Mạng xã hội: Những ‘gót chân Achille’

778

Không còn nghi ngờ gì nữa, mạng xã hội là nơi rất tốt để có được những thông tin mà không gian công cộng truyền thống không thể có được. Nhưng ở đó cũng đồng thời bộc lộ những tác hại, những mặt trái giống như là những “gót chân Achille”.

Đa phần chúng ta dùng mạng xã hội một cách hồn nhiên, ví dụ Facebook đang được vận hành như thế nào, thực ra không phải ai cũng biết. Cho nên, nếu chỉ quan tâm đến một số thông tin, chỉ chơi với một kiểu người, thì thuật toán của Facebook sẽ chỉ để hiện lên trên tường những thông tin na ná. Tức là thực ra tiếng là có dùng mạng xã hội, nhưng chúng ta sẽ chỉ kết nối với những người suy nghĩ tương tự như mình và những vấn đề mình quan tâm vốn ở trong diện rất hẹp. Điều này cũng có cái hay là nó giống như đời thực, ai hợp với dạng thức nào thì tìm bạn, tìm vấn đề quan tâm phù hợp với mình. Nhưng cũng có cái dở là mình không ở trong một xã hội, một không gian cực kỳ phong phú, đa dạng…

Đưa ra một ví dụ để thấy mạng xã hội vừa phong phú vừa phức tạp. Nếu người dùng mạng xã hội tử tế, thiện lương, lạc quan thì việc chỉ nhìn thấy trên tường những thông tin kiểu như vậy, như đã nói, khiến cuộc sống không phong phú nhưng nó cũng không tệ tí nào. Đáng nói nhất là những người thường bức xúc, bức bối, bất mãn với xã hội thì việc thuật toán của mạng xã hội khiến người ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những thông tin phù hợp với quan điểm của họ, lại đang là một câu chuyện khác. Hậu quả rất có thể là họ bị mắc kẹt trong cái “bong bóng lọc” của riêng họ và không tiếp cận được các thông tin đa chiều. Nếu những người chỉ đọc và chia sẻ những thông tin một chiều, theo kiểu là những thông tin định kiến và ác ý, thì họ chẳng những chỉ nhận được những thông tin tương tự và còn có tác động đến những người quen. Sự lan truyền bức xúc hoặc tinh thần “bạ gì cũng chửi” trên mạng xã hội ngày nay bắt đầu từ cơ chế hoạt động vốn được coi là thông minh của mạng xã hội như thế. Khi mà thuật toán của nó giúp những người đồng quan điểm tìm thấy nhau, tiếp cận nhau và tiếp tục lan truyền tinh thần ấy.

Thực ra, đến giờ này thì mạng xã hội với đời thực cũng không còn mấy khoảng cách nữa rồi. Cũng như đời thực, mỗi tài khoản về bản chất mang ý nghĩa riêng tư, người ta phải có trách nhiệm với phát ngôn và hành vi của mình. Nhưng chỗ này thì mạng xã hội khác với đời thực: Ở bên ngoài bạn nói gì đó thì nó cũng chỉ đến được với một số ít người, nếu bạn không phải là người nổi tiếng; thì ở trên mạng xã hội, một ý kiến cá nhân cũng có thể lan rất rộng, như đã nói ở trên, tìm đến những người đồng quan điểm rất dễ và trong nhiều trường hợp, một tài khoản bình thường cũng có thể gây ảnh hưởng lớn, ý kiến cá nhân có thể lan rộng, thậm chí phi biên giới, và tiếp cận cả những đối tượng không hề liên quan. Không chỉ phát ngôn của những người nổi tiếng mới được nhiều người quan tâm mà thực tế cho thấy nhiều thông tin từ một tài khoản thông thường cũng có thể gây sốc.

Và điều này đang khiến cho những quan điểm lệch lạc, sai trái lan truyền rất nhanh. Thậm chí nếu cần người ta có thể bỏ tiền ra để cho những thông tin được lan truyền nhanh hơn nhằm chủ ý miệt thị, bôi nhọ cá nhân hoặc tổ chức nào đó…

Những ngày vừa qua, chúng ta đề cập nhiều đến câu chuyện cạnh tranh thông tin giữa mạng xã hội và báo chí. Nhưng có một sự thật là mạng xã hội đang là công cụ hiệu quả giúp mỗi cá nhân đạt được rất nhiều mục đích khác nhau, và các nhà báo của thời đại 4.0 cũng không thể bỏ qua cơ hội làm thương hiệu trên mạng xã hội. Đương nhiên, khi nó đã là công cụ để mỗi người đạt được những mục đích nhất định, thì nó có những mục đích tốt và những mục đích xấu, giống y như ngoài đời thực. Đã xuất hiện không ít trang cá nhân của các nhà báo trên mạng xã hội được sử dụng vào những mục đích khác, không phải để làm tăng thương hiệu cho mình và tòa soạn theo ý nghĩa tốt đẹp. Đã có một nhà báo đàn anh gọi những tổn thương rất dễ bộc lộ trên mạng xã hội ngày nay là những “gót chân Achille” và một số nhà báo “kiếm ăn” trên mạng xã hội bằng những phát ngôn vô lối và “chập chờn”. Điều đó làm tổn hại rất nhiều đến hình ảnh nhà báo, khiến cho xã hội nhìn nhà báo ngày càng méo mó và cũng là một trong những tác nhân làm yếu đi sức mạnh của báo chí chính thống.

Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu cho nghề báo, không thể và không nên chối từ. Đón nhận một cách tích cực, sử dụng nó để “hành nghề” là xu hướng của các nhà báo ngày nay. Tuy nhiên nếu công cụ ấy bị sử dụng vào những mục đích xấu thì lại khác. Và thời nay người ta không còn lạ gì những dòng thông tin “ờm ờ” từ không ít trang cá nhân của các nhà báo. Kiểu như ý tứ xa xôi về phốt của người này, chỉ trích lỗi của quan chức khác, cô người mẫu này lộ hàng, cô kia có bằng chứng giật chồng… Nhà báo càng nhiều thông tin nóng, độc thì càng nhanh nổi tiếng. Và thời đại của xây dựng tên tuổi bằng những bài báo nhọc nhằn đã qua rồi, ngày nay chỉ cần viết vài dòng giật gân trên mạng xã hội, một tài khoản có thể đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt like. Trong khi đáng lẽ người bình thường có thể hồn nhiên tham gia Facebook còn đối với nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội trách nhiệm trước thông tin phải lớn hơn, ứng xử của một nhà báo ở mạng xã hội phải khác với người thường.

Trong số những ảnh hưởng của mạng xã hội, dễ nhận thấy là mạng xã hội đã và đang có ảnh hưởng lớn tới hoạt động báo chí: Từ việc phát hiện đề tài, nắm bắt xu hướng, khai thác thông tin… Nghĩa là mạng xã hội ảnh hưởng tới cả quy trình làm báo. Nhiều tờ báo đã nắm lấy cơ hội này để tích hợp thêm các công cụ hỗ trợ độc giả. Nhiều bài báo nhờ được chia sẻ trên mạng xã hội mà sức lan tỏa rất lớn. Cho nên, bây giờ có lẽ không cần phải quá câu nệ vào việc đối lập giữa mạng xã hội và báo chí chính thống mà nên sử dụng nó như thế nào để mạng xã hội trở nên hữu ích không chỉ đối với người làm báo mà cả đối với độc giả. Muốn như thế trước hết các nhà báo phải trở thành những người định hướng có trách nhiệm thông tin trên mạng xã hội chứ không phải lợi dụng nó như một công cụ “kiếm ăn”. Những người làm báo sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm là không nên lạm dụng mạng xã hội. Khi mà ai cũng biết, với cách sử dụng mạng xã hội hồn nhiên hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của mạng xã hội, mạng xã hội khiến người ta dễ bộc lộ “gót chân Achille” nhất là đối với những người nổi tiếng. Còn báo chí không chỉ chạy theo tin tức, nhà báo còn có trách nhiệm xã hội, định hướng dư luận và đạo đức của nghề.

Trở lại với quan điểm và cách nhìn của mỗi người trên mạng xã hội mà chúng tôi đề cập đến ở phần đầu bài viết. Chúng ta phải nói rằng bất kể là ai ở trên mạng xã hội cũng đều xứng đáng được tôn trọng như nhau. Vì thế khi chúng ta tham gia vào một không gian xã hội rộng lớn thì sự tổn thương nếu có, cũng được chia đều như nhau. Những “gót chân Achille” là phần bất ổn mà chúng ta phải đối mặt ở trong thời buổi hiện đại mà rất dễ bị tổn thương này. Chỉ khác nhau chăng là cách thức chúng ta thể hiện. Mạng xã hội là công cụ phục vụ cho con người, nó phải làm cho người trở nên hạnh phúc, văn minh hơn. Đừng biến nó thành công cụ để phục vụ cho những mục đích xấu.

Theo Báo Đại đoàn kết