Hồ sơ mật Lầu Năm góc và chiến tranh Việt Nam

636

02.5.2018-23:20

 Tập sách “Hồ sơ mật Lầu Năm góc và hồi ức

về cuộc chiến tranh Việt Nam” của Daniel Ellsberg

 

MỘT CUỐN SÁCH RẤT ĐÁNG ĐỌC!

 

NGUYỄN MINH NGỌC

 

NVTPHCM- Tôi đang cầm trên tay cuốn sách “Hồ sơ mật Lầu Năm góc và hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam” của Daniel Ellsberg, người từng gây nên cơn địa chấn trong dư luận nước Mỹ cách nay gần nửa thế kỷ (1971) khi dám phơi ra trước công luận hàng ngàn trang tài liệu thuộc hàng “tối mật” của Lầu Năm góc, cho thấy bộ mặt thật về cuộc chiến hao người tốn của tại Việt Nam.

 

Từng đến Nam Việt Nam trong vai trò là công chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (R. Mc Namara) và Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn (H.Cabot Lodge), bằng nhãn quan chính trị nhạy bén của mình, Daniel Ellsberg có điều kiện quan sát cận cảnh cuộc chiến, cũng như các cuộc gặp gỡ trò chuyện với nhiều thường dân đã giúp ông sớm nhận rõ quan điểm “việc tiếp tục theo đuổi cuộc chiến vô vọng này là không thể chấp nhận được”.

 

Có thể nói đây là hành động dũng cảm của một con người đứng trong guồng máy chiến tranh của nước Mỹ, nhưng D. Ellsberg là một con người có lương tri, luôn trăn trở làm cách nào để ngăn cản cuộc chiến vô ích. Trong hai năm liền (1969, 1970) với sự giúp đỡ của một người bạn, D. Ellsberg đã bí mật sao chụp toàn bộ 47 tập hồ sơ Lầu Năm góc, một bộ tài liệu đồ sộ về những quyết sách của Mỹ ở Việt Nam từ 1945 đến 1968. Ban đầu, D. Ellsberg giữ làm “bảo bối” cho riêng mình, nhưng sau đó, ông quyết định trao nó cho Thượng nghị sĩ William Fulbright, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. Đến năm 1971, D. Ellsberg lần lượt chuyển giao bản sao cho các tờ báo New York Times, Washington Post, cùng hàng chục tờ báo khác, bất chấp lệnh cấm vô tiền khoáng hậu của Liên bang. Tất nhiên, “người hùng” này đã phải trả một cái giá khá chát là ra hầu tòa. Nhưng như chính D. Ellsberg tâm sự, là ông “luôn biết ơn về những thanh niên Mỹ đã lựa chọn thà vào tù còn hơn là tham gia vào một cuộc chiến mà họ biết là sai lầm” và chính điều đó đã thức tỉnh ông trước những ưu tiên về lòng trung thành cao cả này.

 

Khi sóng gió lắng dịu và qua đi, với sự trợ giúp của người thân và bè bạn, D. Ellsberg đã miệt mài hoàn thành bản thảo, cuốn sách ấn hành tại Mỹ năm 2002, được chuyển ngữ sang tiếng Việt vào năm 2006. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, được sự đồng ý của tác giả, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã làm mới, trên cơ sở bám sát nguyên tác trong quá trình dịch và xử lý biên tập. Đó là sự nỗ lực rất đáng trân trọng, thể hiện thái độ khách quan, tôn trọng bạn đọc. Được viết dưới dạng hồi ký, nhưng tác giả cuốn sách đã khéo dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng một lối tư duy mạch lạc, hành văn rất hoạt và thanh thoát. D. Ellsberg mở rộng lăng kính, vén màn hé lộ ra cả những góc khuất của cuộc chiến người Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng tái hiện bức tranh sống động về xã hội Mỹ kể từ năm 1964. Điều đáng ngạc nhiên, D. Ellsberg là tiến sĩ Kinh tế, tốt nghiệp Đại học Harvard từ rất sớm (1962) chứ không phải là người cầm bút chuyên nghiệp. Thiển nghĩ, một nhà văn thì cũng chỉ viết được đến thế là cùng. Thành ra, nó rất đáng trân trọng.

 

Cuốn sách chia làm 4 phần với 32 chương, lối viết mạch lạc, thể hiện một khả năng quan sát tinh tế, một kỹ năng phân tích sắc sảo và những kiến giải rất đáng nể. “Trong nhiều năm tôi đã chứng kiến Tổng thống có thể nói dối hiệu quả ra sao về các chính sách của mình với giả định an toàn là những lời nói dối đó không bị vạch trần. Giả định đó dựa vào lòng trung thành của các thuộc cấp với ông ấy, với sếp của họ, với “sinh mệnh chính trị” của họ, và dựa vào sức mạnh của những lời hứa, lời tuyên thệ giữ bí mật của họ, dù thứ phải che đậy có là gì và tác động hiển nhiên của việc che đậy có là thế nào” (tr.294).

 

Hay một đoạn mô tả: “Cửa vừa mới đóng sau lưng chúng tôi thì một tiếng “bùm” khác ở ngay bên ngoài và tường nhà rung chuyển. Chiếc đèn Coleman rung lắc dữ dội trên giá, bóng của nó xoay tròn. Một mặt của tấm bảng treo bản đồ rời ra và rơi xuống bàn. Cà phê trong cốc sắt tây đổ lênh láng ra bàn. Chúng tôi loạng choạng ngã vào nhau khi túp lều rung chuyển…” (tr.210-211). Hoặc sau một tháng đặt chân đến Việt Nam, D. Ellsberg viết cho bạn bè với nhận xét rất riêng: “Tôi đã phải lòng trẻ em Việt Nam. Tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới mà trẻ em vui vẻ, thân thiện và ngộ nghĩnh đến thế. Chúng khiến tôi nhớ về thời thơ ấu của mình” (tr.153).

 

Có thể nói đây là một công trình thể hiện sự tâm huyết, công phu và cẩn trọng của những người làm sách, từ quá trình chuyển ngữ đến khâu biên tập, trình bày… rất đáng quý. Không vì chuyện để kịp có một đầu sách “hót” tham gia Hội Sách lần thứ X, Chi nhánh Nhà xuất bản CTQG ST tại TP. Hồ Chí Minh vẫn đặt chất lượng sách hàng đầu, từ tốn, kỹ lưỡng. Nhờ vậy mà độc giả có được một ấn phẩm trang nhã, bắt mắt và chất lượng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…