Cảm thức về Tình yêu và Thân phận trong truyện Nguyễn Thị Lê Na

719

Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với quá trình nghiệm sinh của một nữ nhà văn trong hành trình yêu và sống, cảm thức về Tình yêuThân phận đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na được phản ảnh khá sinh động, tinh tế, phong phú.

Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na 

Là thi sĩ tâm linh của xứ Liban, nằm giữa hai vùng văn hóa Á – Âu, trong Mật Khải (The Prophet), một danh tác được xem “là ngọn đuốc thắp bằng Sự Thật và Tình Yêu để soi sáng những vấn đề muôn thuở, của cuộc đời mà mỗi người phải sống và nghĩ, phải hỏi và đáp cho chính mình và cho tất cả”[1], khi luận về tình yêu, Kahlil Gibran đã suy niệm: “Tình yêu không cho gì trừ bản thân và cũng không nhận gì ngoài bản thân./ Tình yêu không chiếm hữu gì và không thể bị chiếm hữu; / Bởi chính tình yêu đã tự đủ rồi”.[2]

Tình yêu là một bí tích nhiệm mầu của cuộc sống, Thượng đế ban cho con người từ khi Người tạo ra Ađam và Eva trong vườn địa đàng. Tình yêu tự bản thân là một giá trị hằng cửu không tách rời thân phận. Nhưng Thân phận thì hữu hạnTình yêu thì vô cùng (ý TCS). Vì vậy, viết về Tình yêu Thân phận là đi tìm cái vô cùng trong cái hữu hạn và tìm cái hữu hạn trong cái vô cùng. Hai bình diện này tưởng chừng đối lập nhau nhưng thực ra rất gắn kết với nhau, làm nên giá trị riêng có của tình yêu, ám ảnh tâm thức nhân loại với những dấu ấn không dễ mờ phai mà những tác phẩm như Romeo và Juliet của Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du; Mối tình đầu của Ivan Turgenev… là những minh chứng. Nằm trong dòng mạch cảm thức này, với những truyện ngắn dung dị nhưng không thiếu chiều sâu tâm cảm, trong hai tập truyện Bến Mê (Nxb. Thuận Hóa, 2007) và Đắng ngọt đàn bà (Nxb. Hội Nhà văn, 2019), Nguyễn Thị Lê Na, một nữ văn sĩ “lạ hoắc” như cái tên của chị đã sẻ chia những cảm thức của mình về Tình yêuThân phận, đó là Thân phận đàn bà qua thế giới hình tượng người phụ nữ mà với họ, Tình Yêu đã trở thành một yếu tính của Thân phận, của định mệnh, với những vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau, vui mừng và hờn tủi, để họ dấn thân, dù có phải “tử vì đạo” cho Tình Yêu, họ vẫn chấp nhận như một sự đặt để của phận số mà không nuối tiếc, ân hận…

Đi vào thế giới truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, từ Bến Mê (2007) đến Đắng ngọt đàn bà (2019), ta thấy chủ đề trung tâm chi phối cảm hứng sáng tạo của nhà văn chính là Tình yêuThân phận đàn bà, với nhiều phận số, nhiều mảnh đời, nhiều hoàn cảnh… Cảm hứng này đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh trong từng trang văn của Nguyễn Thị Lê Na. Đó là thân phận một cô giáo (Vĩ Thanh), mà trong dự cảm của người mẹ luôn lo sợ “con phải khổ mất thôi, con gái mà bướng bỉnh, cá tính chẳng có mấy ai hạnh phúc đâu!”[3]. Vì thế, khi gặp Kha, yêu Kha, lấy Kha làm chồng, tưởng đâu sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc, không ngờ lại nhận ở Kha những bi kịch. Song, cô cho rằng nỗi đau khổ đời mình là sự mặc định của phận số mà “đã là số phận, con người ta không thể chọn cho mình nỗi bất hạnh hay sự may mắn”[4]; Đó là thân phận của Miên (Như cánh hoa rơi), người cô giáo và Mây, người học trò, Miên vô cùng yêu quí mà cuộc gặp gỡ và sự sẻ chia những vui buồn giữa hai người trong cuộc sống Miên xem như “định mệnh”. Nhưng bi kịch đã đến khi Miên biết Phong, người chồng tương lai, mình hết mực yêu thương và tin tưởng cũng đã yêu Mây và để lại trong Mây giọt máu của mình. Vì thế, Miên không thể làm đám cưới với Phong, chỉ thương cho thân phận của Mây vì: “Mây đã ném trọn mình vào cuộc chơi mà chỉ nhận lại nỗi đau không ai chia sớt được”.[5] Bi kịch vỡ mộng Miên “nhận được” từ “tình yêu” của Phong, không phải ngẫu nhiên mà đã được “dự báo” từ sự linh cảm của người mẹ, khi Miên đưa Phong về ra mắt, bà đã nhận ra “hình như ở Phong có điều gì đó bất trắc. Nếu con dựa vào Phong thì rất mong manh…”[6]; Đó là thân phận của Nga (Tìm về bến trong), người con gái có phận số bất hạnh vì bị “ông bố dượng cưỡng hiếp”, từ thời còn niên thiếu, chỉ vì: “Tại con giống mạ con quá!”, để rồi, khi yêu Biền và đã thành vợ chồng, phát hiện Nga không còn trinh tiết, Biền đã chì chiết Nga: “Tôi thật không ngờ… Tôi cưới cô đã là con đàn bà…”[7]. Và, trong lúc quẩn trí, Nga đã toan tự vận, xem đó là điều tất yếu của số phận: “Lúc này tôi không còn thiết sống. Tôi leo ra tận ngọn cây cừa, thả mình rơi xuống. Thế là hết, rồi người ta sẽ thi nhau bàn tán về thân phận của tôi cho mà xem”.[8]; Đó là nỗi đau trong cuộc đời Lam (Bến mê) khi phát hiện sự phản bội của chồng lúc ân ái với Linh, em gái Lam, tại nhà mình, nơi Lam đã chắt chiu từng phút giây hạnh phúc; Đó là nỗi đau của Vy (Đắng ngọt đàn bà), trước sự chiếm đoạt của Thúy đối với tình yêu và hạnh phúc trong cuộc sống của gia đình mình, phá vỡ cái tổ ấm đã bao năm Vy nâng niu, gìn giữ mà Vy xem như “số phận đã an bài”[9]; Đó là thân phận của Sinh (Sinh) với nỗi đau và những trái ngang mà Sinh phải gánh chịu, khi chồng mình có con với Thắm, người đàn bà đẻ thuê do quan hệ trực tiếp, không phải qua sự can thiệp của y học, mà Sinh xem đó là “số phận đa đoan của cuộc đời”[10]; Đó cũng là nỗi đau trong tình yêu của Lụa (Lụa), khi đã trao thân cho người mình yêu, nhưng không lấy được nhau, để rồi phải dấn thân vào gió bụi phong trần như một sự trớ trêu của số phận qua lời thở than của bà chủ nhà hàng: “Tội nghiệp con bé, người yêu bỏ rơi khi bụng mang dạ chửa. Gá phải thằng chồng nghiện ngập, suốt ngày bị đánh. May mà rảy ra được. Đúng là hồng nhan…”[11], để rồi, khi nghĩ về đời Lụa, người ta xa xót tự hỏi “Sao số phận lại đa đoan đến thế!?”.[12] Và giống như cuộc đời của Lụa, Nhiên trong Mùa cà phê hoa trắng cũng trao thân cho Duy, để rồi nhận lại ở Duy sự trốn chạy trong im lặng và Nhiên tự hỏi: “Có phải là định mệnh không? Lẽ nào đây là nơi tâm thức Nhiên đã chọn để đặt dấu chấm hết của cuộc đời.” [13]

Có thể nói, Tình yêuThân phận đàn bà qua những trang văn của Nguyễn Thị Lê Na trong Bến MêNgọt đắng đàn bà là hiện thân sự lựa chọn của chính họ. Mỗi người đàn bà trong từng truyện là một cuộc đời, một phận số, một nhân vị luôn chênh chao, đứt gãy và nói như Hàn trong Những Khoảng cách còn lại: “Bây giờ, cuộc sống là một thế giới với bao mảnh đời số phận khác nhau, ở đó khó có thể tìm thấy sự hoàn hảo”.[14] Vì vậy, cho dẫu tất cả họ đều khát sống, khát yêu, khát hạnh phúc, và luôn dấn thân, tận hiến cho tình yêu thì cũng khó tìm được hạnh phúc, thậm chí phải nhận bi kịch, khổ đau, bất hạnh trên chuyến tàu định mệnh, để rồi, có người còn tìm đến cái chết: “Nhiên nhoài người nhìn xuống một vực nước sâu hút xanh lè, cuồn cuộn xoáy chóng mặt (…) Nhiên sẽ như chiếc lá chao xuống, đáp nhẹ mặt nước như cánh chim bói cá, nước sẽ đưa Nhiên đi thật xa, theo sông ra tận biển khơi, và xa hơn nữa. Không tăm tích…”[15] Và, những người đàn bà trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na, nếu phải chọn lựa giữa Tình YêuThân Phận, họ đều chọn Tình Yêu vì chính Tình Yêu làm nên Thân Phận của họ. Tình yêu trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na không mới lạ, không hiện đại với những cảm xúc nổi loạn mang tính sắc dục như tình yêu ở một số truyện ngắn đương đại mà phần lớn, tình yêu trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na là tình yêu nghiêng về những giá trị luân lý truyền thống. Nhưng không vì thế mà thiếu hơi thở của cuộc sống hiện đại, cũng như kém phần nồng mặn da diết, dữ dội, vốn là phẩm tính của tình yêu. Chính điều này đã đem đến cho những trang viết về tình yêu của Nguyễn Thị Lê Na một dự vị, một sắc thái mỹ cảm tình ái riêng, có khả năng níu giữ tâm cảm người đọc. Bởi nói như H. De Balzzac: “Cảm giác, yêu thương, đau khổ, hy sinh đó là sở trường của sinh hoạt đàn bà”.[16] Những cung bậc cảm xúc này đều tìm thấy trong truyện của Nguyễn Thi Lê Na qua các diễn ngôn tình yêu mang hơi hướm “ngôn tình” ở những trang văn của chị là một xác chứng. Đó là những phút giây êm đềm trong tình yêu giữa Miên và Phong trong Như cánh hoa rơi: “Miên nhớ… Buổi chiều nắng nhạt dần, biển dịu dàng vuốt ve bờ cát trắng. Phong nói lời yêu và Miên lâng lâng cảm giác hạnh phúc lòng tràn ngập những ước mơ về một tình yêu kỳ diệu (…) Những lần như thế, Miên ngã đầu lên vai anh nhìn hoàng hôn buông xuống đếm những con sóng bạc đầu, như tiếng sóng vỗ bờ mà cảm nhận thủy triều đang lên, thấy mình thật nhỏ bé và hạnh phúc vì được che chở”[17]; Đó là hương vị ngọt ngào của tình yêu đầu đời trong cảm nhận của Vy ở Đắng Ngọt đàn bà mà dù chỉ là hoài niệm vẫn có sức sống mãnh liệt, diệu kỳ trong tâm cảm Vy: “Cái ngày ấy, khi trước mặt là cánh đồng chiêm trũng mênh mang lúa chín anh đã nói lời tỏ tình, vừa chân thành vừa sợ sệt (…) Cái buổi chiều ấy tất tật, từ ngọn cỏ ven bờ ruộng, những ao đầm ngọt nước phủ đầy rong rêu, đều trở nên gần gũi và đáng yêu làm sao. Đó là lần đầu tiên Vy đón nhận nụ hôn đầu đời ngọt lịm, họ trao nhau hạnh phúc trong sự chứng kiến của ngọn gió chiều lang thang trên cánh đồng thoảng thơm mùi lúa, mùi cỏ mật và trong veo tiếng chim cà lơi rót tự trời cao xuống”[18]. Còn đây là những cảm nhận của Lam về sự lên ngôi của tình yêu ở những ngày đầu của cuộc sống hôn nhân trong Bến Mê: “Lam còn nhớ như in ngày tháng bắt đầu hạnh phúc của đời mình, Lam đắm đuối trong men tình yêu của chồng. Cưới nhau mọi cái trong Lam hết thảy đều thiêng liêng và hút hết hồn chị. Lam cứ muốn được ngoan hiền trong vòng tay yêu thương của Phan, cảm nhận niềm hạnh phúc dâng lên tột độ”[19]. Song, diễn ngôn tình yêu trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na không chỉ có những giây phút êm đềm lãng mạn và trong veo như Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam hay nhiều tác phẩm khác của văn chương thời Tiền chiến mà còn có những trang viết mang sắc màu nhục cảm của tình yêu thời hiện đại mà cảm xúc của Vy khi gặp lại người tình ngày xưa là một minh chứng: “Anh nhẹ nhàng kéo Vy vào lòng, ôm choàng trong vòng tay của mình. Những nụ hôn như cơn mưa mùa hạ rơi trên cỏ khát. Nhẹ nhàng lướt từ mái tóc, đến đôi mắt mơ màng, dừng lại trên đôi môi chín mọng. Hai cơ thể tìm đến nhau ghì riết. Anh đầy khát khao nồng nàn, Vy cũng bỏng rẫy không kìm nén. Những lăn tăn về bổn phận đức hạnh và lòng chung thủy, sự thương chồng nhớ con bay đâu mất cả… chỉ còn lại nhu cầu dâng hiến, nhu cầu hưởng thụ bản năng”.[20]; Hay diễn ngôn tình yêu chỉ có ở những cuộc tình thời công nghệ 4.0 mà với sự biểu cảm của “ngôn ngữ thân xác” đã cho thấy biểu hiện của một tình yêu tận hiến, có sức cuồng phong như một “cơn bão” trên thân thể người đàn bà đang khao khát ái ân: “Căn phòng, như đêm thu ngoài bãi không người… Chị thả hồn cùng mây gió và ánh trăng dịu hồng mơn man. Mặt điện thoại chấp chới dòng tin: “cho anh hôn cái” “Dạ” “Anh hôn mắt… hôn môi… hôn cái cổ cao…?” “Dạ” “Anh hôn ngực…?” “Dạ” “Anh hôn xuống dưới… anh hôn…”. Người chị như hòn than. Chín lịm. Tay chị run rẫy lần cởi váy xống. Lần đầu tiên trong đời, chị tự cởi váy xống. Chị ngắm cơ thể chắc lẳn gái một con của mình dưới ánh đèn hồng. Người nổi da gà trên từng milimet, nơi môi Phong lướt nhẹ theo tin nhắn, Tay chị vô tình lướt theo trên mỗi đầu dây thần kinh”[21]. Thật vậy, tình yêu chỉ thăng hoa trong dòng sông cảm xúc của ân ái nồng nàn sắc dục. Bởi, nếu chỉ có sự hòa hợp về tâm hồn, không thể tạo nên một tình yêu đích thực. Sự bất lực về nhục cảm trong tình yêu là một bi kịch. Vì vậy, khi biết mình bị ung thư, phải cắt bỏ một trong những phần nhạy cảm nhất trên cơ thể người đàn bà, Thư đã xa xót thở than, có lẽ: “Một khi thân thể vợ đã không còn nguyên vẹn anh có còn cảm hứng chi? Trong lòng Thư luôn gợn những day dứt âm ỉ. Cái cảm giác bản năng về sự dâng hiến ban tặng của người phụ nữ không còn, khiến cô chống chếnh tủi thân. Người ta nói rằng tình yêu không có tình dục thì rất đễ đứt rời”[22]

Để thể hiện cảm thức về Tình yêuThân phận của người đàn bà, một trong những thi pháp ở truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, không thể không nói đến, đó là việc tạo nên những chi tiết bất ngờ khi xây dựng cốt truyện, khiến người đọc nhiều khi có cảm giác như bị nhà văn “đánh lừa” một cách thú vị. Sự bất ngờ của các chi tiết trong ngữ pháp của truyện đã tạo nên bước chuyển hóa trong quan hệ giữa Tình yêuThân phận của những người đàn bà trong truyện và cũng là căn nguyện tạo nên bước ngoặc trong số phận và nhân vị làm thay đổi thân phận của họ. Những chi tiết bất ngờ thường được nhà văn tạo nên từ sự xuất hiện của người thứ ba trong tình yêu và hôn nhân, buộc họ phải lựa chọn hướng đi cho phần đời còn lại của mình. Sự chọn lựa này phần lớn do người đàn bà quyết định. Đó là một sự chọn lựa hiện sinh để họ được sống đúng nghĩa với bản ngã và nhân vị của mình cho dù có thể nhận lấy bi kịch. Điều này, có thể nhận thấy trong Còn lại chút này qua sự chọn lựa của Lạc khi cô “quyết định ra khỏi ngành an ninh” để được yêu Tuyên và lấy Tuyên làm chồng. Nhưng rồi, Lạc đã bị Tuyên bỏ rơi trong đớn đau và cô độc để chạy theo một người đàn bà khác, quyền thế hơn, giàu có hơn. Vậy mà, Lạc vẫn tin vào sự quyết định của mình. Bởi trong suy niệm của Lạc, trong tình yêu “Dù là người khôn ngoan duy lý đến đâu cũng không khỏi có một chút liều, một chút mù quáng và nhiều khi một chút điên nữa.”[23]. Như vậy, Lạc đã chọn lựa Tình YêuTình Yêu đã làm nên Thân Phận của Lạc chứ không phải phận số đã chọn lựa để làm nên Tình Yêu Thân phận của Lạc.

Trong Như cánh hoa rơi, chi tiết bất ngờ xuất hiện, lúc Miên nhận ra sự phản bội của Phong, khi Phong đã bí mật đến với Mây, người học trò mà Miên yêu quí và để lại trong Mây một mầm sống, dẫu rằng Phong đã chuẩn bị đám cưới với Miên. Đau khổ, bẽ bàng, thất vọng đến ê chề, Miên lặng lẽ quyết định xa Phong, để đi vào con đường gió bụi, chấp nhận cuộc đời của những “cánh hoa rơi”; Hay sự bất ngờ trong Bến Mê khi Lam “bắt gặp Phan cùng đứa em gái ruột thịt đang cùng nhau không một mảnh vải che thân, ngay chính giữa phòng khách nhà mình, cách Lam và hai đứa con chỉ một bức tường. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và đột ngột, đến nỗi Lam không kịp lẫn tránh” để rồi chính Lam phải đưa Linh, em gái của mình đi phá thai, nhưng khi người nữ hộ sinh tiến hành công việc thì “Lam lao thẳng đến bến bàn sản phụ, kéo Linh bật dậy. “Thôi về em” Cả hai chị em ôm nhau cùng òa khóc” [24]. Và sau đó Lam quyết định ly dị Phan rồi hành trình về phương Nam trên con tàu của cuộc đời mình mà ga đổ vẫn đang là ẩn số chưa có lời giải!?; Hay những chi tiết bất ngờ trong Đắng ngọt đàn bà, khi Vy tìm đến người tình cũ ở khách sạn với “nhu cầu dâng hiến, nhu cầu hưởng thụ bản năng…” và “đúng lúc thân hình Vy đang chín nẫu, mê muội nhất, thì anh nói nhỏ vào tai Vy, như xin phép: “cho anh nhé…” Vy giật thót mình. Anh nói gì? Giấc mộng chốn địa đàng chợt tan biến (…) Tấm thân nồng nẫy chợt rùng mình, co rúm lại, đờ đẫn lạnh băng…”[25]. Tuy không  được sống với tình yêu của mình nhưng Vy rất vui vì “cuối cùng, người đàn bà đức hạnh trong cô đã mỉm cười” và “thoát được mớ bòng bóng rối rắm của tình cảm thuở ban đầu đang ngún cháy” để “tôn thờ” tình yêu thủy chung đối với chồng thì Vy bất ngờ nhận được tin Văn đã “ra vào khách sạn với con Thuý bên đối tác” của công ty, “đã mua nhà riêng cho con nhỏ ấy rồi”[26]. Và việc gì đến tất sẽ đến. Vy quyết định ly hôn với Văn, lặng lẽ đi tìm một lối riêng cho cuộc đời mình. Ở Sinh, chi tiết bất ngờ là khi Sinh phát hiện mối quan hệ của Lâm, chồng mình với Thắm, người đàn bà nhờ mang thai hộ, vì Sinh không có khả năng sinh con. Nhưng khi Sinh quyết định ly dị chồng để ra đi, bất ngờ trên chuyến tàu vào Nam, Sinh phát hiện mình mang thai và Sinh tự vấn: “Điều ấy thật ư? Trớ trêu thay! Ông trời ơi! Sao ông nỡ đối xử với con như vậy. Sinh ôm mặt khóc. Nghẹn ngào sung sướng. Hối tiếc. Lo lắng. Không ngờ, cái xác suất ít ỏi mà bác sĩ từng nói, đã dành cho Sinh. Có thể chị thụ thai vào cái đêm nồng nàn ấy… ”[27]; Hay hàng loạt chi tiết bất ngờ ở các tác phẩm làm thay đổi số phận, từ đó thay đổi thân phận người đàn bà. Đó là sự xuất hiện của Mai trong Tiếng sáo người hát rong đã làm thay đổi cuộc đời Mai, người con gái có tấm lòng nhân hậu và đức hy sinh. Trong Vùng rừng sáng, sự xuất ngoại bất ngờ của Hồ Thoong khi anh quyết định đi tìm Pak, mang Pak về với mẹ con Seo đang ở vùng rừng núi để Seo thực hiện ước mơ khoa học và hạnh phúc gia đình của mình. Và cũng với môtíp như thế, trong Mùa cà phê hoa trắng, hành trình bất ngờ của Hồ Ruôn khi chàng bí mật theo Nhiên, khi Nhiên đi tìm Duy, người mình yêu và đã trao thân để bàn chyện đám cưới nhưng Duy đã chạy trốn. Thất vọng ê chề khi biết mình bị phụ tình, Nhiên quyết định tìm đến cáí chết thì Hồ Ruôn xuất hiện. “Hồ Ruôn vẫn giữ chặt nhiên trong vòng tay, từ tốn: “Về đi Nhiên, về với bản làng TaKai, với cha…” Nhiên buông thỏng hai tay, nhìn xuống cái bụng đã nhô lên dưới làn áo, nước mắt lưng tròng. Miệng liên tiếp lặp lại: “cậu biết thì làm được gì chứ!”, “Miềng làm được tất cả, Nhiên ạ, cả việc làm bố thằng bé trong bụng Nhiên…”[28].

Khác với sự xuất hiện bất ngờ của những tình tiết nói trên, một chi tiết nghệ thuật luôn ám ảnh tâm thức người đọc trong sáng tác của Nguyễn Thị Lê Na đó là hành trình của những chuyến tàu. Hình ảnh này không chỉ đơn thuần là chi tiết nghệ thuật mà còn là dự phóng mang cảm hứng sáng tạo của nhà văn mà truyện Trong khoang tàu chật là một xác chứng, ở đó chất chứa biết bao cuộc đời, bao thân phận, bao cảnh ngộ. Và trong khoang tàu này chuyên chở biết bao nhiêu vui buồn của kiếp nhân sinh: “Tiếng tàu vẫn xình xịch, xình xịch lướt qua đồng hoang. Cố át những âm thanh nhiều cung bậc trong khoang tàu chật. Ngoài cửa sổ con tàu, vội vã mùa đi nối tiếp. Mới màu xanh của cây trái đó, giờ là hoang tàn cỏ cháy. Nắng chói lóa không gian. Hai bên, tràm hoa vàng cằn cổi nở hoa, đơn lẻ, buồn bã, không ai buồn ngắm”.[29] Và cũng như sự trôi dạt của khiếp người trong cõi nhân gian trên chuyến tàu cuộc đời: “Con tàu lại chuyển bánh, sầm sập lao về phía trước, mang theo những tổ ấm gia đình nhỏ nhoi như những tổ chim mong manh trong gió bão…” [30]

Nếu trên khoang tàu này là một xã hội thu nhỏ với những thân phận, những cuộc đời hiện hữu thì ở từng truyện ngắn, hình ảnh mỗi chuyến tàu chuyên chở mỗi phận đời của từng thân phận đàn bà khi họ quyết định ra đi để tìm một bến đổ mới cho chuyến tàu của đời mình mà ở đó hạnh phúc có khi là những ảo ảnh. Đó là chuyến tàu của Lam trong Bến mê: “Chuyến tàu vào Nam chở ba mẹ con Lam cùng quyết tâm sắt đá. “Đón em nhé. Tàu SE2 chuyến 15h, Lam nhấn phím gởi đi hình dung ra gương mặt hạnh phúc của người ấy (…) Tiếng loa thông báo đoàn tàu sắp đến ga, Lam giật mình. Đến rồi ư? (…) Xuống đi. Dưới ba bậc tam cấp ấy là cuộc đời mới, là vườn địa đàng của tình yêu chị. Xuống thôi! (…) Và chợt người đàn bà yếu đuối an phận trong chị lên tiếng khẻ khàng: “Đây có thực là bến đổ của con tàu đời chị? (…) Tất cả đều có vẻ sắc sắc không không. Cho đến khi con tàu rùng mình chuyển bánh, Lam mới sực tỉnh. Nhưng đã muộn rồi. Con tàu tiếp tục hành trình về phương Nam…”[31]  Còn đây là hình ảnh chuyến tàu trong truyện Sinh: “Sinh xách valy ra đi. Con tàu ngập ngừng rời bến như muốn hỏi lại đã dứt khoát chưa? (…) Con tàu đưa Sinh đi ngay trong đêm. Như chạy trốn (…) Hai mẹ con dắt díu nhau xuống tàu. Cơn mưa kéo dài hơn hai hôm nay trời đã tạnh. Thành phố sau chừng ấy năm mình ra đi, có biết bao thay đổi. Nhưng con đường về ngôi nhà xưa vẫn như nâng bước chân líu ríu của hai mẹ con. Chị muốn con trai kịp nhìn thấy bố, trước khi vĩnh viễn tiễn biệt”[32]. Và, cũng là chuyến tàu nhưng nếu chuyến tàu của Lam trong Bến mê là một chuyến tàu đi tìm hạnh phúc mới nhưng chỉ là những sắc sắc không không và sẽ không có ngày trở về thì chuyến tàu trong cuộc đời Sinh là chuyến tàu ra đi trong khổ đau lặng lẽ nhưng trở về trong hạnh phúc cho dẫu hạnh phúc đó không trọn vẹn vì Lâm, chồng của Sinh đã đi xa mà không biết mình đã có cậu con trai với người vợ mình yêu quí. Và “Sinh lại ra tàu, nhưng việc trở ra lần này với cu An là một chuyến tàu khác…”[33]. Đó là chuyến tàu của những dang dở của hành trình sống trong đời một người đàn bà mà Lam đã lựa chọn.

Mặc dầu mới chỉ xuất hiện trên văn đàn với hai tập truyện mỏng manh, khiêm nhã như chính tính cách những người đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na nhưng không vì thế, truyện của chị lại thiếu đi sức nặng của cảm xúc, của tâm tưởng. Với sự nỗ lực lao động, sáng tạo và lòng yêu văn chương, truyện của Nguyễn Thị Lê Na đã để lại trong lòng người đọc những mỹ cảm cả về phương diện nội dung và nghệ thuật, trong đó, mỹ cảm sâu sắc nhất là những câu chuyện viết về Tình yêuThân phận đàn bà giàu tính nhân bản mà phải do chính người đàn bà viết văn mới thấu cảm và thể hiện sâu sắc, đúng chất đàn bà. Và, từ góc nhìn nữ quyền luận, cảm thức về Tình yêuThân phận trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na cũng là một tiếng nói góp phần đòi quyền sống, quyền được yêu, được hạnh phúc, được xác lập nhân vị của người đàn bà trong thiết chế xã hội mà không phải người đàn bà không còn gặp những bi kịch thân phận. Vì, nói như Mai Thảo:“Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết, bởi vậy là một phản ứng, một thái độ”[34]. Với quá trình nghiệm sinh của một nữ nhà văn trong hành trình yêu và sống, cảm thức về Tình yêuThân phận đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na được phản ảnh khá sinh động, tinh tế, phong phú. Xét trong dòng chảy của văn xuôi nữ Việt Nam đương đại, truyện của Nguyễn Thị Lê Na là những truyện đáng đọc, nếu chúng ta muốn hiểu hơn về Tình yêuThân phận đàn bà trong cuộc sống hiện nay, từ cây bút của một nhà văn nữ.

Viết về Tình yêuThân phân đàn bà trong xã hội hiện đại nhưng truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na còn đậm chất truyền thống, không chỉ trong tư tưởng mà ngay cả trong thi pháp truyện, Vì thế, để có thể đi xa hơn nữa trong hành trình sáng tạo, nhà văn cần có những bứt phá, tiếp cận với thi pháp văn xuôi hiện đại và hậu hiện đại. Và nếu không muốn lặp lại chính mình, nhằm xác lập chỗ đứng trong đời sống văn học, nên chăng, người viết cần lưu tâm đến việc đổi mới bút pháp, kiến tạo những diễn ngôn có chất triết luận với những thông điệp nhân sinh sâu sắc, giàu tính nhân văn, như thế mới chạm đến tâm cảm tiếp nhận của người đọc. Tôi tin và chờ mong những dự phóng sáng tạo độc đáo đang chờ chị ở phía trước…

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp,

Những ngày đại dịch Corona, 20/4/2020

T.H.A

 

[1] Kahlil Gibran – Mật Khải, Phan Bích Thủy dịch, Nxb. Hiện Đại, Sài Gòn, 1975, tr.7

[2] Kahlil Gibran – Mật Khải, Phan Bích Thủy dịch, Nxb. Hiện Đại, Sài Gòn, 1975, tr.21

[3]Vĩ ThanhBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.5

[4] Vĩ ThanhBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.14

[5] Như cánh hoa rơiBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.33

[6] Như cánh hoa rơiBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.27

[7] Tìm về bến trong –  Bến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.77

[8] Tìm về bến trongBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.78

[9] Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.10

[10] SinhĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.24

[11] LụaĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.80

[12] Lụa – Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.74

[13] Mùa cà phê hoa trắngĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.159

[14] Những khoảng cách còn lạiBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.105

[15] Mùa cà phê hoa trắngĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.160

[16] Hoàng Xuân Việt, Danh ngôn từ điển, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1972, tr.107

[17] Như cánh hoa rơi – Bến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.25 – 26

[18] Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.7

[19] Bến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.139

[20] Đắng ngọt đàn bà (Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.11

[21] Cơn bãoĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.119

[22] Một ngày vừa chớm thuĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.104

[23] Còn lại chút nàyBến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr. 44

[24] Bến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.149

[25] Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.11

[26] Đắng ngọt đàn bà (Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.16

[27] SinhĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.31

[28] Mùa cà phê hoa trắng – Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.174

[29] Trong khoang tàu chật  – Đắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.88

[30] Trong khoang tàu chậtĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr.93

[31] Bến Mê, Nxb. Thuận Hóa, 2007, tr.156 -157

[32] SinhĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr. 30 – 33

[33] SinhĐắng ngọt đàn bà, Nxb. Hội Nhà văn, 2019, tr. 30 – 33

[34] Bán Nguyệt san Văn số 206 ra ngày 15/7/1972, tr.2