Nhà văn Bích Ngân trong Thế giới xô lệch

636

Lê Minh Quốc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bạn bè chơi với nhau, bây giờ, có thể qua Facebook, ta lại hiểu thêm về bạn một chút nữa. Với nhà văn Bích Ngân, tình cảm của tôi và chị vẫn là những chia sẻ, tâm tình về những gì đã viết, đã đọc của nhau. Tôi khá bất ngờ khi hay tin chị rời khỏi NXB Văn hóa – Văn nghệ để về hưu. Với nhiều người thì sao, tôi không rõ nhưng với Bích Ngân, tôi gật gù thán phục khi biết chị dành toàn bộ số sách đã có trong năm tháng làm quản lý xuất bản để lập một phòng đọc sách tại chung cư chị đang trú ngụ.

Ý định này thú vị quá và tôi đồng tình nghĩ đến một điều xa hơn: Nên chăng trong việc xây dựng chung cư, cần có quy định phải xây dựng thư viện/phòng đọc sách. Nếu việc làm này được thực hiện từ văn bản Nhà nước ắt người dân sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với sách. Việc làm này, cũng là một biện pháp tích cực giúp cho nhà văn có thêm kênh quảng bá tác phẩm. Tính cách của đồng nghiệp Bích Ngân là vậy. Chị thường nghĩ về người khác, trong trường hợp có thể.


Nhà văn Bích Ngân.

Thì đây, với 13 năm là Phó giám đốc NXB Văn nghệ rồi NXB Văn hóa – Văn nghệ, Bích Ngân có điều kiện đọc và góp phần làm “bà đỡ” cho những tác phẩm văn học có giá trị, nhiều hơn hết là tác phẩm của người viết trẻ. Là người sáng tác, chị càng thấm thía nỗi đơn độc của người cầm bút nên chị muốn góp phần làm điều gì đó giúp tác giả trẻ bớt đi sự cô độc trong nghề mà chị đã phải trải qua. Đó cũng là lý do thôi thúc để NXB Văn hóa – Văn nghệ cho ra mắt Tủ sách 8X, là “sân chơi” cho những gương mặt trẻ thuộc thế hệ 8X có nội lực văn chương và đam mê sáng tạo. Ba đợt ra mắt sách, Tủ sách 8X đã lần lượt giới thiệu đến công chúng những gương mặt văn chương của thế hệ của mình: Nguyễn Kim Hòa, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Hữu Tài, Tiểu Quyên, Trần Minh Hợp, Nguyễn Thị Khánh Liên, Trương Thanh Thùy, Vũ Văn Song Toàn, Nguyễn Anh Đào, Ngô Thúy Nga…

Tôi đôi lần chứng kiến, đã nhiều lần dự những cuộc ra mắt sách, làm MC cho các bạn 8X – như một thể hiện thái độ ủng hộ bạn bè cùng nghiệp viết. Với một nhà văn, sự có lòng ấy, đáng quý lắm.

Về nghiệp văn chương, theo tôi, trước tiên, Bích Ngân được người đọc biết đến với sở trường truyện ngắn. Chỉ sau tập truyện ngắn đầu tay Đâu phải là tình yêu – tập sách lấy tên truyện ngắn đầu tay của chị được in trên trang nhất báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, mà người trực tiếp đọc và biên tập là nhà văn Trang Thế Hy. Một số truyện ngắn của chị đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã sớm tạo được ấn tượng nơi bạn đọc. Một trong số đó có Đất không cưu mang, truyện ngắn dài hơn tám ngàn chữ sau đó được Nhà xuất bản Thế Giới chọn là một trong 50 truyện ngắn hay nhất của văn học Việt nam hiện đại, được chọn dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp. Cho đến nay, Bích Ngân đã xuất bản 12 tập truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn được chọn in trong nhiều tập truyện ngắn hay của nhiều nhà xuất bản. Gần đây, nhiều năm liên tục truyện ngắn của Bích Ngân lọt vào top ten Truyện ngắn hay của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Mới đây, truyện ngắn Rượu bốn mươi năm của Bích Ngân được Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu. Riêng về truyện ngắn, tác phẩm của Bích Ngân trở thành đề tài cho nhiều luận văn thạc sĩ.

Bích Ngân còn trở thành một cây bút quen thuộc của làng trào phúng, châm biếm với các tập sách như Trăng mật ở đảo, Cái đầu siêu định vị, Anh nhớ em muốn chết… Lúc chị cho in tập đầu tiên của thể loại này, do tình thân, chị đã gửi tôi đọc trước bản thảo. Và, tôi đã cảm nhận bằng tất cả sự hào hứng. Như một con mọt sách, tháng ngày qua tôi đã lầm lũi, vén từng hạt bụi thời gian trên từng trang sách để tìm lại những cây bút viết trào phúng Việt Nam. Quái lạ, tôi không hề thấy một tác giả nữ. Chẳng lẽ, phụ nữ không biết cười, không biết bỡn cợt, không biết hí lộng giang hồ như các đấng tu mi nam tử? Vô lý quá. Không riêng gì văn xuôi, mà ngay cả thơ trào phúng cũng thế. Vắng bóng các gương mặt nữ. Họ không có mặt ở sân chơi này.

Chính vì thế, khi cầm bản thảo Trăng mật ở đảo của Bích Ngân, bỗng dưng trong tôi vọng lên một niềm vui. Thì ra, ở thế kỷ này, đã có một nhà văn nữ “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Đây cũng chính là câu thơ, theo tôi, hay nhất trong 3254 câu thơ bất hủ của Truyện Kiều. Khác với Kiều, Bích Ngân “băng lối” ở thể loại trào phúng cũng chỉ một ngả rẽ của một nhà văn trữ tình chuyên nghiệp. Nhưng xem ra, ở ngả rẽ này, chị cũng đã tạo cho mình một dấu ấn riêng.

Viết trào phúng là một cuộc chơi cần có nội công thâm hậu. Có lúc tuyệt chiêu, có lúc hư chiêu. Vũ Trọng Phụng gặt lấy từng tràng cười sảng khoái của người đọc bằng chữ. Chữ ngộ nghĩnh, so sánh lắt léo, chữ nhảy múa bông phèng cà rỡn. Trong khi đó, Nguyễn Công Hoan lại quyết “ăn thua đủ” ở cái kết rất bất ngờ, thâm hậu. Tôi ngờ rằng, Bích Ngân gần với Nguyễn Công Hoan.

Tục ngữ có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, trường hợp này chưa hẳn đúng với Bích Ngân. Nhìn chị, thấy chị nghiêm nghị, ít cười đùa. Thế nhưng ai biết rằng, đàng sau cái sự như “lạnh lùng” ấy lại là một tâm hồn khoáng đạt biết bao nhiêu… Cái khéo của Bích Ngân khi viết truyện trào phúng là ở chỗ chị giấu được “bí mật” đến phút cuối. Chính vì thế, cái kết thúc của nó mới thật sự “ra đòn” một cách oanh liệt nhất. Các truyện trào phúng hầu như Bích Ngân đều sử dụng thủ pháp nghệ thuật này. Người đọc “choáng váng” bởi không lường trước những tình huống oái oăm có thể xẩy ra. Mà tôi tin rằng, cái kết thúc nào cũng tạo cho người đọc một “ấn tượng” khiến ta phải phì cười, vừa cười vừa đau…

Với ba tập truyện hài hước: Trăng mật ở đảo, Cái đầu siêu định vị, Anh nhớ em muốn chết… tôi tin rằng bạn đọc sẽ hài lòng với cuộc “trăng mật” giữa nhà văn trữ tình Bích Ngân với cây viết trào phúng Bích Ngân. Một cuộc xe duyên đã mở ra tín hiệu mới từ một sức viết đang thanh xuân. Và đang sung sức.

Sự sung sức ấy, đang có, đang hiển hiện như một lẽ tất nhiên của một nhà văn tâm huyết với nghiệp, đau đáu theo từng con chữ. Không chỉ ở truyện ngắn, ở văn chương trào phúng, nhà văn Bích Ngân còn lấn sang lĩnh vực sân khấu và đã gặt nhiều thành công. Chẳng hạn, năm 2015, cũng là năm nhà văn Bích Ngân “được mùa” sân khấu. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải B (không có giải A) cho kịch bản văn học Dòng xoáy nghiệt ngã – kịch bản này được dàn dựng trên sân khấu kịch nói, sân khấu cải lương, sân khấu truyền hình và vở diễn nay đã đoạt huy chương vàng trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 3 năm tổ chức một lần (2012 -2015). Vở kịch Gương mặt kẻ khác được diễn nhiều xuất ở Nhà hát kịch nói 5B Võ Văn Tần, TP.HCM, mà Bích Ngân là tác giả cũng đoạt giải B về vở diễn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Huy chương Bạc ở Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Bích Ngân còn là Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với nhiều giải thưởng về kịch bản sân khấu. Chị đã có 2 tập kịch bản được xuất bản: Dòng xoáy nghiệt ngãGương mặt kẻ khác.

Với tiểu thuyết, cách đây mười năm, Bích Ngân ra mắt tiểu thuyết đầu tay Thế giới xô lệch, tác phẩm đã tạo được sự chú ý của đồng nghiệp, giới phê bình và nghiên cứu văn học. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tổ chức 28/4/2016, Đoàn Thị Ngọc, người có công trình nghiên cứu về Thế giới xô lệch đã nhận xét xác đáng về tiểu thuyết: “Cũng giống với Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhân vật Tôi trong Thế giới xô lệch được nhà văn Bích Ngân lấy cảm hứng trong một lần đến thăm viện quân y, trong đó có một trại thương binh là các chàng trai trẻ bị mất đôi chân do bị vướng phải bom mìn. Từ một chàng trai có hình vóc nguyên vẹn, một sinh linh bình thường của tạo hóa nhưng ngay trong chuyến xe đầu tiên vượt qua biên giới Campuchia bị vướng mìn đã phạt đứt đôi chân, để lại cho anh là hai khúc đùi. Từ đó, không gian sống của người lính chỉ còn là cái giường có chiếc rèm che ngăn cách với gian nhà trên – nơi được đặt làm phòng khách và góc nhỏ có chiếc máy may mà người mẹ thường ngồi may cắm cúi ở đó. Nhưng cũng chính trong không gian bé nhỏ ấy đã thể hiện trọn vẹn bi kịch nội tâm của người lính”.

Cũng tại Hội thảo trên, nhà phê bình Trần Hoài Anh nhận định: “Cái nhìn hiện thực của Bích Ngân cũng như của số ít ngòi bút của thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975 không phải là cái nhìn hiện thực giản đơn, một chiều mà là cái nhìn hiện thực đa chiều, đa diện như nó vốn có. Thế giới xô lệch chính là một cuộc ‘giải phẫu’ khá sâu sắc và tinh tế về tâm thức và tâm cảm của con người Việt Nam thời hậu chiến. Thời hậu chiến, là thời điểm mà mọi giá trị đang đứng trước những xô lệch đòi hỏi con người hết sức tỉnh táo để biết biến đổi và thích nghi. Phản ánh được trạng thái phức cảm này trong văn học, nhà văn cần phải có thiên lương để cảm nhận và thể hiện được nỗi đau của thân phận trước những biến đổi của đời sống xã hội. Với Thế giới xô lệch, Bích Ngân đã làm được điều này. Nhà văn đã nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, đã lăn lộn trong vòng xoáy của cuộc sống bằng một tinh thần nhập cuộc và dấn thân”.

Nhà văn Hà Đình Cẩn nhận xét: “Văn học nước ta lâu nay trọng sự phát triển chiều rộng theo các sự kiện. Tác giả ‘Thế giới xô lệch’ trọng chiều sâu, ném nhân vật ra không bằng lý lịch trích ngang mà bằng tim óc, tính cách của họ”. Nhà văn Ma Văn Kháng viết: “Đọc ‘Thế giới xô lệch’, tôi nhớ đến câu nói của Roland Barthes, tác giả của ‘Độ không của lối viết’… Ở đây, như thông lệ của nghệ thuật tiểu thuyết, với thủ đoạn là tạo nên cái giả mà như thật, câu chuyện được kể lại qua nhân vật Tôi và nhờ tài năng của tác giả, vượt qua các định kiến thông thường, kiểu viết này khiến sự dịch chuyển các điểm nhìn trở nên liên tục, tạo nên một khả năng khám phá sâu vào thế giới bên trong của mỗi nhân vật và nhờ vậy sự trần thuật trở nên sinh động, phức hợp và hấp dẫn”.

Và mới đây, sau khi đọc lại một số tiểu thuyết từng gây tiếng vang trên văn đàn, nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn cho rằng Thế giới xô lệch là một trong số ít tiểu thuyết vẫn còn nguyên giá trị văn chương của nó sau mười năm ra mắt độc giả.

Thế giới xô lệch được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản lần thứ 6 (Tác phẩm được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2010) và đoạt giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh 5 năm lần 1 (2011- 2016). Thế giới xô lệch, cho đến nay tiểu thuyết duy nhất được chọn làm đề tài tham luận tại Hội thảo quốc tế mang tên Văn hóa và tín ngưỡng trong khu vực ASEAN đến cuối thế kỷ 21: Đối thoại giữa quá khứ với thực tại (do Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đăng cai tổ chức từ ngày 10 – 12/7/2017 tại TP.HCM)

Gần đây, tôi thấy Bích Ngân còn có thơ đăng rải rác trên báo Báo Thanh Niên và đăng mười mấy bài thơ trên Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) và thỉnh thoảng gặp thơ trên trang cá nhân của chị. Cũng như các thể loại khác, thơ dù in chưa nhiều nhưng Bích Ngân cũng đã tạo được nét khắc cho riêng mình, không lẫn vào ai.

Về tình cảm bạn bè chơi với nhau, dù ít gặp gỡ nhưng rồi chỉ đọc qua văn, cũng là một cách “tiếp cận” lẫn nhau. Vậy cũng đủ, chứ không nhất thiết phải bù khú, bia bọt lai rai mỗi ngày. Thời gian ấy, dành cho trang viết. Và có dịp lại tặng tác phẩm mới cho nhau. Âu cũng là niềm vui trong trẻo của bạn văn.

Còn nhớ có lần chị tâm sự: “Trong khi viết, để có được những ý tưởng rồi nâng lên thành tư tưởng, thành triết lý, theo tôi không khó bằng việc nuôi dưỡng cảm xúc. Không có cảm xúc, từ ngữ chỉ là những xác chữ vô hồn. Mà để nuôi dưỡng cảm xúc thì phải sống chân thành, trước nhất là chân thành với chính mình”.

L.M.Q