, dù thời điểm đó kinh tế còn rất khó khăn, thiếu thốn có năm chị em tôi không có quần áo, dép mới để đón Tết, nhưng bù lại được tình yêu thương của cha mẹ dành cho các con, nên thật hạnh phúc.

Ngày ấy ở quê tôi thường mổ heo (lợn) ăn Tết, nhà nào đông con khá giả hơn thường mổ một con lợn cỏ nuôi cho ăn cám, chuối, rau lang, nên thịt nạt nhiều và rất thơm, hoàn toàn không nuôi theo hình thức công nghiệp như bây giờ, không cho ăn bột và chất tăng trọng; nhà ít người thì từ hai đến ba nhà mổ một con và chia theo đùi, mỗi đùi thịt kèm theo xương để ăn Tết. Riêng đầu, lòng, tứ chi nhà nào có lợn mổ được ưu tiên dùng để cúng Tất niên cuối năm. Sau khi cúng Tất niên xong, bà con xóm quây quần bên nhau để dự tiệc Tất niên rất vui vẻ, ấm áp.

Tôi thích nhất là được tham gia gói bánh tét, bánh chưng cùng cha. Cha tôi rất khéo tay, ông hướng dẫn cụ thể từng công đoạn để sao cho gói được đòn bánh tét hay cái bánh chưng…đẹp bắt mắt, cách thức bỏ nhưn đúng chính giữa lát bánh tét sau khi bánh chín và tét bánh ra từng lát. Đây là bí quyết gia truyền không phải ai cũng làm được. Vui nhất là thức cùng mẹ, chị trong đêm 29 hoặc 30 Tết nấu bánh tét, bánh chưng bằng bếp lửa củi, mùi thơm của hương nếp, mùi gia vị trong bánh bốc hơi chín tới thơm ngào ngạt, chỉ muốn hít hà, cảm nhận lâng lâng. Trong tiết trời se se lạnh về đêm, ngọn lửa hồng ấm áp và chờ thời khắc giao thừa đón năm mới thật vui vẻ hồ hởi. Ngày ấy ở quê tôi còn được đốt pháo đón giao thừa, nên không khí Tết càng tăng hưng phấn hơn đối với bọn trẻ cùng trang lứa như tôi. Tiếng pháo nổ giòn giã, còn báo hiệu cho năm mới làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hoà. Do vậy, trước Tết nhà nào cũng đem cuộn pháo ra phơi khô khi có nắng, để mong đốt pháo đón giao thừa trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, pháo nổ giòn giã không bị tịt – tức nổ lẹt đẹt. Còn biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp được lưu giữ trong tôi khi Tết đến, Xuân về….

Mỗi vùng miền có cách thức đón Tết riêng, như dựng cây nêu ngày Tết….nhưng tựu trung Tết đến trên mọi vùng của quê hương Việt Nam đều tràn ngập cờ hoa và niềm vui hân hoan đón Tết. Chính vì lẽ đó, Tết Nguyên Đán hay còn gọi Tết Cổ Truyền dân tộc luôn được phát huy, gìn giữ và được lưu truyền mãi đến muôn đời sau… Có thể khẳng định Tết đến, Xuân về luôn là mùa của yêu thương trao gửi và hoài vọng một năm mới an nhiên, hạnh phúc sẽ đến với từng người, từng nhà trên quê hương đất nước Việt Nam ngày càng khởi sắc, tươi đẹp…

V.V.T