Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nhiều nghệ sĩ tề tựu để chung vui như: NSND Thanh Vy, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Hùng Minh, NS Hồng Nga…
Nhà hát được thành lập năm 1976, dựa trên 3 nguồn lực lượng chính: đoàn văn công Nam Bộ, các nghệ sĩ từ chiến trường ra và nguồn nhân lực tại chỗ của sân khấu cải lương Sài Gòn lúc bấy giờ như: NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương… Đây cũng là đơn vị nghệ sĩ chủ lực, bộ mặt của giới văn nghệ thời bấy giờ.
NSƯT Lê Thiện và NSƯT Hùng Minh trong buổi họp mặt.
NSƯT Lê Thiện từng hoạt động ở đoàn văn công Nam Bộ, sau về Sài Gòn để đặt những nền móng đầu tiên cho nhà hát, ban đầu mang tên Nhà hát ca kịch cải lương Trần Hữu Trang. Bà cũng được chỉ định làm trưởng đoàn.
Trước đó, bà biểu diễn cho đoàn văn công Nam Bộ, đi dọc Trường Sơn. Có những buổi diễn đang đứng hát, bom nổ, cả đoàn nghệ sĩ rơi xuống giao thông hào. Đến khi tỉnh lại, mới mừng thầm rằng vẫn còn sống. Dẫu vậy, với tình yêu thương nồng nhiệt của bộ đội và người dân trong suốt chặng đường đi qua, bà luôn thấy đó là những ngày tháng ý nghĩa nhất.
Vì thế, sau khi nhà hát thành lập, phải gác lại công việc biểu diễn, với bà đó là một nỗi buồn không thể tả. Nhưng đoàn hát phải có người dẫn đầu. Ban đầu, bà lo lắng vì lực lượng nghệ sĩ đến từ những nơi khác nhau khó thể hòa hợp. Nhưng trái tim của nghệ sĩ giúp họ nhanh chóng hòa nhập với nhau.
Bà nhớ lại những ngày đầu tiên đoàn đi biểu diễn phục vụ ở Củ Chi, không có nơi nằm, phải chen vào những bóng cây để tránh nắng, mưa. Khi không có cơm, đoàn cũng sẵn lòng ăn rau luộc chấm nước tương “dằn bụng” để phục vụ bà con. Có những lần đang diễn mưa tầm tã lại chạy tìm chỗ trú, hết mưa lại tiếp tục diễn. Dẫu vậy chẳng nghệ sĩ nào kêu ca.
“Những hình ảnh đó tôi chẳng thể nào quên được. Dĩ nhiên, con người, thói quen sinh sống cũng có nhiều điểm khó dung hòa buổi ban đầu, nhưng vì mong muốn được làm nghề, tình yêu nghệ thuật quá lớn nên mọi khó khăn dường như bằng không. Tôi hạnh phúc khi mọi thứ vào đường dây ăn ý nhanh chóng. Xin cảm ơn những người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nhà hát. Có những người nghệ sĩ đã trở thành liệt sĩ, và có những người đã mãi mãi ra đi”, NSƯT Lê Thiện chia sẻ.
Các nghệ sĩ có đóng góp cho nhà hát được trao tặng hoa và kỷ niệm chương.
Những chuyến đi diễn xa, gầm sân khấu trở thành nhà. Anh em nghệ sĩ đều tự nấu ăn. Nơi nào được dân thương thì có thêm nhiều đồ ăn, nếu không họ vẫn vui vẻ chấp nhận bởi được diễn là hạnh phúc nhất. Trong đoàn, NSƯT Lê Thiện vừa là mẹ, vừa là cha. Vì với ai “ngoan” bà sẽ rất dịu dàng, còn ai “hư” bà lại rất nghiêm khắc.
Thời gian đầu, bà cũng tập trung xây dựng lực lượng nghệ sĩ trẻ, trong đó có đoàn cải lương xung kích từng đi phục vụ rất nhiều nơi. Hiện, nhiều thành viên đã trở thành những tên tuổi có ảnh hưởng như: NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Tấn Giao, NSƯT Mỹ Hằng…
Một lần đoàn đi diễn, được người dân trầm trồ bàn tán vì đi xe to “như cái nhà”. Chưa kịp vui mừng thì bà phải nghe những lời nhận xét rất thẳng thắn, chê đoàn hát dở.
“Cực khổ rất nhiều, lại còn bị chê nặng nề, nhưng có lẽ nếu không có ngày đó, không có sự can đảm để thử nghiệm thì sẽ không có nhiều nghệ sĩ hôm nay. Cay đắng rất nhiều, nhưng giờ đây nghĩ lại tôi vẫn vui và tự hào. Thời của chúng tôi khó khăn nhưng cải lương có đất sống, còn hôm nay các em trẻ sẽ vất vả lắm để giữ gìn, phát triển tiếp tục. Gian khổ không bao giờ kết thúc, chỉ mong rằng tất cả đều vững tin để bước về phía trước”, NSƯT Lê Thiện tâm sự.
NSƯT Ca Lê Hồng có mặt từ sớm.
NSƯT Thanh Nguyệt nhớ lại sự háo hức khi lần đầu được đi diễn tại các tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Đường đi khó khăn, nguy hiểm nhưng đến điểm diễn là bà quên hết bởi khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Bà không tưởng tượng được khán giả tại những vùng xa xôi như thế lại yêu thích cải lương. 17 ngày diễn tuồng Dương Vân Nga tại Huế, đêm nào khán giả cũng chen lấn đi xem khiến bà không thể quên.
Có lần, bà đang diễn vở này, lại bị lên huyết áp, phải đi cấp cứu. Một đồng nghiệp khác thay thế bà diễn tiếp. Trong đoàn, anh chị em nghệ sĩ yêu thương, đùm bọc nhau là điều khiến bà rất tự hào. Họ sống, đi diễn cùng nhau như người trong gia đình.
NSƯT Thanh Nguyệt trong buổi gặp mặt với đồng nghiệp chiều 24/12
NS Thanh Liễu sau thời gian hoạt động tại đoàn được cất nhắc làm quản lý rạp Hưng Đạo (nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) nhớ mãi những ngày hoàng kim. Hầu như đêm nào sân khấu cũng sáng đèn, riêng cuối tuần phải diễn đến 3 suất. Mỗi khán giả chỉ được mua 2 vé. Họ phải xếp hàng chờ đợi, nhưng đều thông cảm vì quá yêu cải lương, nghệ sĩ.
NS Hồng Nga cũng chung dòng cảm xúc này. Thời gian đó, hầu như suất diễn nào cũng phải tăng cường thêm ghế, vé cho khán giả vào xem. Họ ăn cơm thật sớm, chuẩn bị đồ đẹp để đi xem hát. Có những vở diễn suốt 1 tháng, khán giả vẫn chen chúc để đi xem.
Bà thường diễn nhưng vai đào độc nên khán giả rất ghét. Bà vẫn nhớ như in những lần ra về phải tranh thủ “vọt” thật nhanh khỏi rạp vì khán giả chửi, hăm dọa rất nhiều.
Tại buổi họp mặt, bà vui mừng khi gặp lại NSƯT Hùng Minh, NSƯT Thanh Nguyệt, NSND Thanh Vy… NS Hồng Nga tâm sự, sau thời gian giãn cách phòng chống dịch, gặp lại thấy ai khỏe mạnh bà rất đỗi hạnh phúc.
NS Hồng Nga vui vẻ khi gặp lại đồng nghiệp sau thời gian dài xa cách.
Qua 45 năm hình thành, phát triển, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã làm được nhiều điều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, các nghệ sĩ kỳ cựu vẫn còn nhiều kỳ vọng để nhà hát tiếp tục phát huy vị thế, giá trị xứng tầm trong hiện tại và tương lai.
Theo Trung Sơn/PNO