Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Đức hạnh và trí tuệ

709

(Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và các thầy cô)

Kính thưa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kính thưa các thầy cô!

Tôi không bao giờ quên được khi còn là học sinh cấp 1, cứ vào ngày 20 tháng 11 hàng năm, lũ học trò chúng tôi háo hức rủ nhau đi quanh làng để tìm hái những bông hoa dại chúc mừng thầy cô của mình. Một lần cô giáo chủ nhiệm chúng tôi ốm, mỗi đứa học trò chúng tôi góp một quả trứng để thăm cô. Có đứa góp trứng gà, có đứa góp trứng vịt. Chúng tôi bọc chục trứng gà vịt lẫn lộn mang tới thăm cô. Nhìn chục trứng cô đã khóc vì xúc động. Nhưng phải mấy chục năm sau chúng tôi mới biết khóc vì chuyện đó. Sự trong sáng, ngây thơ và vụng dại ấy lại chứa đựng sự thiêng liêng của tình thầy cô giống như tình mẹ con, cha con vậy. Đó là những năm tháng đất nước chiến tranh và thiếu thốn mọi thứ. Nhưng đức hạnh của một nền giáo dục đã trùm phủ lên đời sống con người trên mảnh đất này. Đức hạnh của nền giáo dục ấy đã tạo ra những trí thức lớn và những nhân cách lớn cho đất nước.

Nhưng đức hạnh của nền giáo dục ấy đang được cảnh báo cho dù chỉ một phần nhỏ những cá nhân giáo viên đã làm ảnh hưởng tới hàng vạn thầy cô chân chính. Trên báo chí, trên mạng xã hội những năm gần đây, xã hội không kìm được nỗi thất vọng về nền giáo dục chúng ta. Nhưng tôi phải nói rằng: niềm hy vọng về một nền giáo dục đức hạnh và trí tuệ không bao giờ rời bỏ chúng tôi. Khi thầy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bước những bước khởi đầu đầy tư duy, ý chí và cả cảm xúc cho nền giáo dục thì niềm hy vọng ấy được thắp lên. Và niềm hy vọng ấy càng lớn lên khi có biết bao thầy cô đã dày vò, đã cảm thấy tổn thương khi có những điều đau lòng xẩy ra trong nghành giáo dục bởi một vài đồng nghiệp của mình. Đảng và nhân dân đang trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng như tất cả chúng ta đã biết. Nhưng riêng với nghành giáo dục, có một thứ tham nhũng còn nguy hiểm hơn nhiều lần sự tham nhũng của cải vật chất. Đó là sự tham nhũng lòng tin. Bởi từ xa xưa, thầy cô là những người được toàn xã hội kính trọng và tin tưởng. Mọi gia đình đã gửi những thế hệ tương lai của mình tới nhà trường với niềm tin bất diệt rằng: nhà trường sẽ giáo dục những đứa trẻ của họ thành những người có đức hạnh và trí tuệ. Nhưng không ít gia đình Việt Nam đang đặt câu hỏi: con cháu họ sẽ được dẫn đi bằng cách nào để tới tương lai của chúng? Và tương lai của những đứa trẻ chính là tương lai của dân tộc.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Việc tăng cường ngoại ngữ là quan trọng nhưng chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước hết”. Câu nói này của Bộ trưởng không phải nói về vấn đề của bộ môn mà nói tới một trong những yếu tố quan trọng nhất của bản chất của giáo dục. Gia đình tôi là một gia đình “thoát nạn mù chữ” tiếng Anh. Nhưng tôi từng đặt câu hỏi với nỗi lo âu khi càng ngày càng nhiều những gia đình tập trung cho con học ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ mà lãng quê hoặc thờ ơ với việc truyền cảm hứng tiếng mẹ đẻ cho chúng. Giỏi tiếng Việt như thầy Bộ trưởng nói chính là làm tăng trữ lượng văn hóa Việt trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ mang dòng máu Việt. Đấy là con đường tạo dựng lên một tâm hồn Việt, một nhân cách Việt chứ không chỉ là một bộ môn. Nhiều năm trước, người ta đã nói đến việc bỏ thi môn văn trong một số trường. Với cách nhìn của tôi, đó là một sai lầm. Tôi đã từng làm một “học sinh” lớp 4 của trường Dedham School ở Boston, Hoa Kỳ để xem họ dạy và học như thế nào. Có một chi tiết làm tôi vô cùng chú ý là mỗi học sinh trong lớp đều có một cuốn sổ ghi “My Poetry Book” (sổ thơ của tôi). Đừng ai nghĩ rằng nước Mỹ ngốc nghếch để biến mọi học sinh trở thành nhà thơ. Họ chỉ muốn biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn của một con người để từ đó trợ giúp, gợi mở và chia sẻ. Đấy là một trong những yếu tố quan trọng của bản chất giáo dục.

Khi thầy Bộ trưởng nói: “tôi có nêu vấn đề chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn những bài văn mẫu cho học sinh học thuộc rất tai hại” đã được đông đảo dư luận ủng hộ. Chúng ta phải thừa nhận rằng: cách dạy văn và kể cả những môn khoa học xã hội lâu nay đã triệt tiêu khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh. 20 năm trước, trong một lần nói chuyện với các phụ huynh, một phụ huynh đề nghị các nhà văn hãy soạn một cuốn cẩm nang bao gồm những cạm bẫy trong cuộc đời và cách vượt qua cạm bẫy để khi con cháu họ bước vào đời mà gặp thì biết tránh. Tôi nói với các phụ huynh rằng: nếu chúng tôi soạn ra 1000 cạm bẫy và những đứa trẻ học thuộc lòng tất cả thì khi ra đời chúng sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1001 và chúng sẽ bị sập bẫy. Chỉ khi trong tâm hồn chúng chứa đựng tình yêu thương và cái đẹp, chúng sẽ biết đâu là Thiện, đâu là Ác thì chúng sẽ đi qua mọi cạm bẫy trong đời. Giáo dục là hướng dẫn, gợi mở và khích lệ sự sáng tạo chứ không phải là sự áp đặt. Văn mẫu là một cách dạy kéo dài trong nền giáo dục Việt Nam đã hơn một nửa thế kỷ và đã đến lúc nó phải được dừng lại. Trước đây tôi từng nghĩ, mỗi học sinh đến trường giống như một cái USB để coppy dữ liệu từ một computer mang tên giáo viên. Và cách nhìn của thầy Bộ trưởng đã mở ra một tư duy mới cho giáo dục. Một nền giáo dục thành công là một nền giáo dục làm cho tiềm năng trong mỗi con người được giải phóng và phát triển cao nhất chứ không phải sản xuất ra những USB biết chuyển động và coppy.

Thầy Bộ trưởng nói: “Thời gian tới chúng tôi sẽ đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử, tăng cường tính sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu đối với Lịch sử”. Chúng ta từng hoang mang hỏi vì sao điểm thi môn lịch sử lại kém đến như vậy và vì sao học sinh lại ghét học lịch sử như thế. Cách đây nhiều năm, tôi đã hỏi nhiều học sinh: “Giữa Quang Trung và Quan Vân Trường, bạn thích ai?’’. Câu trả lời làm lòng tôi buồn mãi tận bây giờ. Hầu hết các học sinh trả lời thích Quan Vân Trường. Không phải các học sinh đó không yêu hay chối từ lịch sử và các nhân vật lịch sử dân tộc mình. Nhưng chúng ta đã thất bại trong cách dạy và cách truyền bá lịch sử và các nhân vật lịch sử dân tộc. Sự thất bại này sẽ dẫn đến thất bại nghiêm trọng trong việc cảm nhận lịch sử, khơi mở tình yêu và lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Thậm chí nó dẫn tới sự “mất nước” trong chiều sâu tâm thức của các thế hệ công dân Việt Nam ở một tương lai không xa.

Cũng như mọi lĩnh vực của đất nước, thầy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bước vào vị trí mới của mình trong một giai đoạn vô cùng khó khăn và thách thức bởi đại dịch Covid-19. Nhưng thách thức lớn hơn tất cả mà thầy Bộ trưởng và toàn nghành giáo dục phải vượt qua là những gì đã trở thành thói quen trong tư duy và phương pháp trong nghành giáo dục lâu nay. Tư duy mới làm ra sự tiến bộ cho xã hội còn tư duy cũ kìm hãm sự phát triển đó. Những gì thầy Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tư duy và khởi xướng mà tôi chỉ mới chạm tới đôi điều trong lá thư ngắn ngủi này cùng cảm xúc và sự dày vò của biết bao thầy cô đang mang lại niềm hy vọng cho xã hội. Để thay đổi thực sự nền giáo dục, chúng ta phải mất hàng thập kỷ với một tư duy chiến lược đúng đắn, với một cảm xúc mạnh mẽ, với lòng kiên nhẫn không một phút hoang mang, sợ hãi và sự thấu hiểu mục tiêu duy nhất của giáo dục là làm ra sản phẩm cao quý và thiêng liêng nhất cho thế gian này: NGƯỜI.

Thách thức lúc này đối với thầy Bộ trưởng và những thầy cô có lương tâm nhiều hơn thuận lợi. Không có bất cứ con đường nào mở sẵn cho chúng ta. Chúng ta phải bước đi và dựng lên con đường. Xin kính chúc thầy Bộ trưởng, kính chúc lãnh đạo Bộ GD&ĐT, kính chúc các thầy cô mạnh khỏe, tràn ngập cảm hứng và ý chí trên con đường xây dựng một nền giáo dục của đức hạnh và trí tuệ.

Kính thư

Nguyễn Quang Thiều

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam