Đọc Biên bản thặng dư của Phùng Hiệu

944

Bùi Công Thuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phùng Hiệu hướng hoàn toàn thơ của mình vào hiện thực, lên tiếng nói về những vấn đề đương đại và để trái tim mình đập một nhịp với bao nhiêu cảnh đời ở ngoài kia.

Tập thơ Biên bản thặng dư

Thơ hôm nay dường như chững lại khi nhiều người làm thơ tiếp tục những tình điệu cũ, dùng lại ngôn ngữ, nội dung, chất liệu của thơ mấy chục năm trước. Đó là người làm thơ  “ăn mày dĩ vãng” (chữ của nhà văn Chu Lai), trong khi nhiều người khác vẫn khai thác “cái tôi” cá nhân ở đủ mọi cung bậc (vẫn là thơ cũ). Người đọc quay lưng với thơ vì thơ xa rời hiện thực. Thỉnh thoảng thơ có lóe lên một chút ánh sáng của đời sống. Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Đất nước những tháng năm thật buồn – Nguyễn Khoa Điềm ghi được dấu ấn là vì vậy. Phùng Hiệu hướng hoàn toàn thơ của mình vào hiện thực, lên tiếng nói về những vấn đề đương đại và để trái tim mình đập một nhịp với bao nhiêu cảnh đời ở ngoài kia:

Sau bức vách hoàng hôn
Tôi nghe những bước chân…
Đoàn người lê bước chân về phía xóm nghèo
Dưới túp lều ọp ẹp
Họ không tìm thấy được quê hương thứ hai…
(Phía sau bức tường giải tỏa)

 Biên bản thặng dư

Suốt tập thơ là hành trình nhà thơ “nhận diện” thực tại, hành trình “đi tìm công lý” (tr.20). Nhà thơ “nhận ra” (tr.10) cả những gì đàng sau “những bức tường” che chắn, “sau lưng tiếng kẻng”, “Phía sau ánh đèn”, “Đằng sau tờ vé số”. Và, rất nhiều trường hợp cụ thể:  “Tôi nhận ra một cặp vợ chồng”(tr.54), “Tôi nhìn thấy những tiếng khóc chào đời” (tr.55), “Tôi nghe những bước chân” (tr. 60)… Trong mọi cảnh đời đã tự mình chứng kiến, tự mình nhận thức chân lý, nhà thơ “lập biên bản hiện thực”. Tức là ghi nhận tại chỗ những gì đang xảy ra, đang tồn tại với thái độ trách nhiệm và pháp lý như một bảo chứng cho công lý, cho mai sau, để ghi nhớ lấy, để hiểu biết mà sống.

Trước hết là “Biên bản thặng dư”, biên bản về “giá trị thặng dư” (Một lý thuyết của K. Marx) của hàng trăm ngàn công trình, dự án được thực hiện “đúng quy trình” trong cả nước đưa cuộc sống của người lao động đến cùng cực. Biên bản được lập với nước mắt xót thương không vơi cạn.

“Phía sau hoàng hôn
Tôi nhận diện được bóng đêm…”
(Kẽ hở bình minh)

“Tôi cầm lấy bát cơm
Và nhận ra những con trâu, cánh đồng, mùa gặt
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt…”
(Ngôn ngữ lên ngôi)

Đó là bóng đêm của những phận người lam lũ, nghèo khổ, không có tương lai, những phận người bị bỏ rơi sau khi bị vắt kiệt sức cho những công trình, những dự án…

“Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu…
Chị quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh…”
Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra
Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột!”
(Quét rác)

Người đàn bà chết cóng trong rừng cao su (Tiếng nấc trong khu rừng cao su), em gái thất nghiệp phải bán thân (Phía sau ánh đèn lừa dối), những người bán vé số: Bà lão chống gậy, ông lão mùa lòa, “Một hình hài chất độc da cam”, anh thương binh từ chiến trường xưa lê đôi chân rách (Đằng sau tờ vé số); “Cuộc mưu sinh” của chị ve chai. Người công nhân góa phụ ngày tết chỉ có: “nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/ với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang”. Anh công nhân xây dựng ngã chết âm thầm (Sự mất tích của người công nhân), Chị công nhân may, suốt đêm cày ải. Anh công nhân kiệt sức sau 14 giờ căng thẳng. Em bé 15 tuổi lao động trong nhà máy được “canh gác” bằng khí thải và các chất độc hại, được cấp bằng “chiến sĩ tăng ca”. Cụ công nhân thợ mỏ giữa bầu trời nắng đổ quện cạn sức người… họ mang về tháng lương “chỉ thừa ra bữa cơm lao động”, nhưng họ làm thặng dư lợi nhuận cho những tập đoàn kinh tế vĩ mô (Biên bản thặng dư), Tiếng rên gạch cát là tiếng đau xót của bao mảnh đời “Trên công trường ngổn ngang số phận/ …Đoàn công nhân cày ải đến 0 giờ/…những tiếng khóc chào đời/ lấm lem gạch cát”.

Bên cạnh hiện thực người lao động bị cướp hết sức lực, cướp mất cuộc đời, cạn kiệt tương lai, còn hiện thực người dân bị cướp không ruộng đất không biết về đâu (Quy hoạch tự do):

“…Chợt một ngày vô sản bàn tay
Người nông dân tự nhiên mất đất…
 … Họ lầm lũi đi về phía hoang vu
Theo định hướng của hành trình trôi dạt
Qua những cung đường
Quy hoạch tự do!”                         

Nhà thơ còn “lập biên bản” cả thời bi tráng của đất nước, thời chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Đó là một hiện thực lớn lao hơn.  Người lập biên bản phải đem tất cả nhân thân để làm bảo chứng pháp lý cho điều mình ghi nhận. Rất ít nhà thơ hôm nay có một thái độ trách nhiệm như thế. Biên bản được lập với tất cả nỗi đau xót, bi phẫn.

“Thế kỷ trôi qua/ Biển đông chưa có ngày yên ả/ Năm 1956/ Hoàng Sa mất một phần máu thịt/ Từ ý đồ thôn tính biển Đông/ Năm 1974/ Bảy mươi tư người Việt hy sinh…/ Hoàng Sa rơi vào tay giặc/ Mộng quân thù ngấp nghé Trường Sa/ Năm 1988/ Gạc Ma hóa thành biển lửa/ 64 chiến sĩ hy sinh/ Khi đang cắm ngọn cờ tổ quốc…/ Năm 2013/ Với âm mưu đường lưỡi bò dối trá/ Phương Bắc ngang nhiên/ Kéo dàn khoan vào lòng biển cả…/ Rồi một ngày Bauxit Tây Nguyên/ Bỗng rỉ máu từ vết thương kinh tế…/ Rồi một ngày chất thải Formosa/ Khiến cả miền trung phơi đầy xác cá…/ Biết bao giờ lãnh thổ được bình yên?” (Biên bản chủ quyền).

Đây là cận ảnh chiến sĩ Gạc Ma được ghi lại với cảm hứng anh hùng ca:

Mặc cho những họng súng quân thù luôn khát máu
Hướng về các anh nhả đạn liên hồi
Mặc cho những tiếng gầm hung hăng đại bác
Mặc cho xương tan và máu đổ
Sáu mươi bốn linh hồn như bất tử giữa Gạc ma
Không để quân thù bành trướng khắp Trường sa

Như cột mốc chủ quyền nơi biển cả
Sáu mươi bốn anh hùng hóa đá giữ biên cương”
(Các anh không về mắt đảo rưng rưng)

Và đây là người anh hùng trong mặt trận mới, những ngư dân đánh cá đối mặt với kẻ thù xâm lược trên biển Đông:

“Khi mẻ lưới cuối cùng vừa được cất lên
Anh đậy nắm khoang thuyền trong phạm vi lãnh hải
Và đối diện với đoàn tàu hiện đại
Nhắm vào anh bằng họng súng “vòi rồng”…
…Anh
Người con trẻ của giống nòi Hồng Lạc
Được sinh ra từ biển cả sông ngòi
Ngày mai này anh tiếp tục ra khơi…”
(Cánh chim bám biển)

Còn có một hiện thực khác chỉ có thể cảm nhận bằng ý thức, như hơi thở sự sống, cũng được “lập biên bản”. Đó là “hiện thực của ước mơ” rất cụ thể và quyết liệt: Chân lý, công lý, tự do, bình đẳng, hạnh phúc, chỉ có trong mơ. Nhưng bóng đêm đã cướp đi tất cả. “hiện thực của ước mơ” là cách nói của nhà thơ. Nghĩa của hiện thực ẩn ở “đàng sau” con chữ và thái độ diễn ngôn:

“Sự thật chỉ là những giấc mơ…
Nơi đây, quan tòa chì là tượng gỗ
Chân lý không thuộc loài người
…Tôi nhận diện được bóng đêm
Là nguyên lý của hành trình giả tạo
(Kẽ hở bình minh)

“Tôi đi tìm giấc mơ
Mang tên công lý…
…Giấc mơ tôi được làm người
Một con người thực sự tự do
Một con người mang tên bình đẳng
Một giấc mơ hiện thực
Được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao”
(Giấc mơ hiện thực)

Để lập “biên bản thặng dư” của toàn bộ hiện thực hôm nay, có lẽ không bút mực nào tả hết những nỗi vất vả, lầm than và nước mắt của bao phận người “dưới đáy” (chữ của M. Gorky) xã hội. Nhà thơ Phùng Hiệu đã thắp lên một ánh lửa để, “Lửa bén vào gót chân anh/ Lửa bừng lên từ cao nguyên thôn mạc…/ Và bừng lên trên nóc nhà thế giới (Lửa-trên nóc nhà thế giới)

Đối thoại với “giấc mơ”  

Đây là một đoạn đối thoại, nhà thơ lắng nghe và hỏi:

“Ngài khẳng định
Không có thế giới siêu hình cho tín ngưỡng
Không có chuyện phơi bày ngôn ngữ tự do
Không có xúc cảm nào hình thành quan điểm
Cho những lập trường mâu thuẫn chủ trương…
…Và
Khi sự thật không thể nào giết chết
Ngài phải giết người nói lên sự thật-vì sao?
(Sự thật không thể bị giết chết)

Một đọan đối thoại khác quyết liệt hơn, nhà thơ lật đổ vấn đề:

“Ngài bảo chúng tôi rằng
Không có thế giới siêu hình cho những người lý tưởng…
…Bạch Ngài!
…Lạy Ngài!
Khi tư tưởng của Ngài còn đầy rẫy đam mê
Thì chân lý cùa Ngài có làm cho chúng sinh giác ngộ?
(Sự giao cảm của tương thức)

Bạn đọc sẽ tự hỏi nhân vật Ngài là ai?

Có rất nhiều bóng dáng con người thời đại trong đó. Ngài là người có quyền lực, nắm sinh mệnh người khác, có thể “giết người nói lên sự thật”, có thể nhân danh những dự án, những công trình, chẳng hạn “Rồi một ngày chất thải Formosa/ Khiến cả miền trung phơi đầy xác cá/ Thảm họa môi trường nhân dân gánh cả…” . Ngài cũng là người đang khai thác các “giá trị thặng dư” ở cả tầm vi mô và vĩ mô, làm hoang tàn đất nước này: “Con đường Ngài đang đi/ Lối hoa vàng phía trước/ Con đường Ngài đang bước/ Thơm ngát mùi “đa lô”/ Những con đường triệu đô/ Bước chân Ngài sòng phẳng…(Nói với Ngài). Ngài là người rao truyền những lý thuyết, lý thuyết Duy vật, chẳng hạn: “Ngài khẳng định/ Không có thế giới siêu hình cho tín ngưỡng”. Ngài cũng có thể là một nhà chính trị không chấp nhận những quan điểm, lập trường tự do, “mâu thuẫn với chủ trương”…

Sáng tạo nhân vật Ngài để lý giải những nguyên nhân “đàng sau” những hiện thực được “lập biên bản”, đó là một sáng tạo tư tưởng và nghệ thuật. Nó có sức khái quát rộng nhiều vấn đề hiện thực và tư tưởng của hôm nay. Nó chỉ ra một “sự thật” là, ngay cả đến thực tại trong mơ người dân cũng không sao với tới được. Nó làm lộ ra những “sự thật” không thể nói thành lời. Nó chỉ ra những “bóng đêm” chà đạp lên quyền sống của nhân dân lao động. Ngài cũng là dãy núi sừng sững kia cản trở con đường tiến lên phía trước của một dân tộc. Ngài là ai? Hãy hỏi người dân lao động dưới đáy xã hội thì sẽ rõ. “Họ lầm lũi về phía hoang vu/ dẫu sấm chớp phía sau và bão giông phía trước/ Theo định hướng của hành trình trôi dạt”… (Quy hoạch tự do)

Không chỉ đối thoại với các Ngài, nhà thơ còn đối thoại với chính mình và đặc biệt đối thoại với những nạn nhân của “Biên bản thặng dư

“Chợt một ngày tôi nhận ra tôi…
…Tôi nghĩ thế giới này có thể mất đi
Nhưng còn lại vần thơ nhân cách”
(Ngôn ngữ lên ngôi)

Đây là lời chia sẻ ngậm ngùi với chị quét rác:

Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu
Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác
Và năm tháng rót dần khô cạn…”
(Quét rác)

Và đây là tiếng kêu thương không thể kiềm nén của bao nhiêu số phận:

Thặng dư!
Thặng dư!
Thặng dư!
Giá trị lợi nhuận lao động’
Giá trị làm giàu vật chất
Giá trị lũy thừa ngoại tệ
Cho những tập đoàn kinh tế vĩ mô
Áp đặt lên những mảnh đời vô sản
Theo một quy trình
Biên bản… thặng dư”
(Biên bản thặng dư)

Đối thoại của em bé nạn nhân chất độc da cam có cha hy sinh ngoài chiến trường:

“Này mẹ hỡi, hãy tặng con đôi gậy
Để ngày mai con tự lực đến trường
Đôi gậy cũ đã mòn hơn năm tháng
Con đến trường mẹ ốm những ngày lương”
(Với mẹ)

Chia sẻ với người công nhân bị nạn:

Anh rơi xuống từ tầng 18
Theo khẩu lệnh bảo hộ an toàn
Cánh cửa dự án đóng im…
…Anh bị xóa tên
Như chưa bao giờ hiện diện nơi đậy…”
(Sự mất tích của người công nhân)

Đọc thơ Phùng Hiệu, tôi lại liên tưởng đến những bài thơ Nguyễn Du làm trong Bắc Hành Tạp Lục (Sở kiến hành), đặc biệt là thơ Đỗ Phủ viết về cảnh khổ của người dân (Vô gia biệt, Mao ốc vị thu phong sở phá ca, Thạch Hào lại, Hậu khổ hàn hành kỳ 2...). Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng tấm lòng nhà thơ với đời, với người thì nhà thơ của nhân dân thời nào cũng có.

Một cách đọc Phùng Hiệu

Khi tôi nhắc đến Sở kiến hành của Nguyễn Du, nhắc đến Vô gia biệt, Mao ốc vị thu phong sở phá ca, Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, như một liên hệ nghệ thuật để đọc thơ Phùng Hiệu, thì tôi đã tự điều chỉnh cách đọc thơ Phùng Hiệu so với cách đọc thơ của các tác giả đương đại khác.

Đặc sắc thơ hiện thực của Nguyễn Du hay Đỗ Phủ là ở ngòi bút miêu tả những cảnh đời sâu sắc kết hợp với thái độ trách nhiệm cao đẹp của ngòi bút và tấm lòng thương yêu con người trĩu nặng của nhà thơ. Tôi cũng có cảm xúc như thế khi đọc thơ Phùng Hiệu. Nếu có sự khác biệt thì đó là khoảng cách thời đại, còn những vấn đề về thân phận, nỗi thống khổ và những khát vọng của con người, các nhà thơ đều cảm nhận với tấm lòng yêu thương không khác nhau. Tất nhiên nhà thơ thời đại nào có cái hạn chế của thời đại ấy. Chẳng hạn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có rất ít bóng dáng của hiện thực Việt Nam thời Nguyễn Du làm quan. Ông viết về hiện thực Trung Quốc qua đó ẩn dấu những nỗi niềm. Trong hoàn cảnh của mình, Phùng Hiệu cũng phải đối mặt với kẻ “giết chết người nói lên sự thật” khi nhà thơ đụng chạm đến đế chế “thặng dư” của các Ngài (Sự thật không thể bị giết chết), cho nên nhà thơ chỉ “đi tìm giấc mơ”:

“Giấc mơ tôi được làm người
Một con người thật sự tự do
Một con người mang tên bình đẳng
Một giấc mơ hiện thực
Được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao
(Giấc mơ hiện thực)

Nếu bạn quen đọc những bài thơ có ngôn ngữ mượt mà, âm điệu du dương, những bài tình ca, những bài tụng ca, những bài mà hình ảnh thơ sáng trưng sắc màu lãng mạn, những bài tô vẽ cái đẹp… thì bạn khó mà tiếp cận thơ Phùng Hiệu.

“Đứt cáp
Thuật ngữ trở thành quen thuộc
Thuật ngữ được hợp thức hóa
Thuật ngữ xã hội cam chịu
Theo quy trình mặc định…Biển Đông”
(Đứt cáp)

Những câu những đoạn thơ như thế, thật khó cảm nhận, bởi nó thuần lý trí khô khan. Không có “tứ thơ” như quan niệm thường thấy về thơ. Hơn nữa, nội dung đoạn thơ lại đề cập đến hiện tượng “đứt cáp” làm gián đọan đường truyền Internet mà người dân phải cam chịu, chẳng biết kêu ai! Nguyên nhân cáp bị đứt không được nói ra, nó nằm trong “quy trình mặc định… Biển Đông”. Như thế thì đã rõ, thơ đụng chạm đến chính trị, đụng chạm đến vấn đề “nhạy cảm” không nên nói ra sự thật.

Phùng Hiệu lập biên bản phần hiện thực bị che khuất, đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm”, cái khó là làm sao nói lên sự thật mà không bị hiểu lầm. Điều này nhà thơ đã có kinh nghiệm và anh đã viết được những bài thơ có thể lay động những trái tim vô cảm. Thái độ lên tiếng nói trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề của thời đại là thái độ cần phải có của lương tâm. Viết về người công nhân rơi từ tầng 18 xuống đất chết (Sự mất tích của người công nhân) nhà thơ bày tỏ nỗi xót thương trĩu nặng đồng thời nói lên cái nghịch lý của những “dự án thặng dư” để đặt vấn đề với những người có trách nhiệm. Viết về “Em lớn lên bằng vòng tay vé số/ Em lớn lên từ ve chai sắt vụn/ Em lớn lên bằng sự thờ ơ lạnh lẽo”nhà thơ bày tỏ một lòng tin về ”Sự sống vẫn mãnh liệt hơn những gì tôi biết” (Em vẫn lớn lên)

Nếu tình cảm là gốc của thi ca thì ở bài thơ nào Phùng Hiệu cũng không kiềm chế được sự bức xúc trước những bất công người lao động phải chịu đựng. Nhà thơ  yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả, bi thương của từng cảnh ngộ. Biên bản chủ quyền, Cánh chim bám biển, Các anh không về mắt đảo rưng rưng là những bài thơ tràn đầy cảm xúc yêu thương và là sự lên tiếng đầy bi phẫn trước thực tại chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Những bài thơ Bước tha phương, Lửa-trên nóc nhà thế giới, Em giữa miền trung… có mạch cảm xúc dào dạt nhưng lại lắng đọng rất sâu về tình người, về những khát vọng. Nhiều bài thơ kết bằng một tứ thơ rất lạ, tứ thơ này có thể che khuất những khiếm khuyết trong cả bài thơ. Sự thật không thể bị giết chết, Quét rác, Sa thải một cơn mơ, làm ngạc nhiên thú vị ở cách cấu tứ như thế.

Thơ “truyền thống” của Phùng Hiệu có sức ám ảnh ở một trường thẩm mỹ khác. Thương quá một miền Trung ngập lụt.

Vách thưa chìm đáy sông sâu
Khăn tang trắng toát mái đầu em tôi
Mẹ trôi về phía dòng khơi
Mình em lặng giữa bời bời khói hương
(Em giữa miền Trung)

Tháng 10. 2019