Dòng chảy Tự do giữa hai bờ lựa chọn

923

05.3.2018-09:30

Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền

 

Dòng chảy “Tự do” giữa hai bờ lựa chọn

 

TRẦN VIỆT HÀ

 

NVTPHCM- Tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền đã luôn đặt người đọc đối diện với sự lựa chọn giữa hai thái cực để từ đấy, mỗi người đọc hướng về khát vọng tự do đúng đắn để sống cho cao thượng, ý nghĩa…

 

Bàn về thơ hậu hiện đại Việt Nam đã có nhiều những bài viết công phu mang tính phổ quát, đánh giá cả diện lẫn điểm. Vì vậy, nếu ai đó cần một góc nhìn hàn lâm thì chắc chắn sẽ thất vọng khi đến với bài viết này. Bởi tôi nhận thấy, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch luôn có những tầm nhìn, ý tưởng, tư tưởng và sự thực hành đi trước rất xa, trước khi các nhà lí luận nghiên cứu tổng hợp lại. Việc vận dụng lí luận để soi chiếu là cần thiết nhưng không phải là cách duy nhất. Muốn đồng hành với cảm xúc thăng hoa của người viết ở một thời điểm mà chỉ dùng lí trí, lí luận chạy sau để soi chiếu, thì khác gì dùng đèn soi từ đít xe mà bắt người khác nhận diện đoạn đường ngay sát phía trước và cái đầu mũi xe vậy. Bắt mạch cảm xúc bằng chính cảm xúc “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, đó là cách tôi đến với tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền vậy.

 

“Tự do nào! Tự do nào?

Tự do thét, tự do gào – tự do?”

…“Tự do! Nào tự do nào!

Tự ta chọn, tự mình trao cho mình.”

 

                (Lục bát tự do)

 

Sang thế kỉ XXI, Việt Nam đã tiếp nhận nền thơ ca thế giới với biết bao nhiêu trào lưu, tha hồ mà lựa chọn, giống như trong một siêu thị văn hóa khổng lồ. Trong cái thời đại mà sự lẫn lộn và lo âu, hoài nghi trở thành tâm thế chủ đạo và sự bắt chước trở thành một hình thức phổ thông của nền văn hóa đại chúng thì sự phát triển đa dạng của văn chương nghệ thuật là tất yếu. Một xu thế trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng vừa là cơ hội mở, vừa là thử thách cho các nghệ sĩ chân chính thời hậu đổi mới khi xác định trách nhiệm của thế hệ mình trong lịch sử văn học nước nhà. Cùng với nhiều nhà thơ đương đại, Hoàng Xuân Tuyền đã lựa chọn cho mình một tâm thế và phong cách tự do giữa hai xu hướng: truyền thống (với khái niệm: chỉnh, hay, đẹp, có hồn, rất thật…) và hiện đại nối dài (với khái niệm: tạp nham, hỗn độn, quái chiêu, rối mù… nhưng vui vẻ). Không mang tính nghịch dị hay phá phách, “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền chỉ nhẹ nhàng phản ứng lại những lề thói thơ đang gò bó nó mà vẫn gợi nên nhiều day dứt trăn trở thế sự khi ông khéo léo đẩy cả thơ và người đọc thơ vào lòng đời để cùng suy nghiệm.

 

Từ việc vận dụng tích trong ca dao xưa “Tháng Chín có chiếu Vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng” làm đề từ, nhà thơ đã đánh thức người đọc nói chung và cả những đấng, bậc “ban chiếu” nói riêng hôm nay về tư tưởng và “Tầm nhìn”:

 

“Quân vương hỡi

người nhìn về đâu thế?

 

Những câu thơ như vậy, ở một thời không xa dễ bị quy chụp thành án văn chương, đã khiến người đọc nhìn sâu vào thực tại đời sống: “Dân lầm than/ Nước tăm tối/ Vận suy rồi !/ Cơm của Dân đâu?/ Chữ cho Nước đâu?/ Lấy gì ấm lòng Dân?/ Lấy gì bền sức Nước?”. Những hiện trạng thời thế đáng buồn ẩn chứa, những lời hỏi khắc khoải, dồn đuổi đầy day dứt trăn trở. Khi mà “dân là dân nước, nước là nước dân”, thì lầm than ấy, điêu linh ấy không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài những người đứng đầu. Vậy mà cái quyết định kiểu “cấm quần không đáy” khó hiểu, dở dang, chẳng ăn nhập và không hợp lòng dân khiến bao nỗi đau thương mất mát, hay được việc nhưng mất lòng, khó xử vẫn diễn ra: “Tháng Chín có chiếu Vua ra/ tầm nhìn sát đáy/ để cuốc kêu khan/ đôi tròng máu chảy”. Dụng ý phê phán, cảnh tỉnh với người ban chiếu đã quá rõ. Bởi trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại, có biết bao những “quân vương” không thực lòng thương dân, đã thiển cận, vô tình, tham vọng và mắc sai lầm trong quyết sách để thành xiêu nước đổ, sự nghiệp tan tành, dân chúng điêu linh, ố hoen sử sách, nhục nhã truyền đời. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời kì hậu đổi mới, từng có quyết sách, hay phát ngôn, hay kết tội của các “đại tự sự” đưa ra vấp phải những phản ứng quyết liệt từ người dân đã phải thu hồi, xin lỗi hoặc điều chỉnh, trở thành trò cười cho thiên hạ, phải giảm lòng tin của nhân dân. Những vần thơ đầy sức nặng, hàm tàng ý trách chê đã khẳng định những trăn trở của nhà thơ, của giới trí thức nước nhà trước thời cuộc là sát hợp. Khát vọng tự do đau đáu của Hoàng Xuân Tuyền còn là khát vọng được lắng nghe sự thật, nói và làm đúng sự thật. Cái thực trạng phát ngôn chối chán và rất thảm của giới chức quyền cầm tinh “con hứa” trở thành “chuyện ngày thường ở huyện”: “Ngày lại ngày…/ tai luôn phải ngắm tòa lâu đài/ xây bằng nước bọt./ Kẻ giãy mà không chết/ vẫn hồng hào./ Kẻ chết sẽ không giãy/ phải thế/ chứ sao” (Bài thơ không tên) đã khiến bao người chối tai, khinh bỉ. Trước những luận điệu vô trách nhiệm, hứa hão của các chính khách “nghị gật” càng khiến nhà thơ khao khát đến cháy lòng cảm giác không còn bị lừa dối bởi những lời bao biện nữa “Ôi cái ngày tai được trả tự do”. Sự thật và tầm nhìn luôn là trăn trở, mong mỏi của thi sĩ trong nhiều bài thơ khác nữa.“Hỡi Quân vương/ người nhìn đi đâu vậy?”. Đó là câu hỏi mang tính thời sự, mang tầm vóc nhân loại, không dễ trả lời.

Tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền

 

Tập thơ “Tự do” đã luôn đặt người đọc đối diện với sự lựa chọn giữa hai thái cực để từ đấy, mỗi người đọc hướng về khát vọng tự do đúng đắn để sống cho cao thượng, ý nghĩa. Trong “Lựa chọn Prômêtê”, nhà thơ đã mượn tích trong thần thoại Hy Lạp, một bên là thế giới Ô-lanh-pơ độc quyền chuyên chế của thần Dớt và sự bắt buộc các chư thần vì quyền lợi vật chất mà phải tuân phục cúi đầu: “Dớt chọn sấm sét, rượu, người đẹp/ Sấm sét, rượu, người đẹp chọn chư thần/ Chư thần chọn tuân phục”; một bên là trên đỉnh Côcadơ, thần Prômêtê kiên định lựa chọn tự do, không chấp nhận áp chế, sẵn sàng đối đầu với những lời đe dọa và mọi thủ đoạn hành hạ tàn độc: “Trói thân thể ta – xiềng xích/ Thiêu thịt da ta – mặt trời/ Vùi hơi thở ta – băng tuyết/ Moi lá gan ta – ác điểu.”. Để từ đó thần Prômêtê khẳng định giá trị lớn lao từ sự đánh đổi đầy đau đớn đó và sự chiến thắng chính mình trước mọi nỗi sợ hãi:

 

“Tự Do

ta lựa chọn:

Ngọn Lửa cho nhân gian”.

 

Là người đã từng sống và học tập ở phương Tây, Hoàng Xuân Tuyền chịu ảnh hưởng khá rõ về tư duy lập lí và cách nhìn sự vật hiện tượng rất khách quan biện chứng. Nhà thơ đã thấy rõ sự khác biệt với tính cách, cả thói xấu của dân tộc mình. Ông đã so sánh rất đơn giản mà rõ ràng. Vẫn là chuyện tầm nhìn và thái độ sống mà thôi. Nếu như ở nửa vòng trái đất bên kia là cái nhìn lí tính, tư duy logic, năng lực phản biện rất biện chứng, là những khát khao khám phá, truy nguyên ngồn gốc của khoa học:

 

“Người ta vắt tay lên trán

Hỏi:

– Vì sao táo rụng xuống đất

Mà không rụng vút lên trời?”.

 

Thì ở nửa vòng trái đất bên này, con người trước một hiện tượng tương tự, chỉ là một lối sống cảm tính, khôn vặt, ăn sẵn, chớp thời cơ hớt váng hơn là chuẩn bị tạo dựng nghiêm túc theo một quá trình cơ bản “Người mình vắt tay lên trán/ Hỏi:/ – Sung sẽ rụng chỗ nào nhỉ/ Để miệng há trúng điểm rơi?”. Sự khác biệt bắt đầu cũng chỉ từ bấy nhiêu thôi. Giọng điệu của Hoàng Xuân Tuyền cứ nhẹ nhàng kể lại sự việc, cố gắng rõ ràng nhất và đơn giản nhất để người đọc tự bật ra được những cảm nhận liên tưởng thú vị, thêm nữa tự bắt mạch chẩn bệnh của dân tộc mình. Nếu như so với tinh thần “phê phán quốc dân tính” của Lỗ Tấn, thì trong “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền còn có khá nhiều bài thơ đã động chạm đến “căn bệnh tinh thần” ấy như: Cậu Vàng, Trường kỳ, Chủ trương vui, Đại lộ, Ai, Có hay không… Nhưng không phải là sự diễn đạt xô bồ, chửi đổng thô tháp mà bằng những diễn ngôn nhẹ nhàng khéo léo, trí tuệ, thể hiện cách nhìn trăn trở về thời đại mình của thi sĩ.

 

Tầm nhìn, tự do, sự thật… chung quy lại cũng là hướng về cái lẽ vì con người. Không đi sâu vào những đề tài quen thuộc như tình yêu, quê hương hay lịch sử…, (càng tiết chế sự tung hứng, tụng ca), ngòi bút của Hoàng Xuân Tuyền đã từ các vấn đề đương thời để thể hiện niềm khao khát đổi thay, bình tĩnh đánh thức người đọc một cách hài hước, dí dỏm, hướng tới việc nghiêm túc tự nhận thức lại chính mình. Đó cũng chính là cái tâm và cái tầm của người cầm bút. Từ hiện thực đời sống đã được khái quát hóa kiểu như:

 

“Cuộc sống:

– Tái cấu trúc nghề đánh giày

          trên phố

đội ngũ gia tăng

độ tuổi hành nghề gia tăng;

– Tái cấu trúc nghề bán trà chén

          vỉa hè

đội ngũ gia tăng

độ tuổi hành nghề gia giảm”

 

Nhà thơ thường chốt lại bằng những triết lí đơn giản, tự hỏi tự trả lời nhưng gợi nhiều suy tư kiểu “Sự sống: – Tự tìm đường sống” (Hà Nội, 2015), “Hỏi chiến tranh có gì để mới/ dù chưa cũ bao giờ” (Có gì mới), “mình đóng giả mình để ru mình/ tồn tại./ Mỗi ngày hoang – trang giấy trắng bỏ hoang” (Mỗi ngày hoang), “Mình với nhau – cùng cát bụi thôi mà.” (Chiều cuồng), “Dân chủ thực là gì – con gặp ở chiêm bao?” (I tờ)… Đó cũng là kết quả của sự trải nghiệm được bộc lộ một cách thâm trầm, kín kẽ.

 

Điểm nhấn về phong cách nghệ thuật trong “Tự do” còn là sự thoải mái thể hiện bằng nhiều lối thơ. Không quá thiên về lối truyền thống đậm đặc như thơ Đặng Vương Hưng, Nguyễn Duy, cũng không đổi mới nhanh như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn,… hoặc mới hẳn như thơ Kiều Thị An Giang, Trần Đức Trung, Đặng Thân…, thơ Hoàng Xuân Tuyền vẫn chuyển động theo cách tự do của mình bằng kiểu ngôn ngữ rất bình dân, dung dị nhưng không quá xuề xòa dễ dãi như ông khẳng định:

 

“Tràng giang đại hải linh tinh

Đương đà lục bát, bất thình lình… tự do”

 

Có lúc hơi láng chút vần vè lục bát “Tưởng rằng trí tuệ có thừa/ Kỳ tình lú lẫn ngu ngơ đứng đầu.” hoặc thơ lục ngôn (Tìm về thung lũng trăng), nhưng phần đa là tự do nhịp phách, có khi gần giống như là một cuộc đối thoại, một mẩu chuyện (I tờ; Kính gửi thường dân; Màn chào hỏi…). Tôi rất có cảm tình với sự ung dung, thoải mái trong cung cách thơ ca của ông “Ta tự do – Thơ tự do!”, bởi rốt cục thơ ca cũng chỉ là trò chơi thôi mà.

 

Vua nước Phổ từng nói với nhạc sĩ Mô Da: “Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến người”. Điều đó chứng tỏ tầm ảnh hưởng và sức sống của người nghệ sĩ “biết tìm đường” trong đời sống văn học nói riêng và trong lịch sử phát triển xã hội, thời đại nói chung. Chừng nào còn có những “chiếu vua ra” không hợp lòng dân, còn tham lam và bóng tối bạo quyền, còn khát khao đổi mới, chừng đó những tư tưởng về TỰ DO và phong cách thơ tự do của Hoàng Xuân Tuyền vẫn còn nguyên ý vị trong mạch chảy của thơ ca dân tộc.

 

VĂN NGHỆ, 9/2018

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Ôi cái ngày tai được trả tự do

>> Giết Tần vương, rồi thì làm gì?

>> Hỏi chiến tranh có gì để mới

>> Nụ cười phơi trên sân khấu

>> Tự do ta dắt ta vào miền thơ

>> Bước ngoặt trong thơ Hoàng Xuân Tuyền

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…