Hồ Thị Ngọc Hoài đi vào vùng áp thấp

569

01.12.2017-10:30

 Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài (ngoài cùng bên phải) ở đập Đồng Cam, Phú Yên mùa bão lũ 11.2017

 

>> Tổng kết chuyến đi thực tế Phú Yên

 

Đi vào vùng áp thấp

 

HỒ THỊ NGỌC HOÀI

 

NVTPHCM- Đi chuyến này chúng tôi có thể gặp… bão. Tin áp thấp liên tục, nó có thể hình thành bão, hướng di chuyển về phương Nam. Nhưng biết đâu nó có thể quanh quẩn, quần vờn và đến Trung Bộ, Nam Trung Bộ? Mùa này áp thấp nối tiếp áp thấp, bão nối tiếp bão.

 

Đi, nhớ lại tầm này năm ngoái (3.11.2016), Bình Định, Phú Yên lũ lụt kinh hoàng; hàng nghìn nhà dân, làng mạc, đường sá chìm trong biển nước, người đu bíu ngọn tre sống sót qua đêm, người ngồi nóc nhà sợ hãi nước lên chút nữa là sẽ chết, và tin người chết, tin thất thiệt, tin cứu trợ trong trận mưa lũ năm trước… đến giờ tròn năm mà vẫn như mới vừa hôm qua.

 

Đi, nếu có gặp bão lũ, nào có ai ngại ngần, sợ hãi gì!

 

Từ TP Hồ Chí Minh, đoàn ngủ một đêm ở TP Phan Rang, chiều, rồi tối, mây trời Phan Rang sậm sịt, biển động, sóng sầm sập nhưng Phan Rang không mưa. Hôm sau đến Phú Yên, đêm Tuy Hòa mưa.

 

Hôm sau, trời mưa lại tạnh, lại mưa. Chúng tôi đi huyện Đồng Xuân, cái tên được gọi lên từ bốn trăm năm trước, là một trong hai vùng đất viết những trang sử đầu tiên của Phú Yên.

 

Suốt chặng đường đi trời cứ khi mưa khi tạnh. Xe dừng, người đầu tiên vừa đặt chân lên bậc thềm, nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (5.10.1930), cơn mưa bỗng ào đến, ô che chỉ có một chiếc đón từng người một vào nhà, đến người cuối cùng thì cơn mưa dứt. Cơn mưa làm nên nỗi niềm ngày đến, và bấy nhiêu con người đủ các miền Bắc, Trung, Nam… bồi hồi nghe sử, ngắm nếp nhà xưa, nghe sự kết nối thiêng liêng. Cảm động vì công tạo dựng vun đắp và gìn giữ làm nên miền đất kiên trung, thầm lặng. Nét cổ, chuyện xưa, những lưu giữ, bảo tồn nói lên truyền thống, chúng tôi không thể không xúc động và khâm phục.

 

Đồng Xuân năm trước (3.11.2016) chịu thiệt hại nặng nề nhất vì lũ lụt. Đúng trọn một năm trôi qua, chúng tôi đến thấy cây cối, núi đồi đã lại xanh, rất khó thấy dấu vết của đại hồng thủy một năm trước, và kể cả dấu vết trước đó một tuần, đầu tháng 11.2017 mưa lớn cũng khiến cầu La Hai ngập 1,5m.

 

Trưa, chúng tôi ăn cơm… mưa. Mưa núi, mưa đồi, mưa thung, mưa rừng. Mưa. Lại nói, kể về chuyện lũ lụt năm ngoái; nào cán bộ suýt trôi mạng khi đi chống lũ, cứu trợ, nào giao thông bị chia cắt, xe cộ, xe khách nhà cửa lút tẳm, lút mất nóc, gần sát nóc… và một cô giáo kể năm ngoái mái nhà cô gần ngập tới nóc, cái chết chỉ còn trong gang tấc.

 

Quen chống chọi, người miền bão lũ chịu thương chịu khó, vùng đất của mía của sắn, và mặt người lại hiền hòa trở lại. Bao câu chuyện buồn vui và rồi… còn lại là nụ cười.

Một góc thành phố Tuy Hoà, Phú Yên.

Đoàn nhà văn TPHCM đi thực tế, vượt lũ ở Tây Hoà, Phú Yên. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng

 

Chúng tôi tới thăm vùng đất khác của Phú Yên. Đường đi xanh bạt ngàn những sắn, ngỡ ngàng bởi màu xanh của đất đai mênh mông, lại ngạc nhiên vì hết đoạn đường bê tông, đến đoạn cuối, đường đi rất gian khó, và sau đó thì ai cũng vỡ òa trước bí mật của thiên nhiên và của bàn tay con người. Đập Đồng Cam! Nhưng không thấy đập đâu, chỉ thấy một dòng sông lũ, nước vàng đục ùng ục sôi, gào réo hung hãn và oằn oại cuộn đi.

 

Cô cán bộ huyện Tây Hòa thật dễ thương, cô cho biết đập được người Pháp xây từ năm 1930, nói cho dễ nhớ là vậy, còn chính xác thì đập có thời gian thi công và hoàn thành là từ 1924-1932. Và cô cho biết, nếu không đến đây vào mùa bão lũ sẽ thấy dáng hình của đập, một cảnh quan đẹp, xanh trong, thấy đá xây đập bị nước và thời gian bào mòn lên màu rất đẹp.

 

Chúng tôi hiểu rằng nó đang bị mất tăm hình dạng trong mùa bão lũ, nó không còn là đập mà là một con sông dữ gầm gào với rừng thẳm. Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn lâu đời nhất nước, gần trăm năm qua nó đã chia nước cho kênh bắc và kênh nam dẫn về đồng ruộng Tuy Hòa. Hình ảnh đập Đồng Cam ngày bão lũ khiến chúng tôi âu lo, rời khỏi rồi vẫn không thôi nghĩ đến sự bình yên của bao con người, bao làng xóm.

 

Chúng tôi đi tiếp, có nhiều nơi nước ngập bởi tuần trước, những ngày trước và cả đêm qua mưa gió. Đường vào di tích, đền đài, thành quách… ướt mưa, rượi nước. Cả đường vào ngôi chùa cổ nước cũng ngập mênh mang, ba, bốn người lên thuyền nan đã cũ nát, vừa đi vừa múc nước trong thuyền ra, và thuyền tôn nhỏ tròng trành…

 

Dù vậy, dù chịu bao gió bão cùng thời gian, bốn trăm năm qua nơi này vẫn lưu giữ bao dấu tích. Biển rừng, đồng bãi, đền, tháp… Tháp Nhạn xây cất vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII trên đất TP Tuy Hòa, được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia; nhà thờ Mằng Lăng, thuộc huyện Tuy An, được xây dựng 1892, nơi cất giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên; Thành An Thổ, thuộc huyện Tuy An, xây vào khoảng 1832-1836, là di tích khảo cổ cấp quốc gia, nơi sinh, nơi gắn bó tuổi thơ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên: Trần Phú, và đền thờ Thành hoàng Lương Văn Chánh, thuộc huyện Phú Hòa, xây cất từ những năm 30 thế kỷ XVII, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia… Tất cả vẫn đó, tỏa rạng hào quang, uy linh một cõi.

 

Và các thế hệ, phải thích nghi nên mềm mại, cần kiệm lại rất hiền hòa. Như thể là ở đâu có đồng ruộng, núi rừng, biển cả… thì ở đó có con người hồn hậu, chân chất.

 

Có biết bao vẻ quý hiếm, đẹp đẽ, khiến ai cũng trầm trồ, và thấy hiển hiện một… thiên đường du lịch. Điều đó không khó và hẳn chẳng còn xa.

 

Bão lũ hàng năm vẫn tìm về đây tàn phá.

 

Tin áp thấp hiện tại vẫn đang đe dọa, đất trời sậm sịt, khi mưa, khi tạnh. Bão có thể sẽ về!

 

Chúng tôi trở về TP Hồ Chí Minh, trên đường về vấn vương tình người, cảnh đẹp, cả vấn vít lời ca tiếng đàn của chàng kiến trúc sư tài hoa. Nhưng cũng không ngờ, vẫn đang trên đường về, chúng tôi nghe tin bão. Chúng tôi vừa rời khỏi Nha Trang, cũng là khi bão số 12 đổ ập. Về đến nhà, xem tin thì thật kinh hoàng! Nghe, xem, bão quần xé. Những xanh tươi đang hồi sinh sau đợt bão lũ năm ngoái lại bị quật xuống, lại làm khốn khổ thêm những gương mặt vốn hiền lành chân chất… Nha Trang, Phú Yên, Bình Định… Bão số 12 đang dập vùi tơi tả. Miền Bắc vừa tang thương vì lũ, lại tiếp miền Trung bão! Lòng ai cũng thổn thức, xót thương đến rơi nước mắt.

 

Con người trong bão lũ nhỏ nhoi, bất lực, cảnh chết chóc thương tâm… những chia sẻ dù nhỏ cũng thật quý. Bao mùa lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… thành lệ, thành truyền thống. Chúng tôi ước mong viết lên cái đẹp, cả những khốn khó đau thương. Bao bút mực đã viết và sẽ còn viết.

 

Cuộc sống có biết bao châu ngọc đã rạng rỡ, cả châu ngọc còn khuất lấm bùn đất… Chúng tôi thèm cầm bút lên, thèm xiết bao mình có thể góp phần tôn vinh, chia sẻ.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…