Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện dài của Võ Anh Cương

327
Chương 1 (tiếp theo)

7.Mẹ và con – 2000

– Mi coi ba mi tề, tóc đã hai thứ trên đầu rồi mà còn đi mèo chuột.

Huyên không lạ gì tính ba cô, Huyên biết ba là một người trăng hoa, Huyên cho rằng tất cả đàn ông cũng đều một duột, kể cả chồng Huyên. Cũng như mạ Huyên bỏ ngoài tai những chuyện như vậy, cô lao vào kiếm tiền và cũng như mạ, cô sai khiến người khác bằng tiền. Đến khi mỗi đêm thức giấc một mình với chiếc gối ôm, Huyên mới thấm thía cảnh của mình. Người chồng mà cô không yêu không biết nghĩ gì khi phải vâng lời mẹ vợ xuống Đơn Dương để trông coi một nhà máy gạch. Một mình Hưng hay hai người trong cái trại một bên lò gạch mỗi khi đêm xuống, chỉ có trời mới biết nhưng cặp mắt của những người thợ gạch nhìn Huyên thương hại mỗi khi Huyên xuống lò gạch vì công việc gì đó khiến Huyên nao lòng. Hóa ra ở cái thị trấn xa xôi đó Hưng đi lại với một người đàn bà khác, ai cũng biết chỉ một người không biết, đó là Huyên. Đến khi vỡ lở ra Huyên dằn lòng giấu mẹ, cô biết tính mẹ cô sẽ hành xử như thế nào. Hơn nữa Huyên còn phải vật lộn với cơ man nào là công việc. Hơn ba chục tuổi đầu tài sản đứng tên cô cũng kha khá. Ba tòa nhà trong đó có một biệt thự sân vườn, sáu chiếc xe tải chạy đường trường, một siêu thị trang trí nội thất to nhất nhì trong tỉnh và một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, trong đó có công ty con là cái lò gạch trước kia làm thủ công nay chuyển hẳn qua công nghệ tuy nen. Một tay Huyên lo tất cả, chừng ấy công việc phải để mắt đến thì nó nuốt trôi đi thời gian của một ngày là lẽ đương nhiên. Do vậy Huyên quên đi thật nhanh người con gái có nước da trắng hồng cướp chồng cô như cách người ta nói. Nó cướp Hưng cả linh hồn và thể xác chứ có cướp của Hưng được đồng nào? Hưng làm gì có tiền ngòai vài trăm dằn túi mỗi tuần Hưng về thăm vợ?

Nhà văn Võ Anh Cương

Những ý nghĩ đó cứ bám riết lấy Huyên mỗi khi không ngủ được. Trong đêm tiếng con thạch sùng trêu tức Huyên như nhắc cô rằng cô chỉ một mình, không con, không chồng, không một ai chia sẻ những lúc Huyên buồn. Nhưng sức mạnh của đồng tiền thật dễ sợ, nó cuốn lấy Huyên, lôi Huyên đi bất chấp một chút kháng cự của cô mỗi khi cô cảm thấy đời mình vô nghĩa.

Bây giờ nghe mạ mình kể chuyện trăng hoa của ba, Huyên nghe cục tức chặn ngang cổ. Ba cô đẹp trai với nụ cười trong mắt và cái miệng dẻo quẹo, và nhất là thuộc tâm lý của đàn bà con gái như  thuộc tên ba cái hóa chất diệt trừ sốt rét mà một thời ông làm ai mà không thích? Huyên buột miệng:

– Mạ lo chi con bò trắng răng, ba con chỉ rong chơi một chút rồi cũng chán thôi mà!

Anh Vinh lang chạ với rất nhiều người từ trước đến giờ ai cũng biết, ai anh cũng mau chán và tìm cách bỏ người ta để đi lại với người đàn bà khác. Có lẽ anh mau chán khi chinh phục quá dễ chăng? Chị Hóa cũng biết rõ điều đó nhưng cũng như những người đàn bà khác, chị tức vì thói trăng hoa của anh thì ít mà tức vì lòng tự ái bị xâm phạm thì nhiều. Bây giờ nghe con gái lớn nói như vậy, chị nổi cơn tam bành lục tặc:

– Mi chỉ nói bậy, rong chơi là sao dù gì đầu cũng hai thứ tóc rồi, cứ như vậy hoài người ta cười cho thúi mũi. Còn mi nữa coi chừng thằng chồng mi, tau thấy hắn cũng không vừa chi mô!

Huyên không cãi với mẹ một lời, cô biết tính mạ mình, để cho bà nói đã đời rồi thôi đâu lại vào đó. Bà có biết bao nhiêu việc phải toan tính như cô vậy, lấy đâu ra thời gian mà nói hoài nói hũy, cho dù cái chuyện đó có ảnh hưởng đến danh giá của nhà mình. Danh giá? Huyên cũng không biết người ta nghĩ về gia đình mình ra sao, nhưng dù sao giầu có sẽ khỏa lấp được tất cả những khiếm khuyết, Huyên học được điều này từ mẹ và trong cuộc chinh phục những đỉnh cao tiền bạc, Huyên áp dụng điều này một cách triệt để và cô luôn thành công. Vì vậy mới chớm nghĩ tới chữ danh giá, cô liên tưởng ngay đến tiền nằm trong tủ sắt nhà cô và cô lại bị cuốn vào cuộc sanh nở của những đồng tiền.

8.Bạn lính – 2000

Ông Tuất giờ đã bán hết hàng, vừa nhẩn nha dọn đồ, ông vừa nghĩ tới thằng Bằng. Bằng chở khách đã về lại bến và đang đọc báo, thấy ông Tuất, Bằng cười như mếu:

– Chú coi, sáng chở ông già ra đầu đèo tưởng cũng đỡ, ai dè chẳng được chút gì mà còn lỗ tiền xăng!

Ông Tuất ngước mắt chờ Bằng kể chuyện, quả nhiên Bằng làm một thôi một hồi. Ông già bắt xe ôm của Bằng ra đầu đèo đón xe về Bảo Lộc, đến nơi ông già nói “nói thiệt với cậu tôi còn có hai chục cậu lấy tạm vậy”. Cháu cự nự “ba chục, tôi nói rõ giá rồi mà!”. “Biết vậy, nhưng tui nói thiệt chỉ có bây nhiêu”. Nói xong ông già móc hết các túi ra quả nhiên không còn một cắc nào. Cháu nói tôi không biết chú phải trả đủ tiền! Ông già năn nỉ Bằng cho nợ vậy, chừng nào lên Đà Lạt tui trả lại cậu, cậu coi lên thăm thằng bạn lính bị tai nạn tui đâu ngờ nó nghèo tới mức không thể nào nghèo hơn. Tui móc hết túi tiền đưa cho vợ nó, trừ lại hai chục để đi xe ôm. Tui tưởng giá xe ôm trên này cũng giống Bảo Lộc ai dè…tui không dám trả giá bởi sợ mở hàng mà trả giá cậu sẽ la tui. Cháu hỏi bộ chú định đi nhờ xe đò sao? Cháu cười nhạo, ai ngờ ông già nói đúng, tui là người làm ăn ở Bảo Lộc, mấy người lái xe khách ai mà không biết tui, tới nơi tui trả lại họ chớ khó gì? Mà bạn chú tên gì? Thằng Lai ở tiểu đoàn 200C với tui hồi mới giải phóng.

Ông Tuất la lên:

– Ông Lai à, ổng bị sao?

– Cháu cũng không biết chỉ nghe ông già nói ông Lai làm vườn thất bát, để vườn cho vợ con làm ổng đi làm thợ hồ xui làm sao rơi từ trên giàn giáo xuống gãy một chân, nhà không còn hột gạo may mà ông Bổ lên thăm…phải ông Lai ở Bãi Bằng không chú?

– Rồi sao nữa?

– Cháu phải cho nợ chớ sao, không lẽ ông già đó giúp người gặp khó được còn mình thì không à?

Ông Tuất cười hà hà:

– Mày coi vậy mà được!

Ông Tuất ra về, Bằng trở lại xe đọc báo chờ khách.

9.Nợ nần – 2000

Đang ca cẩm với con gái, chị Hóa ngưng bặt khi nhìn ra đường cái. Một người đàn ông lam lũ đang đi chiếc xe cúp bẩn thỉu chạy qua quán chị. Chị đứng vụt dậy và kêu to:

– Chú An, chú An…

Người đàn ông dừng xe lại, trên môi nở một nụ cười cầu tài:

– Chị Hoá…

Không để cho người đàn ông tên An nói tròn câu, chị Hoá đã chận họng ngay:

– Chú lâu nay làm ăn ra sao mà tôi không thấy mặt mũi chú đâu cả, nghe nói tháng trước chú trúng hành phải không?

Ông An nhăn mặt. Không biết đứa thối mồm nào méc chuyện hành hạ nhà ông cho bà Hóa. Hóa ra ở cái đất này không có chuyện gì là giấu lâu được. Chuyện gì rồi cũng lòi ra thôi. Đúng là ông An có trúng hành thiệt, năm rồi ông đánh liều mua hai hộp hành giống ông tính vãi đại xuống miếng đất cạnh hồ, nhưng thằng con trai ngăn ông lại, nó nói:

– Ba cứ vãi như thời ba làm cách đây mấy chục năm là không ăn đâu, ba phải làm “mô” vừa đỡ tốn hột giống vừa chắc ăn.

Khi kêu mấy chục người làm cấy đám hành trong những mô làm bằng lá chuối khô, ông An tiếc tiền lắm. Nhưng khi nhìn  những luống hành xanh mơn mởn ngày một lớn ông khấp khởi mừng thầm. Ông ra sức bơm thuốc và tưới đều như công thức mà thằng con trai không biết học ở đâu về truyền lại cho ông, và khi hành xuống củ, ông thôi không tưới nữa. Hàng ngày, ông dậy thật sớm và xuống ngay vườn để nghe lòng mình hy vọng khi nhìn những củ hành vàng óng đang nổi lên mặt đất. Ông hy vọng có tiền để trả bớt nợ, nếu còn dư mua trữ ít phân tro cho mùa sau. Muà sau, ông không trồng hành nữa, ông tính trồng bó xôi, mà bó xôi hợp đồng như nhà thằng Lự….

Bây giờ khi nghe bà Hóa hỏi khéo, ông An nhớ ngay đến khoản nợ mà bà vợ ông mua chịu quán bà Hóa năm rồi:

– Thưa thiệt với chị, quả là hành tôi thu được cũng kha khá, đâu hơn hai chục tấn. Nhưng mà nghe nói tàu chưa “ăn”, tui chưa bán được củ nào. Cầu trời cho có giá, tui bán hành được là trả ngay số nợ cho chị thôi!

Đôi mắt người đàn ông nói nhiều hơn cái miệng, chị Hóa tính thôi không cay nghiệt khi nhìn thấy những vết nhăn trên vầng trán sạm đen của người đàn ông ốm yếu. Bỗng nhiên chị nhớ đến cái thời chị đi mua chịu mấy chục năm về trước. Bà Hai già còn kêu chị cứ đong gạo cho lũ con háu đói của chị ăn chớ đừng ngại gì cả. Thời buổi chiến tranh, hạt gạo trong nhà là một điều ai ai cũng phải lo, còn thức ăn thì rau dưa cá mắm gì rồi cũng qua ngày thôi. Nhà chị không lúc nào trữ dưới một tạ gạo, đều là mua chịu của bà Hai, người đàn bà tốt bụng có mái tóc bạc phơ như một bà tiên.

Nhưng một giọng nói khác đang lên tiếng trong lòng chị. Hơn một năm rưỡi rồi chớ ít sao. Cũng chừng ấy tiền, nếu nằm trong tay chị thì nó sẽ sinh sôi nẩy nở ra biết chừng nào. Vậy mà nhà ông An lại mua chịu của chị chừng ấy năm trời. Chị nghe tưng tức, một nỗi tức nghẹn nghẹn trong cổ. Giọng nói ấy thắng rồi, chị không chịu được nữa và chị tuôn ra một tràng những lời trách móc, những lời đanh đá cứ trơn tuột như nằm sẳn trên môi chị. Ông An đứng đực mặt ra. Người nông dân già trước tuổi không biết phải nói gì nữa. Những gì đáng nói ông An đã nói với bà Hóa rồi. Ừ thì hành ông trúng đó, nhưng mới chỉ là số lượng, chứ ông chưa thu được một đồng nào cả. Mỗi đêm thức giấc ông và vợ tẩn mẩn xoe xoe từng cuống hành để tìm những củ sắp thúi mà bỏ riêng ra. Cả đêm không ngủ được phần vì mùi hành, phần vì lo sợ hành hạ, hành thúi, hành lên tim khiến người đàn ông như già thêm mấy tuổi. Ừ thì ông có nợ nhà bà Hóa, lâu lâu rồi chưa trả nợ, chưa trả chứ không phải là không trả, ông có phải là kẻ lừa đảo đâu?

Ông An tức lắm, từ trước đến giờ chưa ai chửi ông như vậy. Chỉ vài triệu bạc mà con người ta đối xử với nhau như vậy sao? Nhưng ông An biết mình ở thế hạ phong. Ông còn nợ người ta, ông cũng biết rằng tiền vào nhà bà Hóa là tiền sanh tiền nở, còn tiền trong nhà ông là đồng tiền “đực”, chúng không có khả năng sanh nở như trong tay bà Hóa. Mà ông An có giữ những đồng tiền cho được ấm túi đâu. Nhà nghèo nên hễ bán được lứa hàng nào ông An đưa hết cho bà vợ lo toan việc nhà. Thiếu trước hụt sau, nhưng dù sao gia đình ông vẫn sống được nhưng những khoản nợ  có mối có hình thì cho dù cố lắm ông vẫn chưa trả được. Không phải ông An là người có nợ duy nhất trong vùng, mà đã làm vườn ở xứ này ai cũng là con nợ thôi, trừ những người thật là giầu có. Mà đã giầu có thì họ không chỉ làm vườn, họ đi buôn, họ đầu tư tiền vào những nơi khác mà chỉ mình họ biết.

Cuộc chiến tranh ở từ một phía bất thình lình tắt ngấm cũng giống như thình lình nó xuất hiện trong buổi sáng đẹp trời. Cứu tinh chính là anh Vinh, chồng chị Hóa đang vui vẻ lùi chiếc xe hơi vào tận quán nhà. Anh huýt sáo miệng một bài nhạc tình không hợp lắm với tuổi tác của anh đối với nhiều người. Hình như anh không để ý đến điều ấy, anh chỉ thấy niềm vui trong lòng mình, và, anh không thể ngăn cản niềm vui được thể hiện ra ngòai mặt. Anh huýt sáo vui vẻ quá chừng….

Chị Hóa lôi anh Vinh vào nhà, quên mất người đàn ông mắc nợ.

10.Cha con và xe ôm – 2000

Bằng trở lại xe đọc báo chờ khách. Bằng đọc không sót một mục nào của tờ Tuổi Trẻ, hết tin bài rồi quay qua đọc rao vặt. Vừa đọc Bằng vừa mơ, ước gì mình có tiền mình sẽ…không biết sẽ trở thành cái gì chớ Bằng biết rằng không lẽ cứ suốt đời cày xe ôm? Mà xe ôm cầu đủ tiền nuôi con là đã ra máu mắt rồi chớ làm sao mà giầu cho được. Bằng lan man nghĩ giá gì có vốn Bằng sẽ kiếm miếng đất làm vườn, cực thì có cực còn cầu may biết đâu sẽ có lúc trúng lứa hàng ngóc đầu lên được? Bà Hóa cắt ngang luồng ý nghĩ của Bằng, bà gọi to:

– Bằng, cậu Bằng vô tôi nhờ chút!

Bà Hóa nhờ Bằng chở gấp bao gạo vô Bãi Bằng giao cho nhà ông Hợp, sáng nay chở xe phân cho ông Hợp bà quên mất tạ gạo, ông Hợp điện ra hối bà chở vô liền. Bà Hóa biết dân vườn có thói quen ưa dự trữ, làm gì mà gạo nhà ông Hợp thiếu hụt đến độ phải “chở vô liền” nhưng khách hàng là Thượng Đế mà! Nhìn Bằng xốc bao gạo lên xe, bà Hóa buột miệng:

– Cái cách xốc bao gạo của cậu y như ông Tuất, quả là cha nào con nấy!

Bằng sững người hỏi lại:

– Thím nói sao?

Bà Hóa biết mình lỡ lời, đã trót thì trét bà nói luôn:

– Tôi nói cậu giống y ông Tuất cha cậu, bộ cậu không biết sao?

Câu trả lời của bà Hóa làm Bằng lùng bùng lỗ tai, không phải Bằng không nghe chuyện người ta nói Bằng là con ông Tuất, nhưng người biết rõ cuộc đời ông Tuất là bà Hóa đã khẳng định như vậy thì chuyện này là thiệt. Trong lòng Bằng bao nhiêu thắc mắc dồn cục, sao ông Tuất không chịu nhận con, bà Thành vợ ông mất rồi mà, sao mẹ Bằng lúc còn sống nói ba Bằng đi theo vợ nhỏ từ lúc Bằng sinh ra đời, tại sao…tại sao? Hốt nhiên Bằng nhớ đến lời đay nghiến của Thắm, Bằng nghĩ đến hai thằng con, không lẽ đời hai thằng nhỏ rồi cũng chạy xe ôm như ông Tuất, như Bằng? Xe ôm chỉ là một cái nghề chớ không phải là nghiệp.

Bằng buông một tiếng “không” thiệt to rồi rồ ga chạy mất bỏ lại sau lưng bà Hóa đứng lặng dòm theo.