Nhà văn Trần Hữu Lục qua đời vì Covid-19

1078

Mai Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vì tuổi cao sức yếu và mắc bệnh nền, nên nhà văn Trần Hữu Lục không thể vượt qua được Covid-19. Ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 8h30 ngày 30/8, hưởng thọ 80 tuổi.

Nhà văn Trần Hương Giang – em gái của nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục báo tin buồn, anh trai của bà đã mất lúc 8 giờ 30 phút ngày 30/8/2021 tại Bệnh viên Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) do nhiễm COVID-19.

“Anh tôi nhập viện cách đây mấy ngày do sốt và có biểu hiện triệu chứng của COVID-19 nên gia đình đưa vào viện. Vì đã 80 tuổi, có nhiều bệnh nền lại bị mắc COVID-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì. Là người em gắn bó, sâu sát gần như cả cuộc đời với anh, tôi vô cùng tự hào vì những đóng góp của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục cho văn học, điện ảnh và báo chí nước nhà cũng như quê hương xứ Huế” – Nhà văn Trần Hương Giang nói.

Nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục ra đi giữa lúc TP.HCM đang thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội để chống Covid-19 nên giới văn nghệ sĩ bạn bè đồng nghiệp của ông như nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, nhà thơ Ngô Minh… chỉ biết ngậm ngùi viết lời tiễn biệt ông trên mạng xã hội Facebook.

Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM viết: “Xin được chia buồn sâu sắc cùng nhà thơ Trần Hương Giang, cùng gia đình nhà thơ Trần Hữu Lục và tang quyến. Xin tiễn biệt ‘một giọt Huế’ của sông Hương…”.


Nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục là một trong những gương mặt tiêu biểu của làng văn nghệ Huế một thời

Trần Hữu Lục là một trong những cây bút sinh quán tại Huế và văn nghiệp gắn bó với cả Huế và Sài Gòn – TP.HCM. Ông viết văn, làm thơ và viết báo từ thời còn đi học.

Nhà văn Trần Hữu Lục sinh ngày 14/3/1941 tại thôn Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ông học Trường đại học Sư phạm Huế và viết văn từ thời sinh viên, truyện ngắn Tuổi đồng quê của ông ký bút danh Yên My in báo Văn ở Sài Gòn từ năm 1968.

Ông còn chủ biên báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh Viên Huế (1968), thành viên nòng cốt của Nhóm Việt – nhóm sinh viên Huế yêu nước. Thời gian dạy học ở Đà Lạt, ông tham gia tạp chí Đối Diện.

Trần Hữu Lục từng là một trong những thanh niên của phong trào “xuống đường” tranh đấu trong giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ đô thị miền Nam vào những năm 1960-1970.

Ông sát cánh cùng với những văn nghệ sĩ tiêu biểu của phong trào này ở Huế như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên…

Nhà thơ Ngô Minh, người bạn thân thiết xứ Huế của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục từng chia sẻ những kỷ niệm cảm động với ông: “Sống và viết ở Huế hơn 30 năm, thỉnh thoảng tôi lại gặp nhà văn Trần Hữu Lục cùng với mấy anh chị trí thức Huế khắp bốn phương như nhà thơ Lê Văn Ngăn ở Quy Nhơn, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan ở Đức, nhà nghiên cứu Cao Huy Thuần, Võ Quang Yến ở Pháp, nhà văn Trần Kiêm Đoàn, bác sĩ, nhà ngôn ngữ Huế Bùi Minh Đức ở Mỹ… về Huế thăm gia đình, bè bạn. Tôi có cảm giác dường như các anh chị không bao giờ vắng mặt trong sương Huế miền Kim Long, Vĩ Dạ, Nguyệt Biều…”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có những dòng “tri âm” về người bạn thân thiết nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục: “Trong Lục cho đến nay vẫn luôn luân lưu một dòng thi ca, rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang về tình yêu, quê nhà. Đó không phải là đề tài dành riêng cho Lục, nhưng thật sự Lục là kẻ ít sống gần với quê nhà. Trong thơ Trần Hữu Lục có bóng dáng của một dòng sông xanh rất xanh năm mười sáu tuổi, một thuở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”.

Bài thơ Huế Thu của Trần Hữu Lục:

Hai hàng đèn lồng soi lối cũ
Gió thu hiu hắt trên ghế ngồi
Hương hồ thoảng lại mùa hoa sứ
Vườn đêm tí tách tiếng mưa rơi

Em hiền hòao làm con sóng vỗ
Nhắn mây thu tím trên bến chiều
Lá trúc vô tình còn ngóng đợi
Và nguyệt cầm nghiêng xuống bến xưa

Ngọn đèn lồng bên sông mờ tỏ
Không có em ngày anh trở về
Sóng thầm thì lời yêu còn đó
Mặc cho dòng nước mãi cuốn đi

Lặng lẽ mùi hương miền ký ức
Cùng mưa thu từng giọt giọt rơi
Nơi xa ấy biết em còn thức
Như nguyệt cầm Huế vẫn thu xưa.

Nhà thơ Phùng Hiệu cùng Ban Biên tập Văn Chương Phương Nam xin chia buồn sâu sắc với gia đình của nhà văn Trần Hữu Lục!

M.A