08.3.2018-18:15
Ngày quốc tế phụ nữ năm nay, tôi nảy ý định làm một đoạn video về phụ nữ. Tôi mời 4 người phụ nữ, độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau đến trường quay.
Điểm chung là họ đều rất ít chăm chút đến ngoại hình. Một bà mẹ ngoài 50, đã 8 năm không trang điểm kể từ đám cưới con gái. Một bà mẹ khác, đã gần 70 tuổi, nhưng chỉ ao ước được trang điểm cô dâu và mặc váy cưới một lần trong đời. Một cô gái khuyết tật chân, hàng ngày đi hát quyên tiền ở các ngã tư, nhưng luôn ăn mặc xoàng xĩnh và cùng lắm chỉ dám bôi ít son môi vì “em thế này mà xúng xính lên người ta nói không biết thân biết phận”.
Tôi mời chuyên gia đến, trang điểm cho những người phụ nữ ấy thật đẹp. Lại mượn những bộ áo dài thật trang nhã, vừa vặn để họ mặc lên. Riêng với bà mẹ muốn mặc váy cưới, chúng tôi biến bà thành một cô dâu. Rồi tôi đưa họ đến trước tấm gương trong buồng kín, để họ ngắm mình, với một bó hoa tươi.
Những người phụ nữ ấy đều rất xúc động với chính hình ảnh của mình trong gương. Họ rơi lệ. Vẫn là chính họ thôi, nhưng điều gì khiến họ xúc động? Tất nhiên không chỉ một bộ áo đẹp, tất nhiên không chỉ chút son phấn.
Họ nói với chúng tôi về cảm giác của mình khi đứng trước gương. Đầu tiên là tự hào. Tiếp đó là tự tin. Pha một chút nuối tiếc, tại sao mình không cho phép mình như thế này sớm hơn. Tóm lại, họ vui, có thể nói là hạnh phúc nữa.
Một bà mẹ nói với chúng tôi rằng, bao năm qua, bà đã từ chối biết bao cuộc gặp gỡ, giao tiếp, chỉ vì ngần ngại bởi ngoại hình của chính mình. Cô gái khuyết tật ngắn gọn rằng: “Đáng lắm anh ạ, rất đáng để em mạnh dạn tham gia cuộc này”.
Những trải nghiệm ấy khiến tôi nhớ đến một mẫu hình phụ nữ, mà có lẽ không xa lạ với nhiều người Việt Nam. Bạn tôi, bố mất sớm, mẹ anh ở vậy nuôi con khôn lớn. Một đời bà vất vả, cực kỳ hiếm khi có chút hưởng thụ gì cho bản thân. Anh con trai lớn lên, đến lúc có khả năng kinh tế, muốn báo hiếu mẹ thì không thể mua được thứ gì mà mẹ hài lòng. Từ lọ thuốc bổ cho đến đồ mỹ phẩm, trang sức… cứ mua về là bà tỏ thái độ không thích, kêu phí tiền, thậm chí bắt con trả lại. Cứ thế cho đến một hôm, nhân dịp sinh nhật mẹ, bạn tôi đặt chỗ ở nhà hàng, mua vé xem phim, rồi về ép mẹ đi. Chuyện chẳng khác gì, mẹ anh phản đối và đôi vé vứt đi, tiền đặt chỗ ở nhà hàng cũng mất. Lý do của bà là đi đến chỗ đông người lại phải trang điểm, ăn vận cầu kỳ, rất mệt mỏi và mất công, bà lại già rồi không còn đẹp nữa. Sau lần ấy, bạn tôi chỉ biết đưa tiền cho mẹ mình.
Những năm qua tôi quan sát, và tự đặt ra giả thiết về một phức-cảm-8/3. Tức là đến ngày Quốc tế phụ nữ, thì những người đàn ông sẽ đua nhau xưng tụng, nhưng lại có những người phụ nữ mỉa mai về tính thực tế của một-ngày-phụ-nữ-lên-ngôi. Số lượng ấy nhiều và lặp lại trong nhiều năm đến mức có những lúc thú thật tôi hoang mang không biết việc mình chúc mừng hay tặng quà 8/3 cho một số phụ nữ mà tôi quý thì có bị hiểu là… xúc phạm hay không?
Và điều kỳ lạ là, chính những người phụ nữ cứng cỏi nhất, quyết liệt nhất mà tôi biết, lại chính là những người bảo thủ nhất trong những nguyên tắc về gia đình. Ví như không cho con trai vào bếp, hay là chuyện “vặt vãnh” trong nhà không bao giờ hé răng than thở với chồng.
Nói là phức cảm, vì một mặt những người phụ nữ ấy không ngừng đấu tranh cho sự bình đẳng giới, sẵn sàng tham gia những cuộc bút chiến với lý lẽ cực kỳ sắc sảo và đanh thép để bảo vệ cho một quyền nhỏ bé nào đó của giới mình. Nhưng một mặt, họ gìn giữ các áp lực cho cá nhân như thế đó chính là giá trị bản ngã của họ. Bao gồm cả những nếp tề gia mà chính họ gọi là hủ tục.
Những dẫn chứng đó nhiều đến mức, tôi tin rằng phụ nữ cũng chính là một rào cản lớn trong công cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Chính chị em tự rào mình trong một mặc cảm, một định kiến về sự tự do mà lịch sử đã để lại.
Ngày quốc tế phụ nữ 8.3 đã lại đến. Chỉ mong rằng, ngay bây giờ, ngay hôm nay, sẽ có thêm nhiều người phụ nữ mạnh dạn sống cho chính mình. Bởi mỗi người phụ nữ trước khi là một giai nhân trong mắt một ai đó, thì trước tiên xứng đáng là một đóa hồng.
GIA HIỀN/VNE
>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…