Một cơ hội gặp gỡ, giao lưu hiếm có giữa các bạn viết trẻ trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra ở Đà Nẵng. Bao xúc cảm dâng trào. Những dự định sáng tạo mới đang mở ra. Tiếp theo chuyên đề kỳ này là tâm tình của các cây bút trẻ: Đặng Lê Tuyết Trinh, Lưu Minh Hải, Chu Việt Nga, Võ Chí Nhất, Trần Ngọc Mai, Lê Thị Kim Sơn, Trần Nguyên Hạnh, Lục Hường.
Nhà văn trẻ Chu Việt Nga (Hà Nội):
Tôi sống trong khu tập thể báo chí và ở trong con ngõ nhỏ rất gần với nhà văn Lê Minh Khuê. Khi học cấp 2, tôi đọc truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của cô trong sách giáo khoa, được gặp cô giản dị ngoài đời, tôi đã rất ngưỡng mộ cô. Từ đó tôi đã bắt đầu tiếp xúc với việc đọc những truyện ngắn Việt Nam, truyện nước ngoài, dần say mê rồi bắt đầu viết những truyện ngắn nho nhỏ đăng báo. Rồi sau viết tốt hơn, tôi gửi truyện ngắn được các anh chị nhà văn tận tình góp ý, chỉnh sửa, nhận xét. Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn thầy Văn Giá, thầy Sương Nguyệt Minh, anh Phạm Duy Nghĩa, anh Uông Triều, là những người thầy, nhà văn tiền bối đã dành thời gian đọc truyện, trao đổi và góp ý chi tiết cho tôi về truyện ngắn, để từ đó tôi hoàn thiện hơn những bước chân đầu tiên khi mới viết ở thể loại truyện ngắn.
Nhà văn trẻ Chu Việt Nga
Tôi bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên năm 22 tuổi và sau này có truyện ngắn được tuyển chọn, in chung cùng các tác giả khác trong“Tuyển tập truyện ngắn hay 2017” của NXB Văn học. Nhưng truyện được xuất bản cá nhân đầu tiên của tôi lại là truyện dài. Tôi mong năm tới mình sẽ cố gắng sắp xếp thời gian nhiều hơn với việc truyện ngắn dù công việc hiện tại có chút bận rộn.
Dự định sắp tới của tôi là tập hợp lại những truyện ngắn cũ và truyện ngắn mới. Do đã từng du học ở nước ngoài một thời gian nên tôi có những trải nghiệm về người Việt nơi xứ người. Tôi muốn viết nhiều hơn về cuộc sống con người Việt Nam lao động ở nước ngoài, những công việc mà họ làm để trang trải cuộc sống bên xứ người như nghề làm móng tay, nghề phục vụ. Có cả những người đánh đổi mạng sống sang nước ngoài bằng mọi giá để đổi đời và mong thoát cái nghèo.
Văn chương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng, mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi góc độ tinh thần của con người. Không chỉ nâng cao nhận thức, làm giàu tâm hồn con người, văn chương đưa đến cho người đọc những cảm xúc tinh tế, lòng vị tha và những ý nghĩa nhân văn nhất. Bạn sẽ luôn nhớ về những truyện ngắn hay, dung dị và cảm động mang nhiều giá trị sống để từ đó hoàn thiện mình và sống tốt hơn, đó là ý nghĩa vô cùng giàu đẹp của văn chương mang lại đến với cuộc sống chúng ta.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất (TPHCM):
Tôi bắt đầu đọc sách từ năm học lớp 7. Lúc đó Mẹ không cho tôi đọc sách nên tôi thường tranh thủ đọc trong giờ ra chơi hoặc là nấp trong nhà nội, cạnh một cánh cửa sổ để mở đọc lấy đọc để. Ban đầu là truyện tranh thám tử lừng danh Conan và sau đó là những truyện ngắn của Sherlock Holmes. Tôi mê truyện trinh thám từ đó và bắt đầu viết.
Truyện trinh thám đầu tiên tôi viết có tựa là “Dòng máu bạc” đến giờ vẫn còn giữ (hiện tôi đã triển khai thành một tiểu thuyết và sẽ trình làng trong thời gian tới). Đến năm học lớp 9 thì tôi có bài viết được đăng báo Mực tím, hồi ấy nhuận bút chỉ có 30 ngàn đồng.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Tôi chính thức bắt đầu văn nghiệp của mình vào năm 2013. Tiểu thuyết lịch sử đầu tay Hoàng Cung được tôi cho ra mắt năm 2016. Sau đó, tôi chuyển hẳn sang chuyên viết về mảng đề tài cảnh sát và tội phạm theo đúng nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi. Đều đặn 2 năm xuất bản một tập truyện: Khiếu ăn mày (NXB Văn hóa – Văn nghệ 2018) và Nghệ sĩ sáng tạo và Nhà phê bình (NXB Tổng hợp TPHCM, 2020). Trong năm nay, tôi sẽ trình làng tập truyện trinh thám Muội tro.
Càng cô đơn tôi lại càng viết. Lúc vui cũng viết, buồn cũng viết. Đa phần là truyện ngắn. Vì bởi lẽ tôi thấy con người trong cuộc sống hiện tại (mà tôi thấy) quá bận bịu với guồng quay của cuộc sống, họ không có thời gian để nghỉ ngơi và chơi đùa. Thế nên tôi mới viết những truyện ngắn trinh thám xu hướng nhẹ nhàng, hài hước chỉ để giúp người đọc có được giây phút thưởng thức văn chương, vừa được giải trí qua những vụ án đầy chất trí tuệ như ăn một trái lê mùa hạ.
Nhà lý luận phê bình trẻ Đặng Lê Tuyết Trinh (Phú Thọ):
Con đường đưa tôi đến với văn chương được cổng hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Bài học vỡ lòng đầu tiên về văn chương đến với tôi bắt nguồn từ chính những vần thơ Kiều tôi được nghe bà nội lẩy khi còn thơ bé. Sau đó là tủ sách quý của bố tôi – một người miệt mài, gắn bó với nghề giáo; là những trang thơ trên tờ báo Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò mà mẹ tôi vẫn đặt hàng tháng; là những giờ giảng văn say sưa và cuốn hút của các thầy cô giáo khi tôi cắp sách đến trường và từ chính những trại hè sáng tác do Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức mà tôi có may mắn được tham dự.
Nhà lý luận phê bình trẻ Đặng Lê Tuyết Trinh
Tất cả đã nuôi dưỡng dần tình yêu văn chương trong tôi. Kể từ khi tôi sáng tác những câu thơ ngô nghê đầu tiên: “Nếu với được mây cao/ Em sẽ ôm mây về làm gối/ Chiếc gối trắng tinh như chính tuổi thơ em/ Nếu được đu trong vũ trụ/ Em sẽ đánh cắp sao về làm đèn ngủ…”, tôi đã nhận ra văn chương có khả năng mang đến cho cá nhân tôi tình yêu để sống, để có thể thỏa chí tô vẽ cuộc sống đầy sắc màu này. Cho đến bây giờ, khi đứng trên bục giảng, với khát vọng có thể truyền lửa văn chương cho các thế hệ trẻ, tôi càng tự hào bởi mình đã chọn con đường gắn bó với văn chương.
Tôi hi vọng trong thời gian tới, với những công trình lí luận phê bình nghiên cứu về văn học tỉnh Phú Thọ nói riêng, văn học Việt Nam sau năm 1975 nói chung và quá trình đổi mới phương pháp dạy học ngữ văn hiện nay, cá nhân tôi sẽ góp phần, dù nhỏ thôi, đưa văn chương chạm đến nhiều trái tim. Bởi theo tôi, đối với đời sống, văn chương có thiên chức thức tỉnh. Khi những nhà văn viết bằng cả sự thấm đấm trong trí não, bằng sự chắt lọc và đau đáu bởi tầng tầng lớp lớp cảm xúc thì văn chương sẽ là một làn sóng ngầm, âm thầm lặn sâu vào tâm hồn người đọc, để lay động, thức tỉnh con người trước cái ác, cái xấu, cái tiêu cực. Dù ở thời đại nào, ở biên giới nào đi chăng nữa thì các nhà văn và cả những người yêu văn chương đều phải có trách nhiệm với cuộc sống và nhân loại.
Nhà thơ trẻ Lưu Minh Hải (Bình Phước):
Tôi đến với văn chương một cách rất tự nhiên. Từ thời còn là học sinh phổ thông tôi đã thích đọc sách thuộc lĩnh vực văn học, thường tìm tòi và đọc rất nhiều thơ, truyện. Khi đó bản thân chỉ biết đọc vì sở thích chứ không nghĩ tới mục đích phục vụ gì cho việc học cả. Lên đại học, vào ngành sư phạm ngữ văn thì sở thích, niềm đam mê với văn chương được củng cố và đẩy xa hơn. Đọc và viết như đã trở thành một thứ nhu cầu tự thân trong tôi mỗi khi buồn, cô đơn, cảm thương, ẩn ức,…
Nhà thơ trẻ Lưu Minh Hải
Tôi đã xuất bản một tập thơ đầu tay nhưng không được thành công. Mặc dù vậy, tôi chắc chắn một điều rằng: có thể đứt đoạn nhưng niềm đam mê viết lách sẽ còn theo tôi, không dứt bỏ được. Dự định tạm thời phía trước của tôi đó là: 123 đoản thi khúc (tập thơ 1-2-3), Haiku thi tập (tập thơ haiku), Tập truyện ngắn.
Thực trạng xã hội hiện đại bây giờ cuộc sống thực dụng, dịch vụ – nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ, giải trí rất đa dạng vì vậy thẳng thắn mà nói thì văn chương dường như cũng đang bị lép vế, giảm sút trầm trọng về giá trị trong đời sống tinh thần của con người nói chung. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận vai trò của văn chương đối với đời sống. Văn chương có nhiều vai trò, tôi muốn nhấn mạnh đến mấy vai trò sau:
Thứ nhất, văn chương là một lĩnh vực khoa học vì vậy nó có vai trò cung cấp tri thức khoa học (khoa học xã hội & nhân văn) cần thiết cho con người để hiểu biết và dần hoàn thiện mình hơn. Từ văn chương chúng ta sẽ hiểu biết về văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, con người,… và ngay chính tâm hồn ta.
Thứ hai, văn chương có vai trò phản ánh hiện thực khách quan xã hội, tiếng nói đấu tranh bảo vệ những giá trị tốt đẹp của con người.
Thứ ba, văn chương là nơi phản ánh chân thực nhất đời sống tinh thần, thế giới tâm hồn của con người. Nó như liều thuốc tinh thần giúp xoa dịu nỗi buồn, nỗi đau,…; giải tỏa những ẩn ức; vun đắp, nuôi dưỡng tâm hồn người thanh sạch, thánh thiện hơn.
Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn (Gia Lai):
Tôi đến với văn chương nhờ những nỗi buồn chưa khô cánh, những nỗi niềm khó có thể bày tỏ cùng người khác được tôi chuyển thành những vần thơ. Rồi đến ngày những vần thơ không thể chuyển tải được những niềm riêng, tôi chuyển sang văn xuôi như một lẽ thường tình và neo mình lại đó. Câu với chữ là một không còn là nơi trút nỗi buồn mà trở thành người bạn, và cuộc sống xung quanh dần trở thành niềm cảm hứng để tôi viết tiếp chứ ko cần lấy cảm xúc từ những nỗi niềm của bản thân nữa.
Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn
Tôi đã có một khoảng lặng khá lâu trong việc viết lách của bản thân, tôi đã tận dụng khoảng lặng này để đọc và học hỏi. Nên khoảng thời gian tới tôi mong là mình sẽ có thêm nhiều tác phẩm để gửi đến độc giả hơn.
Trước khi trở thành người viết, tôi đã là một người đọc, tôi biết những quyển sách có quyền năng kì lạ, đưa người ta đến những miền đất khác nhau, một thế giới mới, một miền đất kì ảo khác hẳn nơi ta sống. Có thể là vài triệu năm ánh sáng, có thể hàng thế kỉ, hay chỉ 100 năm, 1 năm, hay chỉ là 1 khoảnh khắc nhưng tất thảy đều có thể lay động trái tim người đọc.
Một quyển sách có thể khiến người ta yêu thương, khiến người ta thay đổi số phận, hoặc khiến người ta chảy nước mắt, hoặc là cười vui vẻ, đó chính là quyền năng vô hạn. Sách mở ra con đường mới, có khi là người bạn đồng hành, hoặc là nơi để lấy đi sự đồng cảm của độc giả. Vậy nên, với tôi, văn chương chính là một sự đồng cảm, đồng điệu của cuộc sống.
Nhà thơ trẻ Trần Ngọc Mai (TPHCM):
Yêu văn học từ thời học phổ thông, nhưng khi nhập ngũ, mình mới bắt đầu có thói quen ghi chép lại những việc xảy ra hàng ngày, thế là có nhật ký, thế là có những bài thơ hoàn chỉnh. Mình bước vào thế giới của chữ, hoàn toàn tự nhiên. Chính vì tự nhiên, nên mình chưa định hình rõ khuynh hướng sáng tác, các thể loại và đề tài giàn trải làm mình có cảm giác như đang đi lạc. Có lẽ chính vì thế, từ lúc in tập thơ đầu tay vào năm 2016 đến nay, mình chưa in thêm 1 tác phẩm nào khác, dù có tham gia viết báo hoặc những cuộc thi về văn học.
Nhà thơ trẻ Trần Ngọc Mai
Sắp tới, mình sẽ tập trung vào đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân, đó cũng là nghề nghiệp mà mình gắn bó từ năm 2006 đến nay. Tại sao vào ngành 16 năm rồi mình mới định hướng viết về lực lượng Công an nhân dân, như thế có là quá trễ? Mai lại nghĩ rằng, khi sự am hiểu về nghề và chất lính đã ngấm thật sâu vào cơ thể, thì đó mới chính là lúc viết.
Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống. Ngoài giá trị giải trí, thẩm mỹ, giáo dục… các tác phẩm văn học còn là nơi lưu giữ những dấu ấn của thời đại, dẫu thăng – trầm, dẫu buồn – vui. Như đại dịch covid vừa qua, hàng loạt các tác phẩm có giá trị đã ra đời, từ thơ ca cho đến nhạc họa, từ ca ngợi cái đẹp, sự hi sinh đến bóc trần những điều giả dối, những mất mát, đớn đau. Văn chương có vai trò gì đối với đời sống? Thật không dễ để nói hết trong vài dòng, bởi đôi khi: văn chương, chính là đời sống.
Nhà văn trẻ Lục Hường (Hà Nội):
Tôi đến với văn chương cùng một mối lương duyên đầy bất ngờ khi tôi còn là sinh viên đại học. Thời điểm khi tôi đỗ vào Khoa Truyền hình – Học viện Báo chí Tuyên truyền, tôi luôn tự ti với vốn từ của mình, tôi lo lắng với vốn từ như thế này sẽ khó để hòa nhịp với nghề báo, một nghề tôi dành đam mê. Tôi bắt đầu đến thư viện của trường nhiều hơn, đọc nhiều hơn vì có một người Thầy đã nói với tôi “Nếu để ngôn từ linh hoạt và nhiều vốn từ hơn thì không có gì tốt hơn việc tự rèn luyện và tìm đến sách”.
Khi trong đầu mình nghĩ tới sách nhiều, và học thêm một bằng đại học khác, tôi có duyên gặp một biên tập của Nhà xuất bản Lao động, ban đầu tôi xin được đọc bản bông để bổ sung nhiều vốn từ cho mình, về sau, công việc này rất thú vị, khiến tôi cảm thấy mình yêu thích sách, yêu thích sáng tác. Thời điểm năm 2009 khi nhà xuất bản chuẩn bị cho bộ sách 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi được chọn để cùng nhóm viết sách lịch sử cho thiếu nhi, bộ sách về các danh nhân, những nhân vật lịch sử. Sau này khi chính thức bước chân vào làm báo chuyên tâm, tôi được gặp những nhân chứng lịch sử rất thú vị.
Nhà văn trẻ Lục Hường
Tôi bắt đều viết các cuốn ký, đầu tiên là “Vị tướng có duyên với con số 7” là hành trình của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu. Sau đó là viết một số bài ký về Trung tướng Trần Hanh. Sau này tôi hoàn thành cuốn “Vị tư lệnh vùng biên giới Đông Bắc” là hành trình gắn với việc phát triển kinh tế cùng biên giới của Trung tướng Hoàng Kỳ nguyên Tư lệnh Quân khu 3.
Hành trình gắn bó của tôi và văn chương luôn song song như vậy suốt quá trình học Đại học và sau này là khi đi làm nghề. Tôi thích viết, vì viết ký là một lần tôi được trau dồi khả năng ngôn ngữ, một lần tôi được học hỏi qua trải nghiệm tuyệt vời của những người đi trước, những nhân chứng cùng nhiều bài học đầy giá trị. Năm 2021 tôi bất ngờ nhận được món quà khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình là “Nguyên khí ngàn đời”. Đây đúng là một món quà vì tôi hoàn toàn không tìm hiểu về Triều Mạc trước đó, tôi không có nhiều cứ liệu, tôi mơ và viết lại hành trình của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ Bộ Thượng thư Tả thị lang dưới thời Vua Mạc Mậu Hợp cùng nhiều chứng cứ và mốc thời gian chính xác. Điều này khiến chính bản thân tôi bất ngờ, nhưng tôi tin đây là động lực để tôi gắn bó hơn với nghiệp viết, với văn chương của mình.
Tôi đang tiếp tục viết Nguyên khí ngàn đời 2 với tên gọi “Tri kỷ vượt thời gian”, và hướng đi tiếp theo của tôi với văn chương vẫn sẽ là tiểu thuyết lịch sử. Tôi sẽ viết với lòng biết ơn, tôi sẽ viết với tất cả sự trân quý, và tôi viết để trả nợ với những điều may mắn tôi nhận được cùng “Nguyên khí ngàn đời”
Đối với riêng cá nhân tôi, văn chương là một địa hạt mang theo nhiều hạt giống tuyệt vời. Những hạt giống đó mang đến cho tôi niềm đam mê, trang bị cho tôi nhiều kiến thức, cho tôi động lực để tôi được hòa mình vào dòng chảy văn chương đương đại.
Tôi nghĩ rằng, văn chương là một thế giới riêng nhưng ở đó phản ánh cuộc sống của chính chúng ta, cuộc sống chúng ta đang sống với đầy đủ màu sắc, cung bậc cũng như mùi vị. Văn chương cũng là sợi dây gắn kết chúng ta với quá khứ, và đưa chúng ta tới tương lai bằng những bến đậu bền vững ở hiện tại. Văn chương luôn là nơi cho biết bao tâm hồn trao gửi ở đó suy nghĩ, những cây viết trải lòng, những cây viết vẽ nên ước mơ, những cây bút chia sẻ kinh nghiệm. Văn chương là một kho tàng mang lại cho chúng ta biết bao bữa ăn tinh thần, kiến thức đầy đủ và thú vị nhất. Và văn chương còn phản ánh chính sự phát triển văn hóa của mỗi dân tộc, khi văn chương đủ đầy, sôi động thì đời sống tinh thần, vật chất của đất nước đó cũng được phản ánh đầy đủ vào văn chương.
Nhà văn trẻ Trần Nguyên Hạnh (Đà Nẵng):
Tôi đến với văn chương khởi đầu từ niềm yêu thích với những câu chuyện cổ tích xúc động của Andersen, cùng sự cuốn hút của các tác phẩm văn học trong nhà trường. Niềm yêu thích đó được nhân lên khi tôi nhận được một nguồn cảm hứng tuyệt vời từ những thầy cô giáo giảng dạy mình. Bên cạnh đó tôi cũng gặp được những người hỗ trợ tích cực và động viên hết lòng khiến niềm đam mê với văn chương của tôi dần lớn lên.
Điều đặc biệt hơn hết mà tôi nghĩ nó là lý do khiến tôi đến gần với văn chương là tôi đã được sinh ra, được tạo dựng với tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động với mọi thứ xung quanh mình. Tôi được ban cho khả năng sử dụng ngôn từ tốt giúp tôi dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình qua những trang viết. Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng với nhau và đưa tôi đến gần với văn chương.
Dẫu vậy, tôi không nghĩ mình chọn văn chương hay văn chương chọn tôi. Có những điều phù hợp tự thân nó một ngày nào đó có cơ hội “gặp gỡ” nhau thì sẽ ở lại với nhau. Tôi tin rằng giữa tôi và văn chương hẳn đã có một tần số dao động chung bởi khi đến gần văn chương trong tôi có một niềm vui, sự hứng khởi lẫn yêu thích mà không phải ở đâu tôi cũng nhận được.
Nhà văn trẻ Trần Nguyên Hạnh
Dự định của tôi trong thời gian sắp tới là sẽ dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Luôn có những sự thúc giục mạnh mẽ bên trong tôi mà vì nhiều lý do, đặc biệt là quỹ thời gian hạn hẹp khiến tôi bỏ qua và thờ ơ với nó. Tôi nghĩ nếu một người viết dành thời gian lắng nghe để nhận biết tiếng nói sâu thẳm bên trong mình, họ sẽ có được một ngọn đuốc sáng soi dẫn mà những tiếng nói hay sự tác động xung quanh không thể nào chi phối hay ảnh hưởng xấu đến họ.
Mỗi ngày mới luôn có những ý tưởng mới tìm đến khiến tôi hào hứng với nó. Tôi mong muốn mọi suy nghĩ và ý tưởng đến với mình phải được chắt chiu ghi lại và trở thành những trang viết sống động. Sống, trân trọng cuộc sống, cảm nhận và lắng nghe cuộc sống, tiếp thu những câu chuyện trong cuộc sống, thấu hiểu và bày tỏ cảm xúc về cuộc sống qua trang viết là những gì tôi muốn mình phải làm tốt nhất trong thời gian sắp tới.
Tôi nghĩ văn chương chính là tiếng nói phản ánh đời sống. Chúng ta không chỉ sống trong cuộc đời này, mỗi ngày chúng ta còn bày tỏ cái nhìn, cảm xúc, lòng biết ơn cùng tiếng than thở về cuộc sống mình đang sống. Khi nào người ta còn tìm thấy những tiếng nói tình cảm và sự bày tỏ tâm tư con người qua văn chương, người ta còn nhìn thấy sự sống đang hiện diện.
Qua văn chương con người cũng dễ dàng có cái nhìn sơ khảo về cuộc sống, nhìn ra hiện thực cuộc sống cũng như diễn tiến của cuộc sống dưới góc nhìn và tâm tư, tình cảm của người viết cũng là những con người đang sống trong cuộc sống đó.
Nhu cầu bày tỏ cùng mong muốn thấu hiểu, đồng cảm luôn là nhu cầu quan trọng của con người ngang hàng với nhu cầu ăn, mặc, ở. Văn chương như một phương tiện mà thông qua nó, con người dễ dàng chia sẻ, đồng cảm với nhau về mọi vấn đề của đời sống, từ đó đưa con người đến gần với nhau và kết nối họ trong một mắc xích chung.
Văn chương gieo cho con người rung động về cái đẹp cùng niềm hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dẫu hiện thực khó khăn, bất kì người đọc nào cũng có thể tìm thấy trong văn chương vẻ đẹp và niềm hi vọng tươi mới về cuộc sống từ những tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp và tha thiết yêu đời.
(Còn tiếp)
Theo Vanvn