Trần Quốc Toàn – Từ sông Đà tới sông La Ngà

556

20.11.2017-18:30

NVTPHCM- Theo nghề dạy học từ 1970, nhà văn Trần Quốc Toàn có vốn sống để viết nhiều về giáo dục. Ngoài tập tản văn 99 cửa sổ lớp học (NXB Trẻ 1998) ông còn tập truyện ngắn Nét chữ nét thầy (NXB Trẻ 2006). Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi giới thiệu một truyện ngắn rút từ tập truyện này. Tên truyện như nhắc tới hành trình dạy học của chính tác giả, dòng đời cũng đã đưa ông từ một trường phổ thông ven sông Đà (Bất Bạt, Hà Tây) tới một trường sư phạm ven sông Tiến (Cao Lãnh – Đồng Tháp).

Nhà văn Trần Quốc Toàn

 

>> Ngôi nhà trong bụng mẹ

>> Người viết bằng Tổ quốc ghi công

>> Trần Quốc Toàn & Trung thu Nam Bộ

>> Quà trung thu từ một trại viết ở rừng Mã Đà

 

 

Từ sông Đà tới sông La Ngà

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN QUỐC TOÀN

 

An trúng tuyển, ba đưa cô từ Bình Dương lên, gặp thầy Công ngay cổng đại học quốc gia “Tôi gửi cháu cho thầy. Nó giang hồ từ  bé, phải thầy mới trị được!”

   

Giang hồ là vì ba và cô sống trên một chiếc thuyền trong làng cá bè  sông La Ngà. Ba An là thợ hàn thủy điện sông Đà, vào Trị An rồi dính một cô karaoke phố núi. Chót yêu người đẹp quán đèn mờ, muốn giấu chả khó!  Ba An không giấu,  còn khoe ra ánh đèn hội diễn, hát với nhau trên sân khấu công trường, trong một lễ trọng có quan hệ quốc tế! Là bí thư một chi đòan thủy điện cả nước đang nhìn vào,  không thể quan hệ bất chính như thế! Không thể lừa dối tổ chức và thỏa hiệp với tệ nạn xã hội! Những tội tày trời, buộc anh thợ trẻ phải chọn, hoặc cái mỏ hàn và đồng lương công nhân, hoặc người đẹp và giọng hát bụi đời. Ông đứng về phía bụi đời! Mẹ An thương người đã trắng tay vì mình, bán hết vòng xuyến,  mua một cái thuyền, cắm sào giữa dòng La Ngà  giữ mình, giữ tiếng cho người mình yêu. Họ thành dân làng cá từ đấy. Sẵn tay nghề thợ hàn, ba An hàn những lồng cá bằng lưới mắt cáo gắn vào những cái phao thùng phuy dầu nhớt. Hàn cho mình rồi hàn cho người làng nổi!

   

Thầy Công đang làm quản thủ thư viện công trường, thấy mất một độc giả thì có ý tìm rồi biết anh thợ người Hàng Thiếc, ba mươi sáu phố Hà thành đã thành ngư dân! Thầy tìm tới, tận mắt xem có chuyện ấy không. Tới rồi thì tán đồng và lãnh luôn việc mỗi chủ nhật mang sách ra làng nổi cho độc giả ruột, để chồng đọc vợ nghe lúc ngư nhàn, trăng thanh gió mát. Sau này thầy Công nói với An “Ba cái tiểu thuyết phương Tây em đang học, Thằng ngốcMột anh hùng thời đại, Bà Bôvary với Lão Gôriô ba em đã đọc em nghe từ hồi em còn trong bụng mẹ”. Thầy luôn gọi cô là em. Gọi theo kiểu những người trong nhóm bạn rất nổi tiếng của thầy, người nào cũng muốn cúi thấp xuống để được bằng vai với nhau. Nhưng cách gọi như thế cũng phiền cho An, hại cho thầy!

   

Thầy Công còn độc thân lại đã từng bị rút phép lên lớp vì chuyện tình ái. Tốt nghiệp đại học, một ba lô sách trên vai, thầy xin lên dạy vùng núi Tản sông Đà, thời đang làm thủy điện Hòa Bình. Được 3 năm, vào đúng đêm vui tiễn một học trò người Thái trắng họ Vi lên đường du học Liên Xô thì chuyện buồn xẩy ra. Nửa đêm, xóm núi đốt đuốc lập biên bản hủ hóa quả tang, thầy Công say rượu, nằm trong màn nữ sinh của mình. Cô nữ sinh hốt hỏang chẳng biết chuyện gì. Cha cô thì vui ra mặt, bắt thầy cưới trò, giữ tiếng cho nhà họ Vi. Thầy Công tự biết đã rơi vào bẫy bắt rể, nhưng không kêu oan để học trò của mình có thể lên đường du học vào sáng hôm sau. Chịu làm rể, chỉ xin trò học xong thầy mới cưới. Đấy là chuyện kín trong xóm núi, còn chuyện ngòai trường thì không dễ như thế, thầy phải ra hội đồng kỉ luật, trơn tru nhận tội, “Lẽ ra tôi phải yêu tất cả các em nam và nữ trong lớp, tôi đã không làm được như vậy, đã đơn phương luyến ái một nữ sinh. Tôi xin chịu bất kì kỉ luật gì của ngành”. Thế là mất dậy! Cả lớp thương thầy, nghi oan cho người bạn gái hại thầy. Nhưng chẳng đứa nào cứu được thầy. Chỉ có một nữ sinh thật sự yêu thầy và biết thầy cũng quan tâm đặc biệt tới mình thì giúp bằng cách nhờ cha là giám đốc sở văn hóa xin cho thầy một chân cán bộ tuyên truyền thủy điện sông Đà, giữ việc phân lọai sách thư viện. Thế là con mọt sách sa hũ chữ! Chẳng phải thiên kinh vạn quyển gì, chỉ là thượng vàng hạ cám, sách gì tới tay là đọc. Đọc nhuyễn Mao chủ tịch luận văn nghệ bằng bạch thọai tới mức hiểu được cả tứ thư ngũ kinh văn ngôn. Đọc đến mức có thể chuyện với chuyên gia Liên Xô bằng tiếng Pháp, tiếng Nga. Anh giáo Công thành một thầy đồ ông cụ non, chờ một cô gái đã đính hôn nhưng không bao giờ về với mình vì chót lấy chồng Tây! Không đứng lớp nhưng học trò thì nhiều hơn, thầy trở thành người giải đáp chữ nghĩa cho bạn đọc của ba bốn tờ báo, dưới những cái tên lạ hoắc lạ huơ! Thế mà cũng thành danh! Thế rồi, khi chuyện từ thủy điện Hòa Bình, vào thủy điện Trị An anh quản thủ thư viện được đại học quốc gia trên thành phố, mời kí hợp đồng giảng dạy khoa Hán Nôm. Và thầy Công kịp đón An ngay từ cổng trường.     

    

Thầy chú ý đặc biệt tới An vì thương cô bé sớm mồ côi mẹ. Mẹ An từ khi xuống thuyền thì không lên bờ nữa. Khi An được 3 tháng tuổi, thầy Công đọc báo thấy  trên Thủ Dầu Một có tổ chức chích ngừa viêm gan siêu vi B thì nhắc chích cho An. Đến việc ấy mẹ An cũng lại nhờ thầy Công mượn xe máy chở hai cha con An. Khi trở về,  gọi mãi chẳng thấy mẹ An chèo ghe vào đón, ba hốt hỏang đưa An cho thầy Công rồi nhảy ùm xuống sông  bơi vội ra bè cá nhà mình. Chẳng thấy vợ đâu, chỉ thấy hai bàn tay chòi lên từ mặt sông, bám chắc vào mép nổi của bè cá. Mẹ An đã chết từ bao giờ, chết dính vào cái lưới mắt cáo quây bè, đầu mắc kẹp trong một lỗ thúng. Người ta bảo bọn thủy tặc thấy vắng ba An thì làm người nhái lặn vào cắt lưới tính phá đám. Mẹ biết, nhẩy xuống bịt cái lỗ thủng ấy nhưng lúng túng rồi mắc kẹt mà chết ngạt. Về chuyện này, thầy Công lại dạy An theo kiểu của thầy, “Mẹ em chết theo cách con ma da của nhà văn Nguyễn Quang Sáng! Chết để chấm dứt quá khứ ma mị cho chồng con mình”.

    

Người thợ hàn người phố cổ Hàng Thiếc đã mất lửa nghề, mất thêm lửa bếp gia đình, lầm lũi sống nuôi con. Mỗi sáng nhổ sào đưa An lên bờ, vào lớp, trưa đón con, lại trở mũi ghe, nhốt nó giữa những lồng cá và một tủ sách đủ lọai, thầy Công  lo cho. Khi đã là giáo sư thỉnh giảng, ông đăng kí một hộp thư lưu ở bưu điện huyện, gửi sách  mới cho An! Thành thầy trò cùng một trường, quan hệ giữa hai người càng thân thiết!    

     

Năm ấy An chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp rồi đi du học bằng học bổng tuổi trẻ sáng tạo vì cô được  giải báo chí của Trung ương Đòan, tặng phóng sự  phanh phui xóm bồ nhí huyện Bình Chánh. Ngày nhận giải, cô mượn căn phòng chung cư Xóm Củi của thầy Công mở tiệc đãi thầy đãi bạn. Phòng 16 mét vuông, xếp kín 4 tường sách, sách đụng trần. Ngòai sách chỉ còn một cái giường gấp, một cái thang nhôm hình chữ A lúc nào cũng choãi chân đứng chờ người trèo lên chọn sách, một án thư chân quì làm bàn viết, bàn trà! Hôm ấy, lần đầu cô uống bia. Tàn cuộc, thầy Công đưa cô ra chợ Bà Chiểu, lên xe bus số 8 về làng đại học Thủ Đức. Đã leo được lên lầu 4, vào phòng 402 lại trèo lên được tầng hai, giường đôi số 4. Lên tới cái ổ của mình, An lục túi xách tìm lại tấm bằng, thấy hai chai rượu tây, thứ nhỏ như ve dầu thơm. Cô chỉ đủ tiền mua tặng phẩm nhỏ xinh như thế tính tặng thầy, tặng Vinh người giúp cô tìm ra đề tài.

   

Vinh, lái xe cho bà thứ trưởng, cô nữ sinh đã từng lo cho thầy một việc làm bên hồ thủy điện. Tết nào bà cũng dẫn ông chồng chủ tịch tỉnh đến Tết thầy. An đã nhiều lần được gặp bà. Lần nào bà cũng gửi gắm, em giúp chị chăm sóc thầy, thầy bệnh tim lại rối lọan tiền đình, đừng cho đi xe máy, cần đi đâu cứ bảo Vinh lo xe! Đi công tác tỉnh nào bà cũng có quà cho thầy, Vinh mang tới. Quen nhau, thầy coi Vinh như bạn vong niên! Anh đang được thầy kèm thêm để lấy bằng A anh Văn, đặng mà mỗi khi phải đón khách ngòai sân bay quốc tế, không câm, không ngọng. Tại cái kho sách Xóm Củi của thầy Công, Vinh thành bạn học, thành thông tín viên tích cực của An. Hôm qua ba thầy trò còn ngồi với nhau, thầy hỏi:

 

– Này em, biển báo hạn chế tốc độ cả rừng phải không! Từ Bến Tre về! Mất bao lâu, ba hay bốn tiếng!

 

– Thầy nhầm, em đi còn nhanh hơn ngày chưa biển báo, chưa bắn tốc độ! Vỏ quýt dày, móng tay nhọn thầy ơi! Thủ trưởng của em xin được cái này  – Anh đưa ra  thẻ ưu tiên đặc biệt – lúc nào mấy chú công an phục kích là em dán còi hụ lên nóc xe. Băng băng! Con thỏ chạy trên xa lộ cho lòai ruà, tiếng Anh nói thế nào hả thầy? Trò của thầy, thủ trưởng của em giỏi lắm nha! Một hôm đang một trăm cây đường vắng, thấy một bà già hốt hỏang vẫy tay , thủ truờng bắt em lùi xe xem có việc gì! Thầy biết không! Ông mãnh chăn trâu con bà ta, bị trâu điên dẫm lòi ruột. Thủ trưởng cho ngay lên xe của mình, bắt em dán còi ưu tiên, hụ liên tục, chạy thẳng về thành phố cấp cứu. Bà mẹ lên băng trước ngồi với em, còn thủ trưởng nhà mình ngồi bằng dưới với thằng bé! Sơ cứu hết ý. Bác sĩ chiến trường mà thầy! Thắng bé sống khỏe thầy ạ!

    

Chỉ chầu ria một tuần trà như thế, An đủ tư liệu cho một bài báo hay. Bài  cô chiếm giải cũng bắt đầu từ thông tin của Vinh. Một lần anh ngậm ngùi, người bạn cựu chiến binh lái xe tăng đánh Mỹ cả thời trai không chết, mới gom góp mua được cái Rim Tầu chạy xe ôm thì bị cướp xe, mất mạng. An với thầy Công theo Vinh tới đám ma người xấu số. Rồi cô viết phóng sự  kêu cứu cho giới xe ôm. Những người tự trói tay mình vào ghi đông kiếm sống, tự đưa gáy, đưa tim mình vào trúng mũi dao của một thằng bất lương ngồi ngay sau lưng. Sau lọat bài này An thành bạn của giới xe ôm Sài thành. Chính họ dẫn cô tiếp cận cái xóm bồ nhí kia, bắt đầu từ việc bám theo một ông vụ trưởng, kính cận râm gọng lớn, khẩu trang cỡ đại, lại thêm cái áo gió quân dụng lấy ra từ cặp táp, loang lổ như con tắc kè hoa! Đến cảnh sát hình sự cũng mất dấu chứ đừng nói công an  văn hóa hiền lành. Ấy vậy mà nhờ các bác tài xe ôm tay lại lụa, cô theo đến tận nơi, lên được một danh sách, các ông bự có vợ nhỏ tại cái xóm tai tiếng này!

   

Có người hỏi An, không sợ bị trả thù à? Sợ chứ, nhưng ham hố quá, quên sợ. Rồi cô nói đùa, cứ nghĩ nếu mình chết , một nghìn lẻ một bác xe ôm nam và nữ,  nổ máy các lọai xe hai bánh trên đời, đi theo xe tang mà bảo vệ mình. Hết sợ!

    

Nhưng rồi An trúng đòn thù! Cái bữa say bia chiến thắng, từ Thủ Đức trở lại nhà thầy Công thì đã khuya. Cô trao tặng vật, xin uống với thầy một li rượu lễ rồi say đến không thể về. Sáng ra người ta thấy An nằm trên cái giường bạt duy nhất trong phòng. Dưới chân cô là thấy Công, trên những tờ nhật trình quảng cáo cỡ A  một. Chuyện ấy cũng là bình thường, nếu người khách đầu tiên của thầy Công ngày hôm ấy không phải một cán bộ giáo vụ vừa mất xuất du học vì cái giải báo chí của An. Anh ta nhìn lẳng lặng, nhìn hau háu, rồi nuốt nước bọt bỏ đi. Một lúc sau, chuyện lãng xẹt xẩy ra. Ban quản lí chung cư tới lập biên bản vi phạm khai báo tạm trú! Cả trường ầm lên về chuyện tình ái thầy trò. Thầy bị cắt hợp đồng thỉnh giảng. Trò thôi không được làm luận án, mất  tiêu chuẩn du học, tốt nghiệp lọai thường và trở thành nhà báo tự do.

   

Sáng này nhà báo tới khoe bài viết về những con đường cao tốc dành cho lòai rùa. Cửa vẫn chỉ khép hờ  như bất kì lúc nào, cô mở cửa. Thầy Công nằm sấp, gập người rất cân đối trên cái thang hình chữ A. Dưới nền  phòng những cuốn sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều nằm la liệt, cuốn sấp, cuốn ngửa. Thấy Công đã chết.

     

Là một nhà báo An biết mình phải làm gì, cô ra khỏi phòng, khép cửa, móc điện thọai. An vừa khóc vừa bấm các chữ cái Thầy Lê Tấn Công đã chết…

     

Đúng lúc ấy một nữ sinh có tên trường trên áo dài trắng, hỏi An, thưa cô, thầy Công có nhà không ạ, thầy  hẹn cho em mượn sách về Nguyện Du và Truyện Kiều! Thế hả, thầy mới đi rồi, thầy nhờ tôi nhắn với em, ngày mai hãy tới. Nói rồi An lại cúi xuống với những chữ cái Thầy Lê Tấn Công đã chết, cái chết hình chữ A… Nước mắt An nhỏ xuống  màn hình màu bích ngọc, nhòa mất cái chết hình chữ A. An chợt nhớ, thầy rất ghét sự cầu kì! Cô chỉ nhắn với mọi người, đơn giản thầy Công đã chết

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mưa đầu mùa – Tạ Ngọc Điệp

>> Mùa tựu trường nhớ mẹ – Trương Tri

>> Người đàn bà ôm lửa – Đặng Thị Thanh Hương

>> Cô gái tóc xoăn – Trần Thế Tuyển

>> Thứ trưởng sa cơ – Lại Văn Long

>> Lá thuốc – Tống Ngọc Hân

>> Cái thập giá của cô Sáu Quyên – Nguyễn Quốc Trung

>> Cõi mê – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Hoàng hôn rực rỡ – Vân Hạ

>> Cát chảy – Sơn Trần

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…