LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975

960

23.9.2017-19:00

Nhà phê bình Trần Hoài Anh

 

Khuynh hướng lý luận phê bình văn học

ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo

ở miền Nam trước 1975

            

TRẦN HOÀI ANH

 

NVTPHCM- Có hay không khuynh hướng lý luận – phê bình văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong nền lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, đó là những vấn đề đặt ra trong nội dung bài viết. Với cứ liệu từ những công trình lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, nghiên cứu về các tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ; Văn chương Hồ Biểu Chánh; Thơ Vũ Hoàng Chương ; Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; Của Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck và một số tác phẩm văn học khác… ở bài viết của các nhà lý luận – phê bình tiêu biểu: Thích Thiên Ân, Chơn Hạnh, Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Khuê, Thạch Trung Giả, Nguyễn Duy DiễnLê Hữu Mục, Tam Ích, Phạm Xuân Sanh, Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Khiếu Đức Long, Ngô Trọng Anh…, bài viết đã luận giải để khẳng định sự hiện hữu của khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong nền lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Sự có mặt của khuynh hướng lý luận – phê bình này đã tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng và tính sinh động của lý luận – phê bình văn học miền Nam trước kia cũng như góp phần tạo nên một trong những hệ giá trị của nền lý luận – phê bình văn học dân tộc hôm nay.

 

1. Có hay không một bộ phận văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo hiện hữu trong đời sống văn học dân tộc, có lẽ là vấn đề không cần luận bàn vì điều đó đã được xác quyết trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử văn học nước nhà, từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học hiện đại. Vì vậy, có hay không một khuynh hướng lý luận – phê bình văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong đời sống lý luận – phê bình văn học cũng là một vấn đề hiển nhiên. Bởi, một khi, trong sáng tác, các nhà văn đã xuất phát từ nền tảng tư tưởng Phật giáo để xây dựng các hình tượng văn học, nhằm chuyển tải những quan niệm nhân sinh của mình thì nhà phê bình, khi luận giải các hiện tượng văn học này, không thể, không lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ qui chiếu để giải mã các thông điệp được nhà văn gởi gắm trong tác phẩm. Bởi, quan hệ giữa sáng tác và lý luận – phê bình trong sáng tạo văn học là quan hệ hữu cơ, mang tính biện chứng. Vì vậy, Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển hạ) đã viết một chương về “Văn học tôn giáo” nhằm khẳng định một thực tiễn là đã có một nền văn học tôn giáo hiện hữu trong đời sống văn học dân tộc. Còn Võ Long Tê trong chuyên luận Lịch sử văn học Công giáo đã cho rằng: “Kể từ bốn trăm năm nay, đạo Công giáo đã du nhập xã hội Việt Nam, đem lại những ảnh hưởng sâu xa trong đời sống dân tộc chẳng khác gì tác động của Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo.”[1]

 

Như vậy, trong quan niệm của các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam, “văn học tôn giáo”, trong đó có bộ phận văn học Phật giáo là một thành tố không thể thiếu của nền văn học dân tộc. Bộ phận văn học ấy không chỉ có sáng tác mà còn có cả lý luận – phê bình văn học và tồn tại trong đời sống văn học ở miền Nam như một thực thể sinh động, phong phú chi phối sâu sắc đời sống văn học ở miền Nam trước 1975 trên nhiều phương diện trong đó có phương diện triết học và mỹ học tiếp nhận.

       

2. Trong giai đoạn 1954 -1975, miền Nam không chỉ là một xã hội đa văn hóa mà còn là một xã hội đa tôn giáo. Sự khủng hoảng niềm tin, lý tưởng, sự hoài nghi cuộc sống, khiến con người tìm đến tôn giáo như một điểm tựa tinh thần để làm dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu trong chiến tranh. Tôn giáo, vì thế, cũng là một lực lượng chi phối đời sống xã hội trong đó có văn học. Vì vậy, nhiều phe nhóm chính trị dựa vào tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để tạo thanh thế. Sự chi phối của tôn giáo đối với văn học không chỉ ở mặt tư tưởng mà còn ở mặt tổ chức đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ lý luận phê bình. Võ Phiến, khi bàn đến mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học ở miền Nam giai đọan 1954 – 1975 đã viết: “Hãy khoan nói tới những con số tân tín đồ của các tôn giáo lớn vào các thập niên 50, 60, đến các tỷ số gia tăng cao khác thường của tín đồ cũng như của các giáo đường, chùa chiền trong khoảng thời gian này, hãy khoan nói đến những biểu dương lực lượng tôn giáo cực kỳ lớn lao trong các cuộc tranh đấu chống chính quyền, các cuộc đấu tranh giữa tôn giáo với tôn giáo trong thời gian này… Chỉ để ý một chút đến cái bóng dáng của tôn giáo trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lúc bấy giờ đã thấy nó đặc biệt đến chừng nào rồi. Hồi tiền chiến chỉ có một Hàn Mặc Tử cầu nguyện chúa mà đã làm náo động cả làng thơ: ai cũng chú ý đến hiện tượng tôn giáo này. Sau 1954 ở miền Nam không phải chỉ có một con chiên hay những con chiên mà có nhiều kẻ chăn chiên xông pha tích cực trong làng văn, làng báo, đồng thời ở phía Phật giáo cũng có bao nhiêu là tu sĩ, cao tăng múa bút trổ tài nào những Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, những Thạch Trung Giả, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ… ấy là chưa kể những nhà văn, nhà thơ, những học giả không phải là tu sĩ viết về phật giáo như: Trần Ngọc Ninh, Nghiêm Xuân Hồng, Quách Thoại, Lê Văn Siêu… Bên cạnh Thiên chúa giáo các linh mục Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Kim Định… đều là những cây bút dồi dào, có ảnh hưởng rộng. Các đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo đều có những viện đại học riêng (Thiên chúa giáo và Phật giáo đã có trước những viện qui mô lớn). Nguyễn Văn Hầu viết về triết lý đạo Hòa Hảo, Hồ Hữu Tường viết về đạo Bửu Sơn, Kỳ Hương… Chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng không vô lý chính vì thiếu niềm tin, vì khủng hoảng tin tưởng cho nên người ta mới cần khẩn cấp tìm đến các tôn giáo, mới hấp tấp tra hỏi các triết thuyết”[2]. Và những gì Võ Phiến đã nói ở trên cho thấy các loại hình tôn giáo đã trở thành một trong những nhân tố chi phối đời sống văn học, trong đó có lý luận – phê bình mà biểu hiện rõ nhất là sự hình thành các khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng của tư tưởng các tôn giáo ở miền Nam 1954 -1975, trong đó có  Khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo.

   

Thật vậy, cùng với Nho giáo và Lão giáo, tư tưởng Phật giáo là một trong ba tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc trong văn học dân tộc. Song, là một tôn giáo được phổ biến sâu rộng, tư tưởng Phật giáo là hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, là tôn giáo có sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Ở miền Nam, giai đoạn 1954 -1975, Phật giáo có những bước thăng trầm. Thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm thống trị, Phật giáo luôn bị đàn áp. Cho nên, Phật giáo lúc này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo mà còn tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội trong đó có văn học. Tạp chí Tư Tưởng, cơ quan ngôn luận của Viện Đại học Vạn Hạnh, một cơ sở đào tạo đại học do Phật giáo quản lý, là nơi tập hợp những người viết văn, những nhà phê bình theo tư tưởng Phật giáo như: Thích Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Nguyễn Đăng Thục, Lê Mạnh Thát, Chơn Hạnh, Thạch Trung Giả… Chính vì vậy, có nhiều tác phẩm phê bình văn học, lấy tư tưởng phật giáo làm hệ qui chiếu để đánh giá các hiện tượng văn học như: Chân dung Nguyễn Du (Nhiều tác giả, Nam Sơn xb,1960); Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiềucủa Thích Thiên Ân (Đông Phương xb, 1966); Văn học sử Phật giáo của Cao Hữu Đính, (Minh Đức xb, 1971); Thế giới thi ca Nguyễn Du của Nguyễn Đăng Thục (Kinh Thi xb, 1971); “Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca Việt Nam” (Phạm Xuân Sanh, Đại học số 9/1959); “Bóng trăng thiền với Nguyễn Du” (Nguyễn Đăng Thục, Tư tưởng số 8 /1970); “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo” của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 8 /1970); “Đạo Phật với văn học và nghệ thuật” của Thích Minh Châu (Tư tưởng số 3, 5/1972); “Tinh thần Phật giáo trong văn học Việt Nam” (Thạch Trung Giả, Tư tưởng số 3, 5/1973); “Sự thích ứng giữa tư tưởng Phật giáo với tinh thần dân tộc qua một số tư liệu văn học” của Khiếu Đức Long (Tư tưởng số 2/1974)… Tư tưởng Phật giáo được vận dụng vào lý luận – phê bình văn học là quan niệm nhân sinh trong triết học của Phật giáo với các phạm trù như: nhân quả, luân hồi, tứ diệu đế, từ bi, duyên nghiệp… Và như vậy, tinh thần triết lý Phật giáo đã trở thành một hệ qui chiếu, một chuẩn thẩm mỹ, một hệ mỹ học để đánh giá, phẩm bình giá trị của tác phẩm văn học. Vì vậy, ở các công trình lý luận – phê bình văn học, ta thấy xuất hiện lớp từ Phật học được các nhà lý luận – phê bình sử dụng như một hệ mỹ học để luận bàn như: từ bi, hỷ xả, nhân quả, nghiệp chướng, duyên phận,khổ đế, vô thường, tham dục, tham, sân, si, luân hồi… Chẳng hạn ở bài viết Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo (Tư tưởng số 8 /1970) khi lý giải về những nỗi đau khổ trong suốt mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của đời Kiều, Chơn Hạnh không cho nguyên nhân đau khổ của Kiều là do xã hội tạo nên mà từ góc nhìn của triết lý Phật giáo Chơn Hạnh cho rằng: “Nếu Khổ Đế của Phật giáo là chân lý nói về cơ cấu khổ đau của con người: oán tăng hội (thù oán mà phải gặp gỡ), ái biệt ly (yêu thương mà phải chia lìa), cầu bất đắc (cầu mong mà không thể được), vân vân, thì hình ảnh Thúy Kiều qua mười lăm năm long đong chính là hình ảnh của Khổ Đế. Kết thúc truyện Kiều bằng hành động trầm mình của nàng Thúy có nghĩa là thú nhận sự thất bại của con người và đồng thời, sự nghiệt ngã tất của Khổ Đế dưới hình thức số và mệnh”[3]. Còn Thích Thiên Ân, trong tác phẩm Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều (Đông Phương xuất bản 1966) khi khẳng định giá trị của truyện Kiều ông cho rằng ngoài vẻ đẹp của “ngôn ngữ hoa lệ văn chương thẩm mỹ, ý tứ thâm trầm”, Cao xa hơn nữa, Nguyễn Du đã dùng truyện Kiều để diễn đạt một quan niệm triết lý nhân sinh, một giá trị triết học tôn giáo. Theo chúng tôi, điểm đặc sắc của truyện Kiều là ở chỗ đó”[4]. Và để lý giải ý nghĩa nhân sinh trong truyện Kiều, Thích Thiên Ân cho rằng: “Khi đọc truyện Kiều dù tâm hồn có sắt đá bao nhiêu ta cũng không thể dằn lòng mà không rung cảm, thương cho nàng Kiều vì “tài ba bạc phận”, thương cho Nguyễn Du “sinh bất phùng thời”, thương cho ta, thương cho những người đã sinh ra trong cuộc đời phù du ảo mộng !… Lòng thương ấy là gì, nếu không phải là chữ “Nhân” của Khổng Tử, Chữ “Kiêm ái “của Mặc Tử, chữ “Bác ái” của đức Chúa và chữ “Từ bi” của đức Phật?”[5]. Tuy nhiên theo tác giả “Đứng về khía cạnh triết học tôn giáo, chúng ta thấy: tư tưởng triết học nổi bật nhất trong Truyện Kiều là tư tưởng triết học của Phật giáo”[6]. Vì vậy, khi giải thích 4 câu thơ mở đầu truyện Kiều:

 

                                            Trăm năm trong cõi người ta

                                    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

                                           Trải qua một cuộc bể dâu

                                  Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

 

Thích Thiên Ân cho rằng: “Nguyễn Du đã phát họa trước mắt ta một cảnh đời đau thương áo não của những vô thường biến đổi, những thăng trầm vinh nhục, những bãi biển nương dâu của cuộc đời. Vì thế đã sinh ra kiếp người không ai có thể tránh khỏi cảnh vô thường, đau khổ và chết chóc”[7].

    

Và cũng theo Thích Thiên Ân, nguyên nhân nỗi khổ của Thúy Kiều khổ là do nàng còn mang nặng “tham, sân, si, là mê mờ dục vọng, nói vắn tắt là vì cái tâm tham dục chấp trước của con người. (…) Cái tâm tham dục chấp trước ấy hiểu một cách phổ thông tức là “tình dục” của con người. Vì “tình dục” nên đã làm cho Thúy Kiều và Kim Trọng yêu thương, lưu luyến và chờ đợi nhau:

 

                                               Sông tương một giải nông sờ

                                          Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.

Và cũng vì “tình dục” nên đã đưa nàng Kiều vào vòng lao lý truân chuyên, nhớ nhung đau khổ”[8].  

 

Có thể nói, việc vận dụng triết lý Phật giáo như một hệ qui chiếu để luận bàn, giải mã giá trị nội dung, tư tưởng truyện Kiều và thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Du là vấn đề có tính phổ quát trong cảm hứng mỹ học của lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Vì thế, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, lý giải về kiếp sống bị đọa dày, vùi dập của Kiều, Phạm Thế Ngũ đã viện dẫn tư tưởng “duyên – nghiệp”của Phật giáo khi cho rằng: “Kiều phải đày đọa vào kiếp đoạn trường không phải chỉ vì tài mệnh tương đố mà cũng bởi cái nghiệp của nàng đã hình thành từ kiếp trước. Có lẽ nhân quả, có duyên nghiệp tức là có khả năng biến cải, có tự do cho con người. Do đó mà có sự cân phúc cân tội để đi đến sự cứu vớt ở sông Tiền Đường”[9]. Không chỉ có Phạm Thế Ngũ mà Thanh Lãng cũng giải thích những đau khổ của Kiều trên cơ sở của thuyết nhân quả nghiệp báo khi cho rằng: “Kiều là một tiểu thư tài sắc tuyệt vời mà cuộc đời đã trải qua bao lưu lạc, duyên phận hẩm hiu. Tại sao không làm gì nên tội mà Kiều phải đoạn trường như vậy? Để giải quyết tác giả mượn thuyết luân hồi và nghiệp báo của đạo Phật, uyên nguyên của mọi đau khổ trên đời chính là sự chuyển biến bất diệt nơi vạn vật cứ sinh ra để rồi chết, chết để rồi lại tái sinh không ngừng. Cái kiếp sinh sinh tử tử ấy, không phải vô cớ, cuộc sống hiện tại đối với kiếp trước là kết quả và đối với kiếp sau, nguyên nhân. Bởi có nghiệp báo nên có luân hồi và ngược lại, luân hồi đòi nghiệp báo. Đau khổ đoạn trường chỉ là kết quả tất yếu do đó đi ra. Thúy Kiều long đong đoạn trường là để trả nợ và rửa tội kiếp trước”.[10] Còn Thạch Trung Giả cũng xuất phát từ triết học nhà Phật khi cho rằng, tư tưởng Phật giáo thể hiện trong truyện Kiều ở chỗ: “Nguyễn Du không những cho các nhà tu như Giác Duyên, Tam Hợp, Đạo Cô, đóng vai trò đáng kể trong truyện mà còn giải thích nguyên nhân sự trầm luân và giải thoát của đời Kiều với quan niệm Phật giáo”[11]. Không chỉ dựa vào hệ qui chiếu của tư tưởng Phật giáo khi nghiên cứu truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam còn chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng Phật giáo với Nho giáo, Lão giáo và điều này được Thích Thiên Ân luận giải qua vấn đề nhân quả nghiệp báo của đời Kiều khi cho rằng: “Quan niệm nhân quả nghiệp báo của Nguyễn Du không chỉ ảnh hưởng với thuyết “nhân quả nghiệp báo” của Phật giáo mà còn ảnh hưởng mật thiết với thuyết “Thiên mệnh” của Nho giáo nữa. Thật vậy, chữ “Trời” trong truyện Kiều có nhiều nơi cụ Nguyễn Du đã thay thế cho chữ “Thiên mệnh” của nho học và cũng có lúc thay thế cho chữ “Nhân quả” của Phật học”[12].

   

Và để xác quyết giá trị triết lý của truyện Kiều trong văn hóa Việt, một triết lý mà theo Thich Thiên Ân là “triết lý nhân bản truyền thống bất khuất của các dân tộc Á Đông?, tác giả đã khẳng định: “tác phẩm đã vượt lên trên tất cả những quan niệm chật hẹp tầm thường của đương thời để thể hiện một tinh thần tổng hợp linh động của các nền tư tưởng Đông phương là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Ba nền triết học Phật Lão Nho ấy đã dung hòa đẹp đẽ trong công cuộc đúc kết thành sắc thái đặc biệt và phong phú của nền văn hóa Việt Nam với mấy nghìn năm lịch sử. Chính sắc thái này đã tạo ra truyền thống dung hòa nhưng không nô lệ, mền dẻo nhưng bất khuất của dân tộc Việt Nam trải qua bao cuộc chống xâm lăng, dành độc lập của Ông cha chúng ta từ xưa và ngay cả thế hệ của chúng ta bây giờ nữa”[13].

      

Đồng quan điểm với Thích Thiên Ân trong việc nhìn nhận sự dung hợp giữa tư tưởng Nho, Phật, Lão trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Thạch Trung Giả trong Văn học phân tích toàn thư, phần trình bày về tư tưởng của truyện Kiều cũng cho rằng: “Đoạn Trường Tân Thanh là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ có luận đề, đề đó là thuyết “Tài mệnh tương đố” mà thuyết này là một trường hợp của thuyết “Định mệnh” (…)  Nhưng sự thực chúng ta phải nhận thấy quyển Kiều là một mớ hỗn tạp đủ tất cả mọi tư tưởng: Tư tưởng Phật giáo; Tư tưởng Định Mệnh; Tư tưởng nhà nho”[14].    

 

Không những thế, trong bài viết “Hệ thống tam giáo trong Truyền kỳ mạn lục” (Tư Tưởng số 3 tháng 5/1972), Thạch Trung Giả còn cho rằng 20 truyện ngắn tạo thành tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Vì vậy, khi phê bình những tác phẩm đó, phải căn cứ vào tư tưởng của ba tôn giáo này thì mới hiểu được giá trị của chúng. Bởi lẽ, “Tính chất tam giáo đồng qui hoặc cộng tồn ấy thường thấy rõ trong văn học” [15]. Đây cũng là cơ sở, Nguyễn Sỹ Tế dựa vào để lý giải tính chất phức cảm trong hồn thơ Nguyễn Khuyến, một hồn thơ thấm đẫm triết học phương Đông mà rõ nhất là ảnh hưởng của Nho giáo và Lão giáo. Còn khi phê bình hai câu thơ “Trăm năm là ngắn/ một ngày dài ghê” của Tản Đà, Thạch Trung Giả cho rằng: “Tuy hai nhưng đúc lại chỉ có một lẽ nhân sinh mộng ảo, ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và Phật giáo”[16].

     

Không những vận dụng tư tưởng Phật giáo trong phê bình Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà lý luận – phê bình còn vận dụng tư tưởng Phật giáo làm cơ sở triết mỹ lý giải nhiều hiện tượng văn học khác. Chẳng hạn, khi phê bình tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê cho rằng tư tưởng Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành động của các nhân vật: “Trong Thầy Thông Ngôn, sau khi bị vợ làm nhục, vỡ mộng giàu sang, thầy Thông Phong đêm nằm nghe tiếng chuông chùa mà não nề, thế sự, nhận thấy đời là vô thường, vinh hoa phú quý tan như bọt nước, rã như chòm mây”[17]. Còn Nguyễn Đình Tuyến, khi phê bình thơ Vũ Hoàng Chương cho rằng, thơ Vũ Hoàng Chương hấp thụ nhiều tinh hoa của văn hóa Đông, Tây nhưng nền văn hóa Đông phương với tất cả vẻ đẹp huyền bí và thâm sâu đã lấn át văn hóa phương Tây. Trong thơ Vũ Hoàng Chương “Thuyết luân hồi của Phật giáo đã ám ảnh nhà thơ một cách sâu sắc. Và có lần người ta đã đua nhau nhìn nhận tác giả Lửa từ bi là nhà thơ Phật giáo, điều ấy căn cứ vào giấc mộng luân hồi tràn ngập trong thơ Vũ Hoàng Chương:

 

                                    “Ngơ ngác luân hồi mấy thuở

                                     Mộng ra bay hề cánh ta trôi

                                    Bể Nam mù tịt không mà có

                                    Hay có mà không dị điểu di18]

 

Trong thẩm bình văn chương Tự lực Văn đoàn, các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 cũng xuất phát từ tư tưởng Phật giáo để luận giải vấn đề “ái tình và tôn giáo” trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng mà theo Nguyễn Duy Diễn, Khái Hưng “đã hạ thấp triết lý của nhà Phật xuống và nâng cao Ái tình lên một mức độ “không thường” để tạo thành một thứ mà chúng ta tạm gọi là “Ái tình – Tôn giáo” hay ngược lại “Tôn giáo- Ái tình”. Nhưng theo triết lý của Phật giáo thì chúng sinh, muốn tự giải thoát khỏi trầm luân để tiến tới niết-bàn, việc cốt cán là phải diệt (dứt bỏ) “thập nhị nhân duyên…[19]. Bởi, trong quan niệm của Nguyễn Duy Diễn, ái tình và tôn giáo không thể dung hòa được. Sự lựa chọn hiện sinh ấy buộc chúng ta phải biết buông bỏ cái cần buông bỏ và chọn lựa cái cần chọn lựa. Vì khi lòng ta vẫn còn nặng khối tình thì không thể nào tìm thấy sự an nhiên và sự giải thoát nơi cửa thiền. Vì vậy, theo Nguyễn Duy Diễn lối giải quyết của Khái Hưng là “dung hòa, chiết trung”, “… đem triết lí giải thoát hòa hợp với Ái Thủ là một sự mâu thuẫn trầm trọng.”[20] Và để lý giải nguyên nhân của sự “chiết trung” ấy, Nguyễn Duy Diễn đã luận giải bằng cách đặt ra một giả định, khi cho rằng:“Phải chăng vì thấy triết lý giải thoát của Phật Giáo quá ư cao siêu, “xa loài người” nên tác giả cố đề ra một triết lý Phật Giáo mới thích hợp với tình cảm của con người hơn chăng?”[21]

Vì vậy, khi luận bàn về giá trị nội dung Hồn Bướm Mơ Tiên, Nguyễn Duy Diễn xác quyết rằng: “Trước hết cần phải nói ngay là nội dung truyện Hồn Bướm Mơ Tiên trên đây chỉ là kết quả của một bộ óc giầu tưởng tượng và quá ư thi sĩ. Có lẽ tác giả, nhân khi đọc truyện Quan Âm Thị Kính, đã nảy ra ý tưởng viết truyện Hồn Bướm Mơ Tiên trên đây chăng? Rất có thể! Vì những sự việc mà tác giả phô diễn, tuy rất khéo léo, nhưng vẫn chỉ là những sự việc gần như không thể có trong cuộc đời thực tại của chúng ta. Đã thế, những tình tiết trong truyện đều nhất nhất do tình cảm xô đẩy.”22]

 

Chính vì vậy, Nguyễn Duy Diễn cho rằng cuộc chiến đấu giữa tôn giáo và ái tình trong con người Lan vẫn ở trong thế giằng co của một cuộc chiến đấu bất phân thắng bại. Lan không sa ngã trước chốn bụi trần nhưng nàng cũng không hoàn toàn diệt được ái tình nên dù rằng: “Người ta chờ đợi một sự sa ngã thông thường, hợp lý của nàng trước tình yêu đối với Ngọc. Nhưng trái lại, Lan đã cố vùng dậy để níu lấy tôn giáo, dùng đó làm một “căn cứ điểm” để tự vệ. Tới đây người ta lại chờ đợi một sự chiến thắng vẻ vang của Lan như đức Phật xưa kia là diệt được “ái”. Nhưng cuối cùng thì Lan lại đem phối hợp Tình yêu với Phật giáo nghĩa là Lan vẫn tu ở chùa, vẫn cố tìm sự giải thoát khỏi luân hồi mà đồng thời lại vẫn yêu Ngọc một cách tha thiết”23]. Nghĩa là Lan vẫn tiếp tục “bơi” trong hai dòng tâm tưởng của “Tôn giáo và Ái tình” và chấp nhận nó như một lựa chọn của hiện hữu. Tính chất “chiết trung” này, phải chăng cũng là một lẽ sống mang nặng bản sắc văn hóa Đông phương!?…

     

Như vậy, Khái Hưng phải chọn giải pháp dung hòa: Lan vẫn sống lặng lẽ trong cảnh tịch liêu, dưới cặp mắt từ bi của Đức Như Lai. Còn Ngọc thì vui vẻ trở về tiếp tục công việc học tại trường Mỹ Thuật. Họ chỉ gặp nhau thoáng qua, nhưng để vọng tưởng tới nhau rất nhiều trong một tình yêu hoàn toàn trong sạch, lý tưởng.24] Giải pháp về sự dung hòa giữa ái tình và tôn giáo trong tác phẩm của Khái Hưng cũng được Lê Hữu Mục đồng tình và cho đây là một hệ giá trị trong nội dung tư tưởng ở Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Bởi, theo ông: Thứ nhất:“ái-tình chân-chính cũng như tôn-giáo chân-chính không bao-giờ xung-khắc nhau. Ái-tình ràng-buộc hai người trong một sinh-hoạt hướng đến một mục-đích cao-quý. Quan-niệm ái-tình xác-đáng ấy sẽ tăng-cường hiệu-lực của tôn-giáo trong đời sống của một cá-nhân…”[25]. Thứ hai: “Dung-hòa tôn-giáo và ái-tình, Khái-Hưng làm cho tôn-giáo đỡ phần khắc-khổ, nhờ đấy có tính-cách nhân loại-hơn, đồng-thời cũng nâng-cao ái-tình lên khỏi địa-vị thấp-kém mà người ta thường gán lầm cho nó.” [26]

 

Và để thuyết phục người đọc về những điều luận giải của mình về việc dung hòa giữa tôn giáo và ái tình trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Lê Hữu Mục đã biện giải vấn đề trên cơ sở triết lý của Phật giáo, nhưng đó là một triết lý Phật giáo mang tư tưởng nhập thế, gần với cuộc đời, khi cho rằng: “Ý-định của Khái-Hưng là dung-hòa chủ-trương của Phật-giáo với những nhu-cầu tình-cảm tự-nhiên của con người. Nhờ phương-tiện diệt-dục, Phật-giáo đưa con người đến Nát-bàn, nhưng Phật-giáo cũng chủ-trương từ-bi, chủ-trương một tình-yêu-cao-cả-rộng-lớn giữa loài người, giữa loài người và muôn vật. Điểm thứ hai này thích-hợp với chủ-trương dung hòa của Khái Hưng hơn, vì thế ông quan-niệm như Ngọc rằng hạnh-phúc chỉ ở ái-tình, đó là Nát-bàn, nghĩa là yêu nhau mà vẫn có thể tới Nát-bàn được, Nát-bàn ở ngay trong lòng trần-gian. Chủ-trương này sẽ được tác-giả nhắc lại một lần nữa trong kịch-phẩm Tục-Lụy, xuất-bản 4 năm sau.”[27]

       

Thấm nhuần triết lý nhà Phật, nhưng cũng thấm thía đủ mùi vị đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời trong cõi nhân sinh “đầy nước mắt chúng sinh” này, Lê Hữu Mục tin và hiểu rằng Phật giáo: “có cả một lý-thuyết tứ diệu-đế, thập-nhị nhân-duyên cùng đời sống cao-thượng của Phật-tổ để làm phương-châm cho sự giải-thoát.”28]Ông cũng giải thích tại sao Khái Hưng lại chủ trương dung hòa ái tình với tôn giáo vì: “Đời sống khắc-khổ của Phật-giáo không cho phép cá-nhân được sống một cuộc đời tự-nhiên. Tất cả mọi tình-cảm đều phải loại-trừ. Người xuất-gia tu-hành phải giữ tâm-hồn và nét mặt thản-nhiên, bình-tĩnh trước những sự thương-ghét của người đời. Nhưng tất cả vẻ lãnh-đạm ấy không khỏi làm cho Khái-Hưng hoài-nghi. Ông không tin rằng tâm-hồn con người có thể lạnh-nhạt với ái-tình”29]. Như vậy, khi luận bàn về nội dung của Hồn bướm mơ tiên mà cụ thể là vấn đề “Ái tình và Tôn giáo”, Nguyễn Duy Diễn và Lê Hữu Mục cũng dựa vào triết lý của Phật giáo làm cơ sở mỹ học để biện minh cho những luận giải của mình.

      

Thật vậy, ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong văn học dân tộc, trong đó có lý luận – phê bình là một vấn đề quá rõ ràng luôn hiện hữu trong đời sống văn học. Phạm Xuân Sanh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa tư tưởng Phật giáo với thi ca Việt Nam qua khảo sát các hiện tượng văn học, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, từ văn chương trung đại đến văn chương hiện đại đã khẳng định rằng: “Bàn đến đạo Phật và thơ ca Việt Nam thật chúng ta khó lòng nói hết mối tình huynh đệ đầy nghệ thuật đã đượm nồng từ mấy nghìn năm và đã nẩy nở dồi dào theo chiều tiến triển oai hùng của lịch sử dân tộc.”30]

    

Ngoài việc ứng dụng các phạm trù tư tưởng Phật giáo làm cơ sở mỹ học luận bình các hiện tượng văn học trong nước, các nhà lý luận – phê bình còn vận dụng triết học Phật giáo để luận bàn các tác phẩm văn học nước ngoài. Chẳng hạn, Tam Ích khi phê bình tác phẩm Của Chuột và Người (Of Mice and Men) của John Steinbeck, trong bài viết “Chuột, Người và hạnh phúc” (Ý Văn 1, Lá Bối xb, 1967, tr.159-172) đã vận dụng quan niệm nghiệp chướng của Phật giáo để lý giải vấn đề hạnh phúc và định mệnh của con người qua số phận các nhân vật trong tác phẩm. Không những thế, để hiện đại hóa tư tưởng Phật giáo, các nhà lý luận – phê bình còn đối sánh tư tưởng Phật giáo với triết học phương Tây mà rõ nhất là chủ nghĩa hiện sinh, để tìm những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng như các bài “Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heidegger và Phật giáo” (Chơn Hạnh, Tư tưởng số1/8/1967); “Đức Phật và Nietzsche” (Chơn Hạnh, Tư tưởng số 5-1/9/70); “Nietzsche và Mật tông” (Ngô Trọng Anh, Tư tưởng số 5-1/9/70)…Vì vậy, khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo là một trong những khuynh hướng lý luận – phê bình có ảnh hưởng sâu rộng trong sáng tác cũng như lý luận – phê bình văn học ở miền Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong diện mạo lý luận – phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975 cũng như diện mạo nền lý luận – phê bình văn học nước nhà hôm nay.

     

3. Khuynh hướng lý luận – phê bình ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong nền lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 là một thực thể không thể phủ nhận. Cùng với các khuynh hướng phê bình khác, khuynh hướng lý luận – phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo đã góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của diện mạo lý luận – phê bình văn học ở miền Nam 1954 -1975. Song, cũng như các khuynh hướng lý luận – phê bình khác, khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo cũng có những mặt tích cực và hạn chế khó tránh khỏi mà người làm lý luận – phê bình cần nhận thức rõ trong quá trình vận dụng để thẩm định, bình giá các hiện tượng văn học.

      

Khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo tạo một cơ sở triết mỹ giúp các nhà lý luân – phê bình luận giải những hiện tượng văn học vốn được sáng tác dưới ánh sáng tư tưởng Phật giáo mà nếu quy chiếu từ hệ mỹ học khác, chắc chắn sẽ không làm rõ được giá trị tư tưởng trong nội dung tác phẩm. Không những thế, sự hiện hữu của khuynh hướng lý luận – phê bình này đã cho thấy sự đa dạng cũng như làm rõ hơn sự phân hóa trong đời sống lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Và từ đây, cũng mở ra những hướng nghiên cứu mới giúp người tiếp nhận có thêm những hệ hình mỹ học để cảm thụ, luận bàn, giải mã, tác phẩm văn học. Như thế, lý luận – phê bình văn học mới có thể tiệm cận hơn với chân giá trị của nghệ thuật và đời sống. Mặt hạn chế dễ nhận thấy của khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo hay khuynh hướng lý luận – phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo khác là do nhiều khi quá đề cao tư tưởng triết học duy tâm thần bí của tôn giáo, nhà lý luận – phê bình có thể dẫn đến tư tưởng cực đoan, khi siêu hình hóa các hiện tượng văn học, không thấy được mối quan hệ nhiệm mầu giữa văn học và hiện thực cuộc đời vốn là một yếu tính trong phương thức phản ánh của văn học. Bởi lẽ, văn học dù được qui chiếu từ điểm nhìn triết mỹ nào, nhà lý luận – phê bình cũng phải thấy được căn tính làm nên giá trị của các sáng tác văn học đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời. Vì cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến, trở về của  văn học. Tư tưởng Phật giáo, sở dĩ đã trở thành một phần không thể thiếu của văn học dân tộc và luôn đồng hành với văn hóa dân tộc, phải chăng cũng vì sự gắn bó của nó với cuộc sống chúng sinh giữa cuộc đời mà Đức Phật đã dạy :“Đời là bể khổ. Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước bể!” Và, tinh thần nhập thế của Phật giáo cũng là một hệ giá trị để xác tín rằng tư tưởng Phật giáo luôn gắn bó với hiện thực cuộc đời và những sáng tác văn học chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo cũng luôn mang trong đó hơi thở của cuộc sống con người, cần được các nhà lý luận – phê bình thấu cảm và thức nhận khi luận giải, thẩm bình các hiện tượng văn học từ sự quán chiếu tư tưởng nhân sinh của triết học Phật giáo…

 

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 27.10.2016

 

___________

 

[1] Võ Long Tê, Lịch sử văn học Công giáo tập 1, Nxb Tư Duy, Sài Gòn,1965, tr.35

[2] Võ Phiến, Hai mươi năm Văn học miền Nam (1954-1975), Nxb Văn Nghệ, CA, USA, 1987, tr.120

[3] Chơn Hạnh, “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo, Tư tưởng số 8/1970, tr.88

[4] Thích Thiên Ân, Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xuất bản, Sài Gòn, 1966, tr. 28

[5] Thích Thiên Ân Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xuất bản 1966tr.29

[6] Thích Thiên Ân, Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xuất bản 1966 tr.30

[7] Thích Thiên Ân, Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xuất bản, Sài Gòn, 1966,  tr.33

[8] Thích Thiên Ân, Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều Đông Phương Xuất bản 1966, tr.46

[9] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 2, Nxb Quốc học Tùng thư, Sài Gòn, 1962, tr.365

[10] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng), Nxb Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr.687

[11] Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1973, tr.372

[12] Thích Thiên Ân Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều Đông Phương Xuất bản 1966 tr.60

[13] Thích Thiên Ân Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều Đông Phương Xuất bản, Sài Gòn, 1966 tr.88,89

[14] Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Lá Bối xb., Sài Gòn, 1973, tr.339, 371

[15] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 2, Quốc học, Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1962 tr. 42

[16] Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn,1973 tr. 504

[17] Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr.257

[18] Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay 54 – 64, Nxb. Nhà văn Việt Nam, Sài Gòn, 1967, tr. 218

[19] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958, tr.103

[20] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958, tr.103

[21] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958, tr.103, 104

[22] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958, tr.88

[23] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958, tr.99

[24] Nguyễn Duy Diễn, Luận đề về Tự lực văn đoàn, Nxb. Thăng Long, Sài Gòn, 1958,  tr.23

[25] Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1960, tr.35

[26] Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1960, tr.35

[27] Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1960,  tr.19

[28] Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1960, tr.29

[29] Lê Hữu Mục, Khảo luận về Khái Hưng, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1960, tr.30

[30] Phạm Xuân Sanh, “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Đại Học số 9/1959, tr.47

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…