Vua Hùng có tuổi thọ gần 700 hay không?

666

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tại Khu du lịch Đồng Xanh trực thuộc Công ty cổ phần du lịch văn hóa Gia Lai có một đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đền có 1 bức tượng Hùng Vương cao 6m bằng gỗ, phía ngoài là 18 bức tượng vua Hùng khác được bố trí thành 2 hàng.

Điều đáng nói, dưới chân 18 bức tượng phía ngoài đều được gắn các biển đề rõ tên tuổi, số lượng vợ con, thời gian trị vì và tuổi thọ của các vị vua Hùng. Hầu như vị vua nào cũng có tới hàng chục bà vợ, hàng trăm người con và đặc biệt là có số năm trị vì rất lâu và tuổi thọ rất cao từ 150 đến gần 700 tuổi.

Bên cạnh các tấm biển nói trên, khu du lịch này kèm thêm một tấm biển ghi chú khác đề rõ: “Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, số con, cháu của 18 vị vua Hùng được trích từ nguồn tài liệu “Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng” của tác giả Vũ Kim Biên.

Lâu nay, có nhiều người nhầm tưởng 18 đời vua Hùng là 18 vị vua trị vì trong khoảng thời gian 2.622 năm, từ vua Hùng thứ nhất năm Nhâm Tuất (2789) đến vua Hùng thứ 18 năm Quý Mão (258) trước Công nguyên. Nếu hiểu như vậy thì ta thấy mỗi vị vua trung bình ở ngôi 145 năm. Và nếu như vị vua Hùng thứ nhất ở ngôi 145 năm thì khi mất ít nhất ông cũng phải trên 160 tuổi, lúc đó con đầu của ông cũng đã 140 tuổi, cháu nội 120 tuổi, cháu cố 100 tuổi, cháu chắt 80 tuổi (tính trung bình mỗi đời cách nhau 20 tuổi vì ngày xưa các vua lấy vợ rất sớm). Như vậy, nếu cho rằng vị vua Hùng thứ 1 truyền ngôi cho con trưởng (lúc đó đã 140 tuổi) theo lệ cha truyền con nối thì vị vua Hùng thứ 2 này làm vua thêm 145 năm nữa tức là khi mất ông đã 285 tuổi, con trưởng ông cũng đã 265 tuổi. Nếu vị con trưởng này nối ngôi (tức vị vua Hùng thứ 3) làm vua thêm 145 năm nữa thì khi mất đã là 410 tuổi?

Còn nếu như cho rằng vị vua Hùng thứ nhất truyền ngôi lại cho cháu chắt mình thì khi đó người cháu cũng đã 80 tuổi, làm vua thêm 145 năm nữa thì khi mất cũng đã trên 225 tuổi. Không thể có chuyện con người có tuổi thọ cao như vậy được. Vì cùng thời vua Hùng, bên Trung Quốc các vua nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu cũng sống chưa đến 100 tuổi và cũng không có ai ngồi ngôi trên 60 năm.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai… Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long… con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn hai nghìn năm…”

Như vậy ở đây ta phải hiểu 18 đời Hùng Vương là 18 chi thay nhau trị vì, có đến cả trăm ông vua chứ không phải 18 vị vua như một số người thường hiểu và kể cả tác giả Vũ Kim biên – người biên soạn cuốn sách “Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng”.

Việc ông Vũ Kim Biên viết Hùng Chiêu Vương làm vua 200 năm thọ 692 tuổi là điều hoang tưởng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra các thông tin nói trên về các vị vua Hùng là không phù hợp. Chưa có tài liệu nào trên thế giới cho thấy tuổi thọ của con người có thể lên tới mấy trăm tuổi như thế.

Khu du lịch Đồng Xanh dựa vào cuốn sách của Vũ Kim Biên để dựng bia ghi số tuổi của các vị vua Hùng như trên là hoàn toàn không chính xác. Dẫu là huyền sử, nhưng không để con cháu ngày sau cho rằng các vị vua Hùng là câu chuyện hoang đường của lịch sử.

P.H