(Vanchuongphuongnam.vn) – “Với thi nhân Bùi Đức Ánh, tuổi đời dường như tỉ lệ nghịch với cảm hứng thi ca, nên anh vẫn mãi hăm hở, dạt dào cảm xúc; cũng có lúc anh trăn trở, băn khoăn cùng thi hứng, âu đó cũng là quy luật, bởi lẽ không ai có thể khẳng định rằng mình đã đi hết ngọn nguồn thi hứng, bởi nàng thơ vốn “đỏng đảnh”, thi nhân vốn “đa tình”, cuộc độc hành cùng “nốt trầm xao xuyến” của nhà thơ Bùi Đức Ánh sẽ vẫn còn tiếp tục cùng tháng năm, và khi nhà thơ ra mắt tập thơ “Yêu người đàn ông đã cũ” cùng độc giả cũng là dịp để nhà thơ gặp gỡ tiếng nói tri âm: “Anh đi tìm nàng thơ/ Mấy mươi năm lạc vào giấc mơ/ Em khép nép dưới ánh trăng bên vòm lá/ Anh vội vàng đi vào giấc mơ lạ/ Giật mình anh muốn phá vỡ giấc mơ/ Để biết em là ai?” (Nàng thơ của tôi).
“Có những lúc thấy tim mình đau nhói/ Anh bắt đầu với câu hỏi vì sao?” (Mình chỉ có một đời để nhớ thôi em – BĐA), có lẽ là vậy, khi đã nhuốm màu thời gian, thời gian cũng đã khắc ghi vào ta sự từng trải, thì bất chợt nhận ra nhiều nốt trầm ẩn hiện đâu đó, nó không chỉ là háo hức và hân hoan như nốt bổng, mà nốt trầm như lắng lại, như cảm nhận, như chiêm nghiệm… và rồi anh đã nhận ra: “Em thắp đuốc đi tìm cuộc tình/ Giữa mong manh gió lùa rêu phủ/ Người đàn ông đã cũ/ Yêu em bằng cả trái tim/ Không cần lửa rơm cũng cháy tàn tháng năm/ Một ngày/ Hai ngày/ Chiếc điện thoại không reo/ Em ngồi chờ/ Nỗi nhớ ám ảnh/ Không có anh bên cạnh/ Em gọt dõi thời gian/ Lắp ghép cuộc tình cho bớt chông chênh/ Anh ở nơi xa/ Vẫn vun vén tháng ngày/ Cho tròn đầy mắt em/ Người đàn ông đã cũ/ Lặng lẽ như vì sao đêm/ Thắp cho tình yêu tươi sáng”. (Yêu người đàn ông đã cũ)
Sẽ là tập sách thứ 12 – “Yêu người đàn ông đã cũ” trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ xứ Quảng – Bùi Đức Ánh, với 88 bài thơ trong cái ngoái nhìn đầy lưu luyến, mến thương.
Thơ hay bởi tứ, Bùi Đức Ánh thường lập tứ trong cái ngoái nhìn, chiêm nghiệm; nên tiêu đề mỗi bài thơ là một gợi mở về tâm tưởng của thi nhân về những kí ức, những kỉ niệm, những khát vọng và hoài vọng… “Nhớ về em nụ hôn xưa ngược chiều gió/ Mắt mi cay, đêm rụng xuống nỗi buồn/ Sương giăng kín, hồn như chợt vỡ/ Phố ngủ rồi, heo hút bóng trăng buông/ Mùa hạ cũ chắc em đâu còn nhớ/ Con đường xưa rêu phủ bóng ta chờ/ Anh trải lòng ngờ nghệch trên trang giấy/ Viết thơ tình như thuở dại khờ/ Gió hững hờ bay ngang thềm cửa/ Mơ hồ nhắc thầm tên em/ Có phải dáng em đang đi tới/ Bước giữa tim anh bước lạnh lùng/ Bao mùa hạ chất chồng lên nhau mãi/ Ủ tình này bừng cháy giấc chiêm bao/ Em cứ để tình anh rêu phủ/ Trái tim này đã hóa xanh xao” (Tương tư)
Tình yêu như là cứu cánh để con người hy vọng và ước mơ mỗi ngày, đó là lý do để những nốt trầm ngân nga trong trái tim không tuổi tác của thi nhân. Nhà thơ luôn bộc bạch mọi nỗi niềm, suy tư với đối tượng trữ tình là em: “Trăng khuya/ dẫu nghiêng về một phía/ Đêm cuối đông/ Níu anh với nỗi nhớ thật gần/ Tình yêu như vầng trăng tròn trịa/ Mình chỉ có một đời để nhớ thôi em”. (Chỉ có một đời để nhớ thôi em). Từ lúc thanh xuân cho đến khi tuổi tác đã in hằn lên mái tóc, ánh mắt, thì con người vẫn đau đáu một nỗi niềm không lời đáp về cảm xúc lứa đôi: “Phải chi em đi giữa cơn mưa mùa hạ/ Con đường vắng tênh/ thênh thang một nẻo về/ Để em biết Sài gòn buồn hơn ở quê/ Để em đo nỗi nhớ trong lòng anh dài vô tận” (Mưa mùa hạ)
Đau đáu nhớ nhung, mong chờ, hy vọng, mỗi bài thơ trữ tình như là lời độc thoại, đối thoại nội tâm của cái tôi thi nhân, để rồi mỗi ngày trôi qua là một vùng kí ức đẹp, đó cũng là lý do để nhà thơ thủy chung với nàng thơ trong suốt cuộc đời cầm bút của mình: “Biết giấu trái tim mình nơi đâu/ Vào ngăn tủ cho tình yêu thôi trỗi dậy/ Hay nấu trong lòng cho giấc mơ tan chảy/ Phút giây nào thôi dậy sóng anh ơi” (Sẽ không yêu nữa đâu)
Tôi thích bài thơ “Yêu xa” của anh, khi nhà thơ dùng khoảng cách không gian vật lý để lý sự với lòng mình nỗi nhớ nhung cùng một chút ghen tuông, hờn giận; xa cách là cái cớ để nhận ra tình yêu mãnh liệt dâng trào trong trái tim không tuổi tác, và cũng là lý do cho nỗi nhớ có thêm phần lãng mạn: “Anh vẫn biết yêu xa là đau khổ/ Nhớ về em như sóng biển thét gào/ Cuộn trong lòng tim đau như sắp vỡ/ Nhớ làm sao trống vắng đến dại khờ/ Em ngoan ngoãn vội vàng yêu nhớ/ Vào đời nhau trên lối nhỏ tình cờ/ Vai em gầy mỏng manh như hoa gió/ Tựa vào anh cho nhung nhớ xa gần/ Yêu như thế mà trăng tròn lại khuyết/ Như tình mình thương quá hóa ghen/ Xa xôi quá anh xé vò nuối tiếc/ Tự dối lòng an ủi để em vui”
Nốt trầm lắng đọng trong cảm xúc của thi nhân ngoài tình yêu – cảm xúc thầm kín, thiêng liêng của mỗi con người; thì nghề dạy học mà anh đã trải qua cũng đã để lại nhiều kí ức, kỉ niệm đẹp, nên những vần thơ của anh khi viết về mùa hạ, phượng hồng cứ da diết: “Về trường cũ thăm lại trò xưa/ Cây phượng già rũ mình trong nắng hạ/ Có tiếng than thở qua kẻ lá/ Trách người đi mấy độ chưa về/ Tôi đứng bên gốc phượng già/ Ngắm thuở mây trôi bồng bột xa vời/ Thuở em tinh nghịch màu áo trắng/ Tôi đứng nghiêm trang trên bục giảng/ Hạt bụi nào vương đầy kí ức xanh” (Bên thềm mùa hạ)
Thời gian đong đếm tất cả mọi vui buồn của thi nhân cùng nhân gian, những câu chuyện đời thường đã hắt bóng vào thơ anh: “Chuyện về cái lu”, “Tự hào bóng đá Việt Nam”, “Chuyến xe định mệnh”, “Ngẫm đời”, “Trăng nguyên tiêu buồn”, “Yêu em thời Corona”…
Những địa danh nhà thơ từng đi và đến, cùng hình ảnh quê hương miền Trung như dòng chảy miên man trong ký ức của thi nhân để thi hứng thêm dạt dào, đó là những bài thơ: “Đà Lạt không em”, “Đà Lạt nhớ”, “Đêm thương nhớ miền Trung”, “Gởi sông Trà”, “Áo mỏng mùa xuân”… “Anh sẽ về thăm lại miền Tây/ Ngược nỗi nhớ cồn cào như trẻ dại/ Bước chân qua cầu Rạch Miểu nhưng lòng anh ở lại/ Trăng mười sáu nghiêng soi bóng đợi chờ/ Về Cái Mơn thơm phức sầu riêng/ Thoảng theo gió mùi hương nồng ngọt lịm/ Bên chợ Lách môi em cười chúm chím/ Tình ngọt ngào như ngụm nước Hàm Luông/ Bóng dừa xõa tóc xuống dòng kênh/ Em ngồi thả dáng trên song cửa/ Bao năm rồi chưa hẹn tình đôi lứa/ Anh đã yêu rồi cô gái Bến Tre ơi/ Qua Sông Tiền theo dòng chảy đầy vơi/ Chiều nước lớn nổi trôi hoa lục bình nở/ Về miền Tây đong đầy bao nỗi nhớ/ Rặng dừa xanh núc nỉu đón duyên lành” (Về miền Tây)
Với thi nhân Bùi Đức Ánh, tuổi đời dường như tỉ lệ nghịch với cảm hứng thi ca, nên anh vẫn mãi hăm hở, dạt dào cảm xúc; cũng có lúc anh trăn trở, băn khoăn cùng thi hứng, âu đó cũng là quy luật, bởi lẽ không ai có thể khẳng định rằng mình đã đi hết ngọn nguồn thi hứng, bởi nàng thơ vốn “đỏng đảnh”, thi nhân vốn “đa tình”, cuộc độc hành cùng “nốt trầm xao xuyến” của nhà thơ Bùi Đức Ánh sẽ vẫn còn tiếp tục cùng tháng năm, và khi nhà thơ ra mắt tập thơ “Yêu người đàn ông đã cũ” cùng độc giả cũng là dịp để nhà thơ gặp gỡ tiếng nói tri âm: “Anh đi tìm nàng thơ/ Mấy mươi năm lạc vào giấc mơ/ Em khép nép dưới ánh trăng bên vòm lá/ Anh vội vàng đi vào giấc mơ lạ/ Giật mình anh muốn phá vỡ giấc mơ/ Để biết em là ai?” (Nàng thơ của tôi).
Huế ngày 30/5/2020
TS. Hoàng Thị Thu Thủy