Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng dành 30 năm để dịch kiệt tác “Hiệp sĩ thánh chiến” của Ba Lan

426

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm 1990, dịch giả, nhà văn Nguyễn Hữu Dũng bắt đầu dành thời gian để dịch Bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 1905. Đến năm 2020, sau 30 năm thì bộ tiểu thuyết này mới hoàn thành và ra mắt bạn đọc. Bộ tiểu thuyết gồm 2 tập, do Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn Học liên kết ấn hành

Bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” được dịch sang tiếng Việt

Sáng ngày 17.10. 2022, tại trụ sở Liên Hiệp Các HV-NT TPHCM, Hội Nhà văn TP HCM phối hợp cùng dịch giả Nguyễn Hữu Dũng để tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với và giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” của nhà văn vĩ đại bậc nhất Ba Lan Henryk Sienkiewicz.

Tham dự buổi gặp gỡ có ông Alexander Nowakowski, Bí thứ thứ III phụ trách lĩnh vực kinh tế – chính trị của Lãnh sự quán Cộng hoà Ba Lan; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh – nhà khoa học biến đổi khí hậu toàn cầu thuộc nhóm tác giả được Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007.

Về phía Hội Nhà văn TPHCM: Đến dự có nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cùng cùng 2 phó chủ tịch Hội là nhà văn Trần Hương, nhà văn Bùi Anh Tấn và các Uỷ viên Ban Chấp hành: Huệ Triệu, Phùng Hiệu, Phương Huyền cùng nhiều nhà văn, nhà thơ đang sống và làm việc tại TP HCM.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ về quá trình dịch tác phẩm

Bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ Thánh chiến” được văn hào Henryk Sienkiewicz, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 1905, thai nghén và thực hiện trong hơn 35 năm. Những trang bản thảo được hình thành trong những hành trình liên miên khắp trong, ngoài nước từ Ba Lan, Pháp đến Áo, Thuỵ sĩ, Italia… Sau đó, tác phẩm này đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, dựng thành bộ phim dài 2 tập rất công phu, được nhiều thế hệ bạn đọc trên khắp thế giới đón nhận và yêu thích.

Nội dung của tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ thánh chiến” tập trung xoay quanh những hào hùng và bi tráng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan, giai đoạn hậu kỳ Trung cổ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV. Chủ đề chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình được Henryk Sienkiewicz khắc họa rõ nét trong tác phẩm này.

Trong tác phẩm, người đọc sẽ được hình dung về một quốc gia phong kiến tập quyền thời Trung cổ ở Châu Âu, với các giai tầng xã hội khác nhau: Vua và hoàng hậu, các quận công và quận chúa, các hiệp sĩ vùng biên ải, đám quan lại giàu có, các trang chủ quý tộc, những người nông dân nghèo khổ, các hiệp sĩ thánh chiến đầy ngạo mạn, tàn bạo và quỷ quyệt…

Ban Thường Vụ Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa cho Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng 

Để thực hiện bộ tiểu thuyết này, Đại thi hào Henryk Sienkiewicz đôi khi đã tách ly mình khỏi thế giới bên ngoài, sống với trí tưởng tượng với độ trượt thời gian gần trăm năm về quá khứ để sáng tác. Và ông đã mất hơn 35 năm mới hoàn thành bộ sách. Và bộ tiểu thuyết  “Hiệp sĩ Thánh chiến” trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc Ba Lan.

Và nếu như Đại thi hào Henryk Sienkiewicz mất 35 năm để hoàn thành bộ tiểu thuyết  “Hiệp sĩ Thánh chiến” thì dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cũng đã mất tròn 30 năm để dịch bộ tiểu thuyết này.

Chia sẻ cùng độc giả, nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Từ năm 1966 tôi được đi du học tại Ba Lan. Và chỉ sau một năm học, có lẽ do có sự thiên phú nên tôi đã thực hiện được cuốn từ điển đầu tay. Tôi cho đó là điều kỳ lạ của văn học. Từ đó, tôi cảm thấy mình yêu quý đất nước Ba Lan nhiều hơn, bởi giữa Ba Lan và Việt Nam có sự tương đồng về mặt lịch sử và địa lý. Và cũng vì tình yêu sâu sắc dành cho đất nước Ba Lan, nên tôi đã dày công nghiên cứu để dịch trọn vẹn tác phẩm “Hiệp sĩ thánh chiến”. Tuy nhiên, vì thời gian hoàn thiện bản dịch kéo dài tới 30 năm nên khâu biên tập gặp khá nhiều khó khăn do sự thiếu nhất quán trong ngôn ngữ, các diễn đạt”.

Alexander Nowakowski phát biểu tại buổi giao lưu

Ông Alexander Nowakowski – Đại diện Lãnh sự quán Cộng hoà Ba Lan bày tỏ niềm xúc động và gửi lời cảm ơn tới dịch giả Nguyễn Hữu Dũng vì tâm huyết mà ông dành cho văn học Ba Lan. Theo ông Alexander Nowakowski, khi viết về tiểu thuyết lịch sử bằng thứ tiếng Ba Lan đã khó, nhưng để hiểu về lịch sử và để dịch một tiểu thuyết lịch sử sang một ngôn ngữ khác thì càng khó hơn. “Văn học là một phần quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, ngoại giao để kết nối hai quốc gia và tôi hy vọng trong thời gian tới độc giả Ba Lan có thể tiếp cận nhiều hơn với văn học Việt Nam”, ông Alexander Nowakowski khẳng định.

Giao lưu cùng tác giả, nhà văn Trịnh Bích Ngân chia sẻ:  Việc dành thời gian gần nửa đời người để dịch một bộ tiểu thuyết, giới thiệu một tác phẩm văn học có giá trị của nhân loại cho độc giả Việt Nam là hoạt động âm thầm nhưng đấy là một sự cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà. Công việc của những dịch giả không chỉ đem lại cho chúng ta những kiến thức, tri thức mà còn mang đến những cầu nối cảm xúc về các giá trị nhân văn giữa các nền văn học, các nền văn minh của nhân loại.

P.H