Hương bưởi sau nhà

748

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943) là một trong số không nhiều nhà thơ nữ hàng đầu trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mỹ: Xuân Quỳnh (1942-1988), Song Hảo (sinh năm 1951), Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949)… Phan Thị Thanh Nhàn nổi tiếng với bài thơ “Hương thầm” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành ca khúc (1984) và trình bày nhiều lần trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân là phóng viên, bà còn làm thơ, viết truyện ngắn cho thiếu nhi. Tác phẩm tiêu biểu của bà gồm có + Tập thơ :  Tháng giêng giêng hai (1969), Hương thầm (1973), Chân dung người chiến thắng (1977), Bông hoa không tặng (1987), Nghiêng về anh (1992); + Văn: Xóm đê ngày ấy (truyện thiếu nhi,1977), Hoa mặt trời (1978), Ánh sáng của anh (1978), Tuổi trăng rằm (truyện thiếu nhi, 1982), Bỏ (truyện thiếu nhi, 1995). Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bà từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội. Nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn được phong tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007).

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Một buổi sáng đẹp trời mùa xuân năm 1976, dư âm không khí hồ hởi còn đọng lại trong lòng nhân dân ba miền, mừng ngày thống nhất nước nhà. Tại lầu I khang trang ấm cúng nơi khách sạn Kim Long  (góc ngả tư đường Phan Đình Phùng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Cần Thơ hiện nay) mà sở hữu chủ là nghệ sĩ kỳ cựu nổi tiếng kiêm trưởng đoàn một đại ban cải lương: nữ nghệ sĩ Kim Chưởng (1926-2014). Thay mặt ban Chấp hành hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Cần Thơ (Chủ tịch: nhà thơ Hoài Phong, Tổng thư ký: Nguyễn Thanh), chúng tôi vui sướng tiếp đoàn cán bộ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và văn nghệ sĩ cách mạng từ chiến khu miền Nam về thăm văn nghệ sĩ đất Tây Đô.

Đoàn cán bộ, văn nghệ sĩ kháng chiến, trong bộ trang phục giản dị thân tình với khăn rằn, áo bà ba đen bạc màu chinh chiến hôm ấy có các nhà văn Mai Vui, Bùi Kinh Lăng… và một phụ nữ trung niên, dáng vẻ gọn gàng từ tốn, mặt vui vẻ có giọng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Qua lời khiêm tốn tự giới thiệu của khách, mọi người mới biết đó là nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn anh em văn nghệ vùng tạm chiếm bấy lâu nay nghe tiếng mà chưa biết mặt, hôm nay là lần đầu tiên mới được “tận mục sở thị”. Thoắt đi sau đó khoảng một thập niên, có dịp được hướng dẫn ngoại khóa bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn cho học sinh PTTH tại trường Cấp 3 một thành phố lớn Tây Nam bộ (nay là trường Châu Văn Liêm), tôi mới thực sự được cảm nhận thêm giá trị sâu lắng của bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Hà Nội xưa nay được coi là chiếc nôi ấm áp của mặc khách tao nhân tài hoa cả nước về văn học nghệ thuật. Nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn cũng gốc người thủ đô rồng bay, cả quê nội và quê ngoại của bà đều ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Xuất thân từ một gia đình cách mạng có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà có hai em trai trong đó Phan Hữu Khải – sau này là liệt sĩ, là chủ thể chính trong bài thơ nổi tiếng Hương thầm. Người thứ hai là Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, bộ Công an Việt Nam. Yêu văn chương từ thuở nhỏ và sớm đến với thi ca, Phan Thị Thanh Nhàn đã miệt mài gieo vần và sớm có thơ đăng báo ngay từ đầu thập niên 1960 khi bà chưa tròn tuổi đôi mươi. Không bao lâu sau, bà đoạt giải Nhì với bài thơ Hương thầm mang tính trữ tình thời sự, trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (1969).

Về cuộc sống lứa đôi, Phan Thị Thanh Nhàn đã kết hôn với nhà thơ Thi Nhị được coi như là một hồn thơ đồng điệu. Nhưng chồng bà đã không may mất sớm (1979), để lại người con gái duy nhất cho bà nâng niu nuôi dưỡng cho đến khi con trưởng thành mà bà vẫn không tái giá. Trong hơn hai mươi năm làm phóng viên, Phan Thị Thanh Nhàn cũng viết truyện thiếu nhi và không ngừng sáng tác thơ. Bẩm sinh vốn là một tâm hồn yêu thơ rất trẻ trung và nhạy cảm, Phan Thị Thanh Nhàn đã có nhiều bài thơ hay, giàu chất cảm xúc, tiêu biểu như: Con đường, Không đề, Trời và đất, Làm anh, Rồi có thể, Ngày tháng không quên… nhưng nổi tiếng hơn cả là bài thơ Hương thầm. 

Tình yêu – hơn nữa là tình yêu đôi lứa được coi như chủ đề quen thuộc xưa nay của văn nghệ sĩ, vì nó là cứu cánh quyết định sự sinh tồn của con người hiện diện trên cõi nhân gian này. Bài thơ Hương thầm của thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn không là ngoại lệ, mà đặc biệt hơn nữa nó nằm trong quỹ đạo tình yêu nam nữ thời chiến.

Như một nhà đạo diễn, trước tiên tác giả mở dần không gian bài thơ Hương thầm bằng bối cảnh “hai nhà cuối phố” với nỗi băn khoăn về một thực tại thường ngày nhà thơ mục kích: “Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ”. Không gian là cửa sổ và thời gian là thường nhật (không khép bao giờ), những yếu tố như hai cột trụ vững chắc của chiếc cổng chào đón người đọc hành trình vào thế giới nội dung bài thơ trữ tình thời chiến với sự hiện diện của nhân vật vốn là hai người bạn học cùng lớp: “Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”. Hương hoa lảng đảng thanh thoát của một khu vườn xanh tươi tú mậu ngạt ngào hương bưởi mang mang sương khói tình yêu. Biết rằng ngày mai anh ra trận với chùm hoa phong kín trong chiếc khăn tay, tình trong đã bén nhưng mặt ngoài còn e ấp. Cô gái dùng dằng chẳng nên lời, không dám trao hoa cho kẻ sắp ra tiền tuyến: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/… Bên ấy có người ngày mai ra trận”. Chỉ có hương bưởi dịu nhẹ, đầm ấm thanh tao âm thầm bay đi trong không gian tình yêu thiêng liêng thầm lặng: chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao… Hương thơm hoa bưởi thay thế hương yêu nói hộ cho cô gái: Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu trước khi người bạn đi xa. Thật là tràn ngập chất thơ và lãng mạn trong một cuộc tình thời chinh chiến.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã chân tình tâm sự, do lòng quá cảm thương đứa em trai có cô bạn học cùng lớp, nên sáng tác Hương thầm để tặng Phan Hữu Khải đang đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu trong thời chống Mỹ. Ngày ấy, nhà thi sĩ ở khu đê Yên Phụ, vùng quê trù phú ven sông Hồng sum suê cây trái trong đó không thiếu những cây bưởi tươi xanh ngát hương hoa mỗi độ sang hè. Khải thường nhặt hoa rụng và hái ít hoa tươi cho vào túi để chị xách đi làm. Ở lớp có một bạn gái có vẻ rất gần gũi, gắn bó với Khải nhưng anh vô tình không hay biết, chỉ có người chị đa cảm là để ý. Rồi em trai nhà thơ sau đó, khi ở chiến trường miền Nam, tình cờ nghe được đài Tiếng nói Việt ngâm bài thơ Hương thầm, Khải viết thư về kể cho chị. Nhưng Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm cho Khải để nói rằng bà làm bài thơ ấy là xuất phát từ chuyện tình cảm của em và người bạn gái thì nhà thơ hết sức đau buồn khi nghe tin người em đã hy sinh.

Em trai tác giả đã ra đi mà chưa kịp biết rằng bài thơ người chị sáng tác để tặng cho chính mình. Mang tính cách thuật lại một nỗi niềm có thực, bài thơ tự do được làm với vần gieo rất thoáng: vần gián cách (giờ/đưa…), vần liền (yêu/điều; trao/tao), hay không vần trong mỗi khổ thơ ngôn ngữ tự nhiên, chân thành, không trau chuốc… dường như tác giả không quá chú ý đến sự cân nhắc tỉa gọt từng chữ, từng câu. Tiết tấu âm thanh với câu dài ngắn không câu thúc để diễn tả tình cảm, tâm trạng bối rối của nhân vật trong bài thơ. Tác giả cũng thật ít sử dụng từ láy và từ hoa trong lúc làm thơ mà chỉ muốn chân thành vẽ lên một bức tranh hiện thực về tình yêu thời chiến.

Chỉ có những chi tiết hàm ý nói về hoa bưởi, hương bưởi, hương thơm… được coi là biện pháp tu từ điệp ý (hay điệp tự) được nhắc đi nhắc lại đến tám lần để nhấn mạnh cái không gian thiêng liêng được làm chất xúc tác cho câu chuyện tình yêu. Ta cũng được biết biện pháp mỹ từ này rất đắc dụng ở các thi sĩ bậc thầy nổi tiếng trên văn đàn như Nguyễn Du (1766-1820), Đoàn Thị Điểm (1705-1748),…nhưng cao điểm và thú vị hơn cả trong cách dùng tu từ điệp ý (hay điệp tự) có lẽ là Xuân Diệu (1916-1985): Trăng rất trăng là trăng của tình duyên hoặc Hàn Mặc Tử (1912-1940): Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng. Tác giả đã không khép lại bài thơ trữ tình man mác vì nỗi buồn ly cách để tránh gây ấn tượng bi quan cho đứa em trai và người đọc: Mà hương thơm sẽ theo đi khắp/… Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

Nếu quan niệm “văn tức là người” thì “Hương thầm” có lẽ đã minh họa được phần nào chân dung có thực của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ta được biết khi hiện hữu trên cõi nhân gian này, nếu còn sáng tác được tác phẩm có ý nghĩa cho công chúng thưởng thức thì nghệ sĩ mãi mãi ở sức trẻ của tuổi hai mươi, với màu xanh xưa (ý của nhà thơ Quang Dũng) của đời người. Mặc dù trong lúc xưng hô trước các bạn trẻ, tác giả Hương thầm hay gọi vui mình là bà già, nhiều văn nghệ sĩ, bạn bè quen thuộc có dịp gần gũi với Phan Thị Thanh Nhàn cho biết nhà thơ đã sống rất thực với mình trong đời: hồn nhiên, tươi trẻ… sống vui sống hết mình, năng đi du lịch đó đây từ trong tới ngoài nước để làm giàu thêm cảm xúc và nhà thơ cũng từng tái yêu và luôn sống rất thực với con người thực của chính mình. Ta cũng dễ thông cảm với bản chất nghệ sĩ xưa nay là rất sợ cô đơn, luôn thèm yêu để được sáng tác, để chứng tỏ mình còn hiện diện trước công chúng. Người chồng đồng diệu đã sớm khuất khi nhà thơ còn dạt dào nhựa sống ở tuổi chưa quá trung niên, Phan Thị Thanh Nhàn đã từng thử yêu lại nhưng rồi những cuộc tình văn nghệ gió thoảng trong cuộc đời thơ cũng chẳng đi tới đâu. Sở hữu 8 tập thơ, 6 cuốn truyện nhưng có lẽ chỉ với bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc Hương thầm, Phan Thị Thanh Nhàn cũng đã vui được với chính mình vì nhà thơ đã chiếm một vị trí trang trọng trong lòng người yêu thơ và trên thi đàn.

Đã qua hơn nửa thế kỷ, Hương thầm ra đời và được nhạc sĩ Vũ Hoàng dùng giai điệu ngọt ngào thổi hồn thành ca khúc và được những giọng ca nổi tiếng ba miền lúc bấy giờ như ca sĩ: Mỹ Linh, Họa Mi, Bảo Yến… trình bày, bài thơ càng đi vào lòng công chúng yêu văn nghệ rộng khắp ba miền qua sự thăng hoa của âm nhạc. Ngày nay, mỗi khi bất chợt được nghe ai nhắc đến bài thơ trữ tình ít nhiều tính thời sự “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn, ta thích thú mà không tránh khỏi xúc động trước chuyện tình man mác buồn: Xưa nay chiến địa mấy ai được về (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi – Vương Hàn) – dù thi sĩ kết thúc bài thơ tình không buồn giữa một chàng trai bộ đội và cô bạn gái học cùng lớp trong thời khói lửa. Ngày nay, có dịp đọc lại bài thơ Hương thầm, trong thoáng chốc, ta cảm thấy trong lòng mang mang như được nghe lại dư âm của bản nhạc thơ hay, mà vẫn bâng khuâng có cảm giác như đang nhận ra ngan ngát một mùi hương thầm hoa bưởi sau nhà.

Nguyễn Thanh