Minh Chí – Vua xàng xê một thời vang bóng

894

Nghệ sĩ Minh Chí (1924-1995) thuộc thế hệ nghệ sĩ cải lương trong bốn thập niên hoàng kim của sân khấu nghệ thuật dân tộc kể từ nửa cuối thế kỷ hai mươi. Minh Chí từng là kép trẻ nức tiếng một thời với giọng ca rõ ràng, thinh âm đầy nội lực, cùng thời với các nghệ sĩ tiền phong như : “Kim Chưởng” (1926-2014), “Ba Vân” (1908-1988), “Năm Nở” (1909)… Ông cùng nghệ sĩ Việt Hùng (1923-2002) đã lập gánh hát Minh Chí – Việt Hùng và được công chúng nghệ thuật sân khấu phong tặng nghệ danh là “Ông vua Xàng xê” qua tác phẩm đặc sản của đoàn hát Kim Chưởng là vở tuồng “Anh hùng Lạn Tương Như”  mà Minh Chí là kép chính. Mãi cho đến nay, tiếng hát Minh Chí hãy còn đi sâu vào tâm khảm quần chúng đã là một phần thưởng xứng đáng cho một nghệ sĩ tận tụy cống hiến suốt đời cho nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Vua xàng xê Minh Chí.

Trong thế giới nghệ thuật cải lương mông mênh, khoảng bắt đầu từ năm 1950 đến gần cuối thế kỷ hai mươi, công chúng mộ điệu sân khấu dân tộc và ký giả kịch trường cả nước đã tinh tế tặng cho nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp những nghệ danh rất đa dạng, nghe không kém phần thú vị. Những nghệ danh này được khai sinh xuất phát từ cảm nhận nghệ thuật và sự đánh giá của khán giả, dựa vào tài sắc và phong cách ca diễn đặc biệt của mỗi nghệ sĩ. Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, vua vọng cổ Út Trà Ôn, sầu nữ Út Bạch Lan, ông hoàng cải lương Minh Vương, chim họa mi Năm Cần Thơ, vua soạn giả vọng cổ Viễn Châu… Nhưng chắc chắn trước hết là từ cảm nhận đầu tiên của công chúng về nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ qua bài ca vua vọng cổ.

Tuy nhiên, cũng có nghệ sĩ nổi tiếng ở bài bản khác trong hai mươi bài ca tổ cải lương hoặc tài năng diễn xuất độc đáo mà nhận được biệt danh nghệ thuật như kép độc: Trường Xuân, Hoàng Giang; vua hề: Kim Quang, Tư Rọm… vua xàng xê Minh Chí.

Nghệ sĩ Minh Chí (1924-1995) sinh ra tại Sài Gòn, có tên thật là Lê Mộng Lang xuất thân là một thanh niên lao động nghèo. Mới lớn lên, Minh Chí đêm đêm phải đi làm nghề vật bò mổ lợn ở lò heo Chánh Hưng, Sài Gòn, nên anh đã trải qua cuộc đời khá vất vả từ lúc thiếu thời. Tính mê ca hát cải lương, Minh Chí hay bắc chước hát theo các nghệ sĩ đàn anh lúc bấy giờ như Tám Thưa, Năm Nghĩa… khi được nghe lại từ trong các máy hát dĩa nhựa quay dây thiều qua các đài phát thanh.

Thỉnh thoảng, Minh Chí cũng có dịp chăm chú theo dõi các buổi đờn ca tài tử tại tiệc cưới, đám giỗ trong xóm và cũng được các ban đờn ca tài tử địa phương mời tham gia biểu diễn. Trời cho được giọng hát hào sảng, thanh âm đầy nội lực, dần dần tiếng lành đồn xa, nhiều bầu gánh để vào mắt xanh, Minh Chí bắt đầu bỏ nghề làm đồ tể đi theo nghiệp cầm ca ở các đoàn hát, rong ruổi khắp xóm làng, tỉnh thành trong nước.

Tiếng hát chắc nịch, rõ ràng không thể nhầm lẫn với bất cứ một nam nghệ sĩ nào của nghệ sĩ Minh Chí vang vọng từ các dĩa nhựa, dần dần trở nên quen thuộc với quần chúng yêu ca nhạc cải lương. Tại các đám tiệc ở tư gia nơi huyện lỵ thị thành đến quán cà phê bình dân và bến đò, bến xe trên kênh rạch, ruộng đồng chốn nông thôn heo hút xa xôi, đâu đâu cũng có thể nghe được giọng ca sang sảng ấn tượng của anh qua sáu câu vọng cổ nhất là phong cách ca xôm tụ thật ấn tượng ở bản xàng xê.

Khi làm kép chính cho đoàn Hương Hoa, Minh Chí dù có vợ con, đã khiến cho cô đào tuổi teen Ánh Hoa (15 tuổi kém anh gần 20 tuổi) say mê. Tưởng cũng nên trao đổi thêm về vấn đề tuổi tác trong tình yêu. Người từng trải thức thời chắc chắn không ai quá so đo về tuổi tác trong chuyện hội ngộ giữa nghệ sĩ và giai nhân đồng điệu.  Ai cũng biết rằng trong lĩnh vực tình yêu không bao giờ có sự phân biệt về con số tuổi tác và giai tầng xã hội “Trong tình yêu, người quý tộc và kẻ hành khất đều bình đẳng” (Ngạn ngữ Pháp). Người ta hay nhắc lại chuyện nhà thơ Goethe (74 tuổi), đỉnh cao thi ca Đức và thế giới, đã yêu say đắm nàng Ulrilke xinh xắn chỉ mới 17 xuân xanh.

Tại miền Nam trước 1975, dư luận lâu lâu cũng thì thầm nhắc lại chuyện GS. C. G Ng khi đã quá tuổi hiếm cũng đã lọt vào vòng tay học trò N. T. H (19 tuổi) vốn là sinh viên của mình ! Dù vậy, chuyện tình của cặp đôi nghệ sĩ: Minh Chí- Ánh Hoa cũng đã khiến cho thân phụ Ánh Hoa là nhạc sĩ Văn Danh có đưa Minh Chí ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng rồi sau đó, mọi việc cũng trôi vào quên lãng, không ai còn nhắc tới trước những thành tựu nghệ thuật của cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ cải lương này. Ánh Hoa và Minh Chí trở thành vợ chồng chính thức, sống chung hạnh phúc bên nhau cho đến cuối cuộc đời của ông vua xàng xê, nổi tiếng cùng thời với vua vọng cổ Út Trà Ôn.

Về sở thích, lúc sinh tiền, nghệ sĩ Minh Chí rất yêu hoa phong lan. Ông nói loài hoa này thân cây cằn cỗi nhưng trong chông gai hoặc lũ mưa khô hạn, nó vẫn đơm ra hoa đẹp ngát hương. Cũng như con người, có chịu vất vả khổ đau mới đạt được thành tựu cao quý. Nghệ sĩ Minh Chí lao động nghệ thuật đúng nghĩa nên nhận được tình thương dào dạt và lòng ái mộ chân thành từ khán giả bốn phương. Nhờ lòng yêu chồng và sự chăm sóc, lo lắng chu đáo gia đình mà Ánh Hoa, một nghệ sĩ yêu nghề từ nhỏ có giọng ca ngọt ngào và phong cách vô bản vọng cổ độc đáo trữ tình, từng được gọi là một “Út Trà Ôn Deux” tức Út Trà Ôn Hai (Deux là Hai- tiếng Pháp).

Từ những năm đầu của thập niên 1950, nghệ sĩ Minh Chí sớm nổi tiếng với giới mộ điệu cải lương khắp ba miền luôn cả ở xứ chùa Tháp và nước Lào nhờ những bộ dĩa nhựa từ máy hát quay dây thiều phổ biến các vở tuồng. Khán giả mê cải lương thuộc thế hệ sống cách đây khoảng trên dưới bảy mươi năm không bao giờ quên giọng ca mạnh mẽ qua cách nhả chữ rõ ràng của Minh Chí qua các bộ dĩa: Phất cờ độc lập, Đường về tổ quốc, Anh hùng liệt nữ… mang nhãn hiệu Việt Nam của bà Sáu Liên. Sau đó là các tuồng: Nguyễn Thái Học, Nguyệt Thu Nga, Kiều Oanh công chúa… được thu vào dĩa nhựa mang nhãn hiệu Asia trong đó tiếng ca Minh Chí được lồng ở vai chính chủ lực. Tôi còn nhớ một kỷ niệm của thời trung học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

Năm 1955, tôi và vài bạn ở trọ trên một sàn gác xép ọp ẹp để đi học tại nhà Ông Mười Vinh – một doanh gia mê cải lương – bên bờ sông Cái Khế, ngang chùa Ba Cô, gần hồ Xáng Thổi. Nhà Ông Mười Vinh là điểm Dựa mắm và dưa hấu. Những lúc rổi rảnh việc học, sau khi vui vẻ tiếp chủ nhà chuyền dưa vào nhà, bọn tôi ngồi tán hưu tán vượn, rồi chôm lén dưa chủ nhà ăn trong không gian chật hẹp thoảng mùi nước mắm lẫn mùi hăng hắc của sách vở học trò. Nhưng bù lại những thứ đó, lũ quỷ học trò ở garçonnière như bọn tôi được thưởng thức tiếng ca mùi mẫn của danh ca Út Trà Ôn hoặc giọng ca lanh lảnh của nghệ sĩ Minh Chí qua các tuồng hát vọng ra từ dĩa nhựa đang quay trong máy hát quay dây thiều của ông chủ nhà hiền lành, yêu thương học trò. Ham học lại khoái nghe cải lương, lúc rảnh rổi, trong khi các bạn lang thang rong chơi, tôi hay ngồi nhà quay dây thiều máy hát cho ông Mười. Tôi có khoảnh khắc mê mẩn với ngón đàn guitar bay bướm lả lướt của danh cầm Văn Vĩ, âm thanh tiếng vĩ cầm rỉ rả tê tái chết người của nghệ sĩ Hai Thơm minh họa cho giọng ca của các nghệ sĩ Thành Công, Tư Sạng.

Lần ấn tượng nhất không thể nào quên được là, bên cạnh giọng hát u hoài ngậm ngùi thiên cổ của sầu nữ Út Bạch Lan trong vai một nữ cán bộ lại sang sảng vút lên tiếng ca dõng dạc, đầy khí thế của Minh Chí nhập vai nhà yêu nước Nguyễn Thái Học trong tuồng hát cùng tên.

Người ta còn nhớ lại, vào khoảng năm 1956, Minh Chí có hợp tác với nghệ sĩ Việt Hùng – một kép đẹp nhưng hát lòn giọng nữ – để lập đoàn hát “Việt Hùng-Minh Chí. Khi trình diễn vở hát “Người đẹp bán tơ” tại rạp Văn Cầm, Phú Nhuận, Việt Hùng đóng vai Lưu Bình, Minh Chí vai Dương Lễ và Ngọc Nuôi vai Châu Long. Vở hát sớm hết vé, nhưng khán giả còn chen lấn đông nghẹt, tìm mua vé lậu để được biết mặt và nghe Minh Chí hát.

Thời oanh liệt đỉnh điểm làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Chí là lúc anh hát cho đoàn Kim Chưởng – đệ nhứt anh hùng lưu diễn – qua vở cải lương “Anh hùng Lạn Tương Như”. Thời Chiến quốc (gồm bảy nước, từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên cho tới khi Tần Thủy hoàng (259-210 trước CN) diệt hết sáu nước khác, thống nhất nước Trung Hoa. Lạn Tương Như là chính khách giỏi ứng xử của vua Huệ Văn vương nước Triệu. Trong vở tuồng này, vào vai chính Lạn Tương Như, Minh Chí được khán giả phong tặng cho anh nghệ danh “Vua Xàng xê”.

Trong vở hát “Anh hùng Lạn Tương Như” của soạn giả Tích Dẫn, có đoạn Lạn Tương Như, (năm 283 trước CN) lĩnh sứ mệnh mang ngọc bích của nước Triệu đem dâng cho vua Tần để đổi lấy ấp Bái. Ỷ mình nước lớn, Tần Thủy Hoàng mưu toan chiếm đoạt ngọc bích mà không giao ấp Bái. Biết lâm vào tình thế cùng đường ngặt nghèo, Lạn Tương Như xem như thất bại, không còn mặt mũi nào trở về nước Triệu. Biết ý định thâm độc của đối tác, Lan Tương Như phản biện, ngăn cản vua Tần qua câu mở đầu bản xàng xê: Khoan! Nếu như Tần Vương toan dùng bạo lực cưỡng đoạt ngọc Bích Quan, thì đây là viên ngọc của Triệu bang, Tương Như thề đập cho nát cho tan rồi mới chịu chết oan dưới lưỡi gươm của bạo chúa Thủy Hoàng/ Tôi đã ra đi là vì thanh danh, phẩm giá/ Tôi đến đây là vì quốc gia, vì sứ mạng/ Để đem viên ngọc bích này đổi về ấp Bái cho Triệu bang.

Khán giả vỗ tay dòn dả như bắp rang khi Minh Chí vừa mạnh mẽ quyết liệt vô xàng xê và cá tính dứt câu đầu bằng chữ xề … không khác nào nghe Út Trà Ôn ngọt ngào vô vọng cổ lúc dứt ở chữ . Trong hai mươi bản tổ cải lương: sáu bắc, ba nam, bảy hạ, bốn oán, mỗi bản dài ngắn khác nhau và có ý nghĩa riêng trong mục đích sử dụng. Vọng cổ, bài ca vua với giai điệu mùi mẫn lâm ly dùng cho hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã. Hoài tình cung bậc rỉ rả mang tính cách kể lể khóc than trong khi bản Hoa chúc âm hưởng dập dồn tươi tắn mang ý nghĩa chúc tụng vui vầy … trong các lễ hội liên hoan. Với Minh Chí, nhờ may mắn sở hữu làn hơi thiên phú cọng với phong cách ca diễn sinh động hào hùng, nghệ sĩ đã lấy được sự ngưỡng mộ cao quý và cảm tình nồng hậu của công chúng cải lương lúc bấy giờ.

Thời hiện đại công nghệ, kỹ thuật số mang đến cho con người vô vàn thuận lợi tiện nghi giải trí với vô tuyến truyền hình, video, điện thoại thông minh…nhưng dường như cũng đã vô tình và âm thầm khiến cho hoạt động nghệ thuật sinh động, đầy màu sắc của sân khấu cải lương ngày một yên ắng đi xa ! Ngày nay, có những khán giả cao tuổi say mê đờn ca tài tử cải lương đôi không khỏi khi ngậm ngùi tiếc nuối trong hoài niệm. Thế hệ trẻ không có cơ hội thấy tận mắt một thời huy hoàng của hoạt động sân khấu dân tộc tưng bừng dưới ánh đèn màu lung linh, bên những tấm cánh gà mang tính lịch sử. Trong bao nỗi hoài niệm nghệ thuật đó có sự im vắng những tiếng hát cải lương đỉnh cao bất tử của một thời vang bóng như: nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, vua vọng cổ Út Trà Ôn, vua xàng xê Minh Chí.

Tương Như