Quang Dũng – Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

1523

12.10.2017-10:40

Thi sĩ Quang Dũng

 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”

 

HUYỀN MINH

 

NVTPHCM- Ai viết ra những câu thơ thì đều có thể xưng là nhà thơ được. Nhưng một nhà thơ chân chính phải là người sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để gìn giữ phẩm giá nhân văn của mình. Nhà thơ theo đúng nghĩa của từ này không bao giờ là “kẻ hủy diệt”. Trái tim thi sĩ phải là trái tim biết chịu đựng những nỗi đau đớn vì người khác. Quang Dũng (1921 1988) là một trong những nhà thơ như thế.

 

Người của giới cần lao

 

Ông đã sống một cuộc đời không dễ dàng nhưng có lẽ cũng là hạnh phúc. Tài năng đấy nhưng những câu thơ tâm đắc nhất, thành công nhất của ông không phải là thứ có thể dễ dàng được chấp nhận ngay lập tức ở một đất nước phải sống trong cái thời có quá nhiều chuyện quốc gia đại sự cần lo hơn những rung động muôn đời về tinh thần hiệp sĩ. Hào hoa phong nhã lắm, nhưng lại phải cùng cả dân tộc trải qua vô vàn những thiếu thốn vật chất, từ manh áo đến miếng ăn. Ừ, thì đành một nhẽ, cái hay của thời ấy là nó giúp con người biết tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn tột cùng trong những cái bình dị, đơn giản nhất. “Đặc sản” khoái khẩu nhất của Quang Dũng đã là, như nhà văn Thanh Châu nhớ lại, “khoai lang hàng bà cụ phố Tuệ Tĩnh, kẹo vừng ông lão ngồi cửa chợ Hôm, quán cơm đầu ghế bất kể chợ nào, quán nước chè tươi (nấu nước mưa, nước sông Hồng truyền thống)”… Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, cốt cách ấy, tâm hồn lãng mạn ấy, nếu không phải quá bị đời thường câu thúc, hẳn đã viết được không chỉ một “Tây Tiến”. Chao ôi cái hào khí Á Đông cổ xưa mà rất hiện đại ấy:

 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

 

Đó là khẩu khí của những người vì nghĩa lớn coi mọi thiếu thốn, cam go, chết chóc là chuyện nhỏ, dù rất lưu luyến với mọi biểu hiện dù nhỏ nhất của một đời sống tinh tế. Bây giờ đọc lại thơ Quang Dũng, mới thấy thương cho cái chất thơ rất thư sinh và trong sáng nhưng lại bị bủa vây bởi những bó buộc quá “văn xuôi”.

 

 Tất cả những ai từng gặp ông lúc ông còn sống hẳn đều còn nhớ tới vóc dáng cao lớn, lực lưỡng của ông (“Như Tây!”, theo cách nói dân dã thời đó). “Vai ba tấc rộng, thân mười tấc cao” như vậy nhưng đi đâu, trông Quang Dũng lúc nào cũng như muốn thu mình lại. Cũng là người thuở nhỏ quen khá giả nhưng ông lại học được tác phong sống rất bình dân, cực kỳ dễ hòa đồng ở mọi nơi, mọi lúc. Ông không bao giờ muốn trông khác những người xung quanh. Thế nhưng, cái cốt cách thi sĩ bẩm sinh ở Quang Dũng bao giờ cũng hiện ra lồ lộ.

 

Tuy nhiên, chất nghệ sĩ của Quang Dũng không kiểu cách, cao xa mà lại luôn gần gụi. Nhà thơ Ngô Quân Miện nhớ lại, một lần Quang Dũng vào chùa Bà Đá (Hà Nội) vẽ những gốc đào nở hoa. “Thấy anh hiền và vui, nhà chùa rất mến, cho anh gửi nhờ giá vẽ và mời anh lộc Phật. Thậm chí những người ăn mày tụ tập ở chùa cũng mến anh, hôm nào thấy anh đến là cùng nhau chào “ông bạn” họa sĩ đã đến. Và anh chia sẻ với những người khốn khổ ấy miếng bánh chưng ngày Tết”… Thì rõ rồi, “ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”,- ai nếu không phải là các nhà thơ chân chính có thể đồng cảm được hơn tất cả với những người thất cơ lỡ vận!

 

Mây lang thang

 

Quang Dũng có lẽ là nhà thơ mang trong mình dòng máu lãng du vào loại bậc nhất thi đàn đất Việt thế kỷ XX. Cái nỗi niềm Chiêu Quân ly xứ đã ám ảnh thơ ông ngay từ những bài đầu tiên:

 

“Tiết lạnh che mờ trời Hán quốc,

Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương

Tang tình năm ngón sầu dâng lệ

Chiêu Quân sang hồ xừ hồ sang…”

 

Tất nhiên, đây vẫn là tâm sự thư sinh, ngồi mà nghĩ và có gì đó hơi gợi lại không khí bi phẫn trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ (Thế Lữ, như chính lời Quang Dũng về sau tâm sự, là một trong những thi nhân được ông yêu quý và sùng mộ nhất). Và đó chính là tiền đề để phát tiết sau này, khi Quang Dũng hòa mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân của cả nước Việt. Thơ Quang Dũng trong 9 năm đó đã đạt được đỉnh cao thi hứng và luôn luôn ở thế chuyển động. Trong bài thơ dài “Sử một trung đoàn”, viết năm 1947, ông nhớ lại:

 

“Những làng trung đoàn ta đi qua

Lều chợ bay tro đêm lửa trại

Rạ thui bò khét cổng làng sau

Gạo thổi cơm sôi xôi thơm ngõ ruối

Buồng chuối tiễn quân em mới cắt

Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt

Khúc hát đồng ca Vệ quốc quân

Cuối xóm trông theo vây mấy lần…”

 

Đã nghe phảng phất âm hưởng Kinh Kha nhưng hiền lành và giàu mộng tưởng. Sau này về phố ở, Quang Dũng luôn cảm thấy chật chội ở nội đô. Có lần, ông đã ví ông như đám mây đầu ô và thốt lên bi phẫn:

 

“Mây ở đầu ô mây lang thang

Ôi! Chật làm sao

Góc phố phường

Mây ở đầu ô

Hẹn những chân trời xa lạ

Qua một ngọn cột đèn…”

 

Quang Dũng có lẽ là người luôn cảm thấy tâm hồn mình bị “đói” cảm xúc mới, dù trong đời sống thường nhật, ông là người cam chịu và chấp nhận hơn ai hết. Đọc thơ hay cả văn xuôi của ông, ta luôn có cảm giác như đang nghe thấy văng vẳng từ đâu chẳng rõ một tiếng kêu gọi đàn của một hồn đơn độc đang khao khát được sum vầy với bầy bạn:

 

“Trưa hè bỗng nhớ sông quê

Nước xa không bóng

thuyền đi đôi dòng

Thóc nhà ai có phơi không?

Chói chang lửa thóc

sân trông bóng người

Vại mưa in dáng mây trời

Em soi bóng có nhớ

người xa em?..”

 

Toàn những câu hỏi đặt ra cho đỡ xót lòng chứ không mấy mong muốn nhận câu trả lời. Cái nỗi niềm không thỏa này đã ám ảnh Quang Dũng từ ngày đầu biết nghĩ và cảm cho tới ngày cuối của đời ông. Và đã có ít nhất là một lần nỗi niềm đó bùng lên thành ngọn lửa thi ca sưởi ấm lòng nhiều thế hệ người dân đất Việt. Đó là khi Quang Dũng viết “Tây Tiến”.

 

Mãi cùng Tây Tiến

 

Năm 1947, Quang Dũng làm đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến (tức Trung đoàn 54) trong thời gian đi mở đường qua vùng Tây Bắc. Rồi trở về Phù Lưu Chanh (một tổng ở tỉnh Hà Nam thời cũ), tham dự Hội nghị toàn quân, nhớ đơn vị cũ, Quang Dũng đã dồn tất cả chất hào hoa hiệp sĩ của mình để viết nên những câu thơ bi sảng nhất của đời ông, những câu thơ vừa hiện thực vừa siêu thực:

 

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao,

ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch

cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…”

 

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam,  những đơn vị như Tây Tiến thực sự là những điểm sáng vừa cần thiết về phần quân sự, vừa rất thú vị về mặt tinh thần. Đoàn quân Tây Tiến được lập ra năm 1947 với nhiệm vụ phối hợp tác chiến với Bộ đội Lào chống lại các đơn vị thực dân. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến rất rộng nhưng toàn những vùng “thâm sơn cùng cốc” ở sát biên giới Việt Lào: Châu Mộc, Sầm Nưa…

 

Trớ trêu thay, trong đội quân phải tác chiến ở khu vực ác liệt và hiểm trở ấy lại có rất nhiều thanh niên phường phố, mơ mộng hào hoa, nhiều tài năng văn nghệ và lắm khát vọng cống hiến xây dựng cho đời. Sự va đập của một thực tại quá gian khổ, thiếu thốn và truân chuyên với những thanh tịnh nhất của tâm hồn tiểu tư sản có lẽ đã tạo nên được những nguồn cảm hứng không dễ gì có đối với con người và giúp cho nhiều cựu binh Tây Tiến về sau trở thành nghệ sĩ.

 

Quang Dũng là một trong những người có được sự nghiệp sáng tạo đáng kể nhất từ Tây Tiến và có lẽ cũng là người thành danh nhất trong số những văn nghệ sĩ trưởng thành từ “đoàn binh không mọc tóc” này.

 

Cho tới hôm nay, bài thơ “Tây Tiến” vẫn là một trong những đỉnh nghệ thuật của nền thơ Việt Nam thế kỷ XX. Khi viết bài thơ đó, Quang Dũng còn quá trẻ, lòng vừa giác ngộ lý tưởng cách mạng vô sản vừa vẫn vấn vương tinh thần “Tiêu Sơn tráng sĩ”. Người chiến sĩ trong “Tây Tiến” không sợ hy sinh “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và biết nhìn thấy cái bi lẫn cái hùng trong những “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Có lẽ chưa bao giờ trong thơ Việt Nam lại có được những câu thơ vừa giản dị vừa ngạo nghễ như thế khi viết về cái chết của người chiến sĩ:

 

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên

khúc độc hành…”

 

Làm người lính, không ai muốn phải hy sinh, nhưng nếu có hy sinh mà được sảng khoái ra đi như trong bài thơ “Tây Tiến” thì âu cũng cam lòng!

 

“Hiền đại nhân”

 

Viết về nhà thơ Quang Dũng, Giáo sư Hoàng Như Mai khẳng định: “Quang Dũng không thù ai, không giận ai, không oán ai, tôi cam đoan như vậy. Có lẽ vì anh rất khỏe cả về thể xác (anh có một thanh kiếm Nhật, khi anh múa, tiếng gió rít nghe khiếp quá) lẫn tinh thần, cho nên tất cả những thiếu thốn vật chất và phiền toái tinh thần không mảy may đụng chạm đến anh, chưa nói lay chuyển anh. Người ta bảo anh tốt nhịn, hiền. Tôi cho là anh có một tình yêu đời, yêu người lớn lao, có thái độ sống trượng phu (từ này với Quang Dũng đúng thật)”.

 

Sự thật có lẽ đúng là như vậy. Một nhà thơ theo đúng nghĩa của từ này không thể mang trong lòng mình những thù oán, đố kỵ, bon chen, ngay cả khi mình chưa được xã hội nhìn nhận đúng mức, đúng tầm…

 

Những năm cuối đời, sau một cơn tai biến mạch máu não, Quang Dũng đã phải gần như nằm liệt giường tới ba bốn năm liền. Bạn bè tới thăm ông thuở ấy tới nay vẫn còn nhớ, trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, ông rất hay cười, “cười như mụ dạy”. Hình như người hiệp sĩ nào cũng thế, cuối cùng đều trở lại với cốt cách hiền nhân. Quang Dũng đích thực là một hiền nhân, “hiền đại nhân”. 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Chữ bầu lên nhà thơ – Lê Đạt

>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…