Tết của đàn ông, Tết của đàn bà

688

Phạm Bội Anh Thuyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đàn ông có “đặc tính” khi nhà có tiệc tùng, giỗ chạp thì đại đa số họ chỉ mỗi việc lo tiếp khách (Kỳ thực là nhậu nhẹt, vui say với khách khứa, bạn bè là chính). Còn bao nhiêu việc không tên khác chị em phụ nữ trong gia đình phải tất bật lo toan đến đầu tắt mặt tối, nhất là chị em ở vùng nông thôn. Có khi “không hoàn thành nhiệm vụ”, “quê độ” với khách, “đức lang quân” còn to tiếng, la mắng, trách cứ. Đến ngày tư ngày Tết thì cái luật bất thành văn ấy định sẵn trong xã hội tự bao giờ cũng được đưa ra… ứng dụng. Đàn bà vẫn cúi đầu an phận không hề suy tính thiệt hơn, xem đó như là một định mệnh, mặc định của xã hội.

Đàn ông khi Tết đến thường thì có mỗi việc đưa một ít tiền cho vợ, nói vài lời động viên là xong. Có khi mấy ông “im như ngậm thóc”. Mặt khác họ lo nào rượu, bia, thức nhắm nào cho thật “bắt” để né ngán cho đẹp lòng khách. Hăm hở chuẩn bị đi thăm thủ trưởng, đồng nghiệp… sai vợ đi mua quà gì để biếu, tặng. Tất nhiên “đính kèm” theo đó là việc chén tạc chén thù. Có khi cao hứng đi tiếp tăng hai, tăng ba. Về đến nhà thì say mẻm say mèm. Bao nhiêu việc để mặc cho vợ con lo liệu. Đàn ông ở nông thôn thì lo khui đìa, tác mương, để có một ít mồi bén, và sai vợ con đi mua vài can rượu đế làm đạn dược “chiến đấu” trong ba ngày Tết với bằng hữu. Có không ít ông lập “quỹ đen” trong những ngày này nhằm ném vào sòng bạc, trường gà… Và như thế đến Tết cứ chơi, chơi và chơi thỏa thích.

Khi ấy đàn bà phải lo bao nhiêu là việc từ trong đến ngoài. Trước Tết thì lo chuẩn bị lau dọn nhà cửa, mua hoa quả, thực phẩm nấu nướng, chưng, cúng nơi bàn thờ ông bà, tổ tiên. Mua sắm vật phẩm đi biếu cha mẹ hai bên, rồi sui gia, hàng xóm… Nào áp lực của con cái vòi vĩnh, “mặt lớn mặt nhỏ” đòi mua hàng hiệu, xin tiền xài… Trong đó có lắm đứa con chúng chẳng cần biết đến túi tiền của mẹ mình là gì. Nhất là những phụ nữ ở nhà thờ gia đình, dòng họ, Tết tới công việc “ngập đầu ngập cổ” mà chồng con không chia sẻ, phụ giúp. Một năm có mấy ngày Tết cũng không được nghỉ ngơi. Đàn ông có khách thì ngồi bàn giữa, các bà thì dưới nhà bếp lo phục vụ như con thoi, đối lập hẳn với quí ông. Vậy mà đàn ông không ít người vô tâm đến việc bất công đó. Bao nhiêu gánh nặng vô tình trút hết cho vợ mình. Ấy là chưa nói đến việc các đức ông chồng, các cậu quí tử chơi xả láng mấy ngày này, rong ruổi trên xe mô tô để mấy bà ở nhà lo sốt vó về tai nạn giao thông… Vậy nên có chị Lam Tuyền ở khu phố tôi, qua Tết mệt phờ ra, vừa dọn chén bát đổ bể trong các… cuộc nhậu vừa than rằng: “Tết đến ai ăn Tết chứ còn tui thì bị “Tết ăn!”. Nghe qua thật xót xa làm sao!

Hy vọng “Tết Cô-vít” này, cánh đàn ông chúng ta thay đổi, “để mắt tới” chị em phụ nữ một chút! Cùng quan tâm, chia sẻ công việc gia đình với vợ mình. Để cả gia đình cùng ăn Tết vui vẻ, chứ không phải để mặc cho riêng họ bị… Tết ăn! Xót lắm các bạn ạ!

P.B.A.T