Hạ Lộ với văn học Việt Nam

1446

27.6.2018-10:30

Dịch giả, nhà thơ Hạ Lộ

 

Phó giáo sư, dịch giả, nhà thơ Hạ Lộ

với văn học Việt Nam

 

CHU QUANG MẠNH THẮNG

 

NVTPHCM- Bên cạnh việc giảng dạy, Phó giáo sư Hạ Lộ còn dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, dịch thuật những tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Trung để giới thiệu với độc giả Trung Quốc…

 

Mùa xuân 2018, tôi đã đến Bắc Kinh tham gia một chương trình viết quốc tế do Viện Văn học Lỗ Tấn tổ chức, thông qua sự giới thiệu của Phó giáo sư, dịch giả, nhà thơ Hạ Lộ. Trong thời gian này, tôi có đến thăm ngôi trường của chị. Chị hiện là Phó giáo sư giảng dạy môn tiếng Việt và văn học Việt Nam tại khoa Đông Nam Á thuộc Học viện Ngoại ngữ, trường Đại học Bắc Kinh.

 

Hạ Lộ đã có một khoảng thời gian công tác khá dài và từng giảng dạy cho rất nhiều lớp sinh viên ở cả chương trình đại học lẫn cao học. Tôi được chị mời đến tham quan ngôi trường xinh đẹp, và tiếp xúc với một lớp sinh viên cao học của chị (trong buổi tiếp xúc, còn có một nữ giảng viên của trường Đại học Sư phạm TP.HCM – Phan Thu Vân sang Bắc Kinh để tham gia một hội thảo).

 

Chúng tôi đã có một buổi chiều cùng lớp sinh viên cao học trao đổi, bàn luận về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Lớp sinh viên cao học mà tôi được tiếp xúc, toàn là sinh viên nữ, họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, họ rất giỏi tiếng Việt và rất dễ thương, gần gũi. Tiếp xúc với họ ở giữa Bắc Kinh, mà tôi cứ có cảm giác như đang ngồi trong một ngôi trường đại học ở Việt Nam và đang trò chuyện với các sinh viên Việt Nam vậy. Họ đưa ra nhiều góc nhìn khá thú vị về tác phẩm Truyện Kiều, từ đó cho thấy họ đã nghiên cứu rất kỹ và hiểu rất kỹ về từng nhân vật, từng chi tiết… trong tác phẩm.

 

Chỉ qua một buổi tiếp xúc với sinh viên của Phó giáo sư Hạ Lộ, cũng đủ nhận ra, chị đã dành nhiều tâm huyết cho công việc giảng dạy của mình như thế nào. Các sinh viên của chị, cũng có những người đã được chị giới thiệu qua Hà Nội để học tập, nâng cao thêm trình độ tiếng Việt của mình. Và họ cũng đã hiểu thêm được rất nhiều về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam trong những tháng ngày học tập ở đây.   

 

Bên cạnh việc giảng dạy, Phó giáo sư Hạ Lộ còn dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu, dịch thuật những tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Trung để giới thiệu với độc giả Trung Quốc. Chị đã từng đọc và nghiên cứu, dịch thuật rất nhiều những tác phẩm văn học cả cổ điển lẫn hiện đại của Việt Nam, như tác phẩm của: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều, Xuân Quỳnh,.v.v…

 

Những kỳ nghỉ, chị thường bay sang Việt Nam và chị đã từng “ngao du” khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của Việt Nam để tiếp xúc, tìm hiểu về văn hoá, con người, phong cảnh… của các vùng miền. Trong mỗi chuyến đi tới Việt Nam, chị lại có thêm rất nhiều những người bạn mới. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, hoặc các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của các trường đại học ở Việt Nam.v.v… Sau những chuyến đi như thế, những tình cảm của chị đối với Việt Nam mỗi ngày lại một nhiều hơn, và chị đã gửi gắm những tình cảm ấy vào những bài giảng, những bài nghiên cứu, hoặc vào các tác phẩm thơ văn của mình. Chị cũng đã sáng tác rất nhiều thơ viết về Việt Nam. Và đầu năm 2018, tại Bắc Kinh, chị cũng đã cho xuất bản một tập thơ đầu tiên của mình. Trong tập thơ của chị, có rất nhiều bài thơ được chị viết về Việt Nam và được sáng tác trong những lần chị đến Việt Nam.

 

Thời gian tôi ở Bắc Kinh, cũng là lúc chị đang bận rộn để hoàn tất thủ tục cho một chuyến đi công tác và học tập dài ngày tại Mỹ nên tôi rất ít khi gặp được chị. Dù rất bận rộn, nhưng chị vẫn luôn dành thời gian cho công việc nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu văn học Việt Nam. Điều đó thật đáng trân trọng. Nhất là ở giai đoạn này, khi văn học Việt Nam còn ít được biết đến ở Trung Quốc, mặc dù văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay và có giá trị.

 

Dưới đây là một số bài thơ tình (đã được dịch sang tiếng Việt) của Phó giáo sư, dịch giả, nhà thơ Hạ Lộ, xin giới thiệu đến bạn đọc:

 

 

MỘNG ƯỚC

 

Họ đều bảo tiểu mãn là tiết khí mang triết lý

Em thấy cỏ hoang um tùm

Em không khao khát những ngôi sao

Em chỉ mong đọc một cuốn sách mà anh viết

Trong sách đó

Em là người thân lâu năm thất lạc của anh

Sau khi gặp lại dù bao bận rộn

Anh cũng nắm chặt tay em

Buổi tối ở một ngôi làng nào đó

Trong căn nhà nào đó

Màn đêm yên tĩnh

Em thở đều trong giấc ngủ say  

Không còn những nỗi lo hiện diện

Anh sẽ mãi nắm chặt tay em

Cùng đến với ngày mai tươi đẹp

 

21 tháng 5 năm 2017

 

 

EM LÀ MÙA XUÂN CỦA ANH

 

Anh không biết mưa xuân đẹp như thế nào

Cho đến khi anh nhìn thấy những giọt mưa xuân bám trên làn da em

Anh không biết ánh sáng mùa xuân thần kỳ như thế nào

Cho đến khi nó soi bóng dưới nước cùng dáng em

Anh không biết nắng xuân ấm áp như thế nào

Cho đến khi thấy mái tóc em bay trong gió cùng hoa xuân thơm ngọt

Em chính là mùa xuân

Trĩu vào lòng anh

Ấm áp.

 

12 tháng 2 năm 2017

 

CON ĐƯỜNG DÀI

 

 Con đường dài mình đang đi

 Em biết là bằng phẳng

 Ngang qua vùng dân cư hiền hòa

 Với bao nhiêu thắng cảnh tuyệt vời cho ta dừng bước mỗi đêm

 Nhưng…

 Để anh bình tâm em biết là đâu dễ

 Vẫn gập ghềnh, ngổn ngang, cay đắng

 Như gió không ngừng thổi

 Như trời chẳng ngừng mưa

 Để lòng em có khi nào được lặng?

 

 

DÒNG THU BỒN TRONG ĐÊM KHUYA

 

Những quán cà phê đôi bờ sông Thu Bồn

Treo đầy đèn lồng rực rỡ

Lung linh in bóng

Như thiếu nữ trong tà áo thướt tha

Khách đến từ muôn phương

Đều muốn hoà mình trong khung cảnh lãng mạn

Tĩnh mịch và cổ xưa…  

 

 

HOÀNG HÔN VÀ NIỀM TIN

 

Mặt trời chiều

Và tia nắng cuối cùng đã tắt

Màn đêm dần ngự trị

Thầm bảo cho em biết

Ngày mai tất cả sẽ tốt lên

​Em lựa chọn cho mình niềm tin ấy

Và anh chính là ngày mai của em

 

12 tháng 3 năm 2017

 

 

AN ỦI

 

Em không cần nhiều

Vào mùa xuân có trăm loại hoa

Chỉ một cây cỏ nhỏ

Thoát khỏi từ băng tuyết mùa đông

An ủi em trong những đêm đen tối nhất, là đủ

 

6 tháng 4 năm 2017

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Chuyển động thơ nữ Việt Nam – Hoàng Thuỵ Anh

>> Đọc thơ Võ Văn Luyến – Hoàng Thị Thu Thuỷ

>> Xoáy ngầm cuộn ở lòng sông – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Dòng thơ văn Thanh Tâm Tuyền – Đặng Tiến

>> Biểu tượng thơ Hoàng Hưng – Lê Hồ Quang

>> Nguyễn Huy Thiệp, bởi những trải nghiệm riêng khác – Mai Anh Tuấn

>> Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận – Nguyễn Hữu Sơn – Kỳ 2

>> Một góc nhìn Xuân Diệu – Tôn Phương Lan

>> Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận – Nguyễn Hữu Sơn – Kỳ 1

>> Nguyễn Tất Nhiên – Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá – Ngô Nguyên Nghiễm

>> “Thay áo” của Trịnh Công Lộc – Đặng Huy Giang

>> Sắc màu truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ – Bùi Việt Thắng

>> Ngược lối với thơ Phan Hoàng – Mai Thị Liên Giang

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…