100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân và những trang viết chân thật, xúc động, tài hoa

4135

Kim Lân được biết đến là một nhà văn hiện thực tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Tuy viết không nhiều nhưng Kim Lân gây dấu ấn bởi sự bình dị mà đặc sắc, tự nhiên mà độc đáo. Theo đuổi đề tài quen thuộc là nông thôn Việt Nam, văn chương ông thấm vào người đọc bằng sự tinh hoa chắt lọc từ những gì thân thuộc, gần gũi nhất.


Lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân.

Sáng 16/11/2020, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi toạ đàm Kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân. Đông đảo các nhà văn đã đến dự và chia sẻ những kỉ niệm, những suy nghĩ của mình về con người, sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn Vợ nhặt.

Dấu ấn không đến từ số lượng tác phẩm

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Văn chương của Kim Lân cô đúc và nén chặt, giống như giọt sương soi được biển cả. Giữa một xã hội đen tối và ngột ngạt Kim Lân đã thắp lên ánh sáng qua những tác phẩm của mình. Những gì đọng lại sâu lắng nhất trong văn chương của ông chính là hồn cốt của tình người, mặc dù số lượng tác phẩm của ông không nhiều.

Nhà văn Kim Lân quan niệm: “Viết được cái gì thì hãy viết, không viết được thì thôi, không nên gượng ép, kẻo khi đọc lại sẽ thấy xấu hổ”. Có lẽ vì quan niệm đó mà so với những nhà văn cùng thời như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng…, thì Kim Lân để lại không nhiều tác phẩm. Tuy vậy sự tài hoa và phong cách khó trộn lẫn của ông thì để lại dấu ấn khó phai. Sự nghiêm túc, khắt khe trong viết lách của ông đã để lại cho công chúng những tác phẩm vào hàng xuất sắc của văn chương Việt Nam hiện đại như: Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí.


Chân dung nhà văn Kim Lân.

Nhà văn Lê Thành Nghị nhận định: Kim Lân viết không nhiều, chuyên về một thể loại, lại gác bút sớm, vậy nhưng dấu ấn ông để lại thì sâu đậm. Những câu chữ Kim Lân viết trong các truyện ngắn như thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc, rồi ở đó làm thành một phần phẩm chất tâm hồn người đọc. Kim Lân có được sự tài năng và lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới…

Ý niệm thẩm mĩ dễ nhận thấy ở Kim Lân là khả năng phát hiện cái đẹp còn lại, cái lương thiện trường tồn ở con người bình thường trong những hoàn cảnh không bình thường. Những điều ấy trong văn ông bình dị, tự nhiên, không lên gân, không làm dáng. Mạch văn được dẫn dắt bởi một tâm hồn thánh thiện.

Dẫu đã tạo dựng cho mình được một vị trí riêng, một dòng chảy riêng nhưng Kim Lân vẫn luôn chú trọng đến sự “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, đó là sự tự trọng cũng là niềm kiêu hãnh của một nhà văn đầy nhân cách.

Cây bút hiện thực của đề tài nông thôn Việt Nam

Say mê với với thôn quê và những con người lam lũ đói nghèo, Kim Lân mải miết đi tìm những giá trị tốt đẹp bao đời lưu giữ trong sự tinh tuý của vùng đất ấy, trong sự lương thiện của những con người ấy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Khải coi Kim Lân là bậc thầy viết về thôn quê.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, với đề tài thôn quê, Kim Lân đã sử dụng thứ ngôn ngữ văn chương ròng ròng sự sống, đó là tính chất tươi nguyên, tính chất tạo hình có ma lực dẫn dụ người đọc nhập vào không khí của truyện, và mỗi nhân vật do ông tạo nên như có thể sờ mó được. Kim Lân thổi hồn sống vào ngôn từ để người đọc có thể khóc cười cùng nhân vật.

Hiện thực của làng quê luôn hấp dẫn trong mỗi truyện ngắn của Kim Lân cho dẫu hiện thực ấy khó lòng được kể lại tường tận cặn kẽ. Kim Lân chú trọng vào những chi tiết có sức nặng, cô đọng và tinh tế.

Nói về bút pháp hiện thực của Kim Lân, nhà văn Lê Thành Nghị nhận định: Đó là một hiện thực không nghiêng về tố cáo, vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội thường thấy như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố. Cốt lõi hiện thực của Kim Lân nghiêng về chủ nghĩa nhân đạo, như một mạch ngầm mang tính chủ quan của nghệ sĩ, như một phẩm chất của ngòi bút.


Trong khuôn khổ Lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân, những bức ảnh chụp nhà văn Kim Lân và bạn bè cùng thời do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện được trưng bày tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).

Kim Lân viết về nạn đói nhưng để nói lên tình người và niềm hi vọng sống; viết về những hiểu lầm của con người ở làng quê để tôn vinh truyền thống tốt đẹp bao đời; viết về vẻ đẹp của làng quê trong kháng chiến để nói về tình yêu quê hương đất nước; viết về sự xấu xí, hôi hám bề ngoài của con chó nhưng ngầm ca ngợi sự trung thành… Hiện thực trong quan niệm của Kim Lân không đơn thuần là cái nhìn thấy, mà là một hiện thực đã nghiền ngẫm mang ý thức chủ quan của người viết, và thấm đẫm tinh thần nhân đạo.

Sự nghiệp sáng tác của Kim Lân được chia làm hai giai đoạn, trước năm 1945 và sau năm 1945. Trước năm 1945 Kim Lân đã tập trung vào khung cảnh làng quê với những người nông dân. Cái nhìn nghệ thuật của ông tập trung khai thác về cảnh ngộ buồn tủi của chính bản thân ông, về cuộc sống bất hạnh, thương tâm của những người nghèo. Song song với đó, Kim Lân khai thác về đời sống phong tục, tập quán, văn hoá của vùng Bắc Ninh, nơi quê hương ông. Điều này góp thêm sự sâu sắc cho đề tài mà nhà văn theo đuổi. Sau năm 1945, Kim Lân tiếp tục viết về nông thôn và người nông dân, gắn bó với cách mạng. Những số phận tội nghiệp và cùng cực dưới chế độ cũ đã tìm thấy ánh sáng nhờ cách mạng, lúc này vận mệnh của người nông dân như gắn với vận mệnh của đất nước. Dù sáng tác ở giai đoạn nào Kim Lân cũng viết bằng sự chân thật, xúc động và tài hoa.

Nhà văn Kim Lân, tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920, tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nǎm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tùng Phương/VNQĐ