Dời ngày trình diễn Áo dài – di sản văn hoá Việt Nam vì Covid-19

679

Nói về chuỗi sự kiện Áo dài – di sản văn hóa Việt Nam, NTK Minh Hạnh cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã có nhiều thời chuẩn bị hơn vì dời ngày biểu diễn”.

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi sự kiện áo dài – di sản văn hoá Việt Nam.


Các mẫu thiết kế được hé lộ của NTK Minh Hạnh.

Sự kiện quy tụ 20 nhà thiết kế (NTK) trong cả nước như: Chu La, Hùng Việt, Nhi Hoàng, Lan Hương, Trần Thanh Mẫn, Phương Thanh, Trịnh Bích Thủy, Hà Duy, Trần Thiện Khánh, Vũ Trần Đức Hải, Cao Duy, Minh Minh, Công Huân, Chung Nguyễn, Thanh Thúy, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Huệ Thi, Minh Hạnh sẽ giới thiệu 20 bộ sưu tập áo dài đặc sắc lấy ý tưởng từ 20 di sản văn hóa của Việt Nam.

Được xem là một cuộc ra quân rầm rộ nhất của áo dài từ trước đến nay, các NTK sẽ kể câu chuyện áo dài trên ý tưởng hành trình của di sản từ Bắc vào Nam.

Tình yêu bất diệt và sự tâm huyết của các nhà thiết kế dành cho áo dài sẽ được thể hiện trong những cuộc biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc tử Giám -Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Công viên văn hóa Ký ức Hội An, TP Buôn Mê Thuột, TP Hồ Chí Minh, Bến Ninh Kiều – Cần Thơ.

Thời điểm hiện tại, tất cả Hội Liên hiệp của 64 tỉnh thành đã và đang chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch này bởi sự tự hào và khát vọng mong muốn áo dài có vị trí cao trong đời sống tinh thần của người Việt và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sẽ có hơn 200 người mẫu và 300 diễn viên  chuyên nghiệp, lực lượng phụ nữ ước tính lên đến 5.000 hội viên Hội LHPN ở các tỉnh sẽ thực hiện sự kiện tôn vinh áo dài từ tháng 3 đến tháng 10/2020.

NTK Minh Hạnh, người được giao trách nhiệm là Tổng Đạo diễn chương trình biểu diễn áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam. Chị là người được biết đến không chỉ là một Nhà thiết kế mà chính là người đã có ý tưởng táo bạo cách đây 20 năm khi đề nghị tổ chức Lễ hội Áo dài đầu tiên trên cầu Trường Tiền tại Festival Huế 2000.

Với tình yêu áo dài sâu đậm của người Việt mà sau đó các tỉnh thành cũng đã tổ chức Lễ hội Áo dài trong những thời điểm quan trọng.

20 năm sau, chị là tổng đạo diễn của một sự kiện hay đúng hơn là một “chiến dịch” từ Bắc vào Nam dành cho áo dài trong năm 2020.

“Việc thực hiện sự kiện là một thách thức lớn cho nhà tổ chức và các NTK. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, khi mà dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã có nhiều thời gian chuẩn bị hơn vì dời ngày biểu diễn.

Tôi thật sự hài lòng với những đóng góp của các NTK dù với những chủ đề quá khó, các bộ sưu tập đã lột tả được vẻ đẹp của các di sản Việt Nam thông qua chiếc áo dài bằng những thủ pháp nhiều kinh nghiệm khi xử lý chất liệu lụa và thổ cẩm truyền thống kết hợp với kỹ thuật thêu tay cùng công nghệ in tiên tiến. Tôi cảm nhận rằng, các NTK đang mong muốn bảo vệ chiếc áo dài như chính bảo vệ đất nước mình.

Tất cả những sân khấu dành cho áo dài sẽ là những di tích. Chúng tôi chọn những địa điểm mang dấu ấn lịch sử của các tỉnh thành và áo dài xuất hiện như là một tất yếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày”, NTK Minh Hạnh nói.


Các mẫu áo dài của NTK Thanh Thuý.


Những mẫu áo dài của NTK Lan Hương.


Các mẫu áo dài của NTK Phương Thanh.


NTK Cao Minh Tiến với những sáng tạo của mình.


Sáng tạo của NTK Công Huân.


NTK Hùng Việt.


NTK Huệ Thi.

NTK Hà Duy.


Sáng tạo của NTK Đức Hải.


NTK Chu La.


NTK Nhi Hoàng.

Theo Dân trí