Đôi điều về Elsa Triole

1071

Tô Hoàng (chọn dịch)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai chị em Cagan quả là được sinh dưới những chòm sao hạnh phúc. Cả hai đều hoạt động văn học; cả hai đều gắn bó cuộc đời mình với những thi sỹ nổi tiếng; cả hai đều sống trải những cuộc đời thành đạt khá dài lâu. Người chị cả, tên Lilia (khi lấy chồng đổi tên là Brik) đã trở thành Nàng thơ và người tình của Thi sỹ Maiakovsky. Cô em gái, Elsa nhận được giải thưởng Goncourt và trở thành vợ của nhà thơ Pháp Lui Aragon.

Elsa Triole

Đã có tới cả ngàn trang sách viêt về cuộc đời và sáng tác của Lilia Brik. Giờ đây, chúng ta hãy lưu tâm đến người em gái Elsa của cô.

Elsa Cagan sinh ngày 12 tháng 9 năm 1896 tại Moskva. Cha của bà – Yuri Cagan là một luật sư nổi tiếng, có uy tín. Cuộc sống gia đình khá sung túc và chính vì thế hai người con gái của gia đình này đạt tới trình độ học vấn cao. Trước khi qua Pháp Elsa đã tốt nghiệp đại học kiến trúc, tuy vậy cô gái tỏ ra không ưa thích công việc thiết kế nhà cửa này.

Cô em Elsa là người đã kết thân với Maiakovsky trước bà chị. Nhưng rồi dường như cô em đã nhường thi sỹ này cho cô chị.

Elsa không có ý định chọn lựa ý trung nhân trong số những chàng trai con nhà danh giá, tiếng tăm trong giới mình.

Elsa chọn chồng là một sỹ quan người Pháp, tên là Andre Triole. Nhờ đó vào năm 1918, từ nước Nga Elsa thường xuyên qua lại Paris mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

Elsa không phải là một người đàn bà tề gia nội trợ. Có lẽ nhờ vậy bà được tự do, thanh thản hơn. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc hôn nhân của bà với viên sỹ quan Pháp kết thúc. Từ người chồng đầu bà chỉ giữ lại cái họ Triole.

Người yêu, người tình trong mộng của bà là nhà thơ Lui Aragon. Elsa gặp thi sỹ lần đầu vào ngày 6 tháng 10 năm 1928 tại quán cà phê “Cupel” trên đại lộ Monpanas. Vào thời điểm này cả hai đã nổi tiếng như những nhà văn, nhà thơ: Elsa nhờ vào tác phẩm đầu tay của mình “Ở Taiti”; còn Aragon với sự trợ giúp của cuốn tiểu thuyết “Người nông dân Paris” đã được gia nhập nhóm nghệ sỹ siêu thực.

Elsa không chỉ trở thành “nàng thơ”, tạo thi hứng cho Aragon, mà trên thực tế ảnh hưởng của bà đối với ông còn lớn hơn thế nhiều. Tới cả đời sống nội tâm và thế giới quan của ông.

Từ sau khi quen biết và yêu Elsa, Aragon đã chuyển từ phương pháp sáng tác siêu thực sang hiện thực. Chứng minh rành rõ cho điều này, Aragon đã viết ra một seri loạt tiểu thuyết dưới tên gọi “Thế giới có thật” (1934 – 1951). Một số người thường kết án dường như Elsa đã lôi kéo Aragon tới với niềm say mê chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, với chí hướng và mong ước lành mạnh của mình, Aragon đã gia nhập Đảng cộng sản Pháp từ năm 1927, tức là một năm trước cuộc làm quen định mệnh vói Elsa. Nói thêm, “chất đảng” ấy đã giúp cho cặp đôi Elsa và Aragon tận đến những năm da mồi tóc bạc dễ dàng về tới đất nước Xô Viết. Sách của Aragon cũng là một trong số những tác giả nước ngoài in nhiều ấn bản bằng tiếng Nga nhất. Còn tới năm 1957, không cần sự tung hô từ phía Đảng cộng sản Pháp, Lui Aragon đã được trao tặng Giải thưởng Quốc tế LêNin.

Vào năm 1957 Elsa Triole được trao “Giải thưởng của Tình Bằng hữu” của Tổ chức phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài trừ Do thái cho cuốn tiểu thuyết “Những người khách không có tên”. Nhưng đấy không phải là lần đầu bà nổi tiếng. Mười hai năm trước, tên tuổi của bà đã gắn liền với một giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp mà sau nửa thế kỷ mới được trao tặng cho một tác giả nữ – Giải thưởng Goncourt. Điều đáng nói nữa, giải Goncourt lần này trao cho Elsa Triole không phải cho một cuốn tiểu thuyết, mà cho một tuyển tập truyện ngắn bà đã viết về phong trào kháng chiến chống bọn phát xít Đức. Sở dĩ bà có được tập truyện này chính là vì bà đã cùng Luis Aragon tham gia Phong trào kháng chiến đầy tự hào của nhân dân Pháp.

Elsa và Aragon không có con, cũng vì lẽ đó họ đã dâng hiến hết sức lực và thời gian cho sáng tác. Cống hiến của cặp vợ chồng này cho văn học là hết sức lớn lao. Bản thân Elsa đã viết cả một seri tiểu thuyết tâm lý xã hội mang tên “… ” (1959 – 1963), dịch ra tiếng Pháp rất nhiều bài thơ Nga, viết kịch bản phim “Normandia – bNeman”. Aragon thì cho xuất bản những tập tiểu luận phê bình như “Adri Matiss – Tiểu thuyết” ( 1971), “Tiểu thuyết – Nhà hát” (1974), cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tuần lễ sôi sục” (1958), những tập thơ như “Lưỡi dao trong tim” (1941), “Đôi mắt và ký ức”…

Elsa Triole và Luiz Aragon đã chung sống với nhau hơn bốn mươi năm. Mối tình nồng nàn, thắm đượm này chỉ bị phựt đứt khi Elsa mất vào năm 1970. Luiz Aragon đã sống thêm mười một năm nữa. Theo nguyện ước của cả hai người, họ được an táng cạnh nhau.

Dường như di sản trữ tình của Aragon là toàn bộ những bài thơ ông dành cho Elsa Triole. Tập trung và nổi trội hơn cả là bài “Đôi mắt Elsa” với những dòng người đời nhớ mãi không quên:

Anh đã uống hạnh phúc trong đôi mắt sâu thẳm của em
Thấy tất cả mặt trời cũng đến đây chiêm ngưỡng
Vì đôi mắt này mà đã chết bao nhiêu tuyệt vọng
Trong đôi mắt sâu anh đánh mất trí nhớ của mình…