Xuân Trường say hai vệt nắng chiều

704

Việt Quý

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với tập thơ này, những buổi chiều như ngưng đọng, nỗi xót xa đã lặn vào sâu, thăm thẳm chiêm bao “Rồi Mỹ Đông – Mỹ Hảo chia hai vệt nắng chiều/ lần đầu tiên tôi xa mùa gặt trên cánh đồng mười bốn/ mười lăm năm sau tôi về – trống vắng/ tất cả ngày xưa đã lên đò nhan sắc qua sông”…

Tập thơ “Hai vệt nắng chiều”

Bài thơ làm tựa đề cho tập thơ “Hai vệt nắng chiều” của nhà thơ Xuân Trường (NXB Hội Nhà văn, 2018) lôi cuốn người đọc bằng chất tự sự, cũng là câu chuyện của hồi ức, phảng phất như ca khúc “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn: “Nay anh về/ qua sân nắng/ chẳng biết bây giờ/ người em gái/ duyên ghé về đâu”…

Lối kể chuyện dung dị, lớp lang đó được Xuân Trường thể hiện ở khá nhiều bài trong tập thơ này. Bởi đó là những hồi ức đời người, những ký ức thẳm sâu, chôn chặt, mang theo, được tác giả sắp theo 3 cụm: Dấu chân ngày cũ, Miền xưa thương nhớ, Ngang chiều mây trắng. Nhưng chất thơ vẫn thể hiện rõ bởi cái man mác của hoài niệm, sâu nặng của tự tình và ý tứ, ngôn từ đẹp: “Trở về thăm em giữa một chiều độc thoại/ mây trắng trời An Định, nắng hanh hao”…

Trở lại với quê hương, Xuân Trường tìm dấu chân ngày cũ: “Đã cạn mấy lần rồi mà trưa còn mãi trong ly/ tôi nhắm mắt viết trưa lên ký ức Đà thành” (Trưa Đà Nẵng); bồi hồi xao động mảng ký ức: “Chợt con cá niên quẫy đuôi vào thơ hương vị đặc sản quê nhà/ ấn tượng lần về lại là môi em tràn ta tiếng Quảng” (Mưa hạ Tam Kỳ). Đó là những kỷ niệm của một thuở hoa niên đến một thời trai trẻ, anh trải đời ở những miền đất đó, ra đi, nhớ về, trở lại với rất nhiều rung động. Từ đó, anh bật ra những câu thơ đầy ám tượng: “Và tôi thở mùa bằng đôi mắt em – nâu/ tôi lại chợt nghe mưa rừng rụng hạt xuống chiêm bao” (Nhớ Đăk Tơ Pang). “Em đã đến rồi đi như bóng mây vạt nắng/ ta một mình đâu giữ nổi heo may” (Huyền cảm sông Hàn)…

Với tập thơ này, những buổi chiều như ngưng đọng, sâu lắng. Chiều khép lại một ngày. Đời người ngả về chiều, trôi về phía bên kia sườn dốc cuộc đời. Nên chiều lao xao, mang mang hoài cảm: “Không biết có bao nhiêu chiều quê cho tôi khôn lớn đến bây giờ/ nhưng tôi biết chắc những chiều quê đã thành máu thịt trong tôi” (Chiều quê). Từ buổi chiều Ái Nghĩa xứ Quảng Nam lưu luyến “Tôi nấn ná nghe sông chảy ca dao” đến buổi chiều Phú Yên dùng dằng “Em hãy ra Ô Loan nghe vết chiều sước nhớ/ con sò cười nghiêng lửa đợi môi ai”…
Trong những cảm thức chiều đó, Xuân Trường bày biện bằng ý tứ và ngôn ngữ khá mới mẻ: “Chông chênh đá gài chân chiều thứ bảy” (Chiều Quy Nhơn); “Em hãy nhìn hộ giùm ta những mái chùa vít cong hoàng hôn vào xa thẳm” (Em có về Hội An); “Em thở dài bằng mắt” (Nhớ An Khê); “Câu thơ chết điếng trước bờ môi tươi” (Sáng nay lên đỉnh Kê Gà)…

Dĩ nhiên với người làm thơ, không thể thiếu thơ tình. Xuân Trường vừa có sự từng trải với được mất, vừa có sự tươi trẻ của hồn nhiên trong những hồi ức đan xen, quyện chặt tâm tư. Giữa bộn bề nỗi nhớ ngày vụng dại ở Quy Nhơn mà người xưa giờ nay xa nửa vòng trái đất, anh đã nhói lòng: “Nên đêm đêm tôi cứ giật mình đôi tay trở giấc/ giữa Sài Gòn lưu đọng một Quy Nhơn”; là thoáng âu lo về ngày mai bất định: “Em nhìn trong rượu có anh/ ngập ngừng chưa uống sợ thành ngày mai” (Sao em uống rượu một mình); là một người đi lấy chồng, như lẽ thường và thế gian đông người mà nhà thơ cứ thật thà làm kẻ chung tình: “Cạn chiều tôi uống vu vơ/ cạn em – tôi rót – bất ngờ – vào tôi” (Bước chân tháng chạp)…

Những dòng thơ trong tập đậm chất tự sự, song sự chân thành đem lại thiện cảm và tác giả sử dụng khá thành công nhiều thi ảnh nên bớt nặng sự kiện mà nâng lên cái tình: “Ai gánh ca dao qua miền cát trắng/ mà bồng bềnh hoa Khánh đến xôn xao” (Bất ngờ). Cả những nỗi xót xa cũng đã lặn vào sâu sau tháng năm dài, còn mất của một tình yêu đã thăm thẳm chiêm bao, sau khói sương có thấy gì đâu hay vẫn thấy rằng: “Em vẫn còn mãi trong tôi những gì đã mất/ tôi sẽ còn mãi trong em những cố ý vô tình” (Thăm thẳm bờ xa)…
Và hơn hết, gia đình là những hoài niệm thân thương, Xuân Trường thương cha nhớ mẹ, ơn nghĩa sinh thành trời biển. Cha anh hy sinh khi tuổi còn rất trẻ “đã bảy mươi năm rồi cha tôi vẫn nằm ngủ dưới sông/ những con sóng cứ ru cha về miền cổ tích/ mẹ tôi góa bụa giữa xuân thì chín ửng/ đã sống trong veo với những tháng năm” (Ngày của tôi). Nay anh hạnh phúc vì mẹ anh đại thượng thọ “Chín chín xuân – mẹ tuyệt vời/ bảy mươi xuân – con vẫn một thời – tìm cha” (Lần Xuân chín bảy).
Lúc trở lại quê nhà, dù đối ẩm hay độc ẩm, những câu thơ đều vang vọng nỗi tiếc nuối, day dứt. “Ngụm buồn – dâu bể đắng môi/ ngụm vui – nắng giấu bên trời trốn mây” (Chiều Xuân uống rượu một mình). Cũng những buổi chiều đó, “mây trắng bay chiều qua ngõ vắng người xưa/ khu vườn tuổi thơ tôi không mang theo được/ và bây giờ chỉ đất cũ với vườn nay” (Khu vườn tuổi thơ)…
Có thể nói, “Hai vệt nắng chiều” của Xuân Trường là tập thơ hay, đầy đặn, chân thành, càng đọc càng thấm.

(Theo báo NLĐ)