25.4.2018-17:20
Nhà văn Lê Mạnh Thường
Trường Sa ngày trở về
BÚT KÝ CỦA LÊ MẠNH THƯỜNG
NVTPHCM- Trong cuộc đời mỗi con người ắt hẳn ai cũng có nhiều dấu mốc kỉ niệm. Mỗi kỉ niệm sẽ theo ta đi suốt hành trình của cuộc đời mình. Với tôi, chuyến đi Trường Sa lần này có lẽ là một sự kiện làm dày thêm cái dấu mốc đã in hằn trong tim bấy lâu nay và lấy đi của tôi không ít cảm xúc. Tôi gọi chuyến đi này là ngày trở về.
Sở dĩ gọi ngày trở về cho chuyến hải trình này bởi tôi đã có hơn mười lần đến với Trường Sa. Những hòn đảo nổi, đảo chìm Trường Sa đã cho tôi quá nhiều kỉ niệm. Tự lúc nào, Trường Sa đã thấm vào máu thịt của mình. Lần này, tôi sẽ được trở về với những hòn đảo thân thương, trở về với miền kí ức đã khắc sâu trong tâm trí của một người lính biển nhưng giờ đây ở một tâm thế khác.
Lần gần đây nhất tôi đi Trường Sa cũng đã mười sáu năm. Tôi nhớ, đó là vào cuối năm 2001, chúng tôi cùng con tàu nhỏ của Vùng 4 Hải quân đi cứu nạn một tàu cá của ngư dân Bình Định bị sóng đánh chìm ở khu vực đảo Tiên Nữ. Một chuyến hành trình đầy gian nan và nguy hiểm bởi ảnh hưởng của bão nên biển động dữ dội, con tàu nhỏ phải chui trong sóng mà xuyên đi. Và rồi chúng tôi đã đưa được những ngư dân gặp nạn về đất liền bình an. Nhìn những ngư dân mừng mừng tủi tủi trong vòng tay của người thân mà những người lính biển như tôi không khỏi xúc động rưng rưng.
Mười sáu năm cho chuyến hành trình tiếp theo nhưng cảm xúc của tôi thì vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa. Mong ngóng, vui mừng, hồi hộp xen lẫn lo âu, mất ngủ là những cảm giác thường trực trong những ngày chuẩn bị lên đường. Trong đầu tôi đặt ra biết bao câu hỏi. Những hình ảnh, những kỉ niệm về một Trường Sa cách đây mười sáu năm cứ tái hiện rõ mồn một trước mắt tôi như thể mới diễn ra hôm qua làm tôi cứ lâng lâng khó tả.
Con tàu CSB 8004 chở đoàn công tác rời cảng Đông Hải vào buổi chiều ngày cuối cùng của tháng ba. Cơn mưa rào giăng kín đất trời làm cho thành phố Cảng Hải Phòng càng mờ xa hơn sau lớp kính cabin tàu. Hầu như ai cũng có cảm giác choáng ngợp khi bước chân lên con tàu CSB 8004 vì nó quá lớn và máy móc trang bị, tiện nghi sinh hoạt hiện đại như một khách sạn. Đây là con tàu được đóng mới theo Nghị quyết 72 của Quốc hội khóa 13 nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam trong tình hình mới và được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Lại nói thêm về một số thông số cơ bản về con tàu này để quý độc giả hình dung được: tàu CSB 8004 là loại tàu đa năng (DN- 2000) có thiết kế hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tàu cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam (lượng choán nước tối đa đạt 2.400 tấn). Tàu dài 90m, rộng 14m và độ cao mạn tàu là 7m. Khi hoạt động trên biển, tàu có thể đạt tốc độ hải trình tối đa tới 21 hải lí/giờ và tầm hoạt động đạt 5.000 hải lí khi chạy ở vận tốc 15 hải lí/giờ. Tầm kiểm soát và hoạt động của tàu còn được nâng cao nhờ việc mang theo một máy bay trực thăng Hải quân Ka-28 (Nga) và các trang bị đi kèm. Tàu có chức năng, nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam đồng thời tham gia tìm kiếm, cứu nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng hoạt động trên biển, đảo và các nhiệm vụ khác khi cần.
Sau hơn 3 ngày hành trình trong điều kiện gió Đông Bắc cấp 6, cấp 7, độ cao sóng từ 2,5 đến 3,5 mét, tàu CSB 8004 cùng đoàn công tác đã ra đến xã đảo Song Tử Tây. Cảm nhận của tôi về tháng tư ở đây thật đặc biệt. Thời điểm này, những cơn cuồng phong đã lắng dịu, trả lại cho mặt biển khoảng lặng mênh mông, hiền hòa. Con tàu cảnh sát biển như chú thiên nga trắng khổng lồ đang bơi lội rập rờn trên mặt biển xanh ngắt của Trường Sa. Tháng tư, những bông hoa bàng vuông, hoa phong ba đua nhau nở trắng trên các đảo nơi trùng khơi bốn bề sóng gió. Ánh nắng chói chang chiếu xuống làm cho biển, đảo nơi đây thêm xanh hơn. Nắng làm cho những cây bàng vuông, phong ba thêm cứng cáp hơn trước sóng gầm bão giật. Và nắng cũng làm cho những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng không giấu nổi được niềm vui, ánh mắt rạng ngời của những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Mỗi bước chân trên đảo đem lại cho tôi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng về sự đổi thay của Song Tử Tây sau mười sáu năm trở lại. Song Tử Tây giờ trông chẳng khác gì ngôi làng ven đô trong đất liền. Cơ sở hạ tầng và các công trình cơ bản được xây dựng phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện cho quân, dân xã đảo và ngư dân địa phương phát triển kinh tế. Các khu nhà làm việc, nhà ở của bộ đội, trường học, nhà dân, chùa, tượng đài, âu cảng được quy hoạch, bố trí đẹp mắt. Đảo rợp bóng mát của các loài cây có sức sống mãnh liệt như mù u, bàng vuông, phong ba.
Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười, ánh mắt giữa đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo như những người thân vừa từ nơi xa ngái trở về. Đến đây, tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm quân, dân như được nhân lên gấp bội bởi cán bộ, chiến sĩ của đoàn công tác và những người lính hải quân từng là “người một nhà”, từng chia ngọt sẻ bùi từ trong các học viện, nhà trường hay khi về đơn vị, cùng thực hiện chung nhiệm vụ. Do vậy, các đồng chí trong đoàn công tác hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả của những người lính đảo. Những món quà đoàn công tác gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo tuy đơn sơ nhưng rất thiết thực với nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Đó là những thùng bánh kẹo, chè, hạt rau giống, ít chú vịt, gà, quả bầu, bí, khoai tây, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác đã góp phần thắt chặt tình cảm của những người giữ biển.
Đứng giữa cột mốc chủ quyền trên đảo, tôi chợt nghe văng vẳng từ xa có tiếng học bài của con trẻ, tiếng đọc non nớt của các con làm tôi không khỏi rưng rưng và tiến nhanh lại nơi ấy. “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/Biển cả xa bờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa – Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Giữa lòng dân Việt….”. Những thanh âm trong trẻo này là của các em học sinh Trường Tiểu học Song Tử Tây đang được cất lên giữa nắng gió Trường Sa. Tôi bước vào lớp học của thầy giáo Lê Văn Mạnh khi thầy đang say sưa giảng bài cho các con. Lớp không quá đông học trò, không cùng độ tuổi, có cháu thay vì ngồi bàn hướng lên bảng nghe giảng lại ngồi gọn trong lòng thầy xem các anh, các chị học bài, bởi cháu còn quá nhỏ. Những âm thanh của bài giảng, của không khí lớp học cứ thế mà thấm đẫm trong tâm hồn con trẻ. Người thầy lúc này vừa là thầy giáo dạy học, vừa là người trông trẻ, vừa là người bạn cùng chơi với các con.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, giữa tiếng bi bô, tiếng cười trong vắt của trẻ thơ, tôi ngồi trò chuyện với thầy giáo Lê Văn Mạnh cùng các con. Thầy Mạnh tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ra đảo được 4 năm nay. Chưa lập gia đình, dù biết ra đảo là chịu thiệt thòi, là thiếu thốn vật chất, tinh thần, nhưng thầy vẫn quyết tâm về công tác tại xã đảo Song Tử Tây.
Khi được hỏi về công việc của mình ở đây, thầy Mạnh tâm sự: “Do các cháu thuộc nhiều thành phần lứa tuổi, từ mầm non đến tiểu học nên việc học tập ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau này đã đi vào nền nếp, các cháu rất tự giác học tập!”
– Thế còn tình cảm thầy trò ở đây, có giống như ở đất liền không Mạnh? – Tôi hỏi.
– Đây là lớp học đặc biệt, “5 trong 1” nên tình cảm thầy trò ở đây cũng đặc biệt hơn anh à!- Mạnh vừa bế cô bé con chừng một tuổi trong lòng vừa cười – Tình cảm thầy trò ở đây giống như tình cảm người cha dành cho con, người anh dành cho các em vậy. Nhiều lúc chơi với các cháu mà cảm giác vui, buồn cùng với các cháu. Mỗi khi cháu buồn thì mình cũng lo lắng tìm hiểu lí do vì sao cháu buồn!”
Tôi bế bé Bảo Yên lên và thơm vào má. Bé tỏ ra rất vui và dạn dĩ, ánh mắt hồn nhiên. Bảo Yên là con thứ hai của gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt và chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng – một trong những hộ dân của xã đảo. Cả anh chị Kiệt và Thoảng đều quê ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, ra sinh sống ở đảo được bốn năm nay. Chị của Bảo Yên là Bảo Chân đã về đất liền để học chương trình trung học phổ thông. Nghe tôi hỏi về ước mơ của mình, Bảo Yên mong muốn sẽ học thật giỏi để sau này trở thành một cô giáo và được dạy học trên hòn đảo này. Ước mơ của bé Bảo Yên thật bình dị nhưng rất đỗi thân thương, cao đẹp bởi tình yêu biển, đảo quê hương đã được ươm mầm và bám chặt trong tâm hồn em.
Ở phòng bên cạnh, thầy giáo Lê Xuân Quyết đang say sưa trình bày tờ báo tường. Những sắc màu tạo nên những hình vẽ biển, đảo, cây phong ba, người lính hải quân tuy mộc mạc nhưng toát lên được tình cảm của thầy và trò nơi đây. Ở Trường Tiểu học Song Tử Tây có hai giáo viên là thầy Mạnh và thầy Quyết. Thầy Quyết có vợ cũng là giáo viên ở huyện Ninh Hòa, chưa có con. Trước khi ra đảo nhận công tác, thầy Quyết cũng phải đấu tranh tư tưởng để đưa ra quyết định cho mình. Vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, cách xa, nhưng với tình yêu con trẻ, thầy Quyết lí giải rằng: “Em muốn đem con chữ, kiến thức của mình ra truyền cho các cháu. Cũng vì tình yêu quê hương, biển đảo cho nên em tình nguyện ra Trường Sa công tác!”
Cứ thế, ngày lại ngày, hai thầy giáo Lê Văn Mạnh và Lê Xuân Quyết vẫn miệt mài dạy dỗ các con bằng tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm cao. Giữa trùng khơi bạt ngàn sóng gió, những mầm non bé thơ đang từng ngày từng giờ vươn lên cứng cáp như những cây phong ba bám trụ kiên cường nơi mảnh đất tiền tiêu.
Tôi theo chân tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 xuống âu tàu đảo Song Tử Tây. Ở đây có khá nhiều tàu câu mực của bà con miền Trung vào nghỉ ngơi và bổ sung nhiên liệu. Chiếc xuồng công tác chở mấy anh em sang con tàu câu mực mang số hiệu QNa 95579 TS. Thấy chiếc xuồng cập vào tàu, rất đông ngư dân ngừng tay làm việc để bắt dây, chào hỏi mọi người bằng chất giọng đặc trưng. Con tàu thì lớn nhưng khi lên tôi lại cảm thấy chật chội vì chi chít giàn phơi mực, hệ thống bóng đèn, những chiếc thúng câu úp lên nhau và rất nhiều bao tải chất đầy mực. Con tàu này do ông Trần Văn Môn làm thuyền trưởng cùng 39 thuyền viên đều quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đã gần hai tháng nay, tàu QNa 95579 TS đang khai thác hải sản tại khu vực biển Trường Sa. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng từ hai tháng rưỡi đến ba tháng mới trở về. Ông Môn năm nay 46 tuổi, nước da sạm đen, săn chắc. Ông có ba người con, cháu đầu vừa tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, cháu sau mới 4 tuổi. 28 năm làm nghề biển, ông đã đối mặt với biết bao hiểm nguy, sóng gió, có những lúc tưởng chừng như đã phải nằm lại biển khơi. Riêng khu vực quần đảo Trường Sa này ông đã thuộc như trong lòng bàn tay. “Xã Bình Minh của tui cũng là một trong những địa phương có nhiều ngư dân thiệt mạng trong những cơn bão biển. Biết là hiểm nguy, là vất vả nhưng cái nghiệp do ông cha để lại, tui và anh em đâu dám bỏ. Biển là cuộc sống mà anh!” Ông Môn nói chuyện với tôi bằng ánh mắt rắn rỏi, tự tin và đầy bản lĩnh. Đó chính là phẩm chất của một ngư dân luôn coi biển khơi là nhà của mình.
Hôm nay, tàu của ông vào âu đảo để mua thêm dầu diesel từ Trạm dịch vụ Hậu cần – Kĩ thuật của đảo. Ông dự kiến, khoảng một tháng nữa thì tàu của ông sẽ chở hơn 20 tấn mực vào bờ. Nếu thời tiết thuận lợi, ông và các bạn câu sẽ nghỉ ngơi, chuẩn bị mọi thứ trong vòng mười ngày rồi lại tiếp tục ra khơi.
– Nếu thời tiết thuận lợi, biển cả ban lộc thì tàu sẽ câu được 25 tấn mực, mỗi bạn câu sẽ thu được từ 7 đến 8 tạ một người. Như vậy anh em cũng có thu nhập, bõ công vất vả, xa vợ xa con anh à!
Ngư dân Trần Xuân Việt nói thêm với tôi như vậy. Việt 34 tuổi, có hai con, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới được 7 tháng, vợ làm may ở xã. Bản thân anh cũng đã có hơn 15 năm bươn chải trên mặt biển để làm nghề. “Cái nghề cực nhưng đi miết rồi quen, em cũng mong muốn phấn đấu trở thành một chủ tàu, một thuyền trưởng như anh Môn đây thôi!”- Việt cười tâm sự.
Anh em trong tổ công tác đã ân cần thăm hỏi, động viên bà con như chính những người thân của mình. Những lá cờ Tổ quốc, những chiếc áo phao, một ít rau xanh, thực phẩm tươi được tặng để thắt chặt tình cảm và phần nào giúp bà con bớt thiếu thốn trong khoảng thời gian xa đất liền dài ngày. Bên cạnh đó, tổ công tác cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân những nội dung cần biết khi đánh bắt xa bờ, cung cấp các thông tin về tần số vô tuyến các đài canh cứu hộ, cứu nạn hay phạm vi đánh bắt hải sản cũng như tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Cảm động trước việc làm này của tổ công tác, thuyền trưởng Trần Văn Môn tâm sự: “Hôm nay được các anh cảnh sát biển đến phát tờ rơi tuyên truyền cũng như tặng quà cho tàu, tui rất cảm động và phấn khởi. Tui và anh em càng thêm yên tâm gắn bó với nghề biển mà ông cha đã để lại, yên tâm bám biển Trường Sa!”’
Giữa mênh mang nắng gió của biển trời hùng vĩ, những khu neo đậu, tránh trú, những Trạm dịch vụ Hậu cần- Kĩ thuật cũng như những người lính luôn đồng hành cùng bà con như Song Tử Tây chính là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân từ đất liền ra đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo Trường Sa thân yêu.
***
Bốn giờ sáng, con tàu CSB 8004 đã đến đảo Nam Yết thuộc xã đảo Sinh Tồn. Sáng tinh mơ, mọi công tác vào đảo đã được chuẩn bị chu đáo. Khoảng cách từ tàu vào đảo khoảng hơn 2 hải lí. Tàu hạ hai xuồng để đưa đoàn công tác vào đảo. Tôi đi chuyến đầu tiên vào với lỉnh kỉnh đồ đạc máy móc cộng thêm mấy túi quà của gia đình và mấy người bạn ở quê gửi ra đảo. Khá xa, những con sóng như những quả đồi cứ đưa chiếc xuồng lên cao rồi lao xuống những trảng nước rộng như thảo nguyên mênh mông. Nam Yết đón chúng tôi bằng tiệc sóng tưng bừng. Người tôi ướt nhẹp nhưng tôi khá yên tâm vì máy móc đồ đạc và món quà đặc biệt mà tôi đã chuẩn bị để tặng đảo được bọc ni lông cẩn thận nên không hề hấn gì. Xuồng tiến vào cửa luồng, bóng những người lính Hải quân đã đứng chờ sẵn ở đó để đón tiếp khách đến thăm.
Cũng như Song Tử Tây, Nam Yết cũng được xây dựng khang trang, đẹp mắt. Những con đường đi trên đảo rợp bóng cây xanh. Người tôi cần gặp là Trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên phó của đảo. Anh Ký quê ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Anh ra đảo nhận nhiệm vụ từ tháng tám năm ngoái. Anh Ký chính là người nhận những món quà của bạn bè và người thân nhờ tôi chuyển giúp. Anh hồ hởi đón tôi bởi đã có điện thoại báo trước từ đất liền. Khi mọi người cùng nhau đi vào hội trường Trung tâm Văn hóa Nam Yết để tiến hành buổi gặp gỡ, thăm hỏi, động viên thì tôi và anh Ký đi sau cùng. Đến cột mốc chủ quyền trên đảo tôi mới đề nghị anh Ký cùng tôi vào muộn đôi phút. Anh còn chần chừ chưa hiểu chuyện gì thì lúc này tôi mới đem món quà được bọc cẩn thận trong túi ni lông ra. Đó là cuốn tiểu thuyết Chủ đất của nhà văn Chu Thị Minh Huệ vừa in xong và gửi tặng trước lúc tôi rời cảng lên đường. Trong suốt hành trình từ Hải Phòng ra Trường Sa, tôi đã đọc hết, đọc kĩ tác phẩm mới của nhà văn miền cao nguyên đá. Tôi muốn tặng lại cho anh em cán bộ, chiến sĩ nơi hòn đảo tiền tiêu này bởi họ chính là những “chủ đất” giữa trùng khơi mịt mùng sóng gió. Việc làm của tôi được anh Ký rất vui và trân trọng. Anh Ký bảo anh sẽ đưa vào thư viện của đảo và thông báo lại cho anh em được biết để đọc. Tôi cũng không ngờ, từ Hà Giang, tác giả của cuốn tiểu thuyết mới tinh này rất cảm động và “hạnh phúc nhất trong cuộc đời sáng tác”, như lời chị nói, vì đứa con tinh thần của mình được chu du ra tận Trường Sa!
Sau những hoạt động ở trên đảo như thăm, giao lưu và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, thắp hương tại tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Nam Huyên, viếng nghĩa trang liệt sĩ, trung tá Nguyễn Văn Ký tiếp tục dẫn tôi đến thăm Bệnh xá Nam Yết. Khu bệnh xá là một dãy nhà cấp bốn nằm dưới bóng cây mù u xanh mát, rất yên tĩnh. Bên trong các phòng làm việc, đội ngũ y bác sĩ đang làm công tác khám sức khỏe, cấp phát thuốc cho cán bộ, chiến sĩ và bà con ngư dân nơi đây. Được biết, trong năm 2016, Bệnh xá đảo Nam Yết đã trực tiếp khám và điều trị bệnh cho gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; thực hiện phẫu thuật hơn 20 ca trung và đại phẫu. Đặc biệt, bệnh xá đã tích cực điều trị, dập tắt dịch sốt vi-rút hơn 50 bệnh nhân trong thời gian một tuần. Đối với ngư dân tàu cá Việt Nam, bệnh xá đã cấp cứu và điều trị bệnh cho hơn 100 lượt, phẫu thuật thành công 5 ngư dân. Nhiều trường hợp ngư dân đi biển gặp nạn uy hiếp đến tính mạng đã được Bệnh xá cấp cứu và điều trị kịp thời, góp phần giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển sản xuất.
Tôi sang phòng bên và gặp ngư dân Huỳnh Thanh Trà, 48 tuổi, quê ở xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) đang nằm điều trị tại Bệnh xá ngày 4/4. Bệnh nhân đã ăn được cháo, chuẩn bị rút dẫn lưu, vài ngày nữa sẽ cắt chỉ và được đưa về đất liền. Dù còn mệt vì vừa trải qua cơn phẫu thuật được vài ngày nhưng ông Trà vẫn nói với tôi với ánh mắt vui mừng, biết ơn tới các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Nam Yết đã mổ cấp cứu khi ông gặp nạn trong thời gian đánh bắt hải sản tại khu vực này: “Thiệt may phước cho tui được mấy anh bộ đội đảo Nam Yết cứu giúp kịp thời. Nếu chỉ chậm vài tiếng nữa thì chắc tui không giữ được mạng sống. Ơn này tui không bao giờ quên được!” Thiếu tá, tiến sĩ – bác sĩ Hồ Chí Thanh, Bệnh xá trưởng cho tôi biết cụ thể sự việc như sau: lúc 6 giờ 30 phút ngày 30/3, đảo Nam Yết nhận thông tin từ cấp trên và Trung tâm cứu hộ, cứu nạn yêu cầu tiếp nhận và cấp cứu một thuyền viên của tàu câu cá ngừ đại dương mang số hiệu KH-91934 TS do ông Lê Văn Cường làm thuyền trưởng đang đánh bắt cách đảo 10 hải lí. Bệnh nhân bị đau đột ngột dữ dội vùng thượng vị. Sau khi được tàu chuyển đến, bệnh nhân được khám và chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, khả năng thủng ổ loét dạ dày tá tràng. Trong điều kiện khách quan thiếu các chẩn đoán xét nghiệm như chụp X- quang, xét nghiệm máu và không có dao điện, song tình thế khẩn cấp, nếu không phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Bệnh xá đã quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Toàn bộ ê kíp y, bác sĩ Bệnh xá đảo Nam Yết được huy động phục vụ ca mổ trong thời gian từ 8 giờ 10 phút đến 9 giờ 30 cùng ngày. Các y, bác sĩ đã tiến hành khâu lỗ thủng, lau rửa dẫn lưu, cứu sống được bệnh nhân. Bác sĩ Hồ Chí Thanh cho biết thêm, do đã có kinh nghiệm mổ hàng trăm ca bệnh tương tự nên cho nên kết quả chẩn đoán chính xác cộng với sự khẩn trương, kịp thời phẫu thuật đã giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh để trở về với gia đình.
Trước khi ra công tác tại Trường Sa, bác sĩ Hồ Chí Thanh cùng kíp y, bác sĩ hiện tại đều công tác tại khoa Ngoại – Bụng thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 103. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, Bệnh xá đảo Nam Yết đã tiến hành cấp cứu cho 13 trường hợp ngư dân mắc bệnh khi đang đánh bắt hải sản trong khu vực Trường Sa được chuyển đến đây. Trung tá Nguyễn Văn Ký cho biết: “Trong điều kiện xa cách đất liền, khí hậu trên đảo khắc nghiệt ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ; hạ tầng cơ sở của Bệnh xá chật hẹp, trang thiết bị y tế phục vụ khám và điều trị bệnh thiếu thốn… nhưng kíp y, bác sĩ Bệnh xá đảo Nam Yết đã luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm được lãnh đạo, chỉ huy đảo Nam Yết và Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa khen thưởng!”
Giữa ngàn khơi xa, bằng ý thức, trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực của mình, những người lính quân y như bác sĩ Hồ Chí Thanh luôn hết lòng vì bộ đội và nhân dân trong công tác khám chữa bệnh. Đây chính là điểm tựa vững chắc đối với bà con ngư dân ra đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
***
Buổi chiều trên vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Nơi đây, mỗi tiếng sóng là một tiếng nấc nghẹn, u uất khẽ vang lên. Con tàu chầm chậm trôi trên mặt biển, dưới kia là một nghĩa trang xanh rộng lớn, là ngôi nhà chung của 64 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại vì đất đai hương hỏa của ông cha nơi cương thổ địa đầu. Đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện 14/3/1988 với nghi lễ trang trọng, xúc động, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ưu tú đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Những cái tên thân thương như Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương… lại lần lượt hiện về trong tâm trí của mỗi người trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng xen lẫn bi thương. Nghẹn ngào không nói nên lời, những nén tâm nhang, những cánh hoa tươi được thả xuống mặt biển thiêng với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn. Từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể những người có mặt trong buổi lễ tưởng niệm xin nguyện đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với công lao và sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây…
Rời Trường Sa, con tàu CSB 8004 cùng đoàn công tác lại xuôi xuống vùng biển Tây Nam, nơi có những cái tên mang dấu ấn lịch sử như Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường… Những cái tên gợi lên trong tôi những cảm xúc trào dâng đến lạ. Lịch trình công tác của đoàn còn khá dài. Con tàu vẫn cần mẫn đo từng thước biển suốt dặm dài của Tổ quốc mênh mông. Trên chuyến tàu rời Trường Sa, có một món quà đặc biệt mà chúng tôi nhận nhiệm vụ chuyển tới tay người nhận. Đó là bốn cây bàng vuông do cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết gửi tặng Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Còn tôi, rời Trường Sa với những con ốc biển và chất chứa biết bao kỉ niệm sau mười sáu năm trở lại. Những con ốc biển xinh xinh này tôi sẽ đem về tặng cho các cô giáo và bạn bè của các con ở trường tiểu học quê nhà. Nó sẽ như một lời nhắc nhớ về quần đảo rất đỗi thân thương và thắp lên trong tim mọi người tình yêu biển đảo quê hương. Nơi đó có những con người kiên gan trụ vững để làm nên bức thành đồng vệ quốc giữa trùng khơi.
Con tàu vẫn đè sóng lao đi. Chợt bên tai tôi lại vẳng lên câu hát trong vắt những đẫm chất hào hùng của thầy và trò trong ngôi trường Tiểu học Song Tử Tây: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”
Trường Sa, tháng 4.2017
>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…