Xứng đáng có con đường mang tên nhà thơ Đoàn Phú Tứ

672

Gia đình nhà thơ Đoàn Phú Tứ mong muốn Hà Nội sẽ có con đường mang tên ông. Đoàn Phú Tứ (1910 – 1989) là một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ được coi là người đứng trong hàng ngũ các hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.


Nhà thơ Đoàn Phú Tứ (1910 – 1989).

Tiếng vang trên văn đàn

Trước khi đi theo cách mạng hoạt động kháng chiến, năm 1945, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn thi ca, với bài thơ Màu thời gian. Đồng thời Đoàn Phú Tứ còn là một trong những người mở đầu cho nền sân khấu nước nhà, qua gần 20 vở kịch nói, được ông viết từ khi còn trẻ, trong vòng 10 năm. Đặc biệt vào năm 1937, khi mới 27 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã gây tiếng vang lớn qua hai vở kịch Ngã ba  Thằng cuội ngồi gốc cây đa, và đạt tới ngôi vị hàng đầu của đội ngũ kịch tác gia cùng với Thế Lữ, Vũ Đình Long lúc đó.

Bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, in trên báo Ngày nay, số Tết 1940, được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, mà Xuân thu nhã tập theo đuổi. Ngay sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc và ca khúc được phổ cập nhanh chóng trong giới trí thức học sinh, sinh viên. Thậm chí, ba mươi năm sau, bài thơ vẫn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ và nổi tiếng qua các giọng hát Thanh Thúy, Khánh Hà, Ý Lan, Thái Hiền…

Đoàn Phú Tứ, ở tuổi 35, gánh hành trang của mình theo kháng chiến và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền cách mạng (1946). Ông tham gia với nhiều cương vị: Giảng viên Trường Nghệ thuật Liên khu IV, Liên khu V, viết kịch và làm báo ở Thanh Hóa. Năm 1948, Đoàn Phú Tứ được cử về Đại Từ, Thái Nguyên làm Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam và tham gia Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam. Thời gian này, Đoàn Phú Tứ chuyên tâm sáng tác, giảng dạy và đi thực tế lấy vốn sống để viết kịch. Một năm sau, ông cho xuất bản tập kịch Trở về,với nhiều đề tài phong phú phản ánh gương những người chiến sĩ và đồng bào quyết một lòng hy sinh và cống hiến cho cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ của dân tộc ta.

Bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực của Trần Dụ Châu

Tại Việt Bắc, năm 1950, ông nhận được giấy mời dự đám cưới của một cán bộ thuộc Cục Quân nhu, mà người chủ hôn lúc đó không ai khác chính là Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu. Trong đám cưới của thuộc hạ, hắn lại xa xỉ đến bất ngờ. Lợn gà đem giết mổ chất đầy bờ sông Nông Giang. Nhiều bà con nông dân còn nghĩ đến mức, nếu có múc nước sông lên lúc đó nấu canh cũng ngọt, cũng ngon. Cùng với đó, trên bàn tiệc nào là sơn hào, hải vị, rượu tây, thuốc lá ngoại, đều được chuyển từ Hà Nội lên.

Tiệc cưới được bày linh đình dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn nến, cùng với ban nhạc sống diễn ra tại một ngôi đình lớn ở Phú Bình, Thái Nguyên. Mọi sự ồn ào, khuếch trương, lãng phí làm cho tâm trạng Đoàn Phú Tứ mỗi lúc thêm một nặng nề, khắc khoải. Không ngờ lúc đó, Trần Dụ Châu oai phong tỏ rõ quyền uy, lên tiếng yêu cầu Đoàn Phú Tứ sáng tác bài thơ ca ngợi đám cưới, để làm vui lòng cô dâu, chú rể và mọi người. Đoàn Phú Tứ như chết lặng, một lúc sau bất ngờ đứng dậy, nói mình sẽ đọc một câu thơ mới chợt nghĩ ra. Mọi người im lặng. Đoàn Phú Tứ nghẹn lòng và đọc to từng chữ một: “Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/ được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”.

Nhà thơ ngay lập tức bỏ tiệc cưới ra về. Đêm hôm đó, Đoàn Phú Tứ viết một bức thư gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chức danh đại biểu Quốc hội cùng những lời tố cáo đanh thép, cộng thêm những dẫn chứng và dư luận xấu về Trần Dụ Châu. Với tính cách mạnh mẽ thẳng thắn, nhà thơ đã dũng cảm tố cáo tệ nạn tham nhũng đang diễn ra ngay trong hàng ngũ cán bộ cách mạng, làm tiền đề cho một vụ án hình sự đầu tiên trong Chính phủ ta ngay tại chiến khu Việt Bắc.Với tội danh tham nhũng chất đầy, qua những điều tra cụ thể và những chứng cứ không thể chối cãi, Đại tá Trần Dụ Châu đã bị lãnh án tử hình, cùng đồng bọn phải nhận các án tù thỏa đáng.

Mong có một con đường mang tên Đoàn Phú Tứ

Mới đây, gia đình cố nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã có bức thư gửi lãnh đạo Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội đề xuất mong mỏi tên nhà thơ được đặt cho một con đường tại Hà Nội.

Trao đổi với Lao Động, ông Đoàn Phú Tấn – con trai nhà thơ cho biết: “Gia đình đã sinh sống ở Hà Nội nhiều thập kỷ qua, chính vì thế gia đình cũng có nguyện vọng mong muốn có một con đường mang tên cụ Đoàn Phú Tứ ngay ở Thủ đô. Ở những địa phương khác như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Bắc Ninh cũng có những con đường mang tên cụ, nếu ở Hà Nội cũng có thì điều này rất ý nghĩa. Gia đình tôi đang rất mong chờ điều ấy”.

Theo Hải Minh-Phương Trang/LĐO