Dâng anh – Nhà văn Trần Hữu Lục

538

Ngàn Thương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Được tin buồn: Nhà văn Trần Hữu Lục (Yên My) đã mãn phần vì nhiễm Covid 19 vào ngày 30 tháng 8 năm 2021 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi, do  đại dịch COVID-19.

Nhà văn Trần Hữu Lục – Nguồn: Facebook họa sĩ Đỗ Duy Tuấn

Nhớ hồi tôi làm đại diện phát hành Tập san Nhớ Huế tại cố đô Huế, hằng quý do anh chủ biên và thực hiện, nơi quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, họa sĩ, dịch thuật tên tuổi trong nước và hải ngoại, tạo cho sân chơi Tập san Nhớ Huế càng ngày thêm phong phú, khởi sắc.

Một mình anh quán xuyến mọi khâu, vừa xin bài vở mọi miền, vừa biên tập, vừa phát hành, những người trong nhóm biên soạn Nhớ Huế, thực ra chỉ mình anh lo phần nội dung, trình bày… lẫn tài chính, xoay vốn của tự thân để Tập san trình làng đúng kỳ hạn.

Thỉnh thoảng anh về Huế, thăm quê và giao lưu với văn nghệ sĩ. Lợi thế của anh, là Nhà văn cũ miền Nam, quen biết nhiều cây bút một thời trên Tạp chí Văn, Văn học,  Bách Khoa, Trình Bày, Đối Diện, Ý Thức... Anh nổi tiếng là cây viết truyện ngắn với bút danh Yên My, mang sự phản kháng của người trong cuộc trong chiến tranh. Ai biết thì quý, chứ không bao giờ anh khoe quá khứ mình. Sau 1975, anh viết tùy bút, tạp bút và thơ, ưu ái dành đăng trên Nhớ Huế.

 

Thỉnh thoảng anh về chớp nhoáng, gọi tôi chở anh về thăm nhà thờ bên nội, cách thành phố Huế chừng 2km, vội vàng thắp nén hương, xá một xá rồi đi. Trên đường về nhà người anh ruột Trần Hữu Mậu ở đường Võ Thị Sáu, anh mời tôi vào quán cóc cà phê gần đó để trao đổi, lên danh sách mời cộng tác viên ở Huế, như Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Hồ Tấn Phan, Ngô Minh, Nguyễn Văn Dũng, Diên Thống… Đa phần người Huế, viết về Huế với bút lực dồi dào, sắc bén.

Nhà văn Trần Hữu Lục vốn ít nói, nhưng khi làm MC trong các chương trình văn nghệ, liên hoan, thấy anh nói thao thao bất tuyệt mà không vấp váp, rất có duyên trên sân khấu, truyền hình. Anh có nụ cười nửa vời, dẫu buồn hay vui. Rất ít nói về gia cảnh, mặc dù phu nhân anh thường đau ốm triền miên. Anh làm văn nghệ như cuộc chơi kỳ thú, nguồn sáng tạo tâm hồn của thức giả trước cuộc sống tình yêu, quê hương và thân phận.

Một cây viết bỉnh bút đầy trách nhiệm vừa khép cánh bay. Anh đã dừng lại bên bờ sinh – tử bằng chuyến đi vào miên viễn không ngờ. Một người con xứ Huế đã hóa thân vào tro bụi, song hồn anh mãi hiển linh, luôn hướng về cội nguồn Thần kinh và mảnh đất giàu nhân nghĩa phương Nam.

N.T