Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng – Kỳ 6

883

27.8.2016-20:20

 Nhà văn Đỗ Kim Cuông

 

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 5

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 4

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 3

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 2

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 1

 

TRANG TRẠI HOA HỒNG

(Kỳ 6)

 

TIỂU THUYẾT CỦA ĐỖ KIM CUÔNG

 

III

NHỮNG ĐÊM TRẮNG

 

1

NVTPHCM- Cha tôi mất vì bệnh ung thư phổi.

 

Đang khoẻ mạnh bình thường, chỉ một cơn đau nhẹ rồi ông nằm hẳn. Dấu hiệu ban đầu là những cơn ho húng hắng về đêm. Tôi nghĩ đơn giản. Chỉ tại cha hút thuốc lá. Từ ngày mẹ tôi còn sống và cả tôi nữa đã nhiều lần khuyên nhủ ông bỏ thuốc, cha tôi không bỏ được. Về chuyện cha tôi nghiện thuốc lá, ông lý sự. Không uống rượu bia. Không chơi bời bồ bịch. Vợ mất rồi. Niềm ham mê lớn nhất được nhìn thấy tôi hằng ngày. Một đứa con gái xinh đẹp, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, có bằng cấp đại học. Ngoan ngoãn. Không uổng công nuôi dạy của cha mẹ. Niềm vui thứ hai ước vọng có được một cơ ngơi để sống sung túc, được tự mình làm những điều mình mong muốn. Hơn cả ước vọng, cha tôi đã gây dựng được cả một trang trại trồng hoa, trồng rừng… Gia đình có của ăn của để.

 

Mỗi sáng sau tuần nhang thơm thắp cho mẹ tôi trên bàn thờ, ông đi giữa những luống hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan còn ướt đẫm sương đêm phì phèo điếu thuốc lá trên tay. Tôi nhìn dáng vẻ thư thái trên gương mặt của ông nhưng ẩn sâu trong đáy mắt là nỗi buồn ưu tư của một người đàn ông đã trải qua nhiều nỗi khổ đau. Tôi vừa là đứa con cùng chia sẻ với ông bao chuyện vui buồn nhưng cũng là một chứng nhân cho chính ông trong nhiều chuyện. Vào những lúc ấy tôi không nỡ lòng nào lại cấm ông hút thuốc. Nhiều khi tôi cũng nói quá lời, phê bình ông hút thuốc. Tôi còn mang nhiều tấm gương ra để doạ cha tôi. Ông chỉ cười và bí quá liền đổ tội cho Mỹ, cho mấy cô du kích vùng ven đô Huế. Nghe lạ tôi hỏi.

 

– Cha nghiện thuốc sao lại đổ tội cho Mỹ?

 

Cha tôi rỉ rả:

 

– Ngày còn là lính trinh sát, cha thường phải bò vào bãi Mỹ, bãi Ngụy để bám địch. Không có địch thì lượm đồ ăn. Con biết không, mỗi lần máy bay trực thăng Mỹ đổ quân trên các cao điểm, đám lính tụi cha vừa lo lại vừa mừng. Lo vì biết rằng địch sẽ càn rừng, lại lùng sục, có khi đụng độ đánh nhau chí tử. Mừng vì nghĩ thế là lại có cái ăn rồi. Lính Mỹ giàu lắm. Mỗi lần máy bay trực thăng đổ xuống một điểm cao nào ngoài súng đạn, quân trang, còn cơ man nào là đồ hộp, thuốc lá, kẹo…Lính Ngụy nghèo hơn nhưng ít nhất cũng còn lượm được ít bao gạo sấy, đồ dùng như kem, bót…Có dạo ba tháng trời đại đội bộ binh của cha được cấp trên giao cho bám đất, bám dân giữ vùng giáp ranh. Đang là mùa mưa. Mưa trắng đất trắng rừng xứ Huế. Bộ đội không về dân mua gạo được. Đường lên miền Tây tắc. Mỹ đang càn ở sông Bồ. Quân Mỹ đóng dày đặc trên các cao điểm. Ở dưới vùng giáp ranh nơi tiếp giáp với đồng bằng có dân, lính ngụy của Sư đoàn 1 bộ binh đóng đầy trong các làng hoang, chốt chặn của rừng. Bộ đội đói. Cả đơn vị của cha phải bám vào căn cứ Bình Điền của Mỹ để lượm đồ hộp ăn trừ bữa…Lính Mỹ đi càn rừng, lúc đi ỉa còn nhai kẹo cao su. Quanh các bãi đóng quân, chỗ nào thấy đất mới đào moi lên là nhặt được đồ hộp. Bộ đội ở giữa rừng không có gạo nhưng toàn được ăn đồ hộp Mỹ, hút thuốc lá Paman, Sa- lem…Buồn cười nhất là mỗi lần xem lính Mỹ tắm. Quân Mỹ đóng chốt trên các điểm cao, máy bay H34 chở nước từ Huế lên xả trên đỉnh đồi cho lính Mỹ tồng ngồng chạy ra tắm. Cha là lính trinh sát bộ binh chuyên đi bám các bãi Mỹ, bãi Ngụy thường lượm được đồ hộp Mỹ. Cũng bởi quen hút thuốc lá Mỹ, lâu ngày sinh nghiện.

 

Nghe câu chuyện dông dài của cha, tôi bị cuốn hút sinh tò mò.

 

– Còn các cô du kích, cha yêu cô nào mà cô ta mua thuốc lá cho cha hút? Bây giờ chỉ còn có con, cha khai thật xem nào?

 

Cha tôi châm một điếu thuốc lá rít một hơi dài khoan khoái. Rồi bảo:

 

– Chả có gì phải giấu con cả! Ngày cha vô Nam chưa tới 18 tuổi. Còn trẻ lại ngu ngơ nữa. Nhỏ hơn con bây giờ nhiều. Đơn vị cha đóng quân ở vùng giáp ranh sống cận kề với các đơn vị của huyện xã. Có nhiều du kích, cán bộ là phụ nữ lên rừng theo cách mạng. Các anh lính trẻ ngoài Bắc luôn nhìn các cô cán bộ, du kích, biệt động người địa phương như thần tượng.

 

– Họ có đẹp không cha? – Tôi cắt ngang.

 

– Có người đẹp, có người xấu, nhưng chỉ nghĩ họ là con gái, đàn bà dám bỏ cả thành phố, làng quê lên rừng theo cách mạng, chấp nhận cuộc sống cực khổ, hi sinh…cha đã phục lắm rồi. Huống hồ có chị, có cô còn là bí thư, chủ tịch xã. Có người là huyện uỷ viên, có người là trinh sát thành phố. Họ lọt về dân, vào thành phố xuất quỷ nhập thần. Có cô vào làng tham gia diệt ác trừ gian, giết bọn tề điệp như chém chuối. Anh lính giải phóng trẻ nào nhìn các cô chả hãi, chả phục. Nhưng các cô, các chị lại rất thương lính giải phóng, nhất là từ ngoài Bắc vào. Mỗi lần các chị, các o đi đồng bằng, vào được dân ngoài việc nắm tình hình địch, trao đổi công việc, lúc lên rừng, người nào người nấy thường mua gạo, muối, dầu Mỹ, có khi còn mua thêm kẹo Nu-ga, mè xửng, sữa, đường cho mấy anh lính trẻ.

 

– Như cha chẳng hạn? – Tôi khiêu khích.

 

Cha tôi cũng không vừa.

 

– Tất nhiên! – Như thể tôi đã chạm vào đáy sâu cõi lòng ông khơi gợi lại những kí ức xưa cũ đã bị chìm lấp trong lãng quên. Ông kể: – Ngày ấy cha là lính trinh sát nhỏ tuổi có một O gọi là O Tâm, thương cha như một đứa em. Cứ mỗi lần O Tâm về làng, không có địch, vào được quán O lại mua cho cha kẹo, thuốc lá Rubi. Hút riết thành quen…

 

– O Tâm bây giờ ở đâu cha? – Tôi hỏi dồn.

 

Cha tôi thẫn thờ trong giây lát rồi nói nhỏ.

 

– O Tâm chết rồi! – Đột nhiên ông gọi O bằng chị. – Chị ấy dũng cảm lắm… Có lần cha bị địch phục kích ở dốc Đu. Tụi Ngụy bắn chết người lính đi đầu, còn cha bị gẫy tay. Sau lúc súng nổ cha cùng với chú Xu, trinh sát chạy lạc đường, vào rừng. Chị Tâm nghe tin đơn vị trinh sát bị phục kích, đang đêm còn xách súng đi tìm. Chị Tâm chết trong một chuyến về đồng bằng nằm hầm bí mật trong dân, có điệp báo lính địch trên đồn về giật sập hầm…

 

Không bao giờ cha tôi nhắc lại O Tâm nào đó nữa trước mặt tôi. Chỉ sau này khi đọc lại những dòng ghi chép của cha tôi trong những cuốn vở, tôi gọi là “gia bảo” của nhà tôi, một đôi lần tôi gặp lại tên người đàn bà ấy với vẻ ngưỡng mộ, kính trọng. Tôi không nghĩ đấy là người yêu của cha tôi, bởi mỗi lần nhắc tới tên O Tâm, cha tôi luôn gọi bằng chị với sự kính trọng đặc biệt. Nhưng hẳn đấy phải là một người đàn bà quan trọng trong quãng đời trai trẻ của ông, những năm ở rừng. O Tâm là một biểu tượng cho lòng dũng cảm, gan dạ, nghĩa tình với đồng đội.

 

Ngày cha tôi ngã bệnh, tôi đã đoán định: Không còn nghi ngờ gì, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư của cha tôi. Nằm viện đâu được mươi ngày, bệnh có phần thuyên giảm. Cha tôi xin với bác sĩ về nằm nghỉ ngơi ở nhà, xin toa thuốc mua về uống. Vậy mà chưa tới một tuần cha tôi đi. Đi mãi.

Trước ngày cha tôi mất, ông gọi tôi vào phòng lấy ra từ trong chiếc tủ thờ một bọc ni lông và giao cho tôi. Ông dặn.

 

– Mọi việc trong nhà con biết hết cả rồi. Từ chuyện tiền bạc, tài sản, trang trại tất cả là của con. Cha giao cho con mấy cuốn sổ ghi chép linh tinh. Khi nào rảnh rỗi con đọc. Con sẽ hiểu hơn cha và mẹ. Trong cuộc sống có những điều người ta không thể kể ra được con à. Vả lại cha sợ…

 

– Sợ gì cha?

 

– Tuổi tác… bệnh tật có những điều khổ cực vất vả cha vượt qua được nhưng cho đến tuổi này cha mới hiểu điều đáng sợ nhất ở người già là sức khoẻ. Địa vị, tiền bạc, nhiều khi vô nghĩa trước cái chết.

 

Trong đống sách vở cũ ngoài những giấy tờ đất đai, nhà cửa, giấy mãn hạn tù ở trại cải tạo, giấy xác nhận cha tôi là bộ đội, giấy chứng thực của ông ngoại tôi ở làng Dương đã cất giấu nuôi nấng cha tôi suốt 4 tháng trời và cả một bản kê khai của ông ngoại tôi đã móc nối với những ai để làm giấy tờ giả cho cha mẹ tôi chuyển vô Nha Trang, Sài Gòn… còn đủ cả. Những cuốn sổ ghi chép của cha tôi để lại cả thảy có bảy cuốn. Chữ viết trên tập vở học trò của hãng Cogido 100 trang từ cuốn sổ thứ hai cho đến cuốn thứ tư trong mỗi tập như thế cha mẹ tôi viết đan xen nhau. Mỗi người viết một khúc.

 

Để tôn trọng người cha tôi luôn hằng yêu quý, có lúc tôi nghĩ: Giá tôi chết thay để cha tôi có thể sống lại được, tôi cũng dám. Nhưng sự sống và cái chết cho mỗi con người đâu có vậy được. Tôi sẽ chép lại những con chữ của ông, có những trang bị nhòe mực, tôi phải lần mò cả ngày trời mới luận ra được. Có những trang vở bị dính nước mất chữ. Có những trang bị vệt nâu xám phủ mờ tôi ngờ là máu. Tôi cũng không còn nhớ đã bao đêm ngồi đọc lại những dòng chữ của cha tôi, của mẹ tôi, nước mắt chảy giàn giụa. Tôi ngồi khóc ròng như một đứa con nít vì thương và đau đớn. Tôi tự trách mình những lúc cha mẹ tôi còn sống có những lần, tôi không phải với người.

 

Và tôi ngộ ra một điều. Cuộc sống không bao giờ giống như sách vở, những điều giáo huấn. Sự thật chỉ có một, nhưng trước con mắt suy xét của người đời với những tâm thế khác nhau lại được ẩn khuất, lấp liếm, biến thái muôn mặt… Vậy đó.

 

2

Tập vở Cogido số 1.

Y nằm ở đây đã là ngày thứ mấy? Không biết!

Ai là người đã băng bó cho y? Không biết!

 

Chỉ thấy đầu, cánh tay y quấn đầy băng. Toàn thân bị nẹp chặt bằng một thanh tre… Mà sao y lại có thể chui được vào căn phòng này?

 

Hình như trời đổ mưa. Tiếng mưa rơi lốp đốp trên mái tôn, trên những tàu lá ngoài vườn. Luồng ánh sáng từ một cửa sổ qua khe hẹp chiếu vào, con mắt y quen dần với cảnh vật trong bóng tối. Từng lúc y định co chân theo thói quen nhưng cái chân nặng như chì bị kẹp cứng trong những thanh tre. À! Thì ra chân cũng bị thương. Chỉ có điều đầu óc y trống rỗng, nhẹ bẫng. Y biết mình bị thương nhưng không cảm thấy đau đớn. Thân xác y hệt như một thỏi chì, nặng trịch dán sát xuống tấm ván. Đầu óc tỉnh táo muốn chỉ huy tay chân nhúc nhắc cũng không được. May mắn sao trí não của y không hề lú lẫn. Vệt sáng bay trên đầu như chiếc máy chiếu phim quay chậm, đủ để y nhìn thấy những hạt bụi nhỏ li ti treo lơ lửng trên cao. Y nhớ tất cả, biết cả. Y còn nghe rõ tiếng con chuột kêu chin chít ở góc nhà sau bồ lúa cao cả thước. Nơi trú ẩn của y là một kho chứa thóc. Những bồ thóc kê cao cả thước xếp ở góc nhà cùng với quang thúng. Chỗ nằm của y giống như một cái ổ, lót rơm trải chiếu, phía dưới là tấm sạp gỗ được ngụy trang sau một tấm liếp nhỏ vắt áo quần. Ngay cạnh chỗ y nằm trên một băng ghế có để sẵn chai nước. Ở bên ngoài đâu đó vọng lên một tiếng gà gáy eo óc. Rõ đây là nhà dân! Sao y lại nằm trong nhà dân? Làng nào đây? Khi còn chỉ huy đơn vị, y từng nhiều lần đi cùng với cán bộ du kích các xã Hương Thạnh, Hương Thái, Hương Toàn, Hương Mai… Mỗi chuyến về làng đều có nhiệm vụ rõ ràng. Khi thì về đánh bọn bảo an, dân vệ. Nếu không gặp địch thì phát động quần chúng nhân dân, vào làng mua gạo cơm. Cả đại đội 3 của y nhiều lần được O Đắng, O Tâm, O Lành, O Cúc, chị Nguyệt, chị Chồn đưa về thôn Văn Xá, Liễu Thượng, Phú Ổ, La Chữ, Bồn Trì, Bồn Phổ… mua gạo, mua đậu phộng cứu đói. Lính C3 sống được qua những ngày đói là nhờ cơm gạo của người dân vùng giáp ranh. Trận đánh về Bầu Tháp vừa qua mục tiêu của đại đội cũng là vào làng mua gạo, nếu không gặp địch. Cả đại đội chỉ còn hơn bốn chục tay súng trụ bám giáp ranh đói queo, đói quắt cả tháng trời, đánh địch càn lên dốc Tranh, bám địch ở căn cứ Chóp Nón và Hòn Vượn. Đại đội 1 chủ công chốt ở Hương Mai cũng chỉ còn hơn 30 tay súng. Đại đội 4 đơn vị hoả lực được tăng cường thêm một trung đội bộ binh của C2 giữ vững địa đạo 310, bên sông Bồ. Bộ đội của đại đội 2 gùi gạo trên Hang Đá. Huế đang vào mùa mưa bão. Lũ sông Bồ, lũ ở Rào Trăng, Rào Lu đang lên to. Đường tắc, gạo ở đường tuyến không về được. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đang càn mạnh ở Côcava, Động Chuối, Rào Trăng, Dốc Chè, điểm cao 360, Khe Trái ra tới tận đường 12. Một cậu lính trinh sát của thành phố bị địch phục kích bắt sống ở đường 12 khai ra hết hậu cứ của bộ đội, du kích. Các địa điểm đóng quân của bộ đội, của huyện của xã, địch đổ quân vào càn, đặt mìn giật sập hầm. Đêm đến trên các điểm cao Chóp Nón, Hòn Vượn nã pháo vào hậu cứ. Con đường từ Hương Trà sang Hương Thuỷ về với căn cứ của trung đoàn ở phía Nam sông Hai Nhánh bị lộ. Địch tung quân càn chặn hết các ngả đường về với dân qua ngả Dốc Đu và Dốc Cát.

 

Y và tiểu đội lính trinh sát đã phải mất một tuần mới xuyên thủng được con đường về đồng bằng qua ngả khe Đá Liếp. Gần cả tháng trời cán bộ huyện xã, các đội biệt động có sự tăng viện của bộ đội C3 đi theo con đường mới mở này về bám được vào dân. Chưa kịp mừng chỉ một, hai đêm đã có điệp báo. Ở xã Hương Thạnh thêm anh Thẻo, anh Châu cán bộ xã hi sinh khi lọt vào ấp chiến lược Xóm Mới. Trung đoàn bảo an số 52 của ngụy đóng quân dày đặc trong các làng Văn Xá Thượng, An Đôn, Liễu Nam, Phú Ổ… Đánh địch hay không đánh địch cũng giống như sự lựa chọn giữa chết hay sống. Đánh địch bám được vào dân, vào làng là mua được gạo cơm. Là sống! Còn hèn nhát không dám đánh địch, không bám được vào dân, cái đói treo trước mắt. Bài học sau tết Mậu Thân 1968 còn đó. Bộ đội tiểu đoàn 439 khi rút lên rừng bị đói, bộ đội nằm chết trên võng, giữa các vạt cây dọc đường giao liên trong lúc chạy càn, nhỡn tiền ra đấy. Dù đầu óc y có giàu trí tưởng tượng đến mấy, những ngày trên đất Bắc y sẽ không nghĩ có ngày phải ăn thứ rong chó mọc dưới khe đá. Nấu dọc khoai môn ngứa ăn thay cháo. Hôm nào vớ được môn thục, môn vót, đọt chuốt ăn thay cơm đã là may. Chả có thứ sách vở nào dạy y cả. Cũng không thấy mặt anh cán bộ đưa quân vào Nam nào có ở đây để động viên và làm công tác tư tưởng. Giao quân xong, những anh cán bộ đưa quân đã mau chóng ra đường tuyến về hậu phương cả rồi. Còn ở đây trong vùng rừng núi Bắc Huế từ anh chính trị viên tiểu đoàn, đại đội cũng đói và phải ăn cháo môn như lính. Những lon gạo cuối cùng trong đáy ba lô của thủ trưởng cũng đã phải dốc ra cho vào nồi cháo chung của đơn vị. Mỗi người một hai lưng chén cháo, rau môn là chính nhưng ít ra là còn có cái cầm hơi, qua cơn đói. Người lính ở giáp ranh lúc này đã xác định chỉ còn một là sống hai là chết với địch. Phải đột kích về làng. Được ăn cả, ngã về không.

 

Hai đêm liền bộ đội C3 và cán bộ du kích xã Hương Thái lọt về được Phú Ổ, La Chữ. Bộ đội đánh thẳng vào chợ, một trung đội nghĩa quân nghe động đã bỏ chạy. Đại thắng, bộ đội, du kích, cán bộ vào được dân, mua được gạo cơm, mắm muối, lại còn mua được ít đường sữa, thuốc lá. Gương mặt những người lính sau đêm đi đồng bằng có được chút chất tươi, ăn no, phởn phơ hẳn lên.

 

Chuyến về Bầu Tháp đêm tháng Tư trót lọt, êm ả. Bộ đội lại mua được gạo.

 

Chuyến đi Bầu Tháp tháng Năm đại đội 3 chạm trán với đại đội bảo an số 23 ngay trên đường quốc lộ. Phát hiện ra khẩu đại liên của tụi Nguỵ bắn như xé vải ở một ngôi nhà đầu ấp. Y đã giật lấy khẩu B40 của cậu Hoà đang bị thương và nã thẳng vào tổ hoả lực của Nguỵ. Tiếng đạn B40 nổ chưa dứt đã thấy một quầng lửa trùm phủ lên ngôi nhà tôn và một tiếng nổ dữ dội ngay bên cạnh. Y không còn biết gì nữa.

 

Và bây giờ, y nằm đây, bất động.

 

3

Lờ mờ một gương mặt không rõ đường nét. Chỉ thấy cái đầu với mái tóc có nhiều sợi bạc. Người ấy ghé xuống gần mặt y. Dòng nước mát thấm vào cổ họng tới đâu, y tỉnh ra tới đó. Giá như có cả nước của con sông Hồng, y cũng uống hết… Nước! Nước… Đôi môi y mấp máy. Phải một lúc lâu sau, y hỏi đứt quãng.

 

– Ông là ai?

Người ấy hỏi lại y.

– Chú là bộ đội giải phóng phải không?

 

Có thể người ấy hỏi cho có chuyện, chứ nhìn cách ăn mặc của y là người ta thấy ngay y là người của phía bên kia.

 

Người đàn ông nói tiếp.

 

– Chú bị thương chui vào ruộng mía nhà tôi. Chả biết chú là người tốt hay kẻ xấu nhưng thấy chú sắp chết, tôi thương. Vết thương của chú nặng hung. Không rõ có qua khỏi không?

 

– Cảm ơn bác! Tôi là bộ đội giải phóng về đánh trận Bầu Tháp…

 

– Tôi biết rồi! Chú đừng nói nhiều, mệt. Tôi dặn nghe, ráng nằm đây, có đau cũng đừng la hét. Người đi làm đồng quanh đây nghe động họ báo cho dân vệ ra bắt thì khổ. Họ mà bắt được chú, giải lên quận, chú chả sống nổi mô.

 

– Dạ! Cảm ơn bác! – Y chỉ biết nói vậy và giương đôi mắt mệt mỏi nhìn người đàn ông xa lạ.

 

Người đàn ông nói thêm:

– Trời có đổ mưa thì lấy tấm ni-lon trùm lên cho đỡ lạnh. Chỗ này cao, nước không lên tới mô.

– Bác là ai?

 

– Là người! – Một nụ cười không thành tiếng đọng lại trên gương mặt cháy nắng của người đàn ông cao tuổi. Tấm áo màu đen đã bã màu, chiếc khăn quấn quanh cổ. Ông đặt xuống cạnh y một chai nước và dặn. – Đây là chai nước cháo, đói thì nhấp cho mát dạ. Ngày mai trong làng ngó êm, tôi lại ra.

 

Đêm ấy trời không mưa. Gió Nam thổi lùa qua ruộng mía mọc cao lút đầu người. Đám lá mía sắc nhọn khua loạt xoạt. Một giàn sao giăng dày giữa khoảng trống của hai luống mía.

 

Y tỉnh. Tỉnh mới cảm thấy sự cô đơn, trống trải, xen chút hoảng loạn khi hiểu ra tình thế bất khả kháng của chính mình. Càng sợ hơn khi biết chắc y không còn súng. Cái xanh-tuya-rông luôn có hai băng đạn AK, gói bông băng và tấm áo ni lông cũng biến đâu mất. Nguy hiểm hơn y lọt thỏm giữa vòng vây của địch. Ngày thứ mấy y nằm kẹt ở ruộng mía này? Không biết.

 

Lâu lâu tụi nghĩa quân, bảo an đóng quân ở các làng lại bắn lên trời vài loạt đạn. Có những viên đạn lửa đỏ lừ bay vút qua khoảng sáng trên đầu. Còn cái người đàn ông quái dị này là ai mà lại dám bao bọc y, cho y uống nước, húp nước cháo? Những vòng băng trắng nẹp chân y và quấn quanh trên ngực nếu không phải ông ta làm thì còn ai vào đây? Ông ta hẳn phải là người tốt, có cảm tình với cách mạng mới dám cưu mang một Việt cộng đã chín phần chết chỉ còn một phần sống. Chỉ cần ông ta báo cho lính lập tức y sẽ bị tóm ngay. Chưa biết chừng còn được lĩnh thưởng.

 

Nhưng người đàn ông kỳ dị lần đầu tiên y gặp trên đời đã không làm vậy, đã không hành xử như những người dân bình thường sống trong vùng địch khi rơi vào cảnh huống tóm được một cộng quân. Giá sử chuyện ấy có xẩy ra y cũng không có quyền trách cứ họ. Và biết đâu trong đầu người dân bình thường ấy lại nghĩ rằng, họ đang dang tay làm phúc cứu người. Trong con mắt của người dân ấy, y chỉ là một tên tù binh đã mất sức chiến đấu, không thể kháng cự nổi lính của ông Thiệu. Họ đang mở lòng Bồ Tát để cứu độ kẻ bị thương sắp chết? Y sẽ ra sao nhỉ? Gặp những tên lính nguỵ chưa biết chừng y sẽ lãnh trọn một viên AR15. May mắn hơn y sẽ được bắt làm tù binh và nếu còn sống sẽ bị đưa đi Phú Quốc…

 

Người đàn ông kỳ dị mà y chưa kịp nhớ mặt, biết tên đã không làm vậy. Để cho y được tự do và yên ổn giữa cánh đồng mía lạnh lẽo này.

 

4

“Tôi tên Đến, thứ sáu. Bà con trong ấp gọi tôi là Sáu Đến. Chú ở tạm ngoài này. Ở trong nhà không tiện, người ra vô dễ lộ. Hàng ngày tôi lo cơm cháo cho chú… Khi nào chú liền các vết thương tôi sẽ tìm cách móc nối đưa chú lên xanh. Nếu có đau ráng đừng kêu nghe chú”.

 

Nằm trên tấm đệm trải manh chiếu, y lặng lẽ quan sât người đàn ông mang tên Sáu Đến. Ánh nắng xuyên qua một lỗ thủng trên vách, đủ để y nhận biết ông Sáu không còn trẻ nữa. Y cũng không tiện hỏi bằng cách nào ông Sáu đưa được y từ ngoài cánh đồng mía vào nhà, qua mặt được dân làng và tụi tề ngụy trong ấp. Hẳn phải có người trợ giúp? Họ phải là người trời xuống giúp y thoát khỏi kiếp nạn này…

 

Ông Sáu Đến là người ít nói. Vào lúc đêm khuya, ông mới lẻn vào nơi trú ẩn của y mang cháo, mang cơm, sữa và một phích nước nóng. Bộ kim tiêm đã được ông Sáu khử trùng sẵn, tiêm cho y những mũi thuốc kháng sinh và thay băng cho y. Sự giao cảm của y với ông Sáu chỉ qua ánh mắt và những cái gật, cái lắc đầu. Bộ quần áo bộ đội giải phóng của y cũng đã được ông Sáu cởi ra và mặc cho y bộ bà ba đen, đã bạc màu. Bộ quần áo rộng thùng thình, hẳn là của ông Sáu.

 

Y đã có thể nhúc nhắc được tay chân. Nẹp đã được tháo ra. Khi cần tiểu tiện, đại tiện y đã có thể lết nhẹ vào góc nhà đã để sẵn ở đấy cái bô có nắp đậy. Y biết chắc điều này. Gia đình ông Sáu không hẳn chỉ có một mình ông. Thỉnh thoảng, y vẫn nghe tiếng ông Sáu gọi “Xíu ơi! Vô giúp ông…”, “Xíu, sang nhà chú Hai mượn cho ông cái cưa…”. Cái người tên Xíu ấy, hẳn là cháu ông. Nghe giọng nó đáp lại ông già, như giọng con nít.

 

Nơi y được ông Sáu giấu là căn nhà ọp ẹp, tựa như nhà kho, nhà chứa tro. Bên trong ngôi nhà chỗ để cuốc xẻng,chỗ ngăn ra chứa tro trấu ngổn ngang thúng mủng. Từ gian nhà lớn xuống đây còn phải qua một gian nhà ngang, dùng làm bếp. Nhà ông Sáu ở ngay gần giữa xóm, phía đầu cổng vào băng qua con đường kiệt xuyên dọc làng, phía bên kia đã là khuôn viên nhà thờ làng Dương. Quãng 4 giờ sáng, y đã thức giấc và dỏng tai chờ đợi tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Lúc ấy cũng không còn nghe thấy tiếng súng của đám lính dân vệ nữa. Thức gác cả đêm, chúng đã mệt. Vả chăng, vào tầm ấy, bộ đội, du kích cũng chẳng còn ai ở lại làng. Đã thành quy luật. Bộ đội giải phóng về hỗ trợ cho du kích địa phương đánh địch. Các đội công tác đi diệt ác trừ gian. Cán bộ trên rừng về vận động quần chúng nhân dân thu mua gạo cơm thực phẩm, quãng nửa đêm “cha con” đã phải đạp đường lên xanh. Từ các làng ven đường quốc lộ, vùng ven đô Huế đi bộ có giỏi cũng phải mất ba tiếng mới lên tới vùng giáp ranh, đồi trọc. Ấy là đường thông không có địch phục kích. Từ dốc Ồ Ồ, Miếu Trâu, Khe Đất Đỏ “cha con” ngồi nghỉ ăn vắt cơm qua đêm đã nguội ngắt nguội ngơ, chờ trời sáng. Bốn giờ, sương chưa tan còn đọng từng giọt trên những lá cỏ tranh sắc nhọn. Con đường mòn vượt qua dốc Đu, hoặc dốc Cát chỗ cao chỗ thấp, lởm chởm đá, có lúc lọt giữa lòng khe. Chưa rõ mặt nhau, người nọ bám người kia, lưng đeo gùi, tay cầm súng đi vào rừng.

 

Bởi vậy, vào lúc 4 giờ sáng ở làng Dương, ngay sát nơi y trú ẩn, âm thanh vang vọng nhất là tiếng chuông nhà thờ. Chỉ ít phút sau, trên con đường kiệt qua làng y đã nghe tiếng dép loẹt quẹt của các bà, các cô ra nhà thờ nghe buổi kinh sáng. Những lúc ấy, nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng người lao xao ngoài đường, lòng y quặn thắt. Chỉ muốn khóc. Tưởng như tiếng chuông nhà thờ ở làng Vàng, cách làng Lôi của y chỉ một con ngòi và một rẻo ruộng nhỏ… Dân làng Lôi không theo công giáo. Người làng Lôi chỉ tin trời Phật và thành hoàng làng. Trong khi ở làng Vàng, dân theo đạo cả làng. Dân các làng thờ Chúa, thờ Phật khác nhau, nhưng không bao giờ có điều qua tiếng lại. Ngày chống Pháp, dân công giáo làng Vàng, dân làng Lôi còn ở chung một đội du kích của xã… Ở nhà y vào tầm ấy mẹ y dậy đã lâu. Bà vơ mấy cành rào tre, đến mùa gặt có khi dùng rơm rạ nấu ấm nước chè, luộc nồi khoai, trong lúc thầy y lọc sọc thử điếu. Y nằm co ro trên chiếc sập gỗ, đắp chiếu để ngửi cái mùi khói thuốc lào loang ra cả căn nhà đất.

 

Y không biết hút thuốc lào, thậm chí còn sợ cả mùi thuốc lào phả ra của thầy y trong căn nhà đất chật hẹp. Vậy mà giờ đây, giữa một nơi xa lạ và đầy chết chóc này, y nhớ quay quắt mùi thuốc lào và hình bóng của thầy y in trên bức tường đất ngồi thu lu hai chân trong chiếc ghế, nghiêng đầu cầm chiếc điếu cày.

*

* *

 

Có một đêm y hỏi Sáu Đến:

– “Chú dấu tôi thế này không sợ mấy ổng trong xã, tụi dân vệ biết được sao?”.

 

– “Sợ thì tôi đã không làm. Nhìn các chú bị thương, như con cháu trong nhà, tôi thương”. – Ông Sáu Đến nhìn y một hồi như thể thăm dò, lúc sau bảo – “Đồng bào không phải ai cũng là người của ông Thiệu”.

 

Lần khác, ông Sáu Đến lại bảo y:

 

– “Chú có biết tôi đưa chú vô đây núp là răng không? Cả ấp tôi là người theo đạo công giáo. Chính quyền ít để ý. Tôi có thằng cháu gọi tôi bặng cậu làm việc ở Nha Trang. Họ cũng nể tui”.

 

– “Vậy mà chú lại theo cách mạng…?”.

 

Y hỏi. Ông Sáu nhìn y, chỉ cười và không trả lời. Lúc sau ông bảo y:

 

– “Vợ tôi mất sớm. Tôi chỉ có một đứa con gái. Nó đang học ở Huế. Nó sống vời bà dì ruột ở đấy, ít khi về đây. Trong nhà sống với tôi chỉ có một đứa cháu gọi tôi bằng ông. Cha mẹ nó chết cả, quê ở trên Bồn Trì… Tội nghiệp, tôi mang về nuôi”.

 

Y nghe chỉ biết vậy. Và hiểu rằng, đằng sau những câu chuyện lắt léo là cả một mớ bòng bong chỉ ông Sáu mới giải đáp nổi. Y chỉ mong sao cho vết thương mau lành và xin với ông Sáu Đến cho phép tìm đường lên xanh.

 

5

Có một lần y buột miệng hỏi ông Sáu Đến:

– “Chú Sáu này! Ở quốc lộ I, chú biết quán mụ Tr. không?”.

 

Ông Sáu Đến nhìn y, vẻ ngạc nhiên:

– “Sao chú biết quán mụ Tr. ?”.

 

– “Ngày còn ở đơn vị, cháu một vài lần đi cùng đội biệt động về ấp Liễu Thượng, Phú Ổ, chị Tâm đưa cháu vô quán mua hàng…”.

 

– “À, ra vậy!”. – Ông Sáu ngó lơ nhìn ra phía cửa không nói thêm gì nữa.

 

Lúc ông Sáu Đến rời khỏi chỗ y đang nằm, chỉ nói mỗi câu:

– “Để coi thử…”.

 

Khi nói với ông Sáu Đến địa chỉ quán mụ Tr. y đã đánh một ván cờ liều. Con đường lên núi tìm về đơn vị của y giờ chỉ còn trông cậy vào ông Sáu Đến mà y biết chắc ông là một cơ sở của cách mạng ở vùng ven sông Bồ. Từ ấp làng Dương tới đường lộ không xa, quãng bốn cây số nhưng phải vượt qua nhiều chốt chặn của địch ở Chi khu Hương Trà. Phải qua nhiều ấp. Chỗ nào cũng có các đơn vị nghĩa quân, dân vệ, bảo an chốt giữ. Nếu không móc nối được với lực lượng cách mạng ở trên núi, y có rời khỏi làng Dương cũng khó thoát.

 

Một vài lần y theo chị Tâm – một chỉ huy xuất sắc của đội trinh sát thành phố về bám dân. Chị Tâm đã đưa y và cánh trinh sát của tiểu đoàn cùng với ông Bậu, ông Duy vào địa chỉ này. Y không được trực tiếp gặp mụ Tr. Câu chuyện trao đổi giữa “bà mẹ V.C” nằm vùng này chủ yếu diễn ra giữa bà ta với chị Tâm, ông Bậu. Vào những lúc đó, y phải phân công mấy cậu trinh sát tiểu đoàn lo chốt gác trên con đường sắt và quan sát con đường quốc lộ I chạy băng qua trước cửa nhà. Chỉ đến khi xong việc, chị Tâm mới ra ngoài gọi bộ đội vào quán gùi gạo, thực phẩm. Quán mẹ Tr. là quán bán hàng tạp hóa. Quán ở gần căn cứ quân sự của địch. Ban ngày quán bán hàng cho lính và dân quanh vùng. Hàng hóa có đủ cả. Gạo, mì chay ông Phật, cá hộp, thịt hộp, đường sữa, thuốc lá Ru bi, Bát tô, Kem bót… thứ gì cũng có. Mỗi lần lọt được về quán, bộ đội, cán bộ huyện xã, du kích được bữa cải thiện sung sướng, thỏa thuê.

 

Một lần vào quán gùi gạo, y đã có dịp nhìn thấy mụ Tr. Đó là một người đàn bà đã ngoài sáu mươi tuổi, đẹp lão. Nghe chị Tâm bảo, mụ Tr. có con trai là sĩ quan Ngụy, làm to ở Sài Gòn. Nhờ cái thế ấy, nên mụ Tr. thỏa sức buôn bán với đám lính. Các thứ hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho lính ngụy từ căn cứ tuồn ra bán rẻ cho mụ Tr. kiếm lời. Chỉ có điều ít ai ngờ, người đàn bà trông hiền lành phúc hậu như vậy lại là cơ sở mật của thành phố. Nhưng từ khi hiểu được những người như ông Sáu Đến, hết lòng cứu chữa y, y biết rằng phong trào cách mạng ở vùng sâu chưa ‘chết”, chưa bị phá nát hết cả sau những đợt quân ngụy cầy phá vùng đồng bằng sau Mậu Thân 1968. Đã có lúc y và nhiều người tưởng phong trào không vực dậy nổi.

 

Những ngày sau đợt hai tấn công về Huế của bộ đội quân giải phóng phối hợp với lực lượng chính trị của tỉnh, của huyện, không khí chiến trường thật ảm đạm. Các lực lượng quân Mỹ, quân Ngụy đã chủ động đối phó với cuộc tấn công này, đặc biệt là thành phố và vùng đồng bằng trọng điểm. Các sư đoàn chủ lực của Mỹ, Ngụy tăng cường càn quét vùng đồng bằng Phong Quảng, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang. Nhiều đơn vị thiện chiến của Mỹ như Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn 1 bộ binh Ngụy có trực thăng, pháo binh Mỹ yểm trợ, đổ quân càn lên miền Tây, chiếm các điểm cao, thọc ra cả đường tuyến A So, A Lưới. Các đại đội thám báo lần mò tìm phá các kho lương, kho quân trang, quân dụng, vũ khí của bộ đội.

 

Cả một vùng giáp ranh ven Huế, dọc theo các triền sông Hương, sông Bồ, thượng nguồn Sông Hai Nhánh, Khe Trái, Khe Dứa đi đâu cũng gặp các bãi ngụy và dấu giầy răng chó của thám báo Mỹ, ngụy dẫm nát các con đường mòn giao liên, các bãi bến sông nơi bộ đội tập kết. Những trận phục kích, tao ngộ chiến xảy ra thường xuyên liên tục ở các trọng điểm Dốc Đu, Ngã ba Hương Trà, Khu nhà Chín hầm, Dốc Cát, Đất Đỏ, Một Mái, Dốc Đoác. Nhiều lần các toán biệt kích, thám báo đưa quân tập kích vào các căn cứ của huyện, xã và bộ đội KX đứng chân ở Đồi Tranh, Khe Đá Liếp và dưới chân Động Ngang. Địa đạo 310 nằm sát sông Bồ vốn là căn cứ tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch khi tấn công về Huế được các đơn vị công binh của quân khu Trị – Thiên đào hàng tháng trời, chắc chắn và kiên cố. Địa đạo có ba cửa, hầm hào đào xuyên núi cả trăm thước. Những căn hầm chữ A, hầm chỉ huy, phòng họp… rộng, chìm sâu dưới lòng đất. Bom B52, B57 ném trơ trụi cây rừng trên các mỏm đồi, hầm hào vẫn trụ vững. Thám báo Mỹ đặt mìn cũng chỉ phá sập được vài đoạn hào.

 

Chính tại những căn cứ này, nhiều lần y và bộ đội của đại đội 3, đại đội 4, lính trinh sát của tiểu đoàn đã phải căng sức ra đánh địch. Vùng đất ven sông Bồ và giải giáp ranh Hương Trà, Phong Quảng là nơi trung đoàn, quân khu giao cho KX, KV1 phải giữ. Mất vùng đất hiểm địa này là “cha con” bật bãi lên miền Tây…

 

Thê thảm và khốc liệt nhất vẫn là vùng đất giải phóng và các các cơ sở cách mạng ở vùng sâu, vùng đồng bằng ven đô Huế. Niềm vui chiến thắng khi cắm được lá cờ nửa đỏ, nửa xanh trên đỉnh Ngọ Môn. Bộ đội, cán bộ, du kích địa phương của tỉnh, của huyện, xã tràn ngập thành phố và các làng quê sau những ngày Xuân chiến thắng. Tưởng giải phóng đến nơi. Thống nhất đến nơi! Phen này ắt đón Bác Hồ vào thăm miền Nam. Niềm vui chưa tan, quân Mỹ, quân Ngụy sau những bất ngờ ban đầu, tỉnh đòn phản kích. Các cơ sở mật xây dựng bao năm bị lộ bởi bọn tề điệp chỉ điểm. Chính quyền Thiệu giáng đòn thù vào các gia đình cách mạng. Lính quận, cảnh sát về ruồng bố, vây ráp suốt đêm ngày. Cơ sở cách mạng nhiều vùng mất trắng. Đồng bằng không thể đứng chân. Người thoát lên rừng, kẻ chạy vô Đà Nẵng, Sài Gòn lánh giặc. Một số người bị điệp báo. Địch bắt bớ tra khảo, đưa ra đảo tù đày.

 

Cả tiểu đoàn X. của y sau ngày rút lên rừng chỉ còn lại chưa tới 200 tay súng. Thêm một số sốt rét, bị thương không đủ sức chiến đấu phải đi viện. Những trận đói dài ngày và những trận phục kích lẻ trên đường mất thêm một số. Phải cơ cực lắm, dày công những người cán bộ, biệt động bám trụ của Tỉnh ủy, Thành ủy Huế, của huyện mới móc nối, gây dựng lại được những cơ sở mật như ở quán mụ Tr. và Sáu Đến. Y biết những cơ sở cách mạng kiên trinh ấy còn có cả ở các ấp như Xóm mới Văn Xá Trung, Văn Xá Làng, Phú Ổ, La Chữ, Bồn Trì, Bồn Phổ, Kim Long. Nhờ những cở sở cách mạng như thế này, suốt năm “69” bộ đội của ông Bậu, của huyện, xã mới đứng vững, giữ được vùng giáp ranh Bắc Huế…

 

Từ trong sâu thẳm, y luôn kính phục những người như ông Sáu Đến và mụ Tr. Y hiểu một điều rằng, dù cách mạng có lúc thoái trào, dù cuộc chiến đấu có lúc rơi vào bi kịch, thất thiệt nhưng lòng dân vẫn còn tin vào ngày chiến thắng. Không phải ai cũng khiếp sợ, chạy dài…

 

Vào những lúc đêm khuya thanh vắng, trốn trong góc nhà chật hẹp, hôi hám của ông Sáu Đến, y luôn cảm ơn số phận sao run rủi y lại được gặp ông. Chỉ có trời Phật phù hộ cho y, còn theo ông Sáu, chỉ có Chúa mới biết được điều hy hữu này. Y cũng không giải thích nổi, không nhớ nổi sau lúc bị trái mìn Claymo hất tung, bị thương, y lại có thể tự mình lết đi trên đồng rồi nằm lại nơi ruộng mía. Lại là ruộng mía, ruộng nưa của nhà Sáu Đến? Được ông Sáu cưu mang và cứu chữa vết thương.

 

Có một đêm, nghe động tĩnh xung quanh và thấy xóm làng yên lặng, y đã rời nơi ẩn nấp bò ra ngoài quan sát xung quanh. Căn nhà Sáu Đến nằm lọt thỏm giữa một vườn cây. Bao bọc quanh nhà là rặng tre gai ken dày. Từ cổng vào là hàng chè gai cắt tỉa gọn. Núp kín sau chân đống rơm, y quan sát ngôi nhà bốn gian, hai chái, cửa gỗ rộng rinh. Bậc thềm hè cao, khoảng sân rộng trước nhà láng xi măng… Tiện nhất là khoảng vườn phía sau, có nhiều vạt dứa dại sát với bờ tre gai… Một đầm nước rộng mênh mông, lau sậy mọc đầy ven đầm. Tiếp sau nữa là bãi mồ mả của làng Dương. Lợi dụng những vạt cây dứa dại, bờn bờn, y đã đi trinh sát địa hình, đồng thời tính toán những phương án khi có động rút ra ngoài… Khi kẹt y có thể thoát ra ngoài bờ đầm. Từ bãi mồ mả, y chỉ cần đi theo một con đường nhỏ, dài chưa tới trăm mét đã tới sông Bồ… Về đêm, mặt sông đen thẫm, phẳng lặng, im ắng như một dòng sông chết. Không thấy bóng dáng một con đò. Dọc theo bờ sông là dãy tre gai chạy dài, tối tăm. Phía bên kia sông đã là đất Phong Điền, Quảng Điền… Cũng lặng im. Chả rõ một căn cứ nào đó của địch bắn lên trời mấy quả pháo sáng. Chùm ánh sáng ma quái tung ra giữa bầu trời đêm chấp chới ẩn hiện sau bờ tre không đủ soi rõ cảnh vật xung quanh, chỉ một lát là tắt… Sông Bồ phía thượng nguồn hiểm trở và hung dữ bao nhiêu, lắm ghềnh nhiều thác. Về đến đây dòng sông rộng mở trở nên hiền hòa, cam chịu.

 

Có cảm giác rất rõ ông Sáu Đến hiểu tâm trạng buồn chán, u uẩn của y. Cả sự nóng ruột nữa. Một đêm quãng ba giờ sáng. Ông Sáu trở dậy lặng lẽ như một cái bóng đi vào nơi y ẩn nấp. Sợ y giật mình hoảng sợ, ông Sáu khẽ hắng giọng:

 

– Sáu đây… Đừng sợ!

 

Y nào có ngủ. Nằm cả ngày lưng cẳng đau ê ẩm. Lúc nào mỏi quá, y mới ngồi dậy vươn vai. Mái nhà thấp, y đứng thẳng dậy, đầu sẽ chạm mái tranh và vào thúng mủng… Sợ động.

 

Ông Sáu Đến bò lom khom ngồi ghé vào mép nệm. Ông lấy tay che chiếc bật lửa Zipô, mồi vào điếu thuốc rê. Khói thuốc nghẹt thở nhưng xua đi cái không khí lạnh lẽo, trống vắng. Y cần hơi người, tiếng người để tự nhủ với mình rằng, y đang tồn tại.

 

– Tôi biết chú buồn, lo lắng. Ở đây được ít bữa, yên ắng như ri vậy là tốt hung rồi. Lạy Chúa lòng lành! Thương cho chúng con. Sợ nói với chú điều này e cũng bằng thừa… nhưng tôi phải nói.

 

– Chú Sáu định nói chuyện chi? – Y ngập ngừng hỏi.

– Đã là một người lính, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết tự mình đứng dậy…

 

– Cảm ơn chú Sáu! – Y đáp nhỏ, giọng lắp bắp và tự cảm thấy xấu hổ với chính mình, tưởng như cái ông già trông quê mùa, hiền lành đọc được cả ý nghĩ trong đầu y.

 

Đã thành lệ, cứ hơn bốn giờ sáng, ông Sáu Đến đã ăn mặc chỉnh tề đi ra nhà thờ… Có bận y còn nghe rõ giọng ông Sáu nói chuyện với ai đó cũng đi lễ sớm ở ngoài phía bờ rào gai…

 

6

Y đã hú hồn khi nhìn thấy đưa bé gái đẩy nhẹ tấm liếp bước vào. Thoạt nhìn thấy y ngồi thu lu trong góc nhà tăm tối, con bé cũng sợ. Nó lóng ngóng để rơi cả cái nắp cà mèn xuống đất.

 

– Chú… giải phóng! – Con bé lắp bắp nói.

– Cháu là ai?

 

– Cháu tên Xí, cháu ông Sáu. Ông Sáu sáng nay vô Huế thăm cô Hai… Chiều ông cháu mới về. Cháu sợ chú đói nên mang cháo vô cho chú ăn…

 

– Sao cháu biết chú trốn ở đây? – Y hỏi nhỏ – Còn ai biết nữa không?

 

– Dạ không! Chỉ ông Sáu và cháu biết… Ông Sáu dặn cháu kín miệng. Mấy ổng ở ấp, ở quận biết được kêu lính tới vô bắt chú. Họ còn đốt nhà, đập cả hai ông cháu… Cháu không muốn chết, không muốn họ bắt đi ở tù.

 

– Cảm ơn cháu… Cháu ngồi xuống đây, đừng sợ.

– Cháu gặp các chú rồi…!

– Con Xíu nói giọng líu ríu.

 

– Dạo Mậu Thân, các chú bộ đội về ở trong nhà cháu. Mạ cháu và ngoại còn nấu cơm cho các chú ăn…

 

Trời tối nhập nhoạng, ông Sáu Đến mới về đến nhà. Y nghe ông Sáu nói với con Xíu chuyện gì đó. Một người bà con trong họ đạo làng Dương còn sang bàn bạc với ông Sáu chuyện cầy bừa, cấy lúa…

 

Y nhẩm tính từ ngày rời làng Lôi vào chiến trường vừa tròn 6 năm. Có bao biến động trong cuộc đời y. Từ một thằng binh nhì, qua mấy mùa chiến dịch, y trở thành một anh C phó. Ngu ngơ lần đầu về đồng bằng Phong Quảng, Phú Vang nhìn những mái nhà lợp tôn Mỹ sáng loáng trong các ấp chiến lược, y không biết đấy là trại lính hay nhà dân. Bò vào sát vách nhà, nhìn những cô gái mặc bộ đồ hoa đi lại, y tự bật cười với chính mình. “Con gái trong này ăn mặc hay nhỉ”. Con gái quê y đâu có ăn mặc vậy. Quần đen, áo hoa xanh, áo màu cỏ úa để tránh cho lũ phi công Mỹ phát hiện ném bom xuống làng. Dạo ấy, lệnh trên bảo, bất kể cái gì là màu trắng phải tránh hết. Phi công Mỹ nhìn thấy tưởng là ám hiệu. Bom ném xuống chết cả làng. Y bò vào nhà dân, càng kinh ngạc hơn nhìn bầy heo “Yooc-sai” trắng nhởn đứng cả một hàng trong chuồng sục mồm vào cái máng ăn cháo sữa Mỹ. Có cậu lính nhìn bầy heo oàm oạp húp thức ăn, buột miệng chửi:

 

– Tiên sư cái thằng Mỹ! Chúng nó giàu thật… Đến nuôi heo cũng bằng sữa.

 

Bữa vào Huế đánh giặc giữa những ngày xuân. Bị tấn công bất ngờ, giặc chạy tóe loe. Dân mừng thấy bộ đội về, e phen này giải phóng, thống nhất đến nơi. Các đồ bánh trái, gà heo dành cho ba ngày tết. dân mang ra khao bộ đội. Trung đội của y vào một nhà có vẻ là công chức thành phố. Ông chủ mới ngoài 40 tuổi, đi dạy học, tự khoe là “giáo sư đệ nhị cấp”, cô vợ bán hàng tạp hóa kiêm chủ lò mì ngay dưới chân cầu Tràng Tiền. Vợ chồng trẻ vậy mà có tới sáu đứa con. Chúng đứng sắp lớp, khoanh tay cúi đầu lễ phép chào. “Cháu chào chú giải phóng ạ…”. Y và mấy anh bộ đội ở trong nhà lấy làm mãn nguyện lắm. Gia chủ mời cả toán bộ đội 6 người một bữa cơm thịnh soạn vào chiều mồng ba tết. Những anh bộ đội từ ngoài miền Bắc vào lần đầu thỏa mắt xem chiêc tivi, vào trong nhà vệ sinh nhìn ngó cái lavabo một lúc mới hiểu cần đi tiểu vào đâu. Cái chậu bàn để rửa tay chứ không phải là cái chậu để rửa rau… Ở cái làng Lôi của y, người nông dân nghèo chưa một ai được nhìn thấy những thứ đồ vật sang trọng như vậy cả.

 

Muốn xem phim ư? Một vài tháng đội chiếu phim lưu động của tỉnh của huyện về chiếu cho dân trong xã một hai buổi. Những ngày có phìm về chiếu ở sân kho hợp tác xã hay bãi cỏ trước cửa đình, đấy là ngày hội của cả năm làng ven bờ sông Cọi. Từ lúc hai giờ chiều, chiếc xe commăngca quen thuộc của phòng văn hóa huyện đổ quân, đổ máy chiếu phim, phông bạt xuống bãi cỏ trước cửa đình. Cả làng đã nháo như có hội. Lợn hợp tác kêu eng éc. Ba bốn trai làng khỏe mạnh cởi trần xuống ao hợp tác xã hò hét nhau lùa cá. Người lớn đang làm các công việc đồng áng cũng mau mau chóng chóng cày bừa, cuốc cỏ, kéo những gàu nước cuối cùng vào ruộng còn kịp về cơm nước để tối đi xem phim.

 

Đám con nít như y là sướng nhất. Những ngày làng có phim, chả đứa nào chịu học hành gì cả. Thâm chí cả lũ rủ nhau trốn học từ lúc ba giờ chiều, kéo ra bãi cỏ chơi đùa, đá bóng, đuổi bắt, chơi khăng, đánh cù… Đám con gái phải bế em cũng rủ nhau ra bãi chiếu phim. Tay bế em, tay mải đi “ô ăn quan” nhưng mắt trẻ ngong ngóng dõi theo mấy anh trong đội chiếu phim làm việc. Chúng chỉ chờ hai cây sào dài dựng lên, tấm phông trắng căng ra, tiếng loa phóng thanh ọ ẹ dạo nhạc… là chúng quên hết. Quên cả cãi vã, đánh chửi nhau vì chuyên ăn thua trái bóng… Đây mới là niềm hành phúc thật sự mà mỗi đứa trẻ, trong đó có cả y, mong ngóng cả tháng trời. Tháng trước mới chiếu phim Chị Tư Hậu, tháng trước nữa là Con chim vành khuyên… Bữa nay nghe đâu bảo là chiếu phim Liên Xô, về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ông Bộc cắt tóc thì cãi lấy cãi để với mấy ông còn đang ngả cày, ngả bừa xuống gốc cây đa đầu làng tranh thủ làm bát nước chè xanh, rít điếu thuốc lào, áo quần các ông thợ cày còn dính lem bùn đất.

 

– Dứt khoát tối nay chiếu phim Nổi gió, có tay trung úy Phương đẹp trai… Tôi cược với các ông!

 

Mấy ông thợ cày và ông Bộc cãi nhau như mổ bò. Chỉ có con bò và con trâu vênh sừng mới được thả lỏng sau một ngày lội ruộng là bình thản cạp hàm vào lớp cỏ cụt ngủn bên mép con ngòi. Trên mình những con trâu, con bò cũng lấm lem bùn đất như chủ của nó. Ôi, hạnh phúc nào bằng tuổi thơ dù chỉ có củ khoai, củ sắn, hái trộm trái ổi xanh và những đêm chui rào vào xem phim ở sân đình…

 

Tới khuya, ông Sáu Đến vào chỗ y đang trốn. Kéo tấm liếp cửa, ông còn đứng lại một lát, nửa như nghe ngóng động tĩnh, nửa quan sát phía bên ngoài. Ông Sáu nói nhỏ với y.

 

– Tôi tìm được người đưa chú đi rồi. Tối 23 ta đi nghe chú!

 

Y nghẹn lời:

– Thật cảm ơn chú Sáu!

 

– Ơn huệ chi chú. Tôi cũng làm việc vì cách mạng mà. Chỉ có điều gặp ai chú cũng không được nói ra tên tôi… Chuyện này chỉ có mụ Tr. và chú Sáu Thọ H. biết. Huyện sẽ cho người về đón chú. Ráng giữ qua vài ngày nữa cho êm rồi đi. Tôi để lại cho chú vỉ thuốc bổ, ngày chú uống bốn viên… Còn đây là thuốc kháng sinh…

 

Ông Sáu lên nhà tắt đèn đi ngủ đã lâu. Y vẫn còn trằn trọc…

 

Một, hai, ba ngày… Ba ngày nữa, y sẽ trở lại rừng. Y sẽ lại được gặp mặt ông Bậu, ông Duy, ông Ngạn và những người đồng đội. Chả biết họ nghĩ gì khi y đột ngột trở về. Và cả chị Tâm nữa. Hẳn chị sẽ vui xiết bao khi thấy y còn sống trở về.

 

Y tin rằng, cả đại đội 3, cả tiểu đoàn đều nghĩ y đã chết!

 

7

Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha tôi sau cái đêm 23 tháng Bảy năm 1970. Những dòng chữ của cha tôi dừng lại ở trang thứ 32 của cuốn vở cogido – đánh dấu số 1.

 

Tôi đoán rằng những dòng này cha tôi ghi lại trong những ngày bị thương được ông ngoại tôi là Sáu Đến che dấu. Nét mực bút Bic bao năm vẫn đọc rõ. Chữ viết lệch hàng, xô đẩy. Có thể vì cha tôi viết trong bóng tối.

 

Ngày mẹ đưa tôi về chịu tang ông ngoại, hai mẹ con ở lại quê cũng chỉ được ít ngày. Mẹ tôi tính không hiền, ít nói. Có chuyện chi không hài lòng, bà hay nổi cáu. Sống với mẹ từ nhỏ nên tôi đã quen. Lớn lên, biết suy nghĩ tôi hiểu rằng cuộc đời mẹ tôi luôn phải chịu nhiều sức ép. Từ chuyện gia đình ly tán, chồng bị tù đầy, oan khuất đến chuyện sống giữa nơi đất khách quê người phải lo kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng… Bao nhiêu gánh nặng đổ lên đầu một người đàn bà phải thay cha tôi những lúc ông đi ở tù để lo toan việc nhà.

 

Sau ngày ngoại tôi mất, mẹ tôi chỉ ở lại làng Dương ít ngày để thu xếp việc nhà. Bà dọn dẹp nhà cửa và nhờ một cô cháu bên Văn Xá đến ở và trông coi nhà cửa, ruộng vườn. Tôi mới chỉ là con bé con theo mẹ về chịu tang ông ngoại. Chưa hiểu gì, chưa biết những uẩn khúc của người lớn. Mẹ làm việc còn tôi tha thẩn chơi với đàn mèo, vừa mẹ và con cả thấy là bốn con. Trong ký ức thơ trẻ của tôi chỉ nhớ vài hình ảnh nhạt nhòa về mẹ. Có lúc mẹ thắp nhang, đứng im lặng trước bàn thờ ông ngoại. Nhìn tấm ảnh chụp cha mẹ tôi to bằng cuốn sổ tay, lồng trong khung kính. Bà dắt tôi đi dạo quanh trong sân, trong vườn và dừng lại hồi lâu ở bụi tre gai rậm rạp phía cuối vườn… Nhiều năm sau, khi đọc lại những dòng chữ của cả cha và mẹ tôi để lại, tôi vỡ ra nhiều điều mà cả một thời gian dài tôi không hiểu, cũng có thể là do lơ đễnh không quan tâm tới chuyên người lớn. Đơn giản, tôi còn con nít nhỏ dại, mải yêu, mải vui với bạn bè.

 

Nhiều khi tôi tự trách mình. Và trách cả cha tôi nữa… Tại sao những ngày cha con tôi sống yên ấm, hạnh phúc đủ đầy ở trại Đầm Vịt, tôi không hỏi kỹ ông về chuyện giữa cha và mẹ tôi? Còn ông cũng chẳng chịu nói, chẳng chia sẻ với con gái. Cha yêu quý tôi đến vậy kia mà… Phải chăng, ông muốn dành cho tôi sự bất ngờ khi phải đọc những gì ông và mẹ tôi để lại, bắt tôi phải suy ngẫm và tự hiểu.

 

Tôi không có thói quen ghi nhật ký. Thậm chí, tôi còn cho rằng đây là một phương thức cổ điển, lỗi thời của lớp người xưa cũ. Tuổi trẻ thời “a còng” trao đổi, với nhau qua điện thoại, hộp thư điện tử. Chả đứa nào rỗi hơi ngồi ghi chép hàng ngày tâm tình, tự sự với người yêu và lan man chuyện vui buồn trong cuộc sống.

 

Tôi thật sự kinh ngạc khi nhìn thấy trong cuốn vở cogido số 2, số 3, đan cài trong nhiều trang có cả hai nét chữ của cha tôi và mẹ tôi. Mỗi người ghi một đoạn khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Nhưng dường như qua những dòng chữ ấy, họ sẻ chia nhiều điều bí ẩn về nhau của hai kẻ đang yêu. Cha tôi viết thường là kể lể, tự sự như thể ông muốn cho mẹ tôi biết ông là ai, cuộc sống của ông như thế nào… Còn mẹ tôi, mơ mộng hơn và rõ là tâm tính của một cô gái Huế đang tuổi yêu, gặp được cha tôi như thể chạm vào lửa.

 

Bao giờ mở đầu cho một trang ghi chép, mẹ tôi đều viết “Dấu yêu ạ!”.

 

Mỗi lần chạm vào các tập vở cogido của cha tôi, đọc kỹ từng trang, nhiều khi tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tim đập mạnh. Tôi nhìn quanh quất phòng đọc sách. Ảnh cha tôi, ảnh mẹ tôi, ảnh bà nội treo trên tường, nơi bàn thờ. Như thể họ đang ở đâu đó lặng lẽ dõi theo từng hành động nhỏ của tôi. Bao giờ cũng vậy, tự trấn an mình, tôi thắp nhang lên bàn thờ, van vái ông bà nội ngoại, van vái cha mẹ… Tâm hồn bình an, tôi mới dám trở lại với những hàng chữ trong tập vở cũ. Đọc một hồi, tôi ngỡ mình là một cô bé bị lạc vào giữa một khu rừng già, rậm rạp, gai góc… Tôi cố đi cho hết khoảng rừng vừa phập phồng lo sợ, vừa hoảng loạn tưởng bị lạc lối… Tôi đang bối rối tìm đường, bất ngờ mở ra trước mắt tôi một khoảng sáng, thoáng đãng. Ở đấy có dòng suối mát, có khóm hoa dại đẹp đến mê hồn ngay bên bờ suối…

 

(Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC