Xưng hô | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

829

19.9.2017-09:45

NVTPHCM- Chữ “man” trong tiếng Anh có nghĩa là đàn ông, nam giới, ai nấy đều đã rõ. Nhưng khi dùng để khái quát, “man” còn có nghĩa là con người.

 

Ấy thế, nhiều người khi dịch từ này đã dứt khoát chỉ bám vào nghĩa “đàn ông”, và như vậy là đơn giản hóa nó, thậm chí là làm thô cho ý nghĩa của từ. Ví dụ, ở mấy câu sau:

 

– Tất cả đàn ông đều có giá (thực ra nghĩa chính xác của nó là: tất thảy con người đều có giá).

 

– Nếu có thể, mỗi người đàn ông đều chọn cách chết cho mình (mỗi con người đều chọn cách chết cho mình).

 

– Sát cánh những người đàn ông mà tôi tôn trọng (sát cánh những con người mà tôi tôn trọng).

 

Trong một cuốn sách dịch, người mẹ trách yêu con gái:

 

– Mày đúng là giống như cha, giống như con gái, thật cứng đầu.

 

Đọc thế thì biết trong bản gốc, người mẹ đã dùng cụm từ like father like daughter, vốn là biến thể từ tục ngữ like father like son (cha nào con ấy). Lời dẫn của truyện đã nói rõ đây là mẹ đang nói với con gái, cho nên chữ con trai (son) cũng đã được đổi sang thành con gái (daughter). Người ta không câu nệ đến mức dịch thành cha nào con trai ấy hoặc cha nào con gái ấy. Cái câu đang dẫn ở trên đã câu nệ vào chữ “con gái”, hơn nữa lại dịch sai câu tục ngữ. Đúng ra nên chọn một cách gợi ý như thế này:

 

“Người mẹ trách yêu cô: Mày thật cứng đầu, đúng là cha nào con ấy”.

 

Nhiều người cũng câu nệ chữ con trai (son) khi dịch, nhất là trong các phụ đề phim:

 

– Lên đường đi con trai, và nhớ về thăm bố mẹ (lên đường đi con, và nhớ về thăm bố mẹ).

 

– Con gái của ta, nhớ mua cà phê cho mẹ đấy (con ơi, nhớ mua cà phê cho mẹ đấy).

 

Hình ảnh trên phim đã xác định rõ đấy là một người con trai hoặc một người con gái, quá rõ rồi, vậy thì dịch sang tiếng Việt, người ta không cần giữ nguyên cách dùng từ quá cụ thể của tiếng Anh. Sự cụ thể trong vài trường hợp nêu trên chỉ làm cho cách nói “nghe như Tây”, trịnh trọng, khách khí, thậm chí là thô.

 

Cũng là phụ đề phim, có câu người ta dịch như thế này:

 

– Các bạn đã làm tốt lắm, con trai của thành phố Chicago.

 

Sau một cuộc thi của đội tuyển các trường thuộc nhiều thành phố, ông thị trưởng khen ngợi đội của thành phố mình như vậy. Trên màn ảnh nhìn rõ đấy là một đội tuyển nam rồi, không có nữ, vậy thì cố tình dịch chữ sons thành con trai là thô, người Việt hiếm khi gọi con là con trai như thế, nghe khách khí trịnh trọng như Tây. Câu ấy thực ra có thể làm cho tự nhiên hơn: Những người con của thành phố Chicago, các bạn đã chơi hay lắm.

 

Người Mỹ hay gọi người đối diện là “you guy”. Ở ngôi thứ hai như thế, guy nghĩa là bạn, anh bạn, cậu, chú… You guy có thể dịch là “này cậu”, you guys là “này các cậu”. Trong phim Xạ thủ (Shooter), người dịch phụ đề đã làm tôi ngạc nhiên hai lần:

 

Lần đầu, người đàn ông gọi vợ và con gái:

 

– Nào, các gái, đi thôi.

 

Giật mình, nhưng rồi thấy thú vị. Chữ guy phiên âm gần như đọc thành “gai”, cho nên người dịch đã sáng tạo you guys thành “các gái”.

 

Nhưng đến lần thứ hai thì sự sáng tạo chỉ là biến báo khá tùy tiện. Nhân vật đã gọi những người lính đàn ông trong đơn vị của mình cũng là “này các gái”.

 

Thực ra dịch cho đúng thì phải là “này các cậu”. Chữ cậu trong tiếng Việt là để chỉ đàn ông, nhưng vẫn có thể dùng để gọi cả một nhóm đàn ông lẫn phụ nữ. Cũng như chữ guy trong tiếng Anh cũng để chỉ đàn ông, nhưng giờ đã được dùng đại trà, “you guys” cũng có thể nói trước cả một nhóm có phụ nữ trong ấy.

 

* * *

 

Nhân nói chuyện xưng hô, xin nhắc lại điều tôi từng nói hơn một lần: một sinh viên, một công chức, một cầu thủ, một diễn viên… khi xuất hiện trên truyền hình, phát thanh, báo chí, nên xưng hô theo kiểu công dân, đừng có em em cháu cháu. Tuổi công dân rồi, đừng có ngại xưng tôi thì bị coi là thiếu khiêm tốn, thiếu lễ phép.

 

Như nhiều ngôn ngữ phương Đông, tiếng Việt cũng khiến người ta loay hoay trong hơi nhiều đại từ nhân xưng. Phải đoán tuổi đối tượng vừa gặp để ứng phó mà xưng em hay xưng cháu. Người Bắc cứ xưng đại là em, mặc dù phán đoán sai, có khi đối tượng còn kém tuổi mình.

 

Nói chuyện người trước, giờ mới nói chuyện chính ta. Gặp bạn bè, tôi thường rất thoải mái dùng đại từ nhân xưng. Có khi trong một cuộc gặp vài ba tiếng đồng hồ, gọi bạn là ngươi, nhà ngươi, mi, rồi tự xưng là ta, là tôi, là anh, tự thấy như thế là thoải mái, đa dạng, không nhàm chán. Nhà báo Vũ Mạnh Cường có lần nhận xét: Đại từ nhân xưng của anh thật là kinh dị. Rồi Cường lục vấn: Sao anh lại gọi chị Lê Dung là cô xưng tôi, cứ như chị ấy là em của anh? Lê Dung hơn tôi gần chục tuổi, và tôi giải thích, “cô” là gọi thay cho mấy đứa cháu trong nhà cũng thân cô Lê Dung, còn xưng “tôi” vì là bạn bè. Nhưng còn Nguyễn Thị Minh Thái, cũng hơn chục tuổi, ở chốn giảng đường là một phó giáo sư tiến sĩ quyền uy, nhưng chỗ bạn bè vẫn “bị” tôi gọi là ngươi, xưng là ta. Đối tượng cũng chẳng câu nệ, thế là thành thoải mái.

 

Trong một lần tôi tiếp xúc người đọc ở Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc dẫn chương trình kể rằng chị ở xa, mỗi khi nhận được thư điện tử của tôi đều được tôi đùa mà gọi là đồng chí. Đạo diễn Việt Linh nghe thế, về sau bảo chữ đồng chí để gọi Minh Ngọc rồi, từ nay không dùng với Việt Linh nữa, mà chúng tôi sẽ gọi nhau là đồng bào. Đồng bào ơi, thế là từ đó chỉ có hai chúng tôi gọi nhau như vậy trong thư điện tử.

 

Nhà văn Ma Văn Kháng hơn tôi hai con giáp, nhưng kể từ ngày đầu gặp anh, tôi mới ở tuổi hai mươi, Ma Văn Kháng đều xưng là mình. Tôi cũng rất muốn xưng mình với đàn em trong nghề như vậy, nhưng xưng vài lần thấy chẳng hợp, thế là đổi sang xưng anh, hoặc ta ta ngươi ngươi.

 

Có lẽ cứ xưng hô như bác Tô Hoài lại hay. Bác hơn tôi bốn chục tuổi, là cây đa cây đề của làng văn, nhưng bác gọi tôi bằng tên và tự xưng là tôi. Tôi. Tôi thấy thế này, tôi làm thế nọ. Với ai bác cũng xưng như thế. Người thân vẫn thấy là thân. Người mới gặp cũng thấy đầy đủ tôn trọng mà không khách sáo.

 

 HỒ ANH THÁI

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…