Xuôi ngược bên hồ – Truyện ngắn Nguyễn Võ Khang Hạ

961

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lúc thanh thản bước đi trên con đường lát đá quanh hồ tôi nhận thấy rằng hình như vẫn còn in dấu vết bánh xe đạp lăn qua. Ngày mai tôi sẽ đi bộ vào buổi sáng để ngắm bình minh.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

– Chú đi ngược chiều rồi nghen!

Người nói là cô gái mặc chiếc áo thun màu trắng bó sát thân người cân đối vừa đi ngang qua mặt tôi kèm với nụ cười tinh nghịch nơi đôi mắt. Một nụ cười rất quen. Tôi ngoái lại nhìn cái đuôi tóc ló ra từ cái kết có logo hình Cá Sấu nhún nhảy theo bước chân nhanh nhẹn nhưng không kém phần duyên dáng của cô gái.

Hóa ra, chuyện đi bộ tập thể dục quanh cái bờ hồ này cũng phải đi theo chiều đã quy ước. Tôi thầm nghĩ.

Sương buổi sáng sớm bao phủ mặt hồ làm không gian có màu trắng đục, cô gái đã mất hút trong tầm mắt bên bờ kia. Việc nhìn theo cô gái làm cho tôi phát hiện rằng những người đi bộ đều đi ngược chiều kim đồng hồ. Và có lẽ họ cho đó là xuôi chiều. Nhớ còn trẻ, khi học toán tôi thắc mắc: “Tại sao chiều dương của góc lượng giác là ngược chiều kim đồng hồ?”. Thầy trả lời: “Tại do quy ước!”. Vậy là thời học sinh tôi được dạy rằng “quy ước” là phải chấp nhận không được thắc mắc.

Nhưng đôi khi tánh tôi không thắc mắc không được. Nhớ tháng đầu tiên hưởng lương với chức vụ Phó chánh văn phòng, cô thủ quỹ đưa một phong bì:

– Công ty X. gởi anh gọi là bồi dưỡng!

– Tôi có làm gì cho họ mà được bồi dưỡng này nọ?

– Tại đó giờ quy ước vậy! Ai chức vụ này cũng thế chứ không phải riêng anh.

Thế là từ đó về sau, mỗi khi nhận được phong bì tôi đã bỏ vào tủ hồ sơ cá nhân cất đi và cũng không quan tâm trong đó có những gì.

*

Vậy là tôi và ông Bách đã đi ngược vòng vào mỗi buổi chiều. Ông nói ông không bỏ một ngày nào đi quanh hồ bất kể mưa hay nắng. Người ta kể rằng ông bị bệnh tâm thần khi dò vé số trúng độc đắc nhưng sai đài.

– Trúng chóc! Trúng chóc!

Mỗi lần nói là một cái búng tay. Và khi những cái búng tay nhiều hơn, gia đình buộc phải đưa ông đi chữa trị. Một thời gian, ông ra viện và đi bộ tập thể dục quanh bờ hồ với chiếc xe đạp dẫn trên tay cho đến khi tôi gặp ông. Người ta không nỡ, đúng ra là không dám nhắc nhở một người bệnh tâm thần vừa điều trị tạm ổn là ông đang đi ngược chiều. Tôi cũng không biết điều này cho đến khi đổi buổi đi bộ vào buổi sáng và nghe lời nhắc nhở từ cô gái áo trắng.

Điều khá ngạc nhiên là trong những nội dung trò chuyện với tôi ông không bao giờ nhắc tới xổ số kiến thiết. Thậm chí khi nghe tôi nói về vé số Vietlott với giải thưởng hàng chục tỷ đồng ông tỏ ra rất thờ ơ. Lạ một điều là ông thích nói về hoàng hôn…

– Không có buổi hoàng hôn nào giống hoàng hôn nào! Hôm qua mặt trời ở kia, nay ở đây, màu đỏ hơn, to hơn một chút. Ông vừa nói vừa đưa tay chỉ về hướng cây còng già ngã mình xuống mặt hồ trong xanh, nét mặt phấn khích lên hẳn.

Tôi nghĩ bệnh viện điều trị bệnh tình của ông không dứt hẳn mà chỉ giảm đi một nửa.

Thật ra, có đôi lúc chúng tôi nói chuyện rất nghiêm túc, nhất là khi vấn đề có liên quan đến tôi. Nhớ có lần ông hỏi:

– Em đã về hưu hay còn công tác?

Câu hỏi làm tôi thoáng bối rối nhưng cũng trả lời thành thực:

– Dạ, em sắp về nghỉ rồi! Nghỉ trước tuổi…

Tôi định nói thêm là nghỉ theo Nghị định 132 dành cho các đối tượng không thể đề bạt chức vụ, bố trí công việc được nữa nhưng dừng lại kịp lúc. Nhắc lại những con số đối với ông thật ra chẳng hay ho gì. Biết đâu bệnh cũ tái phát thì phiền lắm.

– Nếu về nghỉ sớm được cũng tốt. Nhìn sắc mặt và dáng đi anh thấy sức khỏe của em không được tốt lắm. Công việc của em phải tiếp khách khứa thường xuyên, chắc là không thể né tránh được bia rượu. Còn trẻ ỷ sức khỏe “vào ba ra bảy”, về già mới thấy tác hại. Cũng may là em có ý thức tập đi bộ rèn luyện sức khỏe. Đi bộ tốt lắm! Anh đi không bỏ ngày nào.

Những lúc như vậy, tôi thấy ông hiền từ và thông thạo lẽ đời. Cũng có chuyện ông kể đi kể lại nhiều lần đến nỗi tôi thuộc lòng từng chi tiết. Đó là chuyện thằng cháu bị bệnh ung thư chết khi đường công danh đang rộng mở.

– Anh có thằng cháu kêu bằng cậu, học hành bài bản, phấn đấu làm việc từ cấp xã. Năng nổ, lanh lợi và mạnh rượu. Đi đâu sếp cũng dẫn theo phụ tiếp khách, uống đỡ “đạn” cho sếp. Vài năm sau tổ chức đưa về huyện, đưa vô diện quy hoạch. Ngày lên nhận công tác đầu tiên trên huyện cũng là ngày nhận kết quả xét nghiệm dương tính với K gan giai đoạn cuối.

Sau cái chuyện “thằng cháu quy hoạch ung thư” và lầm bầm điều gì không rõ khi đi ngang qua tay câu trộm cá ở trần đeo sợi dây chuyền to tướng lủng lẳng trên cổ là đề tài quen thuộc: Hoàng hôn.

Ngẫm lại việc ông Bách nói có phần đúng trong trường hợp của tôi. Việc tôi muốn xin nghỉ hưu trước tuổi một phần là tôi quá mệt mỏi với công việc. Sức khỏe cảm thấy yếu đi, khách khứa còn tỉnh bơ mà mình đã say khướt.

Hôm ngồi cà phê cuối tuần với thằng bạn chí cốt tên Đức làmTrưởng phòng Tổ chức, bàn chuyện nghỉ hưu sớm, nó nói:

– Trường hợp của mày giải quyết theo quyết định được. Nhớ là cuối năm không được hoàn thành nhiệm vụ đó!

– Kỳ vậy, chẳng lẽ bê trễ công việc để không hoàn thành nhiệm vụ?

– Ừ! Cứ vậy đi. Quy ước mà, nhớ đó!

Thế là tôi phải “hợp thức hóa” việc bê trễ của mình trước mắt mọi người trong cơ quan. Rất may là có nhà hàng Karaoke Hương Đồng Nội đối diện với cơ quan bên kia đường.

Mình sẽ là khách quen ở đây, tôi nghĩ.

Và cũng nơi đây lần đầu tiên tôi gặp Dương.

*

Thùy Dương nhắn tin:

Em cám ơn anh rất nhiều! Số tiền trong phong bì anh tặng em bằng số tiền em kiếm được trong một tháng!

Tôi trả lời:

Em xứng đáng nhận được số tiền đó mà!

Những trái tim màu đỏ tươi từ dưới bay lên hiện lên trên tin nhắn Zalo được gởi từ nickname “co gai ao trang”.

“Độ” đầu tiên ở Hương Đồng Nội đi với thằng Đức. Vụ này nó sành điệu chứ không lơ ngơ như tôi.

– Anh Đức! Sao lâu quá không qua thăm em. Cách nhau có một con đường mà như ngàn dặm. Nhớ anh muốn chết! – Một cô tiếp viên trang điểm khá đậm vừa nói vừa sà vào lòng thằng Đức, và có lẽ sau khi nhìn dáng vẻ cù lần của tôi, cô do dự đề nghị:

– Để Liên gọi một em xinh xinh nói chuyện với bạn anh cho vui nghen!

Đức có vẻ rành tâm lý:

– Em gọi em nào hiền hiền, mới vô làm càng tốt!

Lát sau, một cô tiếp viên mới vô làm đứng ngập ngừng trước cửa phòng. Tôi nhận ra điều này bởi bộ đồ cô đang mặc giống như nữ sinh hơn là đồng phục gợi cảm của một nhà hàng. Thấy Đức ngoắc tay, cô gái bước vào đứng lí nhí trước mặt tôi:

– Dương ngồi chơi với… anh được không? Ủa! Chú “ngược chiều”! Con đi bộ ngoài bờ hồ thỉnh thoảng gặp chú.

– Ở đây không có “chú cháu” – Đức xen vào.

Việc xưng hô “anh em” với một cô gái trẻ đáng tuổi con cháu làm tôi khá ngại ngùng. Cũng may là tôi và Dương còn có chung chuyện “tản mạn quanh hồ” để trao đổi. Màn hình karaoke vẫn chạy chữ mà không có ai hát, chỉ nghe tiếng nhạc. Suốt buổi, Đức và Liên cũng không hát.

Vậy đó, thế là quen. Trong cuộc đời, gặp gỡ biết bao nhiêu người.Thế mà có một người chỉ tiếp xúc một lần là có cảm tình. Giống như có cảm tình với ông già Bách. Có lẽ tôi tới cái tuổi thích lắng nghe chuyện của người khác.

– Em thích đi bộ buổi sáng để ngắm bình minh, mỗi ngày bình minh mỗi khác. Em có up một album “Bình minh” chụp từ điện thoại lên facebook của em. Anh kết bạn với em để xem. Đẹp lắm! Em rất thích ngồi nói chuyện với anh, anh biết lắng nghe giống như ba em hồi còn khỏe. Hôm nào, anh em mình đi bộ đua, anh thua em là cái chắc!

Có lần, sau khi biết được tuổi thật của em, tôi hỏi:

– Sao em nghỉ học sớm vậy?

Dương kể giọng buồn buồn:

– Gia đình em trước đây cũng khá giả. Ba mẹ em có đại lý vé số ở thị trấn Phước Song. Anh tin không, ba em từng trúng độc đắc đến ba lần. Và cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến bất hạnh cho gia đình em.

– Sao là bất hạnh? – Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt em nơi bây giờ ngấn đầy nước mắt.

– Thì cái mơ mộng được trúng số độc đắc một lần nữa đã làm ba em ngã bệnh. Tiền bạc bao nhiêu đổ vào thuốc men. Mẹ em buồn sinh bệnh rồi mất. Em phải nghỉ học sớm nuôi thân và kiếm tiền thang thuốc cho ba.

Anh có cách giúp em rồi! – tôi nói khi chợt nhớ các phong bì “quy ước” lâu nay cất kỹ trong tủ ở cơ quan.

Thế là sau đó, tôi đến chỗ Dương nhiều hơn. Thằng Đức đi hoài với tôi, vợ nó cằn nhằn nên kiếm cớ từ chối. Thế là tôi đi một mình, mới đầu cũng ngại nhưng sau đó thì cũng thấy bình thường. Quán xá nhiều thành phần ra vô tấp nập chẳng ai chú ý đến ai. Dương luôn luôn tiếp tôi như một quy ước. Khi các phong bì trong tủ hồ sơ bắt đầu ít đi thì càng ngày Dương trang điểm càng đẹp hơn và trong nói chuyện không còn e dè như các buổi ban đầu.

– Ờ anh! Sao lúc rày không thấy anh đi “ngược chiều” đón bình minh cùng em?

– Buổi chiều anh có hẹn đi bộ với một người bạn.

– Hẹn hò? Nam hay nữ? – Một cái nháy mắt tinh nghịch.

– Một ông bạn già!

Không biết ông Bách có xem tôi là bạn hay biết đâu ông xem tôi giống như những con chim sẻ tụ tập quanh ông bên bãi cỏ trong cái thế giới hoàng hôn rất riêng của ông. Và nếu tôi có hẹn chắc gì ông nhớ.

*

Bà chủ quán cà phê Góc Phố báo tin ông Bách đã mất cách đây vài hôm. Cũng trùng với ngày tôi tạm xa cái thị xã nhỏ bé này để tham gia chuyến thăm mộ đồng đội chiến trường K với mấy anh bên Hội Cựu chiến binh.

– Chết đâu hồi khuya! Đến sáng bửng có người đi bán vé số ngang qua mới phát hiện. Tội nghiệp! Nằm xuôi tay ngay bãi cỏ. Có người nói ổng tranh cãi với tay câu cá trộm, tức quá lên máu mà chết. Không biết bảo vệ cái hồ này ở đâu mà dân câu cá trộm ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật.

Tôi nhìn theo hướng chỉ của bà chủ quán. Bãi cỏ nơi có bầy chim sẻ dạn dĩ sà xuống kiếm ăn mỗi ngày. Ông thường ngồi im lặng rất lâu ở đây sau khi đi đủ năm vòng. Bầy chim có lẽ quen sự có mặt của ông nên cứ nhởn nhơ ríu rít nhảy quanh ông tìm mồi. Có lẽ đối với chúng, một ông già lẩm cẩm, thần kinh không bình thường với nụ cười tinh nghịch nơi đôi mắt là vô hại. Cầu mong ông ra đi thanh thản trong những vòng đi cuối cùng của cuộc đời. Tiếc rằng trong thời gian là bạn đi bộ của nhau tôi vô tình chưa một lần hỏi về gia đình, con cái của ông. Một cơn đau thắt từ trái tim làm tôi phản xạ đưa tay ôm ngực. Chiếc phong bì cuối cùng dành cho em vẫn còn nguyên ở đó.

Linh cảm có điều chẳng lành khi chợt nghĩ về Thùy Dương.

Đón tôi trước cửa nhà hàng Hương Đồng Nội là Liên:

– Con Dương nghỉ làm rồi! Ba nó mất đâu hồi tuần trước. Nó nói là quyết tâm làm lại cuộc đời. Nghe đâu nó đang được hỗ trợ tư vấn từ chương trình khởi nghiệp bên tỉnh cộng với một số tiền lớn của đại gia nào đó bo cho nó lúc làm ở đây. Nó biết chiều khách lắm! Em tưởng anh biết chứ… Thôi vô hát vài bài, ngồi với em… – Liên nắm tay tôi.

– Thôi, để hôm nào anh rủ Đức qua chơi! Ngày mai anh nghỉ làm ở cơ quan rồi, anh có cái này cho em! – Tôi móc túi áo đưa cho Liên chiếc phong bì cuối cùng.

*

Buổi chiều, đứng bên thành hồ tôi lặng ngắm hoàng hôn để tìm những nét đẹp như ông Bách cảm nhận, cũng như dành thời gian lựa chọn nên đi theo chiều nào. Đàn cá Koi trắng đỏ vẫn tung tăng bơi lội dưới làn nước trong xanh.

Lúc thanh thản bước đi trên con đường lát đá quanh hồ tôi nhận thấy rằng hình như vẫn còn in dấu vết bánh xe đạp lăn qua.

Ngày mai tôi sẽ đi bộ vào buổi sáng để ngắm bình minh.

2017

N.V.K.H