Nguyễn Trường – Mùa thanh long

736

21.6.2018-09:30

Nhà văn Nguyễn Trường

 

>> Cái mới không mọc lên từ hoang tàn

>> Quà tặng tương lai

>> Vương quốc mộng mơ

>> Hồn đẫm dòng quê thao thiết

 

Mùa thanh long

(Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2015-2017)

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRƯỜNG

 

NVTPHCM- Trời chưa hửng sáng, cây cối trong vườn vẫn một màu đen thẫm gà gật trong cơn ngái ngủ. Không gian yên ắng, thi thoảng tiếng gà gáy xa xa vọng lại. Chị Sáu đã dậy lục đục chuẩn bị dụng cụ đi làm. Chị mặc áo tránh nắng màu nâu, bạc loang lổ, chiếc quần màu phèn mà thường ngày chị vẫn mặc khi ra đồng, tay cầm chai thuốc đã pha sẵn, co ro bước ra cổng trong tiết trời lành lạnh. Trước mắt chị là cánh đồng thanh long sáng rực như sao sa. Người ta đang xông đèn, ép cho cây thanh long ra hoa trái vụ, bởi mùa này thanh long có giá cao hơn. Thường thanh long ra hoa kết trái vào mùa mưa, nhưng vào chính vụ trái thanh long có giá rất thấp. Thậm chí, vào chính vụ, cây thanh long tự ra hoa, người ta còn ngắt chúng đi để dưỡng sức cho cây vào mùa khô- mùa trái vụ, dù phải tốn công, tốn tiền điện không ít. Bây giờ đang mùa thanh long trái vụ, cả cánh đồng xã Thanh Phú rực rỡ như một thành phố, đèn điện lấp lánh đến tận chân trời.

 

Có lẽ chị Sáu không ngủ được nên ra đồng sớm, cũng có thể chị đi làm sớm để tránh cái nắng gay gắt lúc gần trưa. Vườn thanh long nhà chị rộng chừng một hecta, của ba chị em góp vốn, thuê đất cùng làm. Sáu là em gái dưới hai chị, cũng là áp út.

 

Sáu nhìn một lượt khắp khu vườn của mình, những bụi thanh long ngay hàng thẳng lối, cành nhánh xanh đậm, rủ cong xuống như những nhành phong lan. Mỗi bụi thanh long người ta tuyển lại khoảng 15 trái to và đẹp nhất. Lúc này trái thanh long trong vườn chị mới lớn bằng nắm tay, vẫn còn xanh. Khi nào những chiếc khe quanh trái ưng ửng màu đỏ là bắt đầu chín. Chị Sáu nhè nhẹ bước vào hàng thanh long thứ nhất, rút từ trong túi ba chiếc găng tay, tròng từng cái một,  vào bàn tay phải, bắt đầu là găng bằng len, để nó không hầm bàn tay, lớp thứ hai loại găng tay y tế, để thuốc không ngấm vào da gây nguy hiểm, lớp ngoài cùng lại bằng len để giữ thuốc. Chị đeo chai thuốc vào cổ tay trái, tay phải cầm miệng chai lắc lắc, xịt thuốc ra đầu ngón tay rồi vuốt vuốt lên những cánh bọc quanh trái thanh long, mà bà con quen gọi là cái ngoe, bắt đầu từ 3 ngoe trên cùng, bên ngoài, vuốt dần vào những ngoe nằm gần cuối trái. Người ta trồng thanh long ngay hàng thẳng lối, một công trồng được 140 bụi, khoảng cách 2,6m x 2,6m một bụi. Người ta dùng cọc bê tông cao 1,7m, chôn xuống đất chừng nửa mét, lại chọn những cành thanh long đẹp cắm quanh trụ, bốn góc bốn cành rồi cột chúng vào trụ bê tông. Thanh long tự ra rễ, lớn lên, bò ôm lấy trụ, xòe nhánh ra xung quanh. Nhà vườn tuyển những nhánh to đậm, khỏe mạnh và cắt đi những nhánh còi cọc, xấu xí. Sau gần hai năm thanh long sẽ ra nụ, đơm hoa, kết trái. Đây là loại thanh long vỏ mỏng, ruột đỏ, ngọt lịm, xuất khẩu sang Trung Quốc là chủ yếu. Người Trung Quốc thích màu đỏ vì quan niệm đó là màu may mắn, hạnh phúc. Người Trung Quốc chuộng trái thanh long chín đỏ nhưng ngoe hãy còn xanh, vẻ như trái mới chín cây, còn tươi nguyên. Cũng vì vậy, người Trung Quốc lại sản xuất ra thứ thuốc bôi vào ngoe làm cho chúng luôn giữ được màu xanh. Quá trình chăm sóc thanh long thì khâu vuốt ngoe là một trong những khâu  tốn nhiều công sức nhất, chỉ để cho trái thanh long nhìn bắt mắt. Chị Sáu vuốt những ngoe thanh long ở chỗ thấp rồi vuốt dần lên những trái ở tầng cao, nhiều lúc gai thanh long đâm vào cánh tay đau nhói. Chị cứ âm thầm làm, quên cả thời gian. Trời  sáng từ bao giờ và người ta đã tắt điện xông thanh long từ lúc nào chị cũng không hay biết. Chợt có tiếng người đàn ông gọi:

 

– Sáu ơi, Sáu ơi!

 

Chị Sáu ngước lên nhìn ra đầu cộ, rồi cất tiếng:

 

– Em đây, anh Năm đấy hả?

 

Người đàn ông khoảng ngoài 60 tuổi, dáng thấp bé, lúi cúi cầm chai thuốc xăng xái bước đến. Ông mặc chiếc áo cộc tay đã ngả màu vàng, dính loang lỗ nhựa cây, chiếc quần dài đến đầu gối cũng một màu với chiếc áo. Da ông sạm nắng, có cảm tưởng nắng mưa khó làm ông đen thêm được nữa. Ông cất giọng khàn khàn:

 

– Sáu đi làm sớm thật, đã vuốt được mấy chục bụi rồi à?

 

Sáu đáp to:

 

– Làm sớm cho mát. Hôm nay chị Năm không đi làm à?

 

– Ối trời, bà ấy lại đi làm mướn cho người ta rồi.

 

– Khổ thật, ruộng nhà mình làm không kịp mà lại đi làm mướn cho người khác.

 

Rồi chị đứng thẳng người nhìn ông Năm nói:

 

– Chị đi làm mướn chỉ để kiếm ít tiền cho thằng Hải, thằng Sơn. Sao mà khổ thế, có ai trên đời này khổ như vậy không? Mẹ đã ngoài 60 tuổi, gầy yếu, đi đứng không vững mà còn phải làm mướn để nuôi hai thằng con trai sức dài vai rộng.

 

Ông Năm thở dài:

 

– Nhà tôi vô phước, có hai đứa con trai thì hỏng cả hai, chúng lớn rồi, đâu thể cầm roi mà đánh.

 

– Tại anh chị không rèn dạy chúng từ nhỏ, phải uốn nắn từ lúc nó còn như búp măng, giờ đã thành tre rồi…

 

– Anh chị cũng biết vậy.

 

Nói rồi người đàn ông cầm chai thuốc đi sang bụi xa hơn làm việc, cũng là để cắt đứt câu chuyện với người em vợ đến hồi khó nói.

 

Thấy anh rể lảng đi, chị Sáu lại lúi húi làm việc. Nghĩ đến cảnh chị mình đã già yếu vẫn phải đi làm mướn cho người khác mà ứa nước mắt. Đi làm mướn phải gắng hết sức mình, phải theo kịp người trẻ, mới đáng đồng tiền của chủ. Bà Năm lại bị bệnh huyết áp cao, sau giờ làm, thường nằm vật ra bờ ruộng, tim đập nhanh, mắt hoa lên, cảnh vật chao đảo… Chủ trả công cho bà mỗi ngày 200 ngàn đồng và bữa ăn trưa, nhưng bà tiếc tiền nên về ăn cơm nguội để có thêm 15 ngàn đồng. Đến cuối tuần, hai thằng con trai đi chơi ở đâu đó về xòe tay xin tiền, bà lại dốc tất cả số tiền kiếm được cho chúng. Cũng có bữa bà rầy la chúng:

 

– Tụi bây là con trai, thanh niên phải đi kiếm việc mà làm, sao cứ xin tiền mẹ mãi vậy.

 

 Thằng con trai lớn vừa cười cười vừa gãi đầu:

 

– Tụi con cũng đi xin việc, nhưng chẳng nơi nào nhận.

 

Bà Năm chỉ ra ngoài ruộng:

 

– Tụi bay đi làm mướn với tao, mỗi ngày cũng kiếm được 200 ngàn đồng mỗi đứa.

 

Hai thằng thè lưỡi rụt cổ, trả lời mẹ rồi lảng đi chỗ khác:

 

– Chúng con không quen làm việc dưới quê.

 

Chúng nó nói thật, trước đây bà Năm có căn nhà lầu ở quận Tư, Sài Gòn. Chồng bà, vốn là thợ bạc khá nổi tiếng. Nhà có tủ bán vàng, trong nhà lúc nào cũng có ba bốn người thợ đến học nghề. Mỗi người vào học phải đóng phí 5 chỉ vàng, nên bà Năm cũng sung sướng lắm, vàng đeo đầy người. Còn hai thằng con thì ra dáng công tử con nhà giàu, chỉ biết ăn chơi lêu lổng. Nhưng càng về sau nghề thợ bạc càng ế vì người ta đã chế ra máy làm dây chuyền, ép nhẫn… học trò không còn đến học nghề như trước nữa. Ông Năm cũng không còn việc để làm. Ông lại quen với lối sống thoải mái, bạn bè đông đúc nên số vốn còn lại chẳng mấy bữa đã bay biến mất.

 

Ông Năm có người bạn thân tên Quý, luôn miệng nói rằng hồi anh ta thất nghiệp, nhờ ông Năm cho mượn 5 chỉ vàng nên có vốn làm ăn và khá lên dần. Bây giờ anh ta giàu có, mua được nhiều ruộng đất, ngỏ ý muốn trả ơn ông Năm nên bán cho ông một mảnh đất hơn 2000 m2 ở xã Phước Điển, huyện Nhà Bè với giá rẻ. Thời ấy, giá đất đang sốt, cứ mua đất hôm trước, hôm sau giá đã cao hơn. Ông Năm mua được đất mừng lắm, về khoe với mọi người. Chị Sáu hỏi ông:

 

– Vậy giấy tờ mua đất đâu?

 

Ông Năm rút ra tờ giấy bằng bàn tay, chữ viết ngoằn ngoèo, chẳng có dấu má và chữ kí xác thực của địa phương, của công chứng. Chị Sáu la lên:

 

– Anh mua bán như thế này à. Anh trả tiền cho họ bao nhiêu rồi?

 

Ông Năm nói trong hơi men:

 

– Anh bán ngôi nhà này, được 80 lượng vàng và lấy tiền đó mua đất. Ngôi nhà này chỉ có 100m2, sắp tới ta có 2000 m2 nhé.

 

Chị Sáu tròn mắt:

 

– Anh bán ngôi nhà này cho ai? Đã làm giấy tờ chưa?

 

Ông Năm gật gù:

 

– Bán rồi, ký giấy tờ rồi, bán cho bạn ông Quý.

 

Chị Sáu chỉ biết kêu trời:

 

– Anh bị lừa rồi, anh mua đất mà không biết làm thủ tục giấy tờ, cũng chẳng bàn với em, để em tham mưu cho anh.

 

Ông Năm đang trong cơn say quát to:

 

– Nhà của tao, tiền của tao, tao làm ra thì tao mua, tao bán, việc gì phải hỏi mày?

 

Chị Sáu thấy anh rể say, lớn tiếng đành im lặng. Ngày hôm sau ông Năm tỉnh rượu, nhận ra sai lầm của mình. Ông lại phải nhờ cậy chị Sáu gỡ thế bí. Chị Sáu đến gặp người bán đất, yêu cầu cho xem giấy chủ quyền và làm lại giấy tờ cho hợp pháp. Nhưng hỡi ôi, người bán đất chỉ có tờ giấy photocopy, sổ đỏ đứng tên của người khác! Nghĩa là người chủ đất chỉ nhờ Quý làm cò. Chị Sáu làm đơn kiện ra tòa án, tòa phán rằng, đây là tranh chấp đất đai, phải được địa phương có mảnh đất đó hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tòa mới xử. Chị Sáu lại đến xã Phước Điển, nhờ địa phương hòa giải. Nhưng địa phương lại nói: Ông Quý không phải là người ở địa phương, cũng không có quyền sử dụng mảnh đất đó nên địa phương không có trách nhiệm mời họ đến hòa giải.

 

Sáu lại kiện ra công an phường, nhưng công an lại nói, đây là hành vi tranh chấp dân sự, là việc của bên tòa án. Cứ thế các bên đá qua đá lại làm Sáu bỏ cả năm trời đi kiện mà vẫn không thu được kết quả gì. Ông Năm mất nhà, mất tiền, nợ nần chồng chất, cha con phải bỏ thành phố về quê sinh sống.

 

Trong số anh chị em nhà bà Năm thì Sáu là người thương chị Năm nhất. Hồi ông Năm làm thợ bạc trên Sài Gòn chị cũng lên học nghề và là người giao hàng rất đắc lực, rất tận tụy của ông bà Năm. Khi thợ làm xong những chiếc dây chuyền, những chiếc lắc… thì chị Sáu mang lên các tiệm vàng trong thành phố gửi họ bán giùm. Sau một tuần, chị lại tới các tiệm vàng, gom tiền về giao đầy đủ cho ông bà Năm. Hình như, tất cả tâm trí của chị đều dồn cho gia đình ông bà Năm, làm sao cho họ hạnh phúc, làm sao cho họ đủ ăn, làm sao cho họ không bị phá sản… Cho đến khi vợ chồng ông Năm kéo nhau về quê, chị cũng theo về với họ. Chị Sáu thương bà Năm, thương các cháu như con đẻ của mình. Mọi người đều cho rằng, thằng Hải đã hư hỏng không còn dạy bảo được nữa nhưng chị Sáu vẫn tin là nếu Hải được chị giúp đỡ sẽ nên người. Chị bàn với vợ chồng ông Năm, cho Hải đi học bổ túc văn hóa, để thi vào đại học, chỉ có con đường học vấn mới có thể kéo cậu ta ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

 

Bà Hai, người trên bà Năm hai bậc, lắc đầu nói:

 

– Tao không tin thằng đó có thể giáo dục nên người. Hồi ở thành phố, nhà tao nuôi mẹ con nó mấy năm trời, thế mà nó mượn chiếc xe máy của chồng tao chỉ một buổi trở về đã thay gần như toàn bộ phụ tùng xịn bằng phụ tùng dởm của Trung Quốc.

 

Chị Sáu cãi:

 

– Lúc đó nó còn nhỏ, mới 14, 15 tuổi, suy nghĩ chưa chín chắn. Vả lại con người ta khác nhau ở sự giáo dục. Các chị cứ cho cháu đi học. Em đảm bảo là cháu sẽ nên người.

 

Chị Sáu thực thi quyết tâm của mình bằng cách, hàng ngày chở Hải đến trường bổ túc văn hóa, cách nhà chừng 10 cây số, giờ tan học lại đến đón cháu về. Chị kèm cậu ta rất sát, không để Hải có thời gian đàn đúm, chơi bời. Hải khá thông minh, tiếp thu kiến thức ở trường là chính, về nhà ít khi thấy cậu nhìn vào sách vở, vậy mà năm nào cũng được lên lớp. Hải tốt nghiệp bổ túc văn hóa rồi thi đậu vào đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Khỏi phải nói, vợ chồng ông Năm vui mừng thế nào. Ông mở tiệc mời bà con làng xóm tới chia vui. Người mừng nhất là chị Sáu, mặt rạng rỡ, trông trẻ lại đến dăm sáu tuổi.

 

Lên thành phố trọ học, Hải thoát khỏi sự kèm cặp của dì Sáu, như chim sổ lồng. Hải gặp lại đám bạn bè hư hỏng trên thành phố một thời của mình. Hơn một năm sau, gia đình ông Năm mới biết Hải nghiện “đập đá”, bỏ học liên miên, nợ môn chồng chất. Cậu lại lang thang như cái ngày đang học lớp 9 rồi bỏ học. Người thất vọng nhất là chị Sáu, bao nhiêu công sức, tiền bạc, hy vọng vào thằng cháu đã tan thành hư ảo.

 

Chị Sáu lại nhớ cách đây hơn hai năm, thằng Sơn nhậu say với bạn bè rồi mượn xe máy phóng bạt mạng trên đường, đụng vào một bà già làm bà gẫy chân tay và mấy cái xương sườn, phải đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Bà đã 80 tuổi, sức yếu, bị thương nặng nên không qua khỏi. Gia đình nạn nhân gom đơn thuốc và hóa đơn nằm viện của bà  lên đến gần trăm triệu đồng, bắt gia đình ông Năm phải trả. Họ yêu cầu gia đình ông Năm phải trả tiền hòm, tiền ma chay, tiền bồi thường… trên trăm triệu nữa. Nếu không đáp ứng được điều đó, họ sẽ không bãi nại, có nghĩa là cậu Sơn phải ngồi tù ít nhất 7 năm. Còn họ bãi nại thì cậu chỉ phải ngồi tù chừng 3 năm. Nếu cải tạo tốt sẽ được giảm án, chỉ khoảng 2 năm là cậu lại trở về. Trước tình cảnh đó, chị Sáu bàn với ông bà Năm:

 

– Bây giờ anh chị tính đi, bỏ ra 200 triệu đồng để mua được 4 năm tự do cho thằng Sơn có đáng không? Nó ở nhà 4 năm thì có giúp được gì cho anh chị, hay anh chị vẫn phải nuôi. Mà nó đã trên 18 tuổi rồi, pháp luật không bắt cha mẹ phải đền, cứ để tự nó lo. Biết đâu trong tù, nó được giáo dục rèn luyện, sẽ thay đổi, biết thương cha mẹ, biết tổ chức làm ăn, sống nên người. Chứ như bây giờ, đêm thì nó đi chơi game, ngày thì đàn đúm uống rượu. Trông nó gầy xanh xao, cứ ngơ ngơ như gà công nghiệp.

 

Bà Năm khóc:

 

– Không lẽ chỉ vì tiền mà cha mẹ để con ngồi tù. Người ta nói “một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Dù sao thì mình cũng gây ra tội lỗi với gia đình người ta, phải bồi thường, đó là đạo lý ở đời.

 

– Nhưng cái nhà ấy cũng quá đáng, lợi dụng việc này để làm tiền. Được rồi, em để cho anh chị tự lo, riêng khoản này, em không giúp đâu. Anh chị đã không nghe lời em thì ráng chịu lấy.

 

May mà ông Năm có miếng đất do anh chị em nhà bà Năm gom tiền mua giúp, ông Năm đã xây được nhà, gần hoàn thành, có thể mang thế chấp ngân hàng, vay được gần 2 trăm triệu đồng. Chỉ có điều, ông bà sẽ phải nai lưng ra làm lụng, nhịn ăn nhịn mặc kiếm tiền trả lãi ngân hàng. Còn tiền gốc, chưa biết ông bà Năm kiếm đâu ra để trả. Thôi, nó thuộc về thì tương lai, cứ để đó rồi tính tiếp…

 

*

 

Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, chiếu ánh nắng gay gắt xuống cánh đồng. Những bụi thanh long xanh mơn mởn nhưng lại không có bóng che cho người chăm sóc chúng. Ông Năm kéo vạt áo lau qua khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nói to:

 

– Sáu ơi, nghỉ tay uống nước.

 

Chị Sáu đang đứng ở cuối hàng thanh long thứ tư, ngẩng lên đáp lại:

 

– Dạ, em cũng khát nước lắm rồi.

 

Họ cùng bước về chiếc chòi lá của người hàng xóm dựng tạm để coi thanh long gần đó. Chị Sáu rút tấm khăn lau khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, rồi cầm chiếc nón quạt lấy quạt để. Không gian oi nồng. Ông Năm ngồi bệt xuống đất, vừa thở vừa rót nước từ chai nhựa vào ca trao cho em vợ. Nhìn Sáu, khôn mặt xinh tươi hồng hào ngày nào giờ đã bắt đầu nhăn nheo, mái tóc đã lốm đốm bạc, ông chợt thở dài. Nhớ lại hồi Sáu ở trên Sài Gòn, ông từng dẫn một vài người bạn tới mai mối, nhưng chị chỉ tiếp xúc một lúc là chán. Sáu rất thông minh, sắc sảo. Ngày còn đi học, Sáu giỏi cả môn tự nhiên và xã hội. Hồi Sáu làm việc cho gia đình anh Hai, có dịp trổ hết tài năng của mình. Anh Hai làm biên tập viên của một nhà xuất bản, bản thảo nhiều, anh mang về cho Sáu sửa lỗi morat. Anh ngạc nhiên khi Sáu không chỉ sửa lỗi chính tả mà còn biên tập cả những câu văn của các tác giả. Sáu còn tự học thiết kế sách, có thể đánh máy, dàn trang, in can những cuốn từ điển dày hàng nghìn trang. Nhưng cũng như nghề thợ bạc của anh Năm, nghề xuất bản cũng bước vào giai đoạn khó khăn, Sáu lại mất việc. Người sắc sảo khó kiếm chồng vì các chàng trai khi nói chuyện thấy kém kiến thức so với Sáu, mặc cảm tự động rút lui.

 

Chờ Sáu uống xong ca nước, ông Năm mới lên tiếng:

 

– Thôi trưa rồi, em về nhà anh nghỉ. Chắc chị em cũng đang ở nhà.

 

Chị Sáu lau miệng nói:

 

– Vâng, trưa nay em cũng muốn gặp chị.

 

*

 

Chị Sáu cứ lúi cúi đi bên những bụi thanh long ngay hàng thẳng lối như một đội quân danh dự phơi mình dưới nắng và đứng trước căn nhà ông Năm lúc nào không hay. Căn nhà được cất khá bề thế, bên cạnh con lộ nhỏ. Chị Sáu tìm được bản thiết kế mẫu nhà hơi lạ nên căn nhà nổi bật lên so với những ngôi nhà vốn quen thuộc ở thôn quê. Sáu nhớ lại, hồi đó ông Năm mướn thợ là bà con ở xã bên cạnh đến xây dựng. Họ xây câu giờ vì còn chạy “sô” xây cho nhiều nhà khác. Bởi thế, lâu lâu mới có vài người thợ đến làm. Ngôi nhà của ông Năm xây gần năm trời mà vẫn chưa xong, gây tốn kém và mất nhiều công sức cho gia chủ. Cứ mỗi lần bước chân tới nhà ông Năm, chị Sáu lại bô bô:

 

– Nếu anh chị nghe lời em mướn kíp thợ ở Thanh Phú thì ngôi nhà đã xong từ nửa năm rồi chứ không đợi đến bây giờ.

 

Có bữa ông Năm không nhịn được, phải nói lại với Sáu:

 

– Sao em cứ nói mãi một chuyện như thế làm anh nhức cả đầu.

 

Sáu đáp lại:

 

– Là em muốn tốt cho anh chị. Đấy, anh thấy không, họ xây cả năm vẫn chưa xong. Vật liệu mất mát hư hỏng, sắt thép gỉ sét hết cả, anh chị chịu thiệt chứ ai.

 

Ông Năm cáu:

 

– Anh biết rồi, nhưng mà em cứ nói hoài làm cho chị cằn nhằn anh thêm.

 

Là ông Năm nhịn Sáu nhiều lắm rồi đấy, chỉ vì số tiền xây nhà này do Sáu cho mượn, nếu không…

 

Sau vụ thằng Hải bỏ trường đại học đi bụi đời, chị Sáu bắt đầu nhận ra, hai thằng con của ông Năm mới là nguyên nhân làm cho chị ruột mình khổ. Chúng không nghe lời cha mẹ đã đành, mà đến dì nó bỏ tiền ra nuôi nấng chúng, chở chúng đi học… chúng vẫn không nghe lời, có khi còn cãi lại. Chị la rầy chúng cũng là vì thương cháu, nhưng chúng thấy dì có vẻ khó tính nên cho rằng vì dì không có chồng thành trái tính trái nết. Gặp dì, chúng tìm cách lảng đi nơi khác. Giận các cháu, chị Sáu muốn trút ấm ức lên đầu cha mẹ chúng, nhưng cha chúng lại là anh rể, không dễ nặng lời. Bởi thế, bao nhiêu bực bội chị trút lên đầu chị gái của mình. Thanh long đang cần công, chị và anh rể vuốt ngoe từ sáng đến giờ mới chỉ được một phần mảnh vườn. Nếu vuốt chậm, một cơn mưa đổ xuống là thuốc lan ra trái, lúc trái chín sẽ có màu loang lỗ, thì còn bán cho ai. Thế mà vườn mình chưa làm xong chị Năm lại đi làm mướn cho nhà khác, có tức không. Bao nhiêu bực bội ấy, Sáu muốn gặp bà Năm hỏi cho ra lẽ.

 

Bà Năm ngồi trước mâm cơm, phần cơm từ tối hôm qua đã nguội ngắt nguội ngơ. Còn thức ăn, chỉ có chén nước tương, dằm vài lát ớt. Nhìn mâm cơm, chị Sáu ném mạnh chiếc nón xuống nền nhà, dậm chân:

 

– Chị còn muốn sống nữa không chị Năm, ăn như vậy, làm như vậy, rồi chị sẽ chết sớm thôi.

 

Vừa nói Sáu vừa khóc. Bà Năm ngừng đũa, nhìn Sáu rồi chỉ vào chiếc ghế bên cạnh:

 

– Cứ ngồi xuống đó đã. Hôm nay chị ăn chay.

 

Sáu nói trong nước mắt:

 

– Hôm nay không phải ngày rằm, không phải ngày đầu tháng cuối tháng, chị ăn chay nỗi gì. Mà không phải hôm nay, em biết hết. Nhìn người chị kìa, ốm giơ xương, đã mấy lần người ta dìu chị từ vườn thanh long về, kiệt sức vì đói. Chị phải biết thương cái thân mình chứ.

 

Lặng đi một lúc, Sáu bỗng hỏi:

 

– Tại sao chị không ra vườn vuốt ngoe với em, việc  đang như dầu sôi lửa bỏng mà chị lại bỏ đi làm mướn?

 

Bà Năm buông đũa thở dài:

 

 – Thằng Hải dẫn về đứa con gái là sinh viên đại học vừa mới ra trường, cũng hiền lành, dễ thương, đòi anh chị cưới cho nó. Anh chị cũng muốn yên bề gia thất cho nó để chúng dạy bảo nhau làm ăn. Bởi vậy chị mới đi làm mướn để kiếm ít tiền lo đám hỏi.

 

Sáu ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bà Năm, cố lấy giọng ôn tồn:

 

– Chị còn nhớ lần trước, thằng Hải làm cho con bé mới 16 tuổi có bầu rồi dắt về nhà bắt anh chị phải cưới không? Chị cũng nói cưới vợ cho thằng Hải để chúng dạy bảo nhau làm ăn, nhưng rồi thế nào? Con vợ nó đẻ, giao cho anh chị nuôi, rồi con lớn, nó bỏ thằng Hải đi lấy chồng khác vì không ai lại ở với người không nghề nghiệp, ăn bám cha mẹ. Bây giờ chị cưới vợ cho thằng Hải thì kịch bản quay trở lại như lần trước. Chúng nó lại giao con cho ông bà nuôi. Nếu con vợ nó đẻ thêm vài đứa nữa thì anh chị nuôi làm sao nổi. Lúc đó anh chị ráng mà chịu, tôi không ở đó giúp mãi đâu nhé.

 

Bà Năm vốn hiền lành, hiền đến nhu nhược, còn ông Năm ít học, lại hơi lù đù nên mọi vấn đề đối nội đối ngoại của gia đình ông bà Năm phải nhờ dì Sáu cáng đáng, bởi vậy Sáu mới có dịp lấn lướt anh chị, đôi khi Sáu đi quá xa vị trí của mình làm người ta có cảm tưởng Sáu mới là người rường cột trong gia đình ông bà Năm. Tuy hiền lành nhưng bà Năm cũng là người có chút chữ nghĩa nên nhận biết được phần nào, bà cũng rất thương em, thấy em vì gia đình mình mà hy sinh tất cả nên cũng ráng chịu đựng, nhưng sức chịu đựng của con người ta có giới hạn, bị Sáu ép quá bà không còn nhịn được nữa bèn phản kháng:

 

– Chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện gia đình anh chị. Em không có quyền đồng ý hay không đồng ý.

 

– Đúng là tôi không có quyền, đó là chuyện của gia đình anh chị, nhưng nó vẫn cứ liên quan đến tôi, bởi không thể nhìn anh chị chết đói. Anh chị khổ, tôi lại phải lo lắng.

 

Bà Năm nóng mặt:

 

– Tôi không cần dì phải lo.

 

– Chị lớn rồi mà sao nói liều như vậy. Chuyện nhà chị cuối cùng lại phải đến tay tôi. Nếu không phải là chị em máu mủ ruột rà thì chị làm gì mặc kệ. Giả sử chị bị bệnh phải nằm viện không có tiền thuốc thang, không lẽ chúng tôi để chị chết mà không cứu. Rồi thiên hạ chê cười rằng dòng họ nhà mình sống không tình nghĩa.

 

– À, thì ra các người chỉ sợ thiên hạ chê cười mình chứ gì? Dì không có chồng con nên không hiểu được lòng mẹ.

 

– Nhưng chúng nó có thương chị không? Chúng là những đứa bất hiếu, hết lần này đến lần khác về đục khoét cha mẹ, không nhìn thấy cha mẹ phải khổ sở kiếm từng đồng. Chúng  chỉ biết ăn chơi cho thỏa chí, chúng có còn là người nữa không?

 

Bà Năm càng thêm giận:

 

– Không phải ở đó dạy bảo tôi. Dì là em tôi sao dì hỗn thế?

 

Ngỡ ngàng vì đây là lần đầu chị mình phản kháng lại, Sáu càng thêm tức nên không đủ bình tĩnh giữ mồm giữ miệng nữa:

 

– Tôi thương chị, thương các cháu nên cố níu kéo cái gia đình này, nếu tôi buông tay thì cả gia đình này sẽ chết.

 

Mắt bà Năm long lên, bà nhịn Sáu nhiều lắm rồi, như cái lò so bị nén lâu ngày nay bỗng bật tung ra, bà đứng lên chỉ vào mặt Sáu:

 

– Được rồi, không cần sự níu kéo của mày. Cứ buông tay đi, tao sẽ tự lo, không cần sự quan tâm của mày.

 

Chị Sáu ôm mặt chạy ra khỏi nhà, được một đoạn, chị ngồi thụp xuống khóc nức lên.

 

Bà Năm ngồi thừ ra, rồi bỗng xẹp xuống như quả bong bóng bị xì hết hơi. Bà thấy nhức đầu dữ dội, môi lưỡi tê cứng, tai ù đi, tim đau nhói… Bà ôm lấy ngực rồi gục xuống nền đất. Ông Năm chạy tới đỡ bà dậy, nhưng người bà đã mềm oặt, miệng không nói lên lời. Ông kêu to:

 

– Sáu ơi, Sáu ơi, chị em làm sao rồi.

 

Nghe tiếng kêu, Sáu chạy vội vào ôm lấy bà Năm, chị run bắn lên vì thấy bà Năm đã bất tỉnh. Chị gào lên hoảng loạn:

 

– Chị Năm ơi, tỉnh lại đi… em hại chị rồi… Cứu chị tôi với, nhanh lên…

 

Khi người ta đưa bà Năm lên tới bệnh xá thì bà trút hơi thở cuối cùng. Người đau khổ nhất có lẽ là Sáu, bởi chị cho rằng vì mình cãi nhau với bà Năm khiến cho bà bị sốc mới dẫn đến đột quỵ.

 

Từ sau bữa bà Năm chết, người ta thấy chị Sáu thường ra vườn thanh long đứng ngơ ngẩn hàng giờ, miệng lảm nhảm: “Phải chi chúng là thanh long, là thanh long…”

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Nhật ký IVF – Chu Thị Minh Huệ

>> Không thể cất lời – Phong Điệp

>> Cơn gió nóng đầu mùa – Hoàng Đình Quang

>> Hoa khaley chỉ nở một lần – Trúc Phương

>> Mùa gió ngược – Lê Hà Ngân

>> Chòm nhà giữa ruộng – Phan Trung Nghĩa

>> Bầu trời lặng lẽ – Nguyễn Xuân Hưng

>> Đứa con lạc loài – Trần Đức Tĩnh

>> Cái cối trầu bằng đồng – Tống Ngọc Hân

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…