Ân tình với bạn văn – Bút ký Nguyễn Thị Minh Ngọc

1029

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc sinh năm 1953 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã sống qua Long Xuyên, Phan Thiết, Pleiku, Huế, Sài Gòn, Bismarck, Austin (US).

Trước 1975, chị viết cho các tuần san, tạp chí: Tuổi Ngọc, Văn, Phổ Thông, Nhà Văn, Thời Tập…


Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Nguyễn Thị Minh Ngọc tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 1980, viết kịch bản cho sân khấu và điện ảnh, dạy Kỹ thuật biểu diễn, Biên kịch, Lý luận Kịch và Lịch sử sân khấu Việt Nam tại một số trường Cao đẳng và Đại Học. Chị là người đồng sáng lập CLB Đạo diễn thể nghiệm (1985) nay là Nhà hát 5B.

Minh Ngọc đã dựng trên 30 vở và viết trên 70 vở truyền thống và đương đại cho sân khấu; viết trên 30 kịch bản cho điện ảnh và viết hàng trăm tập phim cho truyền hình; vài công trình nghiên cứu về sân khấu và cải lương; đã dự nhiều liên hoan, hội thảo, sáng tác và nghiên cứu về sân khấu – giáo dục cùng vai trò phụ nữ trong sân khấu ở trong nước cùng các nước Úc, Anh, Pháp, Đức, Tanzania, Na Uy, Thụy Điển, Philippines, Jordan, Mỹ, Indonesia;

Nguyễn Thị Minh Ngọc đã in gần 20 đầu sách trong đó có hai cuốn cho thiếu nhi, biên khảo: Một trăm câu hỏi đáp về sân khấu cải lương Nam Bộ – Sài Gòn; tiểu thuyết ký sự Người đàn bà bị chồng bỏ, Trinh Tiên; tập truyện ngắn: Ngọn nến bên kia gương, Một mình bước tới, Người mẫu, Cạn duyên, Dẫu lìa ngó ý, đồng sàng, Chờ duyên.

Với tâm nguyện: Cố viết cho những người không nói được, Minh Ngọc đã có nhiều giải thưởng trong nước về Văn học, Sân khấu, điện ảnh; là một trong 20 nhà văn tiêu biểu của TP.HCM do Hội Nhà Văn TP.HCM bình chọn và là nhân vật sân khấu năm 2004 do Truyền hình Việt Nam bình chọn; được Liên Hoan Film Quốc Tế về Người Việt (VIFF) tại Mỹ chọn làm tâm điểm (2007). Chị là phụ nữ Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu off-off Broadway tại New York với ba vai trò: Tác giả, đạo diễn và diễn viên trong hai vở “Người đàn bà thất lạc – The missing woman”(2008) và “Chúng tôi là… – We are…” (2011)

Ân tình với bạn văn

Văn không phải là cái nghề tôi chọn, mà là cái duyên trôi tới phận mình. Với người đã gắn đời mình với các ngành: Văn chương, Sân khấu và Điện ảnh như tôi, tôi thường ngẫm, nếu được chỉ chọn một trong ba, chắc tôi sẽ chọn Văn vì ở lĩnh vực này, tương đối tôi bảo vệ được sự độc lập của mình nhất.

Bên sân khấu và điện ảnh, không phải là tôi không có bạn. Cũng có nhiều bạn văn cũng hoạt động hai, ba lĩnh vực như tôi. Nhưng khi cần nguồn cảm hứng, hay gặp những chuyện bế tắc, thì những bạn văn, tình cờ lại là nơi tháo gỡ giúp mình.

Trước 1975, tôi đã có một số truyện ngắn đăng ở các tờ Tuổi Ngọc, Văn, Phổ Thông, Nhà Văn, Thời Tập… Sau đó, nghe lời rũ rê của người quen, tụ tập với những người viết trẻ khác tại báo Tuổi Trẻ (lúc tòa soạn còn nằm ở đường Pham Ngọc Thạch- tức Duy Tân cũ), tôi được nghe những cuộc nói chuyện của vài người đi trước. Còn nhớ nhà văn Tô Hoài kể, phải ba năm sau cái mốc 1954, ông mới viết lại được. Lúc đó, tôi nói thầm, làm gì phải mất tới ba năm lận ta. Tưởng sao, phần tôi là phải tới năm năm sau, tốt nghiệp đạo diễn sân khấu rồi, trtfờng giữ tôi ở lại làm giảng viên rồi, ngòi bút của tôi mới có thể viết trơn tru lại.

Đã đi dự nhiều trại viết của ba Hội, nhưng tạo cảm giác “gia đình” nhất vẫn là nụ cười của chú Trần Thanh Giao. Có lẽ do đặc thù của hai ngành kia, phải có xung đột mới thành kịch, phải có những thứ phải “trưng bày” ra, thiên về kênh xem hơn là những gì chìm lắng vào trong của văn chương. Còn nhớ có lần nghe phê bình góp ý sau một trại viết kịch, một anh tác giả đã đoạt giải nhất, gốc TNXP đã hỏi tôi sao có thể thản nhiên sau những lời góp ý mang tính “sát thương”, trong khi anh xuống tinh thần tới độ toan… tự tử.

Vào những năm 80, trong một chuyến đi thực tế tới các nông trường, các quận ở vùng Duyên hải, tôi còn kéo một anh bạn đã học cùng học lớp đạo diễn của tôi là Trần Hải Đệ đi cùng. Chuyến đó có Bùi Chí Vinh, Võ Phi Hùng, Lê Dụng, Trần Hữu Dũng… và dĩ nhiên, không thể thiếu chú Trần Thanh Giao. Chuyến đó tôi được Bùi Chí Vinh tặng một bài thơ, còn Hùng thì phán anh bạn Hải Đệ sao mềm như liễu còn Minh Ngọc thì cứng như … tùng. Được nghe kể chuyện cha mẹ anh giám đốc Nông trường Quận Tám bị giết ở nhà. khi về, tôi viết được vở kịch Những vỏ sò xa triều sóng. Hải Đệ mang dựng cho lớp kịch ở Nhà Nghệ thuật quần chúng. Bản thảo đó đã thất lạc nhưng với tôi nó có một giá trị lớn, cho thấy mình có thể ghi lại những cảm xúc chân thật của mình cùng cuộc sống chung quanh. Trong ba tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ, ít ra chạm được một cũng đủ gây lại niềm tự tin mà viết tiếp.

Nhà Văn Nguyễn Quang Sáng làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh bốn nhiệm kỳ, 20 năm, nhưng với nhiều người, tên của chú Trần Thanh Giao gắn liền với Hội hơn, có lẽ vì chú làm tới 5 nhiệm kỳ và giữ vai trò thâm niên làm Trưởng trại Sáng tác và Bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ.

Lần làm việc chung, cụ thể nhất với anh Sáng lại là một chuyện liên quan tới sân khấu. Anh Sáng đi dự trại sáng tác kịch bản ở Đà Lạt về, ghé nơi tôi ở lúc đó là Hội Mỹ thuật, liệng cho tôi tập truyện ngắn, kêu tôi coi có thể dựng truyện “Con Ma Da” thì soạn ra đề cương để anh gởi cho trại. Tôi lại thích truyện “Người đàn bà đức hạnh” của anh hơn. Nhờ vậy sân khấu Idecaf có được vở kịch ấy do Hoa Hạ đạo diễn với các diễn viên Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Quốc Thảo, Thương Tín. Sau này Hoa Hạ còn chuyển thể cải lương thành vở “Cô đào hát” với các nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, Vũ Linh, Linh Tâm, Khánh Tuấn được Huy chương Vàng trong hội diễn “Sài Gòn 300 năm”. Đây là một trong những vở diễn chúng tôi phải đối mặt đầy khó khăn. Dù anh Sáng có lời đề nghị, Sân khấu 5B từ chối ngại đụng chạm những nghệ sĩ tiền phong. Trong lúc chúng tôi đã gặp con, cháu của những người “có thể” là mẫu của nhân vật nữ chính thì họ đều thấy không sao. Hôm duyệt, Hoa Hạ kêu chị Ngọc phải mời anh Sáng tới coi, càng chửi thề càng tốt cho tăng phần “dương tính” vì tác giả và đạo diễn đều là nữ nên vở bị “âm tính” quá. Kiên nhẫn theo chúng tôi đến đúng ngọ thì anh Sáng chào tạm biệt, chúc may mắn cho buổi phúc khảo lúc hai giờ chiều. Anh chị em mệt, đói, vẫn chưa làm xong cái kết. Tôi và Hoa Hạ quyết cho cái kết cô đào bị điên, cùng tất cả ngó khán giả cười, nhưng rồi ba người đàn ông của đời cô: Người bạn diễn, anh khán giả ái mộ, người chồng là một nhà báo đã đồng lòng dùng nghệ thuật đưa cô trở lại đời thường. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn rón rén bò tới hàng ghế thứ nhì, nhờ tôi can Hoa Hạ, nên tính lại chi tiết cô đào điên ngó khán giả cười kẻo vở không được cấp phép. Trong tay đang cầm micro, Hoa Hạ văng ra những từ mà chúng tôi định nhờ anh Sáng làm: “Đ. Má! Tụi này đã hèn quá sức rồi, giờ cha bầu này còn muốn hèn hơn là sao?”. Trên phòng máy tắt không kịp, micro của Hạ cầm có echo, các phòng học Tiếng Pháp của Trung tâm Trao đổi Văn hóa Pháp nghe trọn. Và từ đó Hạ nổi danh là “Người đàn bà đức hạnh”.

Kỷ niệm đời sáng tác với Thành phố này thì nhiều, vui nhiều hơn buồn. Điều thấy rõ là có nhiều điều tôi viết ra có được do sự “cộng hưởng” từ các bạn văn, nhắc tôi khối lượng độc giả vô danh quanh chúng tôi cần gì và có những cảm xúc, trăn trở gì cần chia sẻ – khối lượng người thầm lặng ấy, thậm chí không có điều kiện cầm tới những trang sách hay btfớc vào các rạp hát, rạp chiếu phim.

Nhờ chú Giao xúi tôi tham gia cuộc thi viết truyện ngắn do tạp chí Kiến thức ngày nay và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, mà tôi có được truyện Quán trọHải Nguyệt. Rồi nhờ anh Lê Văn Duy xúi tôi chuyển truyện Hải Nguyệt thành kịch bản phim mà chúng tôi có cuốn phim cùng tên đoạt một số giải thưởng trong và ngoài nước. Ít ai biết, sau khi dự Đại hội Phụ nữ viết kịch toàn Thế giới ở Úc năm 1993, tôi được mời đi nhiều nước nữa, không phải nhờ những vở kịch của tôi mà lại nhờ những truyện ngắn của tôi được chuyển sang tiếng Anh. Những người bạn quốc tế cho là qua đó, họ hiểu hơn nhiều về tâm hồn Việt.

Trước 75, tôi được học các loại triết học ở lớp 12. Sau 75, các trường chỉ chuyên sâu một môn triết học Marx-Lenin. Chỉ sau 1975, mới có những chuyến đi thực tế và các trại sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Mỗi chuyến đi đều mang về nhiều kỷ niệm đẹp thúc đẩy hơn nguồn hưng phấn viết.

Với riêng tôi, nhớ đời nhất là chuyến đi thực tế về Tràm Chim của bốn Hội: Nhà Văn – Nhạc sĩ – Nhiếp ảnh – Mỹ thuật của TP.HCM, không chỉ vì sau chuyến đi đó, Hội có tập truyện ngắn mà truyện Vết hạc trong mưa của tôi được lấy làm tựa chung, mà còn vì nhờ tôi tình cờ tham gia chuyến đi này, vở “Người đàn bà thất lạc” (do tôi viết và đạo diễn) đã được thoát án tử.

Khi Liên hoan Hội thảo về Hình tượng người phụ nữ trong sáng tạo nghệ thuật được tổ chức ở Philippines, ban tổ chức thất vọng và hoang mang vì bao hy vọng họ đặt vào Việt Nam bị sụp đổ. Một trong những người trong hội đồng duyệt cho là tôi đã sai lầm khi đưa vào đó Huyền Trân và Dương Vân Nga. Điều đáng tiếc là nếu vở này bị dẹp, ngoài Hà Nội sẽ thay vào bằng một vở kịch của Trung Quốc thì còn gì là bản sắc Việt mà các nước khác đang mong đợi.

Một đêm thơ nhạc được ngẫu hứng tổ chức ở Tràm Chim cho những người nông dân ở đó. Có những người chèo xuồng từ chiều tới để coi. Tôi được tham gia hai đoạn độc diễn với thúng gánh mới mượn của bà con quanh đó. Nhờ vậy, họa sĩ Trang Phượng nhìn ra “bản lai diện mục” của tôi, ngó phong cách có vẻ “vô chính phủ” nhưng – nói theo kiểu Nam Bộ, “thấy vậy mà hỏng phải vậy” – bên trong, chẳng ôm tham vọng tranh danh đoạt lợi với ai, đơn giản chỉ là một tấm lòng son sắt với hai chữ Việt Nam, bình thường như mọi người Sài Gòn khác. Sau đó, ông đã giúp tôi được phúc khảo lại vở này. Vở đã được các nước đón nhận ở Liên hoan đó, được diễn 12 xuất bằng hình thức song ngữ tại New York, được thu phát trên Đài Truyền hình, diễn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, và được chọn làm đề thi cho các kỳ thi vào ngành đạo diễn của Trường Sân khấu và Điện ảnh nhiều năm.

Trước đại dịch, tôi có góp tay vào hai tác phẩm được nhiều giải thưởng là Tiên NgaSong Lang. Tiên Nga được giải Văn học Nghệ thuật của TP.HCM (2012-2017) và giải Mai Vàng 2018. Riêng Song Lang ngoài giải Bông Sen Vàng lần thứ 21 (2019), đến hôm nay đã có hơn 52 giải thưởng trên toàn thế giới. Một trong những hạnh phúc của tôi gần đây nhất là được ngồi cùng với khán giả Việt ở Cali xem những phim Song Lang vẽ lại Sài Gòn những năm 80; và được chứng kiến khán giả học sinh vỗ tay theo từng câu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” trong nhạc kịch Tiên Nga. Vậy thôi, mà nước mắt chảy. Và đủ làm động lực cho mình sống và viết tiếp. Như những bạn Văn khác, ở Sài Gòn.

Texas, tháng 7 năm 2021

N.T.M.N