‘Duyên kỳ ngộ’ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hớp hồn họa sĩ Lê Sa Long

1154
Lê Công Sơn
Năm ngoái, họa sĩ Lê Sa Long từng làm triển lãm Lời thiên thu gọi để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và năm nay, ông cũng kịp hoàn thành những tác phẩm hội họa độc đáo về Trịnh Công Sơn đúng 20 năm ngày mất của nhạc sĩ (1.4.2001 – 1.4.2021).
‘Một cõi đi về’ vẽ cuộc hội ngộ giữa ba nhạc sĩ lớn: Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn (từ trái sang)
Đầu tiên là bức tranh Biển nhớ (chất liệu pastel, acrylic trên giấy canson) được họa sĩ Lê Sa Long lấy cảm hứng từ âm nhạc và thực tế cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tác phẩm chính là chân dung của nhạc sĩ được vẽ trên nền gồm những hình ảnh tư liệu trước 1975 của trường Sư phạm Quy Nhơn và những câu nói nổi tiếng của Trịnh Công Sơn.
Tại Đại học Quy Nhơn ngày nay (tiền thân là trường Sư phạm Quy Nhơn) những năm 1962 – 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em và bằng những cảm xúc rất thật ở phố biển, nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Biển nhớ, Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Cát bụi, Dã tràng ca…
Tác phẩm Từ khi trăng là nguyệt (sơn dầu)
Tác phẩm Tôi đang lắng nghe qua nét vẽ Lê Sa Long
Tranh Biển nghìn thu ở lại
Họa sĩ Lê Sa Long kể về một kỷ niệm không bao giờ quên: “Năm 1984, khi tôi chuẩn bị bước chân vào giảng đường Sư phạm Quy Nhơn (đậu thủ khoa khối C) nhưng do giấy báo đi bộ đội về trước giấy đậu đại học nên phải làm nghĩa vụ với quê hương trước, suýt nữa đã trở thành người em đồng môn với nhạc sĩ họ Trịnh”.
Nói về tác phẩm Một cõi đi về (sơn dầu) vẽ cùng đợt này, họa sĩ Lê Sa Long tiết lộ: “Đã từ lâu tôi có ý định vẽ một bức tranh về cuộc hội ngộ giữa ba nhạc sĩ lớn của Việt Nam: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn dù trong thực tế điều ấy không xảy ra. Nhiều khi tôi vẫn băn khoăn và tự nghĩ: Các ông có lẽ là thiên sứ được đưa xuống trần gian rong chơi cùng âm nhạc, thi ca, hội họa…; xong cuộc vui lại quay về cõi thiên thai. Tự dưng trong một đêm, tôi nằm mơ thấy ba ông ngồi cùng nhau trên con tàu âm nhạc rời cõi tạm, phía sau là tấm màn sân khấu loang những vệt màu đỏ tươi đang dần khép. Bật dậy, tôi ngồi vẽ mà hình như bên tai còn văng vẳng tiếng đàn hát: Lời nào của cây, lời nào cỏ. Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua. Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ. Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”.
L.C.S/ Theo Thanh Niên
Ảnh Lê Sa Long