Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Lương Ngọc Quyến và giấc mộng lớn không thành

387

Trong lịch sử kháng Pháp đầu thế kỷ 20, Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến là những tên tuổi đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập của dân ta lúc bấy giờ.

Người cha – cụ Cử Lương Văn Can – là một trong những nhân vật cốt cán của phong trào Đông Du, Thục trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục những năm 1907 – 1908; người con – Lương Ngọc Quyến – là người đồng tổ chức cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 gây tiếng vang lớn trong các phong trào yêu nước.


Chí sĩ Lương Ngọc Quyến và Chân dung Đội Cấn. 

Lương Ngọc Quyến tự Lập Nham sinh năm 1885 tại phố Hàng Đào (Hà Nội), là nơi dòng họ Lương hành nghề buôn bán từ nhiều đời. Trong phong trào Đông Du, Lương Ngọc Quyến là một trong những thanh niên đầu tiên xuất dương du học. Tháng 10.1905, ông sống tại Hoành Tân (Yokohama), Nhật Bản, ở trong ngôi nhà cụ Phan Bội Châu từng cư ngụ. Cụ Phan trở lại ngôi nhà trọ, gặp ông, và đã viết về ông trong tác phẩm Ngục Trung Thư như sau:

Tháng 10 năm ấy (Ất Tỵ 1905), tôi đến Hoành Tân về ở nhà trọ cũ, thấy một vị thanh niên học sinh ta, Lương quân Lập Nham đã tới ở trước đó rồi. Tôi xem ra người thật có khí phách hăng hái, đầu tóc còn để bờm xờm. Dò hỏi mới biết Lương quân bỏ nhà đi trốn sang Nhật trơ trọi một thân, lúc lên đến bến thì hành trang vừa cạn, trong túi chỉ còn vẻn vẹn ba xu, không hơn, không kém. Thấy thế, tôi vừa mừng vừa chưng hửng. Vì bạn nhỏ tuổi nước ta, một thân một bóng mà dám liều mệnh xông pha sóng gió muôn trùng đến một nước thuở nay mình chưa quen biết bao giờ, Lương quân chính là người thứ nhất vậy…” (Đào Trinh Nhất – Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 – NXB Tân Việt – Sài Gòn 1957, tr.12-13).

Năm 1911, Lương Ngọc Quyến đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp trường Chấn Võ. Khi cuộc cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Trung Quốc, ông sang Tàu, cộng tác với Đại đô đốc Quảng Đông là Hồ Hán Dân và sau đó, với Lê Nguyên Hồng, lúc ấy là Phó tổng thống Trung Hoa Dân quốc.

Năm 1914, nhận thấy tình hình Trung Quốc không có gì sáng sủa, không mong gì được họ hỗ trợ cho cách mạng Việt Nam, Lương Ngọc Quyến lẻn về nước, định áp dụng những gì đã học được để tổ chức một cuộc khởi nghĩa. Ông di chuyển liên tục từ Sài Gòn qua Thái Lan, rồi Hồng Kông. Tuy nhiên, đầu năm 1915, khi chỉ mới ở Hồng Kông có mấy ngày, ông đã bị cảnh sát Anh bắt và giải sang tô giới Quảng Châu cho cảnh sát Pháp.

Tháng 3/1915, Pháp đưa Lương Ngọc Quyến về Việt Nam, giam trong nhiều nhà tù khác nhau, từ Hỏa Lò, đến Nam Định, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Trong thời gian bị giam ở nhà tù Thái Nguyên, ông để ý đến một viên đội lính khố xanh của Pháp tên Trịnh Văn Đạt, thường gọi là Đội Cấn, tuy đi lính cho Pháp, song vẫn nuôi ý chí phục quốc. Qua nhiều lần tiếp xúc, hiểu và tin nhau, họ Lương và Đội Cấn bí mật bàn bạc với nhau kế hoạch khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp tại Thái Nguyên, từ đó tấn công sang các tỉnh lân cận.

Họ quyết định tiến hành cuộc khởi nghĩa vào đêm 30/8/1917.

Một giờ sáng 31/8/1917, một đơn vị khởi nghĩa đánh chiếm đại bản doanh của quân đội Pháp tại Thái Nguyên, bắn chết tên giám binh Pháp Noel cùng viên phụ tá của tên này là quản Lập, rồi bêu đầu họ lên để làm gương cho các lính khố xanh khác. Trong số 175 binh sĩ đồn trú tại Thái Nguyên, có đến 131 người ôm súng đi theo lực lượng khởi nghĩa, số còn lại hoặc trốn đi hoặc bị quân khởi nghĩa tiêu diệt.

Sau khi chiếm xong bản doanh của quân đội Pháp, quân khởi nghĩa tràn vào nhà tù Thái Nguyên, giải thoát tù nhân tại đây. Đội Cấn triệu tập một hội đồng quân sự và được suy cử làm Quang Phục quân Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư, để cùng bàn bạc các chiến lược, chiến thuật sắp tới. Họ đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, lần lượt công bố hai bản tuyên ngôn dài, nhân danh Việt Nam Quang phục quân, lên án thực dân Pháp và kêu gọi mọi người đoàn kết chống ngoại xâm.

Đến sáng 31/8/1917, phần lớn tỉnh lỵ Thái Nguyên đã lọt vào tay nghĩa quân của Đội Cấn. Đáng tiếc là họ chiếm Nhà dây thép (Bưu điện) khá trễ nên quân Pháp còn kịp điện báo cho Bộ chỉ huy tối cao tại Hà Nội sự biến tại Thái Nguyên. Một lực lượng quân Pháp được điều từ Đồ Sơn lên Thái Nguyên, mang theo cả vũ khí nặng. Cuộc đụng độ bắt đầu từ ngày 2/9/1917 với thương vong nặng nề của cả hai phía.

Ưu thế chiến trường ngày càng nghiêng về phía giặc. Đến ngày 5/9/1917, sau hơn 5 ngày chiếm giữ Thái Nguyên, Đội Cấn đành ra lệnh cho nghĩa quân rút đi. Lương Ngọc Quyến bị liệt hai chân sau những năm tháng khổ hình trong nhà tù của Pháp nên Đội Cấn sắp xếp võng cáng cho ông đi. Ông thấy làm như vậy chỉ thêm vướng bận cho nghĩa quân đang cần tập trung nỗ lực chiến đấu, nên nhờ Đội Cấn bắn một phát đạn vào ngực, hy sinh một đời tranh đấu vì nước (Đào Trinh Nhất – sđd – tr.93).

Ngày 5/1/1918, sau 4 tháng cầm cự, Đội Cấn bị thương trong một trận đánh, bên mình chỉ còn 4 thuộc hạ, và ông cũng bắn vào bụng tự sát. Đó là hai trong những cái chết anh hùng vào những năm kháng Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Theo Lê Nguyễn/Báo Thanh Niên