Cái cân tình bạn – Truyện ngắn của Văn Lê Tám

1900

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà Bà Tư hôm nay vui lắm, người ra vào tấp nập. Cười nói rôm rả, ai cũng mừng vì lâu lắm vợ chồng Tuấn mới về thăm nhà. Ông Tư đi ra đi vào trà nước, Bà Tư cặm cụi ngồi canh chừng nồi bánh tét đang sôi sùng sục. Thảo tiến lại gần ân cần với mẹ chồng.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

– Mẹ để đó con coi chừng cho. Mẹ vô nhà nghỉ ngơi đi.

– Ờ! Để cho mẹ… con ngồi xuống nghe mẹ hỏi nè.

– Dạ!

– Tụi bay tính ít bữa có về Đồng Tháp ghé thăm anh chị sui hay đi thẳng Sài Gòn luôn con?

– Dạ! Anh Tuấn nói về Sài Gòn luôn. Tết tụi con mới về thăm Ba Má con.

– Ừ! Tụi con tính sao cho đặng bề cả hai đàng nghe con.

– Dạ!

– Mà chiều nay thằng Tuấn nó tính sao vậy? Bạn bè nó không biết có đủ đầy như mọi năm hông nữa? Hổng nghe nó nói gì hết trơn hết trọi, rồi sao biết đường chuẩn bị đồ ăn?

– Dạ! Con nghe ảnh bàn với Ba là cũng như năm rồi. Nhóm bạn học chung và chơi với nhau từ nhỏ. Khoảng 10 người đó Mẹ.

– Ờ! Mà tao không chịu nó rủ thằng Đồng đâu à nghen!

– Thôi má ơi! Chuyện qua rồi mà má, bỏ đi. Mà cái vụ đó thằng Đồng nó làm đúng nhiệm vụ mà má. Tuấn từ trong nhà bếp vừa nói vừa bước ra tay cầm con cá tra dài thượt.

– Em mần con cá dùm anh nghe Thảo!

– Dạ! Đưa em…

– Thôi sao được! Má giận nó giữ lắm. Tao buôn thúng bán bưng cũng vì cuộc sống, cũng là để nuôi tụi bay ăn học nên người. Hoàn cảnh nhà mình nó còn lạ lẫm gì, lúc còn nhỏ nó ở nhà mình nhiều hơn nhà nó, tao coi nó như con cái trong nhà. Má không nghĩ thằng Đồng nó làm như vậy với má! Hành động của nó cứ ám ảnh bao năm qua, chắc nó theo má hết đời Tuấn à!

*

Tuấn và Đồng là đôi bạn chơi với nhau từ học lớp 1, nhà cách nhau một con sông lớn, nhưng không ngăn được sự thân thiết và quấn quýt nhau. Trong nhóm chơi chung còn có Mãnh, Nhã, Trang, Chi và Nụ là chị con người Bác của Tuấn. Ngày nào nhóm bạn cũng hẹn nhau đi học, chiều về tắm sông, hớt cá lia thia, chơi nhà chòi, chơi trò làm cô giáo. Tối túm tụm bên ngọn đèn dầu loe lói tại nhà Tuấn học bài, nghe ông Tư cha Tuấn kể chuyện kháng chiến.

Bà Tư như là người “Mẹ tập thể” của cả nhóm, bà chứng kiến và theo dõi bước trân trưởng thành của từng đứa. Bà nấu cơm, làm bánh… phục vụ toàn đội. Bà cũng rất nghiêm khắc trong cách bảo ban và răn dạy các con mình, mặc dù bà không hề biết chữ. Trong số này gia đình của Đồng là khá giả nhất, vì có Cha làm lãnh đạo cấp huyện. Tất cả còn lại là con của những gia đình nông dân nghèo khó.

Lên cấp ba, các bạn cùng học một trường, nhưng không chung lớp như ngày nào. Riêng Nụ thì đi Trung học sư phạm. Tình bạn và ký ức của tập thể các bạn vẫn vậy, họ thường xuyên liên lạc và thăm hỏi nhau.

Tốt nghiệp phổ thông Đồng đã được Cha sắp sẵng công việc vừa làm vừa học ở huyện. Nụ ra trường thành cô giáo tiểu học vùng sâu, Trang đi Cao đẳng sư phạm, còn lại bốn bạn thênh thang dắt tay nhau vào giảng đường của Đại học Cần Thơ. Người mừng nhất là Bà Tư, các con của Bà đã vào đời bằng một hành trang không gì tuyệt bằng.

Bà Tư vẫn tiếp tục với công việc mưu sinh của gia đình bằng con cá, mớ rau. Sáng dậy sớm quẩy gánh hàng rồi bệt mông bên chợ huyện mãi trưa chợt mới về. Ông Tư thì đổ nò, dỡ lú để có sản phẩm cho bà Tư ra chợ ngồi, cốt là nuôi cho bầy con đang tuổi ăn tuổi học, trong đó có Tuấn.

Hôm ấy, Bà Tư đang loay hoay thồi tiền thừa cho khách thì nghe bạn hàng réo nhau.

– Chết chết… chạy… mấy ổng lại kìa.

Bà Tư không kịp phản ứng. Ngước mắt nhìn lên thấy Đồng đĩnh đạc trong bộ trang phục của ngành quản lý thị trường.

– Ủa! Đồng hả con… nhìn con má Tư nhận không ra luôn, thành người lớn rồi nhe!

– Dạ… dạ! Để con làm việc…

Trả lời bà Tư xong Đồng lấy cái cân của bà đi mất. Bà Tư không thể nào tin vào mắt mình nữa. Bà đứng chết lặng như một pho tượng trước vô số những con mắt và cái miệng bất ngờ của tiểu thương xung quanh.

*

Buổi chiều thật vui, lũ trẻ ngày xưa có dịp trở về “căn cứ địa” của chúng. Nhã và Chi thành một gia đình với hai cháu nhỏ, họ dạy học ở Thành phố của tỉnh. Mãnh và Nụ cũng vậy, họ có với nhau hai con trai và cùng dạy học ở thị trấn. Trang thì theo chồng là Linh qua xã Khánh Bình Đông dạy cấp hai. Còn Đồng cũng chuyển công tác qua ngành tài chính. Tuấn thì là kỹ sư điện đang làm việc cho một Công ty của Singapor tại Sài Gòn.

Bà Tư tự hào với bảng thành tựu của chúng lắm, cùng sinh ra ở một vùng quê nghèo ven sông Ông Đốc, cùng nếm trải cái khó khăn lớn lên trong nghèo khó, cùng dìu nhau phấn đấu trưởng thành, rồi có hai cặp cùng kết tóc se duyên. Giờ trở về phương trưởng yên bề gia thất, như là để báo hiếu cho ông bà. Có niềm vui nào bằng.

– Ủa thằng Đồng sao nó không thấy nó vậy tụi bay? Ông Tư hỏi chung chung.

– Chắc nó bận gì quá Bác Tư! Nhã đáp.

– Thằng này bận gì ta? Nhà nó là gần nhất đó. Tụi bay thì tứ tán, chỉ có nó bám trụ ở huyện mình chứ ai! Ông Tư ngồi nói một mình.

Đồng bận gì thì có lẽ Tuấn và Bà Tư là người hiểu rõ nhất. Câu chuyện cái cân đến giờ ông Tư vẫn chưa hay. Ông cứ nghĩ rằng tình bạn của các con ông vẫn gần gũi mộc mạc như thưở hàn vi. Chúng vẫn kính trọng và thương yêu gia đình ông. Tuấn thì không trách bạn, chẳng biết Đồng có day dứt không? Chứ Bà Tư giận nó lắm, bà không nghĩ là câu trả lời của Đồng lại nhanh và bạc đến thế. Nhưng có mấy ai viết được chữ ngờ trong tâm khảm của mỗi con người đâu.

V.L.T