Yếu tố đối lập và thân phận con người trước thời đại qua tiểu thuyết Đợi bọn mọi

813

Lê Hương 

(Vanchuongphuongnam.vn) – J.M.Coetzee hẳn không còn là cái tên xa lạ của độc giả trên toàn thế giới cũng như bạn đọc ở Việt Nam. Từng đạt nhiều giải thưởng văn học danh giá như giải Booker (1983,1999), giải Nobel Văn học (2003), với những tác phẩm để đời như: Người chậm, Cuộc đời và thời đại của Michael K, Thời đại sắt, Giữa miền đất ấy, cái tên Coetzee được chú ý và có tầm ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Cũng như các tiểu thuyết trước đây, Đợi bọn mọi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn bậc thầy Coetzee. Ở Đợi bọn mọi, Coetzee đã sử dụng hiệu quả yếu tố đối lập nhằm vạch trần bộ mặt thối tha của chủ nghĩa đế quốc và phản ánh nỗi thống khổ của con người trước thời đại.

Lật giở từng trang sách Đợi bọn mọi, chúng tôi nhận thấy các yếu tố đối lập cứ rờ rỡ hiện lên như là bộ mặt trần trụi, ngổn ngang của cuộc sống. Lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ vùng biên giới hẻo lánh, nơi vị Quan tòa cư trú và làm việc, chứng kiến và trải nghiệm cảnh tra tấn, đối xử tàn bạo với tù nhân, Đợi bọn mọi gợi mở và kích hoạt niềm thương cảm, sự phẫn nộ của người đọc đối với những con người vô tình hay hữu ý rơi vào vòng xoáy đó. Thật dễ để nhận ra hai hình ảnh đối lập được Coetzee xây dựng rất thành công, đó là vị Quan tòa vô danh và đại tá Joll. Vị Quan tòa chính là người quan sát, nếm trải và kể lại toàn bộ câu chuyện. Dưới góc nhìn của người kể chuyện xưng tôi/vị quan tòa câu chuyện mang đầy tính tự thuật, chân thực và sinh động. Theo lời giới thiệu ở đầu truyện thì vị Quan tòa là “một công chức có nghĩa vụ phụng sự cho Chính phủ” (tr.24). Tuy giữ chức vụ là Quan tòa nhưng nhân vật tôi chỉ “chủ tọa ở tòa hai lần một tuần”, ngoài ra, vị Quan tòa phải làm nhiều công việc khác như: thu thuế, quản lý đất công, giám sát việc lo liệu cho đơn vị đồn trú, quản lý các sĩ quan cấp dưới, theo sát hoạt động buôn bán… Nhờ đảm nhiệm nhiều chức vụ như vậy nên ông có cơ hội tiếp cận cảnh tù binh bị giam giữ và đánh đập.

Khác với vẻ ngoài lạnh lùng, bạc ác của đại tá Joll và những con người làm việc cho Chính phủ, vị Quan tòa là người thân thiện, giàu lòng thương cảm. Ông thường mủi lòng khi chứng kiến cảnh tù binh hay những người được bắt giữ bị ngược đãi, tra tấn. Lòng thương cảm của nhân vật tôi đã được Coetzee miêu tả qua những chi tiết, hành động cụ thể. Khi chứng kiến cảnh hai tù nhân bị trói, người bốc mùi mồ hôi và nước tiểu, ông đã gọi lính canh đưa họ đi tắm. Khi thấy “mặt cậu thiếu niên sưng húp và thâm tím, một bên mắt sưng phồng không mở nổi” (tr.14), tôi đã ân cần dò hỏi cậu bé và xỉa xoáy đại tá Joll (kẻ ra tay với cậu bé). Khi biết được một đứa trẻ tay bị trói chặt “sưng phồng và tím tái” (tr.23), ông đã nới lỏng sợi dây trói và đi kiếm đồ ăn cho nó. Có thể nói, giữa không gian tối tăm, mờ mịt của phòng giam, trước những truy vấn khô càn, cách hành xử dã man của những kẻ dưới quyền Chính phủ, mà tiêu biểu là đại tá Joll và những tên lính, thì sự xuất hiện của vị Quan tòa có lẽ là một điểm sáng, một đấng cứu thế cho những con người lỡ lâm vào chốn đọa đày.

Theo suốt mạch kể của nhân vật tôi, độc giả sẽ không khó khăn khi nắm bắt các tình tiết của câu chuyện, bởi lẽ ở cuốn tiểu thuyết này, Coetzee không cố ý lật trở, đảo ngược thời gian. Mạch truyện cứ thế tuôn trào như một dòng suối miên man, không hề quấy nhiễu, ngưng tụ. Câu chuyện cứ diễn ra như nó phải thế. Vị Quan tòa – người chủ tọa các vụ án, là kẻ thực thi công lí nhưng không thể đòi được công lí cho chính mình và những con người vô tội. Ngài đại tá Joll là kẻ nắm quyền quân sự nhưng lại lách luật, lộng quyền để ngang nhiên đàn áp và gây tội. Hai nhân vật này là hai thái cực đối lập nhau, nên khi làm việc hay chạm mặt nhau, giữa họ thường xảy ra mâu thuẫn. Trái với Vị Quan tòa – một con người giàu lòng trắc ẩn, thì Đại tá Joll là một kẻ máu lạnh, bất nhân, không một chút tình người. Ông ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích của mình. Trong chiến dịch truy quét bọn mọi, Đại tá Joll hù dọa và lợi dụng ngay một đứa trẻ đang “bị thương rất nặng và đuối…” (đang được bác sĩ chăm sóc) chỉ để làm nhiệm vụ dẫn đường. Sự trơ trẽn của ngài Đại tá đã làm cho vị Quan tòa không chỉ bất bình mà còn vô cùng ấm ức “tôi đã thấy quá phiền phức vì sự hiện diện của ông ta, đến mức không từ nào miêu tả chính xác cảm giác của tôi hơn là đang chịu đựng ông ta” (tr.33). Như vậy, những mâu thuẫn giữa tôiĐại tá Joll không chỉ thể hiện ở bề mặt, mà còn lách sâu trong từng vách ngăn tâm hồn. Cơn giận dữ của vị Quan tòa lên đến cao trào khi Đại tá Joll ủy quyền lại cho ông quản lý việc nhốt và biệt giam các nghi phạm chỉ bằng một lá thư có con dấu của Cục. “Ông ta thật lố bich! tôi hét lên và quát tháo ầm ĩ cả căn phòng” (tr.43). Đối với tôi/ vị Quan tòa, việc làm của Đại tá Joll thật điên rồ và vô lý, bởi những người bị bắt giam ấy chỉ là những thổ dân đáng thương. Họ sống lầm lũi dọc bờ sông và tận dụng nguồn thức ăn từ thiên nhiên như câu cá, bẫy thú, “Họ sống trong nỗi khiếp sợ con người, lẩn lút trong những bờ lau” (tr. 45). Đến độ những thổ dân đó còn không giao tiếp với nhau bằng một thứ tiếng, thì lấy cớ gì lại “quy chụp” họ vào tội mưu đồ hay cấu kết chống lại Chính phủ.

Đại tá Joll quả là một kẻ hiểm ác, lật lọng. Không trừ một thủ đoạn, không trừ một cơ hội, ông ta thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót bất kì một đối tượng nào bị ngờ vực là đồng lõa với những kẻ được cho là bọn mọi. Vì đối lập về tính cách, quan điểm sống và thói làm việc nên giữa vị Quan tòaĐại tá Joll thường xảy ra những cuộc đấu khẩu xỉa xói, mỉa mai “Suốt một thời gian thử thách, cả ông ta và tôi đều đã kiềm chế để cư xử với nhau như những con người văn minh.” (tr.57). Họ còn làm việc và nhìn mặt nhau được có chăng là vì đặc thù công việc và những con sóng ngầm cứ dồn tụ trong lòng. Đại tá Joll và quân lính là kẻ đại diện cho bộ mặt độc ác, tàn bạo và bất công của chủ nghĩa Đế quốc. Sự bạo ngược, coi thường mạng người của chúng hiện lên qua nhiều tình tiết như: tên lính định khâu luôn thằng bé – người đang sống vào tấm vải liệm với người chết, lấy dao đâm chơi và ngoáy vào cơ thể một đứa trẻ đang ngủ, quăng thức ăn qua ô cửa cho tù nhân…  Những kẻ này đối xử với tù nhân như thú vật. Chúng không hề mảy may xót thương hay xem họ là người theo đúng nghĩa. Và, những tù nhân mọi rợ đôi khi phải chịu đựng sự đối xử ấy như là quy luật của tạo hóa, bởi họ biết rằng, nếu kháng cự, họ sẽ chẳng nhận được gì hơn ngoài đau đớn và những cái chết thảm thương. Như vậy, sự thù hận của các tù nhân với những tên lính không chỉ biểu hiện rõ ở hành động, mà còn thấm sâu trong từng huyết mạch. Vị Quan tòa tuy là người đầy tớ trung thành phụng sự cho Đế quốc, nhưng chứng kiến biết bao cảnh đối xử bạo tàn và hiểm ác của chúng, nỗi phẫn uất của ông ngày một lớn thêm. Sự phẫn uất của nhân vật tôi được Coetzee diễn tả  theo mức độ tăng dần: người lạ (những tù nhân), người thân (cô gái mọi), bản thân ông.

Một trong số những tù nhân được Đại tá Joll mang về và bị bỏ rơi là “cô gái có mái tóc đen”, “khuôn miệng rộng”, “đôi mắt đen nhìn xuyên suốt” (tr.61). Cô gái có hoàn cảnh đặc biệt là bố cô bị bọn lính đánh chết, cô thì bị đánh gãy xương chân và mù mắt, phải ngồi ăn xin trên đường. Chính nỗi ấm ức về tội ác của bọn lính và lòng xót thương trước hoàn cảnh éo le, khổ hạnh của cô gái mọi đã giúp vị Quan tòa trở nên kiên định hơn. Ông gợi ý cho cô làm công việc dọn dẹp ở nhà mình, nhưng đó là cách khéo léo để ông có thể ngày đêm chăm sóc, an ủi cô. Ban đầu, vị Quan tòa chăm sóc cô với tất cả sự tận tụy và lòng chân thành đến độ thánh thiện. “Tôi rửa chân cho cô một cách chậm rãi, cảm giác hồi hộp tăng dần” (tr.66). Ông đối xử với cô giống hệt một người mẹ đang chăm chút đứa con nhỏ dại, thơ ngây của mình. Ông nắn từng khớp xương, luồn ngón tay vào những kẻ chân, tìm băng sạch để quấn chân cho cô… Có những lúc đang miệt mài chi chút cho cô thì cơn buồn ngủ chợt ập đến, khiến ông rã rời, gục đầu, ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Cách Coetzee miêu tả tỉ mỉ từng động tác, cử chỉ quan tâm,  chăm sóc của tôi dành cho cô gái làm cho người đọc cảm thấy ông vô cùng nhân hậu và cao thượng. Nhưng, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”,  sự gần gũi và đụng chạm vào cơ thể cô gái đã khiến tôi không làm chủ được hành vi cảm xúc của mình. Ông đã chiếm đoạt cô bằng bản năng của giống đực khi gần gũi với giống cái. Cách mà vị Quan tòa đụng chạm, gần gũi cô giống hệt người tình, hơn là người yêu. Và, đôi lúc, ông còn mơ hồ không biết thứ tình cảm mà ông dành cho cô là gì. “Tôi thậm chí còn không dám chắc rằng liệu tôi có thèm khát cô” (tr.95). Những trận làm tình của ông đối với cô cứ diễn ra trong dè dặt và hoang mang, trong cô đơn và vụng dại. Lúc đang cảm thấy ngờ vực và hoài nghi về thứ tình cảm ấy, tôi lại đi tìm niềm vui xác thịt ở cô gái đã quen biết cả năm nay “Khi đang đắm chìm trong những khoái lạc ngọt ngào này, tôi không thể hình dung nỗi điều gì đã lôi kéo tôi đến với cơ thể thuộc chủng tộc khác kia. Cô gái đang trong vòng tay tôi kích động, thở hổn hển và rên rỉ khi lên đỉnh. Mỉm cười trong lạc thú rồi chìm vào một cơn mơ ngủ chập chờn, tôi chợt nhận ra rằng lúc này mình thậm chí còn không thể hình dung ra được khuôn mặt của cô gái mọi kia” (tr.94). Ở cạnh cô gái, vị Quan tòa đã bung hết bản năng đàn ông của mình bằng những trận làm tình đầy say mê và cuồng nhiệt. Cảnh làm tình này đối lập với cảnh làm tình giữa ông và cô gái mọi. Nó mãnh liệt và tràn đầy nội lực, lạc thú và đầy khoái cảm. “Chưa một giây phút nào tôi thấy hoài nghi về sự ham muốn của mình” (tr.96). Tôi làm tình và cưng nựng hai người phụ nữ này trong không gian chật hẹp – căn phòng. Đây là không gian riêng tư, không gian của của sự sống, của tình yêu thương; nó đối lập với không gian xa lạ, lạnh lùng, xô bồ ở ngoài quảng trường rộng lớn; nó cũng khu biệt với không gian rùng rợn và đầy nỗi sợ hãi của phòng giam tù nhân.

Đợi bọn mọi, Coetzee chạm nhiều đến không gian phòng giam và không gian phòng ở của tôi. Hai không gian này là không gian sống, song cũng là không gian tâm tưởng. Ở không gian phòng giam tù nhân, vị Quan tòa luôn ở trong trạng thái ức chế và oán giận thói bạo tàn của Đại tá Joll và những tên tù binh. Trái lại, ở không gian phòng ở, với vị thế là chủ, ông luôn cảm thấy bình yên, sảng khoái và hứng thú. Đây là không gian để ông mong mỏi trở về, được là chính mình sau những cuộc “vật lộn” đầy căng thẳng với thế giới bên ngoài.

Sau những ngày tháng chở che, ái ân với cô gái mọi, vị Quan tòa quyết định đưa cô trở về với cuộc sống của mình. Hành trình đưa cô gái trở về với bộ tộc của tôi vô cùng gian nan và nhiều thử thách. Ông và những tên lính phải trải qua những cuộc đấu trí để chống chọi lại sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Cảnh tuyết đóng băng, bão bùng, ngựa bị đuối, lương thực cạn kiệt đều đối lập với sức người và niềm mong mỏi về một chuyến hành trình suôn sẻ và thuận lợi của vị Quan tòa. Lúc sắp rời xa cô gái mọi là lúc tình cảm của nhân vật tôi dành cho cô gái sâu sắc và lớn dần lên. “Tôi ôm chặt cô với cảm giác khoái lạc và kiêu hãnh mãnh liệt nhất trong đời…” (tr.142). Khung cảnh làm tình giữa vị Quan tòa với cô gái mọi trong túp lều rất đỗi say mê và ngọt ngào, đến nỗi có đôi lúc ông đã mường tượng mơ hồ được làm cha những đứa con của cô. Tình cảm của tôi với cô gái lúc này đối lập với thứ tình cảm nhợt nhạt, vô định khi còn ở trong căn phòng. Cô gái cũng thế. “Không. Em không muốn về lại đó nữa” (tr.153). Sự thân quen và gần gũi xác thịt với vị Quan tòa khiến cô bịn rịn, lưu luyến, không muốn rời xa ông. Nhưng có lẽ bản năng sống hoang dại đã đưa đẩy từng bước chân của cô tiến về phía đồng loại. Ông không quên dành cho cô những cử chỉ âu yếm như vuốt má, cầm tay. Lòng ông ngập tràn nỗi bâng khuâng, nuối tiếc “Chỉ còn cảm giác trống vắng, và nỗi quạnh hiu đến mức tôi cảm thấy cô độc và lẻ loi đến vậy”. (tr.156).  Trái tim của tôi cũng như cô gái, nó đập ngổn ngang giữa hai bờ chênh vênh. Ông muốn có cô ở bên nhưng lại muốn cô được trở về với cuộc sống của mình.

Trở về với nơi mình công tác, vị Quan tòa gặp phải một rắc rối vô cùng lớn. Ông bị Cục “quy chụp” vào tội âm mưu cấu kết với kẻ thù. “Mối liên kết giữa tôi và những người lính của Chính phủ đã đứt đoạn, tôi đã đặt mình vào vị trí đối lập, sự ràng buộc bị phá vỡ, tôi thành người tự do”  (tr.166). Đưa cô gái về với bộ tộc là cách tôi thể hiện sự tôn trọng tình yêu của mình, nhưng điều đó lại cản trở cuộc sống của ông. Từ một vị Quan tòa có chức quyền, quyết định việc xử án, luôn được Cục tin tưởng, giờ đây tôi trở thành một tù nhân, một kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa Đế quốc. Cuộc sống trước đây của Quan tòa huy hoàng bao nhiêu, thì giờ đây lại thảm hại bấy nhiêu. “Tôi ăn uống thô tục như một con chó. Cuộc sống dã man đã biến tôi thành một con vật” (tr.170). Vị Quan tòa thà tự do trong đau đớn, tủi nhục, còn hơn phải tiếp tay cho bọn “lòng lang dạ sói”. Coetzee đã để cho tôi độc thoại  miên man trong dòng chảy ý thức. Trong những cuộc độc thoại đó, vấn đề tự do được Coetzee nhắc tới khá nhiều. Đó có lẽ là chủ ý của nhà văn bởi chủ nghĩa Đế Quốc luôn hô hào giương cao ngọn cờ tự do và bình đẳng nhưng chúng luôn tìm đủ cách, làm đủ trò để kìm kẹp và thủ tiêu những giá trị nhân văn cao đẹp ấy. Vị Quan tòa – một tay sai bao năm của chủ nghĩa Đế quốc, giờ đây chỉ vì muốn tự do, vì muốn được sống cuộc sống của chính mình lại bị chúng đàn áp và đối xử bất công như thế. Sự ác độc của chủ nghĩa Đế quốc với vị Quan tòa ngày càng tăng: từ bắt giam giữ, thẩm vấn, đến tra tấn. đánh đập, làm thú vui… Đi kèm với những cách đối xử ấy, sự phản kháng của tôi cũng ngày một tăng: từ chỗ chấp nhận, chịu đựng, đến chỗ chạy la hét, khóc thảm thiết, lên án….

Tôi đối đầu với những kẻ đại diện của chủ nghĩa Đế quốc trong cô độc nhưng đầy vẻ kiêu hãnh. Người đọc chắc chắn vô cùng xót xa và cảm phục khí chất của ông. Rơi vào tù ngục, vị Quan tòa được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến nhiều hơn cảnh tra tấn vô cùng dã man của bọn thú vật với tù nhân. Nào là buộc các tù nhân vào nhau, khoen thép xuyên qua miệng. Nào là vung gậy, đánh cho lưng tù nhân bay hết chữ…. Chúng không có chút nhân tính khi đối xử với tù nhân. Vị Quan tòa là một trong những minh chứng điển hình ấy. Ông bị tra khảo và đánh đập chẳng thua kém gì các tù nhân khác. Khi cơn đau giằng xé quá ngưỡng, ông chợt khóc nức nở, tái tê trong bất lực và tuyệt vọng. Ngay cả những nhu cầu sơ đẳng tối thiểu nhất với một con người là uống, đi tiểu, và nằm ở tư thế nào cho đỡ đau giờ đây cũng trở nên xa xỉ đối với ông. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, hình ảnh cô gái mọi luôn thường trực trong tâm trí của ông. Dù ở hiện thực hay giấc mơ, thì có lẽ đó là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua mọi khó khăn để biết rằng mình còn thở với đời. Những giấc mơ về cảnh gần gũi, ấm áp yêu thương với cô gái mọi đối lập với hiện thực cay nghiệt, rất đỗi phũ phàng của ông.

Cuối tiểu thuyết Đợi bọn mọi, Coetzee đã đẩy hình ảnh của nhân vật tôi tha hóa đến mức thê thiết. Chúng ta không khỏi xót xa cho một phận người đang ở đỉnh cao của vinh quang, bỗng chốc rơi vào vực thẳm của xã hội. Còn gì thảm hại hơn khi một vị Quan tòa lại bị treo lủng lẳng trên cây bằng bộ đồ lót của phụ nữ. Còn gì đáng thương hơn khi một người đầy quyền lực như tôi phải đi hát dạo để kiếm sống và hít hà mùi thức ăn quanh trại lính để vợi dịu cơn đói khát. Còn gì nhức nhối hơn ước nguyện “không bao giờ biết đến cơn đói” (tr.265) của một kẻ từng sống dư giả và bao bọc người khác như tôi. Giọng điệu của Coetzee tỏ ra lạnh lùng nhưng vẫn đầy thương cảm đối với những bi kịch của con người trước thời đại. Bằng ngòi bút đặc tả tinh tế, ông dồn nhân vật tôi đến cuối đường hầm tuyệt vọng nhưng vẫn mở ra một chút tia sáng nhỏ nhoi. Tôi vẫn bước những chặng đường chông chênh và mơ hồ phía trước với những ám ảnh về nỗi đau, với những suy ngẫm về bản chất của thời đại. Cái thời đại u mê và tối tăm đến nỗi con người không được sống và làm việc theo cách của mình. Ngay cả tình yêu cũng thế, vị Quan tòa không được phép yêu cô gái mọi. Tình yêu đó chỉ có thể lấp lánh trong ký ức nhòe nhạt và xót xa. Lúc gần gũi với cô gái có bốn mặt con, khi vô tình được biết cô gái mọi đã từng khóc và đau khổ nhiều vì mình, lòng ông dấy lên một nỗi đau đớn vô tận “Cơn lốc những đau khổ cùng cực ập lên tôi” (tr.307). Phơi bày tận cùng nỗi đắng cay của con người, Coetzee muốn vạch trần bộ mặt tàn ác và bỉ ổi của chủ nghĩa Đế quốc. Có lẽ nơi nào còn có bóng dáng của chúng thì nơi ấy con người còn không có một ngày được bình yên.“Mình muốn sống ngoài dòng lịch sử mà Đế chế áp đặt lên những thần dân của nó, kể cả ở những thuộc địa đã mất. Mình không hề mong bọn mọi bị lịch sử của Đế chế trấn áp. Sao có thể tin rằng đó chính là nguồn cơn của nỗi hổ thẹn?” (tr.312). Rõ ràng, những áp đặt của Chủ nghĩa đế quốc là cực kì phi lý và bất công. Bọn mọi thực chất là ai? Đó chẳng qua là những con người bằng xương bằng thịt, sống ẩn dật ở những nơi hẻo lánh, vì chưa được tiếp cận nhiều với nền văn minh hiện đại, vì khác biệt về màu da nên họ bị Đế chế phân biệt và xem là thảm họa của nhân loại mà thôi. Họ không hề gây tội lỗi hay nguy hiểm đến bất kỳ ai. Vì thế, nguyện ước được sống ngoài vòng áp đặt của Đế chế và hi vọng những thổ dân được coi là mọi ấy không chịu sự đàn áp là một mong muốn chính đáng của tôi.

Có thể nói, với thủ pháp tẩy trắng nhân vật và nỗ lực nhòe mờ không – thời gian ở Đợi bọn mọi, Coetzee muốn đặt ra một vấn đề vô cùng ý nghĩa ở bất kỳ thời đại nào. Đó là vấn đề tự do và nhân quyền. Đây là nhu cầu tối thiểu và cần thiết của mỗi con người, nhưng nó vẫn chưa được tôn trọng và đáp ứng một cách thỏa đáng. Tệ hại hơn, nó còn bị cản trở và bóp méo bởi sự áp bức và lộng quyền của chủ nghĩa Đế quốc. Có lẽ chừng nào chủ nghĩa Đế quốc còn giơ những chiếc răng sắc nhọn ra lăm le, đe dọa nhân loại thì chừng ấy Đợi bọn mọi còn cất cao giá trị phản ánh của nó.

L.H

Tài liệu tham khảo: J. M. Coetzee, Đợi bọn mọi, NXB Văn học, năm 2014