‘Cố hương’ – Dằng dặc những nỗi niềm nhớ thương, khắc khoải!

257

(Nhân đọc tập thơ Cố hương của Nguyễn Tường Văn, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ)

Nguyễn Văn Hòa

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Cố hương” là tập thơ thứ tư của nhà thơ Nguyễn Tường Văn. Thi tập với 56 bài được anh sáng tác rải rác trong nhiều năm. Ở đó, thể hiện cái tôi trữ tình hướng về những giá trị truyền thống, hướng về cội nguồn, quê hương, về các vấn đề thế sự và cả những tình cảm đối với bạn bè, người thân trên những chặng đường đời mà nhà thơ đã đi qua.  


Bìa tập thơ “Cố hương” của nhà thơ Nguyễn Tường Văn

Thơ Nguyễn Tường Văn thường nhắc về quá khứ với những kỷ niệm dùng dằng không chịu ngủ yên. Với anh, những gì của ngày hôm qua là cả một khoảng trời thương nhớ, day dứt với bao nỗi niềm của một người đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay của thế cuộc, của đời người. Trở lại Tuy Hòa – mảnh đất quê hương sau một thời gian xa cách, nhà thơ không kìm nén được xúc động: Ôi ngày tháng cũ vơi xa/ Trong con nước đó đời qua chân cầu/ Ta trăm nhánh mọc bên đầu/ Hồn trăm năm cũng về thâu đêm dài// Ta khô từng sợi tóc mai/ Trong ngôn ngữ vọng ru bài thánh ca/ Tình bay vàng nhánh quê nhà/ Đường xưa cố quận sầu xa mấy hàng (Khi trở lại Tuy Hòa).

Thơ Nguyễn Tường Văn là thơ của sự hồi tưởng, suy ngẫm. Sức hấp dẫn của nội dung tự sự trong thơ thể hiện ở chỗ anh chọn lựa những hình ảnh, chi tiết đặc sắc, giàu tính biểu cảm nên dễ neo đậu vào trong tâm hồn người đọc. Ngay cả cách nhà thơ đặt nhan đề cũng tạo nên sức gợi: Bến luân hồi, Nỗi nhớ vượt trần, Tan biến bóng ma, Phóng viên gặp Nguyễn Trãi, Tình ca cho tự do, Đi tìm ngày sinh, Đến Vũng Rô nhớ Đèo Cả – Hữu Loan…

Cái tôi khao khát, bùng cháy mãnh liệt cũng xuất hiện trong những bài thơ của Nguyễn Tường Văn khi viết về những năm tháng của tuổi trẻ, những tâm tư, bộc bạch về nghề; nhất là những trăn trở, day dứt khôn nguôi về nghề báo. Bởi nghề báo đã gắn bó với anh cả một chặng đường dài nên những điều tỏ bày trong bài thơ Phóng viên gặp Nguyễn Trãi có một ý nghĩa đặc biệt. Đó không chỉ là sự nhắc nhớ, lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ với một trí thức dũng cảm, liêm khiết, thanh cao mà còn là tiếng kêu gào về chính nghĩa, lẽ phải, công lý… của thời đại hôm nay! Có thể bị thu các phương tiện phóng viên/ Như giáo dân mất phép thông công về với chúa/ Bầu trời triều Lê một thời mây đen vây bủa/ Ngõ Côn Sơn còn xanh ngát trên đầu/ Ôn đời thường lời gia huấn cho nhau/ Cụ chăm chút những Ức Trai, Quốc Âm thi tập…/ Phải vì thế mạnh, tài thêm đối lập/ Dẫn oan khiên nhằm lối đoạn trường// Đâu trung thần, đâu minh vương/ Chỉ có đoạn đầu đài và lầm lì quan đao phủ/ Phóng viên gào như khạc từng mảnh phổi/ Những tuyên ngôn, kiến nghị, điện văn// Hồi trống kết thúc/ Lưỡi gươm oan nghiệt/ Phóng viên gào bể phổi!

Cố hương trở thành mạch ngầm xuyên suốt trong các chặng đường thơ, chặng đường đời của Nguyễn Tường Văn. Ở đó là sự gắn bó, là tình yêu vô bờ, bất biến với tất cả những gì thân thuộc của quê hương, bản quán. Nhà thơ nhớ rõ mồn một Đêm cuối cùng ngủ với nội, để rồi đến tận bây giờ người cháu ấy vẫn luôn da diết nỗi nhớ thương bà, cho dù bà đã thành người thiên cổ. Lời bà ru theo cháu tháng năm/ Nắng hè đi qua gió thu lại đến/ Dỗ dành, nâng niu nụ hồng trìu mến/ Nội nhói lòng những lúc cháu ốm đau// Mong lớn khôn cho kịp mai sau/ Dẫu ngày ấy ông bà không còn nữa/ Dẫu ngày ấy mỏi mòn lần lữa/ Nơi phương này ngóng buổi cháu ra đi// Vẫn biết đời xót quy luật “sinh ly” / Thương hoàng hôn chim bay về tối/ Đêm cuối cùng cháu ngủ bên lòng nội/ Hơi ấm bà theo cháu tận trời xa!

Nhà thơ có ước muốn được “xin thời gian trở lại”, sống những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ở quê nhà. Tiếc rằng điều ấy không thể, nên giờ chỉ còn lại là nỗi nhớ cồn cào, da diết: Những sớm mai nhà vừa mở cửa/ Nhỏ bạn thân nháy mắt rủ rê/ Mải vui chơi miệt mài quên bữa/ Chị đi tìm… em tỉnh cơn mê// Nhớ những khuya giấc nồng, chợt thức/ Tiếng mẹ ru nghe ấm tận đến giờ/ Tuổi hoa niên hiện về cùng ký ức/ Theo bao mùa phượng vĩ hóa thành thơ…

Thời gian và không gian trong những bài thơ của Nguyễn Tường Văn không chỉ là thời gian, không gian của tự nhiên thông thường mà nó còn là thời gian, không gian trong tâm tưởng. Do vậy, yếu tố không – thời gian có khả năng biểu hiện cảm xúc một cách chân thành nhất, mãnh liệt nhất. Đến Vũng Rô nhớ Đèo Cả – Hữu Loan là một bài thơ để lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ mà còn là sự day dứt trước một nhà thơ tiền bối với nhiều nỗi ẩn ức khó nỗi tỏ tường.

Đứng trước biển, nhà thơ thả hồn mình để tìm về quá vãng và tự vấn: Em về con phố đi hoang/ Mình ta ngồi đợi với loang bóng chiều/ Có gì như một nét yêu/ Ngàn năm cây cỏ còn xiêu đổ lòng (Biển đêm).

Nhà thơ đã lưu giữ được những khoảnh khắc, xúc cảm của bản thân để từ đó làm cơ sở nhìn ra thế giới rộng lớn bên ngoài. Bao suy ngẫm về sự đổi thay, còn – mất, những giá trị văn hóa thuở nào đang dần bị mai một, những nét đẹp của văn hóa làng giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Về quê lòng chạnh nhớ quê/ Nồm, nam, bắc thổi bốn bề mái tranh/ Đâu rồi ngõ nhỏ truông quanh/ Đâu rồi bờ bãi ngày xanh sáo diều// Hoàng hôn buông cuối những chiều/ Trâu bò lững thững tiếng kêu về chuồng/ Vườn xưa che chắn chim muông/ Mùa mưa qua biết bao luồng bão giông// Giếng nhà tươi nọc trầu không/ Thắm môi mẹ trên cánh đồng vụ Ba/ Thửa rau xanh tiếp luống cà/ Hội xuân rộn rã nhịp ca bài chòi// Trống tuồng năm cũ đâu rồi/ Hồn quê xao xác bồi hồi cố hương (Cố hương).

Cuộc sống áo cơm luôn đè nặng trên vai nhà thơ nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự lãng mạn. Sự tếu táo, lịch lãm vẫn được thể hiện rõ nét trên hành trình thơ, hành trình cuộc đời của anh. Vì thế, bạn bè Nguyễn Tường Văn luôn yêu quý, trân trọng con người và cả tính cách của anh. Đã có lần anh nói dối vợ đi công tác, báo dối cơ quan vợ ốm nghỉ ở nhà. Nhưng sự thực anh xin nghỉ, vượt mấy trăm cây số đường xa để đi thăm bạn. Điều này là minh chứng rõ ràng nhất anh yêu quý bạn bè đến mức độ nào. Thăm bạn là bài thơ mà anh nói rõ, kể rõ về mình, tình cảm của mình đối với bạn bằng cảm xúc chân thành, hồn hậu, gần gũi… “Chân thật với mình và với mọi người là một yêu cầu đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt với thơ, yêu cầu đó còn phải biểu hiện một cách nghiêm chỉnh, thường xuyên. Bởi thơ là một phiên bản trung thành nhất của nhà thơ. Sự chân thật trong thơ không chỉ là một phẩm chất của nhà thơ mà qua đó nói lên phẩm chất và lòng trung thực của người sáng tạo ra nó”.

Viết về bạn bè, người thân, nhất là viết về “em” bao giờ  nhà thơ cũng dành những tình cảm thân thương, ấm áp. Sự quan tâm, sẻ chia luôn hiện hữu trên những vần thơ của Nguyễn Tường Văn. Với nhà thơ, mọi thứ diễn ra xung quanh đều để lại những cảm xúc, những dấu ấn khó phai. Và rồi, tất cả đi vào thơ anh như bản nhật ký hành trình của đời mình. Ký ức về những năm tháng học trò, Nguyễn Tường Văn không khỏi bùi ngùi: Mùa khai trường ngẩn ngơ nhìn lá đổ/ Bước âm thầm in bóng nắng xanh xao/ Biển trời thu phủ vàng ngôi tình mộ/ Lẩn ban sơ lạc lối giữa chiêm bao// Ôi năm tháng xa dần xa quá khứ/ Môi em hồng thêm hơi thở đam mê/ Lòng chai đá nên không còn lưu giữ/ Tiếng em cười cũng rạn vỡ pha lê// Ta tưởng tiếc thuở màu xanh ngờ nghệch/ Ngậm ngùi chi em thảo mộc ngã vàng/ Tình ngày xưa… mây ngang trời còn, hết?/ Tóc hạ vàng xin hong chút sương tan (Chia tay hạ trắng).

Thơ Nguyễn Tường Văn gợi lên trong lòng người đọc những ấn tượng bởi lời thơ, hình ảnh thơ của anh có nét độc đáo riêng. Nhà thơ trải lòng mình với nhân sinh với mong ước được chia sẻ, được cảm thông. Anh luôn trăn trở, suy tư và chiêm  nghiệm nhiều điều về cuộc sống, về tình yêu trong mối tương quan giữa đời và đạo. Ta về cuối bãi mù mây/ Nhặt thêm nỗi nhớ cao xây đỉnh ngà/ Nước triều động bến tha la/ Em vô thường kín ta bà vọng trông// Chợt tình qua cõi sắc không/ Ta xua tay trắng phiêu bồng mù khơi (Đêm nằm trong không).

Giá trị của tình thân, tình người với nhà thơ đã trở thành chuẩn mực, thành thước đo, thành lẽ sống. Vì thế, con người trong thơ và con người ngoài đời thật của nhà thơ Nguyễn Tường Văn có sự tương giao, hài hòa và thống nhất. Con người đời thường và con người thơ đều nhân ái, bao dung. Ngay cả trong cách ứng xử với “em” cũng mang nét phong lưu của một người quân tử: Cuối năm sao chưa thấy em về/ Anh chờ suốt qua mùa đông lạnh/ Nơi phương xa mong em khỏe mạnh/ Xóa nỗi niềm năm cũ buổi xuân sang!// Em chưa về mây xám lang thang/ Bao phủ khắp nóc trời ủ rũ/ Gió thổi ngang lòng những điều xưa cũ/ Mưa dày vò biển cuồn cuộn từng cơn// Em chưa về hoa Tết dỗi hờn/ Bếp nguội lạnh ai rước đưa ông Táo/ Con thơ vào ra không nói cười huyên náo/ Mắt dõi trời xa sao chưa thấy em về! (Cuối năm).

Cuộc đời Nguyễn Tường Văn đã đi qua với nhiều những bước thăng trầm, lận đận. Vì thế, trong thơ anh cũng mang những âm hưởng tiếc nuối, bao dự định bất thành, những khao khát chấp chới, những tiếng thở dài vô vọng xót xa. Nhưng không vì thế mà nhà thơ nản chí, vẫn còn đó khát vọng, còn đó niềm tin vào tương lai tốt đẹp ở phía trước: Nửa đời hụt hẫng bơ vơ/ Trắng tay nào biết thực mơ đường trần/ Lộc tài thoáng chốc phù vân/ Bão giông qua, lại trong ngần trái tim (Giữa cuộc nổi chìm).

Nguyễn Tường Văn cảm nhận rất rõ những mất mát, thua thiệt của bản thân và rồi nhà thơ vẫn chọn cho mình một lối sống an nhiên, ung dung tự tại. Sẵn sàng chấp nhận trước những bất trắc có thể ập đến, luôn sống và cháy hết mình bằng tâm hồn và trái tim chân thành, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm công dân. Nhà thơ luôn dõi theo từng nhịp thở với quê hương, đất nước. Ngay cả những năm tháng trong khói lửa chiến tranh hay ở thời bình lời thơ của anh vẫn luôn hừng hực khí thế, hướng về chính nghĩa, căm ghét và coi khinh bạo tàn. Những câu hỏi xé lòng trong bài Tình ca cho tự do đã cho thấy một Nguyễn Tường Văn ý thức cao độ về tinh thần dân tộc, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của anh.

Thơ Nguyễn Tường Văn là hiện thực cuộc sống, là thân phận con người với những khát vọng và mơ ước đầy nhân bản. Cố hương đã đem đến cho bạn đọc những suy tư, hoài niệm, nỗi khắc khoải và cả những nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi đối với quê hương, người thân và mọi thứ có liên quan đến hành trình cuộc đời mà nhà thơ đã và đang đi qua, những thứ mà anh đã từng chứng kiến, nếm trải… Quê nhà nhòa bóng mẹ/ Chấp chới cánh chim câu/ Qua chưa thời son trẻ/ Con nước vỗ chân cầu// Được – thua đời mây khói/ Vẫn khao khát bền lâu/ Bỗng dưng lòng đau nhói/ Sợ ngăn cách mai sau// Tháng năm hồn ngây dại!/ Nước mắt lặn vào môi/ Dòng sông nào xuôi mãi/ Về cuối bến luân hồi! (Bến luân hồi).

N.V.H