Trên đời này có những nhà thơ sống chỉ để làm thơ, nhưng số đó rất ít, còn phần lớn những nhà thơ đích thực vẫn có những công việc thường nhật như mọi người khác, có thể là người nông dân làm lụng trên đồng, người công nhân cần mẫn trong nhà máy, người lính cầm súng trên chiến trường hay nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm…
Dĩ nhiên có không ít những nhà hoạt động cách mạng, đêm ngày lo cho việc nước việc dân, mà với những con người ấy, thơ vừa như một cách diễn đạt chính mình, vừa để chia sẻ suy tư và tình cảm với mọi người, vừa như một nhu cầu nội tại của tâm hồn, vừa được sử dụng như một thứ vũ khí để phục vụ cho công việc cách mạng vô cùng hữu hiệu.
Bác Hồ của chúng ta là một nhà thơ như vậy, một thi sĩ đúng nghĩa trong một nhà cách mạng vĩ đại.
Rằm xuân lồng lộng trăng soi.
Để minh chứng điều này, chúng ta chỉ cần dẫn ra một vài ví dụ trong kho tàng thơ phong phú của Bác, mà ở bài viết nhỏ này tôi chỉ có thể đề cập đến một trong những giá trị đích thực của thơ Bác mà thôi, ấy là hai cảm hứng mạnh mẽ nhất trong thơ là “cảnh” và “tình” đã in dấu trong thơ Bác như thế nào…
Vâng, trong thơ đích thực xưa nay, cảnh và tình luôn là một cặp song sinh – từ cảnh sinh ra tình hay tình đã ẩn sẵn trong cảnh, chẳng hạn ta hãy nghe hai câu thơ mở đầu một bài thơ chúc tết Trung Thu của Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng“
Chẳng cần phân tích thì chúng ta cũng thấy ngay, mối liên hệ giữa cảnh và tình ở đây đều đến rất tự nhiên, giản dị mà sâu thẳm như trái tim yêu thương thường trực của Bác dành cho các em thiếu nhi, và hai hình ảnh vầng trăng Trung thu tròn vành vạnh và hình ảnh đáng yêu của những em bé nhi đồng đã được đặt bên nhau như một sự sắp xếp rất tự nhiên trong tâm hồn những người yêu cảnh và yêu người trên đời này.
Quan hệ giữa cảnh và tình trong thơ Bác được xuất hiện nhiều nhất có lẽ chính trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ đang ở trên chiến khu Việt Bắc, giữa cảnh núi rừng sông suối thơ mộng.
Chúng ta hãy đọc lại cả bài thơ “Cảnh khuya” của Bác:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà“.
Đây là một bài thơ tứ tuyệt đẹp như một áng Đường thi. Cảnh trí ở đây, từ âm thanh, hình ảnh, màu sắc… đều vừa cụ thể vừa được hư ảo hóa một cách hợp lý và có sức bay bổng, gợi mở. Ví “tiếng suối” như “tiếng hát xa” còn là một sự hợp lý dễ nhận ra, nhưng tài tình nhất có lẽ là hai điệp ngữ “lồng” – hình ảnh thơ mộng trùng điệp ôm trùm lên nhau, từ vầng trăng với ánh sáng mênh mông trên trời tỏa xuống, phủ lên vòm lá cây cổ thụ trên cao, và đến vòm cây cổ thụ lại tỏa bóng xuống ôm trùm lấy tầng thấp nhất là những khóm hoa rừng… Thật là một cảnh trí thiên nhiên như một bức tranh tuyệt mỹ, nên cũng được Bác gọi ngay là “cảnh khuya như vẽ” thiết tưởng không còn cách gọi nào đúng hơn…
Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Và, với ba câu thơ tả cảnh mỹ lệ trên đây đã như một bệ phóng để câu thơ cuối vút lên cao: ấy là mối tương quan giữa tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và nỗi lo toan đau đáu vì việc nước việc dân, cả hai tình cảm này không loại trừ nhau mà chỉ nâng nhau lên – câu thơ chuyển sang nói chuyện “tình” ở đây ngắn gọn và chắc nịch như một mệnh lệnh của trái tim: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”!
Bài thơ quá hay này đã làm xúc động bao người, riêng tôi còn nhớ, trong những ngày cùng cầm súng với nhau trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, anh bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Trung Thu (nay đã quá cố) đã từ cảm hứng về bài thơ này mà làm được bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” khá hay, sau này được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc thành công và trở thành một ca khúc hết sức phổ biến.
Một bài thơ hay lại có sức gợi mở cho những bài thơ khác là như vậy.
Còn trong bài thơ “Nguyên tiêu”, bài thơ đẹp vào bậc nhất trong thơ chữ Hán của Bác thì khỏi nói nữa. Đây là bản dịch của đồng chí Xuân Thủy:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền“.
Không hiểu sao đọc bài thơ này tôi cứ nhớ về mấy câu thơ kiệt tác của thi sĩ tài hoa Vương Bột đời Đường:
“Lạc hà dữ cô lỗ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc“
(Ráng chiều và cánh cò cùng bay
Nước thu và bầu trời một màu)
Cái vẻ đẹp cùng lúc cả ở trên trời lẫn dưới nước mới sinh động, long lanh và mê hồn làm sao. Nhưng nếu ở Vương Bột người ta chỉ thấy vẻ đẹp của cảnh không thôi, thì ở nhà thơ kiêm nhà cách mạng Hồ Chí Minh, chúng ta còn cảm nhận được cảnh đẹp này từ góc nhìn của một người đang mưu việc lớn “giữa dòng bàn bạc việc quân” và do đó câu thơ không chỉ có cảnh mà còn trĩu nặng một khối tình người thăm thẳm. Chính vì vẻ đẹp tuyệt vời của bài thơ của Bác, một bài thơ được viết vào ngày Rằm tháng Giêng ở chiến khu Việt Bắc mà Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn bài thơ này làm biểu tượng cho Ngày Thơ Việt Nam vẫn được tổ chức vào mỗi dịp Rằm tháng Giêng.
Trang báo có hạn, tôi xin dành những dòng cuối này mời các bạn đọc trọn vẹn một bài thơ được Bác viết ngày 18/8/1949, cũng giữa chiến khu Việt Bắc oai hùng và thơ mộng, ấy là bài:
“ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG ĐÁY
Dòng sông lặng ngắt như tờ
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
Thuyền về, trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi“.
Vẫn là một kết cấu thơ nối mạch giữa tả cảnh ở bốn câu trên với tả tình ở bốn câu dưới. Những câu thơ có cảm giác như được tác giả viết ngay tại chỗ, hoặc như ta thường nói – thơ ứng tác, vì chúng rất giản dị, gần với chất liệu đời thực với cái tiếng mái chèo “cót két” của chiếc thuyền nan bé nhỏ đang chở cả một Bộ tham mưu vĩ đại của cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc ta, quả thực đã gợi cảm vô cùng….
Và cảnh không dừng lại ở đó, cùng với dòng chảy miên man, thời gian trôi mải miết, sau đêm là tới ngày, khi tác giả đóng bài thơ lại bằng cái hình ảnh vừa rất thực vừa gợi mở quá rực rỡ: “Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi!”….
Rõ ràng chúng ta thấy, dù người viết là ai, làm công việc gì, khi đã có trong trí, trong tim chất thơ của người thi sĩ, thì tất cả đều được nhà thơ gửi gắm vào trong thơ. Với nhà thơ – nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh, hai tố chất anh hùng và thi sĩ đã quyện làm một để chúng ta không sao phân biệt được là dưới ngòi bút của Bác, công việc cách mạng đã hóa nên thơ hay chính thơ đã điểm tô cho công việc vì dân vì nước tuyệt vời của Người?!…
Theo Anh Ngọc/Văn nghệ Công an