Trở về cùng Mùi của ký ức của Nguyễn Quang Thiều

1306

31.7.2017-18:00

 Bìa Mùi của ký ức của Nguyễn Quang Thiều

 

Trở về cùng Mùi của ký ức

 

HOÀNG THU PHỐ

 

NVTPHCM- Cuốn sách gồm 18 bài viết, có thể coi là 18 tùy bút về ẩm thực của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

 

Mở đầu bằng bài Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Nguyễn Quang Thiều dẫn độc giả ngược dòng ký ức trở về với những cánh đồng xứ Bắc khi rau khúc vào mùa.

 

Hết mùa rau khúc, tác giả lại dẫn độc giả đến mùa hoa cải vàng. Đó là khi tháng mười đã về, và khi đó, cũng là mùa cua.

 

“Canh cua nấu rau cải ngon nhất chính là vào tháng mười âm lịch” – tác giả quả quyết vậy. Có thể không hoàn toàn chính xác.

 

Độc giả từng trải, ở mỗi vùng miền hẳn sẽ có những lý lẽ khác nhau, nhưng cái hay của những tùy bút ẩm thực của một nhà thơ – như Nguyễn Quang Thiều – đó chính là những câu chuyện ông kể qua những bát canh gắn với bà, với mẹ, với dì, với chị…

 

Hay bữa cỗ tháng bảy của người làng Chùa (làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) với con vịt ngon nhất được dành để làm cỗ, những con ốc được bắt ở ao làng…

 

Rồi những cà dầm tương, bánh đúc riêu cua, món xào chuối, canh Việt…

 

Đó là những món ăn của một thời, của nhiều người, nhưng hiển lộ những kỷ niệm riêng của tác giả qua từng trang viết.

 

Món ăn trong ký ức, hẳn là món ngon nhớ lâu nhất trong đời người, dù bây giờ cuộc sống cho chúng ta những trải nghiệm ẩm thực phong phú hơn.

 

Vì thế, đọc Mùi của ký ức (NXB Trẻ) là một hành trình trở về. Về quê. Về làng. Về với mẹ cha. Về với bản thể của mình…

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…