Y Phương & Ngọn khói lên trời

526

23.5.2018-14:00

 Nhà thơ Y Phương

 

Ngọn khói lên trời

 

Y PHƯƠNG

 

NVTPHCM- Có lẽ chỉ ở Việt Nam và một vài nước châu Á, mới có ngày âm lịch dành riêng cho dân tộc mình. Song, ta cũng dùng cả ngày dương lịch, mọi người gọi lịch tây. Lịch tây chung cho nhân loại toàn cầu. Nhưng âm dương cùng nằm trong một tờ lịch, đó mới độc đáo và khác lạ. Nhiều khi nó cũng làm ra cái sự rắc rối, dẫn đến hiểu nhầm. Hiểu nhầm chỉ vì ngày dương cứ ngỡ là ngày âm. Hoặc ngược lại. Nhất là trong cưới xin, ngày thôi nôi đầy tháng… gộp chung là ngày vui. Họ cứ nhầm nhọt lung tung làm rối trí nhớ người được mời. Khi việc qua rồi, người mời và người được mời cùng cười xòa một cái, là xong. Và họ đổ hết tội nhầm ngày cho lịch.  

 

Lịch âm tính theo chu kì tuần trăng. Cứ nhịp nhàng ban ngày con nước lên, ban đêm con nước xuống. Mỗi năm, lịch âm chửa đẻ sinh sản đúng mười hai con trăng. Trăng mập mạp no tròn rồi lại hanh hao gầy khuyết. Mười hai con trăng hay mười hai con nước cũng vậy. Trăng và nước đều mang căn tính âm. Âm ứng với tính khí nết na những người đàn bà. Ứng với sự ngọt ngào, mềm mại, tỏa hương thơm ngây ngất. Từ xa xưa, ông cha ta làm lịch theo chu kì mặt trăng. Người Trung Hoa gọi trăng là nguyệt. Đồng thời họ dùng trăng để gọi tháng. Nhâm tý nguyệt. Tam cá nguyệt… Người Tày chúng tôi gọi trăng là nàng hai. Hai chữ nàng hai, nghe nghiêng nghiêng xa lắc. Có một vầng trăng bàng bạc xa mờ,  thế nhưng nó lại xao xuyến ở trong con người. Trăng ơi trăng xuống đây cùng chơi. Làm gì có trăng thật mà chơi. Ta chơi ánh sáng của trăng đấy chứ. Ta nói cười cùng ánh sáng của trăng đấy chứ. Nhưng đôi khi ta khóc lại không cần ánh sáng của nàng trăng nữa. Trăng ơi ngủ đi, cho ta được buồn. Một nỗi buồn không ngày không tháng. Buồn cho đời người chưa kịp làm gì ra ngô ra khoai mà đã già.

 

Dân Tày Nùng quê tôi hầu như chỉ dùng lịch âm, ít khi dùng lịch dương. Và hầu như không mấy ai màng đến nó. Lịch âm vốn mang tính khí may rủi, nóng lạnh bất thường như những con vật, nhưng gần gũi với con người. Mà con vật nào cũng đáng yêu bởi chúng là thiên nhiên biết ăn ngủ, biết đi lại sống động. Ví dụ tôi sinh vào ngày con chuột, giờ con rắn, tháng con trâu, năm con dê… rõ ràng và chính xác đến từng sợi râu. Người tuổi dê nên chọn vợ tuổi con gì mới hợp. Ví dụ thế. Ngày con chó thường xung với người tuổi rồng. Ngày con ngựa hợp với người tuổi hổ. Ví dụ thế. Cứ đến ngày chợ phiên Co Xàu, phải nhằm đúng slo ết, slíp hả mùng một mười lăm chợ Co Xàu… Rõ ràng và chính xác như trong nông lịch. Bươn slam lồng chả/ bươn hả bjai nà. Tháng ba gieo mạ, tháng năm làm cỏ lúa. Nếu để thời gian quá đi, cây lúa sẽ biến thành cỏ lồng vực.

 

Ở quê tôi, không ai họp chợ vào ngày dương lịch. Không ai bấm độn, đoán số, hay gieo quẻ theo ngày dương lịch. Không ai xem ngày giờ động thổ bằng dương lịch. Không ai khai trương mở hàng bằng ngày dương lịch. Không ai ghi vào sổ sách lục mệnh giờ sinh tháng đẻ bằng ngày dương lịch. Họ nói lịch dương là lịch của mấy ông tây râu xồm. Mấy ông dương lịch xù lù xà là mắt xanh mũi lõ, khác ta mũi tẹt vai xuôi da vàng. Nói vậy để biết dân ta yêu văn hóa ta tới mức nào. Và nói vậy, không phải tỏ thái độ kì thị phân biệt chủng tộc. Văn hóa là phải nói đến cái khác nhau. Vậy thôi. Có khác nhau mới cần đến bản sắc văn hóa.

 

Tháng tư là tháng mà những người nông dân làm lụng vất vả nhất trong năm. Nhìn vào ai cũng lôi thôi nhếch nhác đen nhẻm. Mặt mũi thì hốc hác. Chân tay thì sứt sẹo. Đầu tóc thì rối bù. Người ngợm thì hôi hám. Ấy thế mà tháng tư lại là tháng không mấy ai ăn đủ miệng, ngủ đủ mắt. Xưa kia, tháng tư còn là tháng giáp hạt, đói ăn dài đến tận châu Phi. Trong nhà thiếu thịt cá, thậm chí cả muối ăn cũng không có, đấy là chuyện bình thường. Tháng tư là tháng lấm láp. Lấm láp lên hòn đá ngồi không trên bờ, lên lá non trên ngọn cây và cỏ dưới mưa sương nữa. Người vác cày vác bừa vừa đi vừa nhai. Nghĩa là họ đang thưởng thức bữa sáng đấy. Trâu thì nhồm nhoàm nhai đi nhai lại. Nó nhai cái thứ ợ lên chua loét. Người thì nhóc nhéc nhai sắn khoai, nhai ngô bắp rang. Cỏ không đủ ăn mà trâu vẫn phải kéo cày. Người không đủ ăn vẫn phải gánh rơm bừa ruộng. Người cùng trâu kéo cày từ mờ sáng, cho đến khi trăng mọc. Trăng mọc trên sừng trâu. Và hình như trăng cũng biết thương người. Nên màu trăng tỏa ra nhọc nhằn nhễ nhại.

 

Người đi thì trâu đi. Người và trâu đời tiếp đời bầu bạn. Người chăm việc thì trâu chăm làm. Bởi thế đất bùn và nhà nông không lúc nào được ngơi nghỉ. Trời nắng chang chang hay mưa nghiêng nước nghiêng sông, cũng không được ngồi nhà mà thở hắt rềnh ràng. Nhưng những người dân quê chẳng hề một phút do dự. Muốn cũng nghỉ một buổi làm đồng để đi chợ nhìn người. Nhưng đâu dám. Nghỉ một buổi là nhỡ nhàng một ngày. Nhỡ một ngày thì chậm một tháng, đói một năm. Bởi thế những người nông dân quê tôi rất sợ thời gian nhà rỗi. Ông thời gian tuột qua kẽ tay là hỏng hết việc. Thời vụ mưa nắng liên quan trực tiếp đến cái dạ dày. Mùa màng thu hoạch chắc lép liên quan đến cuộc sống ông già con trẻ. Vì thế, trong những ngày này, hễ có ai ăn diện ra chợ chơi nhông, liền bị mọi người cười bêu riếu chê trách. Có người để nguyên chân lấm tay bùn, quần ống thấp ống cao, tranh thủ chạy ù ra chợ, mua đồng quà tấm bánh về biếu cha già mẹ ốm, gói kẹo lạc cho con trẻ. Nửa cân mỡ với hai lạng muối đủ dùng cả hai phiên chợ mười ngày. Vậy là ổn. Rồi họ lại vội vàng nhong nhong ra đồng làm việc. Hai chân bước đi như chạy, còn hai tay thì bơi. Vừa đi vừa bơi. Người ta gọi kiểu đi như vậy là chó lắc.

 

Tôi trộm nghĩ, môn thể thao chạy marathon lâu đời nhất trên thế giới, có lẽ được xuất xứ từ loại hoạt động này. Những người nông dân họ đi như chạy. Người nông dân cả đời không dám ốm. Cả đời chân tay phải cứng, cho đá phải mềm. Chứ chẳng phải hình ảnh người chiến binh Hy Lạp chạy ngày đêm để báo tin thắng trận. Nghe có vẻ hoang đường lắm.

 

Tháng tư. Mở mắt là có việc. Việc chờ sẵn trong lòng bàn tay người cày ruộng. Trẻ con thì dong trâu ra đồng ăn cỏ, cho nghé cho bê ăn nắng, ăn gió, săn sương. Bê nghé cũng là trẻ con. Trước khi chúng biết ăn cỏ, nó cần tập ăn sương ăn gió. Người già sáu bảy mươi, ngồi bếp đun nấu bữa trưa bữa tối chờ con cháu. Đàn ông ba bốn mươi phải ra đồng cầm cày, cầm bừa, cầm cuốc, cầm mai đắp bờ, cầm thuổng đào mương, cầm bay xây phai ngăn đập giữ nước. Đàn bà con gái phải gieo mạ, nhổ cỏ, gánh phân từ chuồng trâu bón cho đồng đất. Bừa kĩ vừa xong, là họ lằn lưng xuống cấy. Bóng họ lắc nhịp nhàng trên đồng. Cánh đồng toàn bùn. Mồ hôi người rơi tong tong xuống bùn. Rơi tới đâu lúa mọc nghiêng lên tới đó. Mỗi giọt mồ hôi một hạt lúa. Vậy xin người đời đừng để gạo vãi cơm rơi.

 

Mãi mãi tôi không thể nào quên, không bao giờ được phép quên, hình ảnh những người đàn bà cấy lúa ấy. Họ như những khuôn cửa hình vòm cuốn. Bóng người mang hình vòng cung, lặc lè lung lay trên mặt nước. Mặt đồng ruộng rộng dài hơn mặt người. Người với đồng ruộng cùng đánh cược vào từng hơi thở. Người sống được, yêu nhau được, sinh nở được… là nhờ đồng ruộng. Cánh đồng ruộng trải ra mênh mông, kéo từ chân làng đến chân rừng. Từ chân rừng tới chân người. Những khuôn cửa người nhấp nhô như sóng trên cánh đồng đầy bùn. Bùn sánh đặc như hồ dán. Họ bì bõm từ lúc gà gáy sáng cho đến khi lung linh sao chiều mọc. Tai người chỉ còn nghe tiếng lội bùn chẻm chẻm. Bùn chẻm chẻm nói với chân người lội bùn. Đó là tiếng nói cổ xưa nhất, bền bỉ nhất của loài người. Bền bỉ như rễ cây hút nước. Bền bỉ như đá trên núi hứng tích từng giọt sương. Bền bỉ như cá dưới sông từ từ mà lớn. Bền bỉ như hoa trên cành, chầm chậm nở mà thơm. Bền bỉ sống muôn đời muôn năm không tắt. Tất cả nhờ người đàn bà.

 

Chưa thấy ở đâu có như những người đàn bà quê tôi. Họ sống một đời nhọc nhằn lam lũ. Một đời nhẫn nhục hết lòng vì chồng vì con. Cả cuộc đời họ sống cho người khác. Hi sinh tuổi trẻ lẫn sắc đẹp cho người khác. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy họ mở miệng ta thán kể khổ. Nhìn những dáng người đàn bà đi đứng mềm mại như mây bay, như khói dựng. Nhìn họ khẽ khàng ăn. Nghe họ nhẹ nhàng nói. Mới thấy những người đàn bà Tày ấm êm ngọt ngào như nước suối trong. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, không ai nghĩ rằng, những người đàn bà này có một cuộc đời đầy sự lọ mọ. Những người đàn bà ấy vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, sáng trong, thuần khiết một cách kì lạ. Trên thân mình những con người ấy, vẫn tỏa ra mùi dịu dàng tươi mát tự nhiên như đồng cỏ. Họ mang trên người mình mùi cam chín, mùi quýt ngọt, mùi bưởi thơm, mùi hồng không hạt… Đặc biệt cái mùi thơm cay của lá chàm. Chàm là cây hương liệu làm chủ, chứ không phải màu làm chủ. Màu chàm bền đến mấy qua thời gian cũng phai. Đen tím than đẹp đến mấy qua nắng mưa cũng nhạt. Nhưng cái mùi chàm cay đã ăn vào giấc ngủ và từng thớ thịt. Năm mươi năm sau, sáu bảy tám chín mươi năm sau vẫn còn thơm cay. Nghĩa là khi ta sinh con đẻ cháu thêm chắt nữa rồi, mà vẫn còn ngai ngái nhớ. Mỗi khi lòng thấy buồn, chỉ cần hả hơi ra bàn tay, là thấy ngay mùi chàm. Thế là ta hết buồn. Dăm lần tôi nói rằng, giữa họ và thiên nhiên có một sự tương quan đồng điệu. Người mà như cây cỏ. Cây cỏ mà như đàn bà. Đàn bà con gái người Tày ở đâu là ong bay hoa nở tới đó. Họ như rừng hoa chuyển động. Chuyển động như mùa màng.

 

Cũng có lần, ai đó cho rằng, đàn bà con gái sinh ra thế giới. Quả thật họ đã sinh ra những vị vua có công khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Họ sinh ra những anh hùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Họ sinh ra những văn nghệ sĩ trí thức mà tài năng của họ làm sáng danh dân tộc giống nòi… Càng ngày càng ngẫm lời nói ấy chưa có gì sai. Quả không có gì sai.

 

Đừng! Xin đừng gọi đàn bà con gái là phái yếu. Phái đẹp thì chính xác rồi. Nhưng cần phải gọi họ là phái mạnh. Mạnh như thanh nam châm hút sắt. Thử tìm trong thơ ca dân gian, ta bỗng ngộ điều này. Khỏe đâu như dải yếm mà bắc làm cầu. Mềm như cành sen mà mắc được cả áo. Thử hỏi, nếu không có họ, cánh đàn ông chúng mình chăm sóc là lượt quần áo, nhuộm tóc, cạo râu, xức dầu thơm mà chi.

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…