GS Hoàng Như Mai – Nhà giáo nặng hồn văn

1214

(Vanchuongphuongnam.vn) – GS.NGND. Hoàng Như Mai (1919-2013), là một khuôn mặt văn hóa quen thuộc trong ngành giáo dục và văn nghệ. Dù bận rộn với dạy học, giáo sư vẫn quan tâm đặc biệt với sân khấu cải lương.

Nhà giáo Hoàng Như Mai.

Tác phẩm của thầy gồm có: +Sáng tác: Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957- in 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1957- in 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ); +Biên khảo: Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo dục, 1961), Trần Hữu Trang- soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989), Hoàng Như Mai tuyển tập (NXB Giáo dục, 2005).

Giáo sư Hoàng Như Mai (1919-2013), đến với ta qua chân dung của một nhà giáo dục mang tâm hồn nghệ sĩ dù thầy không chính quy xuất thân từ ngành sư phạm. Sinh ra tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang nhưng quê quán của ông ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ học Tiểu học ở quê nhà sau học Trường Bưởi, Hà Nội. Tốt nghiệp ban Triết (1939), ông tiếp học Cao đẳng Y rồi Đại học Luật nhưng chưa đến năm thi lấy bằng. Ông bắt đầu dạy học (1943) tại tư thục Đông Hải, Hải Dương và cũng soạn sách, viết báo.. Dường như nhà giáo Hoàng Như Mai có duyên với nghề gõ đầu trẻ. Với lòng yêu thế hệ ngày mai, sau đó, ông liên tục được phân công làm Hiệu trưởng các Trường : Sư phạm Việt Bắc (1951), Sư phạm Trung cấp Trung ương (1953), Trung học Phổ thông Trương Vĩnh Ký , TP. Hồ Chí Minh (từ 1997- đến khi qua đời).

Ông từng là cán bộ giảng dạy môn Văn học tại các trường : Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959), Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1980) và là Chủ tịch hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh (1988- đến khi qua đời).

Với sự cống hiến tận tụy cho sự nghiệp văn hóa giáo dục trong đó có bộ phận văn học và nghệ thuật sân khấu, cải lương, Giáo sư Hoàng Như Mai được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1982), phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1990)  và được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trước hết, thầy Hoàng Như Mai là một nhà giáo dục chân chính. Từ khi nhận đường và hiểu được sứ mệnh thiêng liêng của sự nghiệp giáo dục – “sự nghiệp trồng người” mà Hoàng Như Mai đã mạnh dạn rời giảng đường Y và Luật ở Đại học để đi làm nghề gõ đầu trẻ. Tính ra từ khi bắt đầu đứng lớp đến khi thầy vĩnh viễn xa trường xa trường lớp và học trò, GS. Hoàng Như Mai đã dạy học được hơn năm mươi năm (1943-2013), nhưng nhiều thế hệ học trò của thầy không bao giờ quên được hình ảnh thân thương của người thầy học đáng kính của mình.

Mới gặp thầy lần đầu, ai cũng nghĩ đó là một nghệ sĩ. Từ y phục, tướng đi dáng đứng cho tới thái độ, lời ăn tiếng nói đã thể hiện rõ phong cách phóng khoáng rất dễ cảm tình. Từ cung cách ứng xử tới phương pháp giảng dạy, thầy Hoàng Như Mai luôn để lại trong lòng bạn bè, học trò những ấn tượng tốt đẹp khó phai. Những cuốn sách như: Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản,… được ấn hành (NXB. Hàn Thuyên). Sau khi tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội, ông hoạt động trong lĩnh vực sân khấu (1946-1947): viết kịch, diễn kịch trong đoàn kịch Độc lập và đã ‘Nam tiến’ đến tỉnh Phú Yên. Đi đến đâu, diễn đến đó để cổ động, tuyên truyền cho nhân dân kháng chiến chống Pháp. Khi đoàn kịch trở ra miền Bắc vào cuối năm 1946, Hoàng Như Mai trở lại ngành giáo dục (1948). Nhà giáo Hoàng Như Mai được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình (1948) mời làm Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh rồi lần lượt khi làm giáo viên, khi làm cán bộ giảng dạy tác trường Đại học và hiệu trưởng liên tục nhiều trường, sau cùng là hiệu trưởng Trung học Phổ thông Trương Vĩnh Ký, TP. Hồ Chí Minh (từ 1997).

Trên lĩnh vực giáo dục, Giáo sư Hoàng Như Mai thể hiện là một nhà mô phạm có kiến thức uyên bác và phong cách giảng bài độc đáo vừa mang tính hùng biện vừa mang tính nghệ sĩ, khả dĩ “hớp hồn” được nhiều thế hệ sinh viên khoa Văn và học trò nhiều trường. Một học trò ngày xưa của GS Hoàng Như Mai đã chân tình nhắc lại: “Dạo đó, khoa Ngữ văn vừa từ nơi sơ tán (làng La Khê, tỉnh Hà Đông) chuyển về khu Mễ Trì (trên đường Lương Thế Vinh ngày nay), trong giờ Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (1945), thầy dạy 3 tiết cuối, bài giảng về thơ kháng chiến giai đoạn 1946-1954. Lúc ấy đã 11 giờ, gần tan buổi học, sinh viên khu Ký túc xá Mễ Trì kéo nhau xuống bếp ăn tập thể, nhiều người vừa đi vừa lanh canh gõ muỗng vào bát. Bỗng nhiên, nhiều sinh viên khoa Lịch sử dừng lại bên cửa sổ lớp học Văn. Thầy Hoàng Như Mai đang giảng bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng – một bài thơ tuyệt bút mà có lúc người ta cho là có chất ủy mị tiểu tư sản. Giọng thầy bổng trầm, pha chút kiêu sang nhưng không xa cách mà gần gũi với người nghe, khi tha thiết, thể hiện xúc một xúc động lắng sâu của người thầy đang đứng lớp. Một kiểu thẩm định thơ rất riêng, với con mắt khoáng đạt để vượt lên khi Giáo sư đã thoát xa khỏi cái vòng kim cô của dư luận nhất thời. Một cách nhìn không sợ bị hệ lụy… Cả thầy và trò quên mệt, quên đói, quên cả thời gian trôi nhanh vào giờ phút chót buổi học. Đặc biệt, ở câu cuối bài thơ, ‘Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi’ sau khi đọc và bình xong, đôi tay thầy vẫn giơ lên như một nhạc trưởng (Chef d’orchestre). Rồi thầy bỗng òa lên, xuýt xoa và hể hả trong đám học trò. Có thể nói, thầy Hoàng Như Mai đã thoát khỏi cái nhìn định kiến, khuôn sáo để tiếp cận một số tác phẩm văn chương theo cách mới đầy sáng tạo với phong cách độc đáo của một nhà hùng biện hay một nghệ sĩ tài hoa. Ngày nay, với phương pháp bình giảng văn học ở thời đại công nghệ số, các phương tiện hỗ trợ phương tiện trình chiếu giúp việc dạy và học Văn hiện đại hơn, nhưng phần nào làm giảm vai trò bình văn chương một cách sáng tạo, đệm chất tư duy trí tuệ ngại là không xây dựng được cá tính văn học của người học.

Vốn là nòi tình mang dòng máu thư hương, ở môi trường văn nghệ không chính quy, giáo sư Hoàng Như Mai cũng có những thành tựu đáng kể. Ở lĩnh vực sáng tác, dù bận rộn đứng lớp, GS. Hoàng Như Mai cũng dành thì giờ để sáng tác.

Là người có lòng yêu nước trong thời nước nhà còn lệ thuộc ngoại bang, GS. Hoàng Như Mai xây dựng những vở kịch có nội dung tái hiện những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc như Tiếng trống Hà Hồi, Dòng sông biên giới; hoặc vẽ lại chân dung những nhân vật yêu nước của dân tộc: Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu. Kịch lịch sử của Hoàng Như Mai có ưu điểm: kết cấu chặt chẽ, tính kịch rõ nét chân thực với chủ đề lành mạnh mang tính giáo dục, được khán giả và các nhà học giả- phê bình Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân (Introduction à la littérature vietnamienne – Dẫn nhập vào văn học Việt Nam) khen ngợi. Cũng như bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng được phổ biến, vở Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai được trình diễn ở cả Hà Nội và Sài Gòn để kêu gọi mọi người nhất là thanh niên, sinh viên học sinh vùng lên đuổi giặc cứu nước.Về địa hạt thi ca và sân khấu cải lương, tuy không in thành tập, GS Hoàng Như Mai vẫn sở hữu những câu thơ, vần thơ  cảm động đáng nhớ.

Tập thơ ”Trao cho nhau cuộc đời” của Hoàng Như Mai ghi lại những kỷ niệm khó quên về những người thân, những biến động xã hội và những điều thao thức trăn trở của bản thân, một trí thức tâm huyết với vận mệnh của dân tộc. Bút pháp tự nhiên giản dị không tỉa gọt, tình cảm đôn hậu chân thành. GS. Hoàng Như Mai làm thơ theo nhiều thể loại, có phần dễ dãi, nhưng nhuần nhuyễn và gây được cảm xúc hơn cả là ở thể lục bát truyền thống, vốn dễ làm nhưng khó hay. Chẳng hạn khi nhà thơ nghĩ về đồng nghiệp và học trò của mình trong hoàn cảnh quê hương còn binh lửa tóc tang “Thầy cô người mất người còn/ Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường/ Ba mươi năm, một chặng đường/ Về đây có cả buồn thương vui mừng” (Trở về khoa Ngữ văn). Thơ 7 chữ của thầy có bài cũng dễ làm người đọc nghĩ đến lý tưởng, nỗi buồn thân phận và thế thái nhân tình: “Từ độ nặng mang tình đất nước/ Miệt mài theo đuổi cuộc trường chinh/ Đường ngang ngõ tắt người lên trước/ Tụt lại đằng sau có một mình” (Mất xe đạp). Dường như GS. Hoàng Như Mai đã dành cho sân khấu cải lương một tình cảm nồng nàn sâu lắng hơn bao giờ.  Giáo sư đã có 4 tác phẩm viết về bộ môn nghệ thuật dân tộc này. Nhưng tôi thích nhất 4 câu cảm tác độc đáo về Sân khấu của nhà thơ Hoàng Như Mai mà nữ hoàng sân khấu Thanh Nga đã ngâm trong vở hát Sân khấu về khuya của NSND kháng chiến Nguyễn Thành Châu: “Buông bức màn rồi danh lợi hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo, lau son phấn/ Trả hết vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Nhắc lại người thầy học đáng kính của mình là GS. NGND Hoàng Như Mai, TS.NSND Bạch Tuyết đã chân thành bày tỏ lòng nhớ ơn thầy: “Thầy tôi đã cống hiến một đời không nhỏ cho lĩnh vực sân khấu kịch nghệ”.

Nói về sự nghiệp của GS.NGND Hoàng Như Mai, PGS.TS Trần Hữu Tá chân thành khẳng định: “Tính đến năm thầy tạ thế, tôi được liên tục gần gũi với thầy 55 năm và may mắn cùng đi chung với thầy trên con đường giảng dạy và nghiên cứu văn học, Hầu hết cuộc đời gần một thế kỷ của thầy chủ yếu dành cho sự nghiệp trồng người”.  

Nguyễn Tấn Thành