Xuân Trường: Mưa mai trong nắng chiều

582

Nguyễn Thanh Mừng 

(Đọc tập thơ Hai vệt nắng chiều – NXB Hội Nhà văn – của Xuân Trường)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cầm trên tay tập thơ mới của nhà thơ Xuân Trường “Hai vệt nắng chiều” (NXB Hội Nhà văn), tôi cứ bần thần về câu ca dao non cao biển rộng: “Ra đi thì sự đã liều/ Mưa mai chẳng quản, nắng chiều cũng cam”.

Câu ca ấy, thiên lý lắm, diệu vợi lắm, và nó đặc biệt hun hút ở khúc ruột miền Trung, nơi hơn bảy thế kỷ trước là dặm ngàn Ô Lý trong bước vu quy của Huyền Trân công chúa, và sau đó là những thế kỷ khốc liệt, trong mỗi hạt lúa củ khoai, ngoài trầm tích của nắng lửa mưa dầu là bóng dáng những cung kiếm binh đao. Sự khốc liệt ấy như định mệnh của một vùng đất, ít nhiều len lỏi trong mỗi số phận con người, ở Xuân Trường càng rõ nét hơn, trong sự mẫn cảm của đời sống ngang dọc, và bao quát hơn, trong bi hùng của thế hệ anh.

Quê hương Xuân Trường ở bên sông Vu Gia và ngoài ra, anh có những dấu chân tuổi thơ, tuổi trẻ duyên hải cao nguyên lang bạt kỳ hồ. Đọc câu thơ tưởng chừng giản dị: “Cám ơn mỳ Quảng hương vị còn ấm đến cuối tô”, tôi nửa đùa nửa thật với anh, cái sợi mì Quảng trong văn hóa lịch sử trung đại, nó vấn vít mênh mang lắm, thuở vua Lê mở cõi, địa danh “Quảng Nam thừa tuyên” kéo dài từ Hải Vân đến cả Nam Cù Mông và còn ngược lên Tây An Khê. Cái sự thơm ngon ấm áp mà anh diễn tả, nó vừa hiện thực với nhà thơ trong cơn mưa chiều cụ thể, nó vừa chứa đựng những trầm tích đất đai sông núi, triều đại, thời cuộc, nó vừa ăm ắp kỷ niệm “Tôi đã ăn vụng tuổi thơ mình mà mùi thơm còn trong da thịt hôm nay!”. Đi dọc hành trình thơ Xuân Trường, ta bắt gặp rất nhiều vùng đất, chênh chao tao loạn, sum vầy tụ họp, nhưng những trong trẻo của ban mai, của tuổi thơ như ẩn nấp đâu đó lại hiện về “Chấp nhận những niềm vui/ mà trời đất cho ta trong chặng cuối”. Tuổi thơ từ “Chợt con cá niên quẫy đuôi vào thơ”, đến “Nơi dế trĩu cành dâu khi nước lụt xâm xấp/ tháng mười trắng đồng Mỹ Hảo”, đến sự lầm tưởng nghi ngờ của cô bạn học qua hòn đá vu vơ ném trúng vai: “Oan và đau đã làm thành nỗi nhớ em!”. Khi cô bạn quay lại, tưởng anh là thủ phạm vì nụ cười của anh, do đó nụ cười từ nỗi oan đã biến thành niềm thơ day dứt. Nhà thơ vẫn giữ nụ cười ấy, tươi tắn đến nhức nhối, trong trẻo đến dại khờ, không thể mờ phai dù thời gian kéo dài từ tóc xanh đến tóc bạc, và nó thật dễ thương như cội rễ của ký ức, bản lai diện mục của thơ vậy! Trong dâu bể của cuộc đời, khi “nhan sắc sang sông”, có dịp gặp lại người cũ, anh may mắn được nàng “phúc thẩm” vụ án oan tuổi thơ, tình yêu đầu đời, bằng mấy từ “thật thà như rứa” rất nôm na nhưng quá chừng thần thánh! Nhà thơ dù sao cũng may mắn “trắng án” nhưng bánh xe cuộc đời đã quay bằng những quy luật riêng của nó, để lại chàng bên đường câu thơ tuyệt diệu: “Mà đổi thay có thay đổi bao giờ!”.

Bên cạnh xứ Quảng quê hương với những mặn ngọt chua cay đắp bồi trong trí tưởng, trong tình cảm, bước chân cuộc đời Xuân Trường xê dịch nhiều nơi, trong đó có những miền đất đáng nhớ như Quy Nhơn: “Nón vẫn trắng sân trường mưa con gái”; Tây Nguyên: “Gió ngang mùa khẽ gọi/ Thuở hồng hoang quay về/ Tiếng đại ngàn thổn thức/ Ôi nhạc chiều đê mê”… Như những đa tình nhà thơ, yêu hoa và yêu phụ nữ, trên rừng anh thổn thức với dã quỳ: “Em đã vàng sang ta bao nỗi nhớ không tên”, xuống biển anh hào hiệp với đỉnh Kê Gà: “Bồng bềnh em, bồng bềnh tôi/ Nước mây hai đứa một đôi bồng bềnh/ Cánh buồm trở gió chênh vênh/ Chờ em tôi cứ dần quên tuổi mình!”. Nếu nụ cười trong tuổi thơ – tình đầu của Xuân Trường là nụ cười được kết án “thật thà như rứa” thì nụ cười xế chiều của anh, có kín đáo hơn xíu “Chờ em tôi cũng dần quên tuổi mình” thế nào cũng không ngoài nhận định “thật thà như rứa!”. Tôi nhớ Raxun Gamzatop đã viết trong Daghextan của tôi, dẫn lời minh triết: “Người đàn ông chỉ có thể quì trong hai trường hợp: để uống nước nguồn và để hái hoa”. Đặt câu này trong bối cảnh tâm hồn thơ mây trời gió nước của Xuân Trường, rẽ Đông ghé Tây, đi Bắc về Nam, qua Hạ Lào sang Phnông Pênh v.v… đều bắt gặp những khúc xạ lấp lánh, nơi thẳm sâu của người đàn ông biết bao nhiêu vực thẳm đèo cao, truông dài phá rộng, giông sớm bão chiều… Gọi tên thi sĩ Xuân Trường, tôi cảm nhận, với con người ấy, giờ đã ở độ “thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”, chặng đường dài trong đời sống, tình bạn, tình thơ, rất đáng mến trọng. Cho nên trong thơ anh, bản ngã tâm hồn hiển lộ tung hoành trong khúc chiết, nồng nhiệt trong chân thành, bộc trực trong mặc trầm.

Trước “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường đã cho xuất bản nhiều tập thơ “Chùm thương nhớ” (1999); Tìm xưa (2000); “Không gian em” (2005); “Nắng trầm tư” (2008); “Chiếc cằm nũng đôi” (2013). Những năm gần đây, anh đoạt nhiều giải thưởng: Giải Nhì viết về ngành cao su; Giải Nhì Thơ Haiku; Giải Tư cuộc thi thơ Nhà văn & Tác phẩm. Bên cạnh thế mạnh là những bài thơ dài, anh lắng lại trong khuôn khổ nghiêm nhặt của haiku, vẫn tạo được đầy nội lực “Mây bay đỉnh núi/ Bìm bịp kêu chiều/ Tiếng mẹ quê xa” (Thơ haiku 1); “Núi ngậm mặt trời/ Nhả ra hoàng hôn/ Vòng quay luân hồi” (Thơ haiku 2).

Hơn 60 bài thơ trong “Hai vệt nắng chiều”, Xuân Trường chia thành ba phần: Dấu chân ngày cũ, Miền xưa thương nhớ và Ngang chiều mây trắng. Nhưng đọc thơ anh, tôi vượt qua kết cấu chỉn chu mực thước ấy, để chú ý hơn vào hai bài thơ giữa tập: Yêu và Chiều xuân uống rượu một mình. Anh đã nói rất thật (và cũng rất ảo diệu): “Thôi chúng mình hãy vượt qua ngôn ngữ để yêu nhau/ biểu hiện thấu cảm bằng những gì rất thực/ bằng mắt môi- bằng va chạm châu thân/ bằng chết điếng vào nhau/ những miếng cắn thiên thần/ bằng mất hút xác ve sau ân ái/ bằng bập bùng tâm thức đến muôn sau/ một hành trình như vậy ta yêu nhau”. Con người bộc trực đến bạo liệt ấy, cũng là con người mặc trầm đến tĩnh tại: “Rót chiều đầy một ly xuân/ Nâng lên-tôi lại-ngập ngừng-mời tôi/Ngụm buồn-dâu bể đắng môi/ Ngụm vui- nắng giấu bên trời trốn mây/ Trở mình mùa hẹn gì đây/ Mà nghe gió cứ thổi ngày qua mai/ Xôn xao sợi tóc ngắn dài/ Hỏi nhau đen-trắng xuân phai bao lần/ Xuân trời quay lại thanh tân/ Xuân lòng đi mãi, rồi bâng khuâng chiều/ Tôi hỏi tôi đã bao điều/ Trả lời -một ngụm- thật nhiều có không”.

Lật câu ca dao thời mở cõi, tách riêng hai cụm từ “mưa mai” và “nắng chiều”, nhận ra trong mưa mai có nắng chiều, trong nắng chiều không thiếu mưa mai, khí chất những cuộc dấn thân, trong mạch lạc chứa đựng mơ màng, trong chon von hàm ẩn thăng bằng, trong tuổi già dung lượng trẻ trung. Hình như còn nhiều điều để khám phá trong thơ Xuân Trường, ở thời đoạn mà anh từng tự nhận “bình minh và hoàng hôn chất vấn nhau”.

N.T.M