Lưu Khánh Linh – Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt

875

29.9.2017-10:30

Nhà thơ Lê Đạt

 

Trải lòng với “Bóng chữ”

của nhà thơ Lê Đạt

 

LƯU KHÁNH LINH

(Trường THPT Đồng Tâm, Yên Bái)

 

NVTPHCM– Lê Đạt tên thật là Trần Công Đạt (1929-2008) sinh ra trên mảnh đất Yên Bái, là một trong những nhân vật trụ cột của phong trào Nhân văn giai phẩm. Cặm cụi và miệt mài lao động trên cánh đồng chữ, ông mang khát vọng được cách tân thơ Việt một cách mạnh mẽ.

 

Tuy rằng số lượng xuất bản không nhiều, chưa trở thành một tác giả được đưa vào chương trình sách giáo khoa dạy học ở bậc phổ thông nhưng những con chữ đầy phiêu diêu trường nghĩa của ông luôn thể hiện sự tài hoa của cá tính nghệ sĩ, luôn có quyền kiêu hãnh của “cái tôi” riêng độc đáo trong tiếp nhận của người yêu thơ.

 

“Bóng chữ” có lẽ không chỉ là nhan đề một bài thơ mà còn là của cả một đời thơ Lê Đạt nữa. Chính tác giả từng khẳng định, thơ ông viết lên từ bóng chữ cũng có nghĩa khẳng định sự nhập nhòa, mờ ảo trong thơ ông có nguồn gốc từ con chữ. Ông “dùng bóng chữ, dùng hàm nghĩa nên chữ nọ gọi chữ kia, sinh sôi nảy nở…” cũng giống như dùng ma lực để điều khiển những con chữ. Chữ của ông có cả một cái hồn riêng, tự biết yêu, biết nhớ, biết khóc, biết cười. Đọc thơ ông độc giả trở thành bị động trước những con chữ chủ động. Với bài thơ “Bóng chữ” cũng vậy:

 

“Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

Mây mấy độ thu

Vườn thức một mùa hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

Bóng chữ đng chân cầu”

 

Một thể thơ tự do, khoáng đạt, cách ngắt nhịp tùy hứng dài ngắn không đều nhau như chính dòng cảm xúc đang bị dồn nén, xô đẩy dồn tụ mất thăng bằng trong hoài niệm quay quắt của tác giả. Tất cả chỉ có 49 đơn âm tiết nhưng sự mông lung, mộng mị, giàu ảo ảnh của ngôn từ khiến người đọc như đi vào cõi mê cung chữ nghĩa.

 

Nhan đề thơ “Bóng chữ” vừa lạ lùng, vừa dồi dào sự lay động. Xét về nghĩa biểu vật của ngôn ngữ “chữ” ở đây chính là sự tồn tại của các kí tự và bóng chữ là ảnh chiếu, là sự hất loang những nét nghĩa ra bên ngoài vỏ ngôn từ để người đọc tự do suy thẩm theo vốn hiểu của mỗi cá nhân. Giản dị hơn, “bóng chữ” tức là hiểu nghĩa đằng sau ngôn từ.

 

Tuy nhiên, nói đến Lê Đạt – một “phu chữ” thì ý nghĩa nhan đề không chỉ có thế mà nó là bóng dáng thương nhớ một thời đã qua nhưng chưa bao giờ lìa xa trong tâm tưởng tác giả. “Bóng chữ” ấy là “bóng nàng” – nửa hư nửa thực; vừa như có thể kéo lại gần, vừa như lại quá diệu vợi, xa xôi. Cho nên, nhan đề ấy thực chất là một sự tưởng niệm về một tình yêu dở dang, một thế giới hoài niệm đẫm màu nhớ thương trong trái tim tác giả.

 

 “Chia xa rồi anh mới thấy em

 Như một thời thơ thiếu nhỏ”

 

Tín hiệu quá vãng hiện lên ngay ở câu mở đầu. Hai vần bằng “xa rồi” tiếp nối hai vần trắc “mới thấy” vừa là sự đối lập của cái hiện hữu với cái đã qua, vừa rưng rưng một niềm chua chát: khi mất đi điều quý giá, người ta mới biết mình từng có điều vô cùng đáng để trân trọng.

 

Câu thơ liền kề đã xác lập suy tưởng ấy là có cơ sở bởi “em” là của thời “thơ-thiếu-nhỏ”. Ba từ ấy rất đa nghĩa, nhiều chiều tựa như “bóng chữ” hắt lên cho người đọc giải mã. “Thời thơ thiếu nhỏ” vừa là thời đã qua, vừa là sự thu hẹp dần về mức độ nhỏ, khuyết, vắng, xa… tức là độ lùi của có em ngày xưa càng xa; độ tiến của có em, còn em, gần em cũng càng thêm xa ngái. Nhưng cái còn lại và cũng là cái vô cùng quý giá để tạo nên chất men của thơ, chất nồng trong trái tim đập rộn yêu thương bản năng của nhân loại, đó là:

 

“Em về trắng đầy cong khung nhớ”

 

Thông thường “trắng” vẫn đồng nghĩa với “không” với hư vô, với nhàm nhạt, thậm chí là “trắng quá nhìn không ra” như Hàn Mặc Tử. Nhưng với cách dùng từ của Lê Đạt, tính từ “trắng” đứng trước tính từ “đầy”, tính từ “nhớ” và ở ngay sau động từ “về” thì câu thơ đã trở thành một sự kết hợp từ diệu kì “em” choán đầy trong niềm nhớ của thi nhân.

 

Cái sự trắng ở đây là trắng tràn đầy nỗi nhớ, trắng đến mức như có sức mạnh va đập vào kí ức tưởng ngủ quên – nhưng lại không ngủ quên của tác giả. Hình ảnh em, bóng dáng em luôn là hình ảnh động, bóng dáng động làm “cong” cả khuôn thước tưởng là đóng khung trong hai từ “quá khứ”.

 

Tôi có cảm giác, cả bài thơ là một tiếng thở. Tiếng thở đã nén lại từ trước nhưng bỗng bật ra. Từ tiếng thở có hơi dài “chia xa rồi” cho đến lúc hơi thở có phần cong lên vẫn chưa uốn mềm xuống được:

 

“Mưa mấy mùa

Mây mấy độ thu

Vườn thức một mùa hoa đi vắng”

 

“Mây, “mưa” vốn là các từ thường được liên kết với nhau nhưng ở đây tác giả tách ra đứng độc lập ở 2 đầu dòng thơ riêng biệt. Thật ra, đó không chỉ là cách kết hợp từ mới vì trước đó có nhiều thi nhân đã sử dụng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là 2 từ biểu thị thời gian ấy chỉ sự xoay vần của thời gian. Bao mùa đã qua, bao độ đã tới – tức là sự vần vũ của thời gian là liên tục, là tuần hoàn. Duy chỉ có một thứ không đổi thay, không im ngủ – đó chính là “vườn thức”.

 

Vườn ở đây chính là một sự ẩn dụ ngọt ngào cho anh, cho nỗi nhớ cháy bỏng mang tên tình yêu vẫn rừng rực thức. Dù em đã xa, dù “mùa hoa đã đi vắng” nhưng chiếc kim la bàn ấy vẫn chỉ duy nhất một hướng đó thôi – hướng “em yêu”. Đọc đến đây, tôi cồn cào nhớ đến thơ Xuân Quỳnh với sự nồng nàn, thủy chung như nhất:

 

 “Dẫu xuôi về phương Bắc

 Dẫu ngược về phương Nam

 Nơi nào em cũng nghĩ

 Hướng về anh một phương”

 

Chỉ có khác nhau là lời tình tự của nhân vật trữ tình, còn điểm giống nhau đó là ở sự đắm say đến tha thiết, cảm động.

 

Như đã nói ở trên, khi mất đi người ta mới ý thức được mình đã từng có. Do vậy, ở “Bóng chữ” dư vang ấy ngân lên thật da diết, nao lòng:

 

“Em vẫn đây, mà em ở đâu”

 

Tưởng rằng tác giả đang muốn gào lên “em đang ở đâu?” bởi sự khát cháy của nỗi niềm thương nhớ nhưng không – tác giả ghìm lại, sự ghìm lại bởi bản chất thâm trầm của người đàn ông. Một tiếng thở giờ đây đã được khép lại bằng nhịp xa ngái: “vẫn đây” “mà đâu”. Có lẽ bi kịch tình yêu chính là ở đây. Em vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu nhưng giờ đây lại không là sự tồn tại thuộc về mình, sự hiện hữu trong chủ động của mình nữa. Còn gì xót xa hơn cho cái “có” nhưng không còn có, cái “thấy” nhưng không còn thấy nữa. Tất cả là sự diệu vợi, xa xôi, tất cả là quá vãng dù vẫn đắm say, thắm quyện, da diết nỗi nhớ.

 

Lê Đạt không dùng dấu chấm câu nhưng với tôi từ đầu bài đến đây có thể coi là một dấu chấm; để rồi sau đó, sự bâng khuâng, sự mênh mang, sự mờ ảo như chính nhan đề của nó được đặt ở câu thứ 2 tiếp theo:

 

“Chiều Âu Lâu

Bóng chữ đọng chân cầu”

 

Phiêu diêu trong biển nhớ, tác giả tựa vào bến Âu Lâu nơi mình đã sinh ra để thành thực thú nhận với lòng mình một chữ “đọng”. Bóng nàng mãi là hình ảnh dấu yêu, như rễ cây luôn gắn vào cội đất, như con người luôn gắn với nơi chôn nhau – bóng em mãi được neo đậu chắc chắn trong trái tim chàng trai si tình Lê Đạt.

 

Có bản in là “động”; có người bình là “động” nhưng với tôi sự rõ nghĩa và đeo nặng tình cảm nhất chính là ở chữ “thức” ở giữa bài và chữ “đọng” ở cuối bài. Nếu là từ khác đi, dư vị bài thơ không da diết, đắm say được đến thế.

 

Với “Bóng chữ”, dung lượng thơ không lớn nhưng sức chuyển tải ý nghĩa quả không giản đơn, hời hợt, dễ dàng. Với cảm nhận của mình một cô giáo bậc PTTH, ít có điều kiện tìm hiểu về thơ Lê Đạt nên tôi chưa dám tự tin đã cắt nghĩa được đầy đủ, thẩm thấu được sâu sắc tứ thơ tác giả. Song, có một điều thành thực, tôi đã đọc “Bóng chữ” của ông bằng cảm xúc cũng đã có với điều quá vãng!

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Hoa mãi trong bàn tay – Tô Hoàng

>> Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng – Trần Hoài Anh

>> Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt – Võ Quê

>> Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại – Đoàn Trọng Huy

>> Ngôn ngữ độc thoại trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ – Lộc Hoàng Lê Na

>> Thân thể như tinh thần và thế giới – Nguyễn Chí Hoan

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Giật mình… Mai Hương – Nguyễn Minh Khiêm

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…