Lễ hội Điện Huệ Nam – ‘Festival’ văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất cố đô Huế

507

Xuân Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau hai năm phải tạm dừng do đại dịch Covid 19, mới đây, Lễ hội Điện Huệ Nam đã được Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp Trung tâm Festival Huế và Ban bảo trợ điện Huệ Nam tổ chức theo nghi thức truyền thống.

Ban tổ chức đã tiến hành nghi lễ rước đường bộ xuất phát tại Thánh đường (352 Chi Lăng, TP. Huế) đi qua các tuyến đường trung tâm TP. Huế: Chi Lăng – Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn trước khi đến Nghinh Lương Đình với chiều dài gần 3km, tiếp đó ngược dòng Hương lên tập kết tại điện Huệ Nam (thôn Cát Hải – xã Hương Thọ – TX. Hương Trà) để tham gia lễ hội. Lần đầu tiên, Lễ hội Điện Huệ Nam đưa vào hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu trên đường bộ, tái hiện và xây dựng một carnival dân gian độc đáo và có quy mô lớn tại Festival Huế 2022.

Lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) là hoạt động sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian của một bộ phận dân cư xứ Huế nói riêng, cả nước nói chung. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào 2 dịp: tháng 3 (ngày 2, 3) và tháng 7 (ngày 8, 9, 10) âm lịch cùng một số hoạt động, như: đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan, lễ phóng sinh, phóng đăng, các làn điệu chầu văn xứ Huế.

Trước đó, theo kế hoạch dự kiến Lễ hội sẽ được diễn tra trong hai ngày (04/4 – 05/4/2022) tuy nhiên do diễn biến phức tạp của thời tiết, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh, Ban Tổ chức lễ hội Điện Huệ Nam tháng 3 năm Nhâm Dần quyết định rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội xuống còn một ngày (04/4/2022, nhằm ngày mùng 4 tháng 3 năm Nhâm Dần).

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Trưởng ban tổ chức lễ hội điện Huệ Nam năm 2022 cho biết: “Sau 51 năm, kể từ năm 1971, lễ hội lần này mới tổ chức trở lại lễ nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường bộ từ 352 Chi Lăng đến Nghinh Lương Đình với quãng đường hơn 3km, với sự tham gia của hơn 400 người. Đoàn rước bộ này đã tạo điểm nhấn đặc biệt, hình thức lễ hội cộng đồng. Tất cả đạo hữu, thánh đồng vô cùng ủng hộ, phấn khởi”.

Anh Nguyễn Hữu Cảnh, một tín đồ ở tỉnh Quảng Nam tham gia cho biết: “Là một người con của đất Việt, cá nhân em tự hào, đó là một niềm vinh dự về với đất mẹ Thánh mẫu. Tôn thờ đạo mẫu của mình, một nét đẹp của người Việt. Đạo nào thì cũng phải dạy mình con người làm tốt, làm đúng đời đẹp đạo và phải có tâm, có đức.”

Ban tổ chức cho biết để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường, bên cạnh yêu cầu các Bằng, Châu án cam kết phải có giỏ đựng rác, không đốt, rải vàng mã trên sông; cử lực lượng chèo ghe, thuyền thu gom rác thải trước, trong và sau lễ hội, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên tuần tra bằng ca nô, đồng thời xử phạt mạnh tay nếu phát hiện những ai vi phạm.

Ngoài ra còn có đội hầu bóng, những người phục dịch và đông đảo khách hành hương đi theo. Lễ hội Điện Huệ Nam còn có các hoạt động độc đáo khác như: Lễ Chánh tế, cầu nguyện Quốc thái dân an và Lễ Hoàn tạ… Hoạt động được đánh giá là tràn đầy màu sắc và sôi động, thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là “một Festival” văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô.


Lễ hội Điện Huệ Nam là dịp mà tín đồ và du khách cả nước có thể tề tựu để tôn vinh lòng hiếu hỉ đối với mẫu hệ, cũng là một nghi lễ văn hóa quan trọng góp phần vào những tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Ngoài các lễ chính, còn các lễ phóng sinh, phóng đăng, với các làn điệu chầu văn xứ Huế… thu hút nhiều thuyền ngược dòng sông Hương với lượng du khách rất đông đến từ các tỉnh trong cả nước về với lễ hội.

X.T