Ngõ đá nhà cũ… – Tản văn của Võ Văn Thọ

594

Tác giả Võ Văn Thọ

 

  1. Những ngày đầu mới giải phóng:

Đầu năm 1976 gia đình tôi từ Bắc vào Nam, ba tôi quyết định trở về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, lúc đó tôi đã được 6 tuổi, nên vẫn còn nhớ như in những tháng ngày sau giải phóng.

Sau chiến tranh, vườn nhà tôi, chỉ toàn giao thông hào, hầm trú ẩn của bộ đội và người dân. Vườn không có gì giá trị, chỉ còn lại một cây dừa trước ngõ với không biết bao nhiêu mảnh đạn xiên qua, giống như anh thương binh mang đầy thương tật. Và hai cây mít có tên mít dừa và mít ướt còn sót lại trên đám đất có tên nền nhà. Cỏ tranh, mây, thì nhiều vô kể. Sau chiến tranh, cũng chẳng có nhà để ở. Cả nhà tôi năm người phải tá túc ở tạm nhà cô tôi cũng là nhà tranh, vách nứa chật chội.

Ba tôi phải dùng rựa phát dọn cỏ, cây, dùng cuốc xẻng để lấp giao thông hào, kiếm cây, tranh, tre, lá dừa, lá đùng đình để dựng nhà, nhưng thực ra chỉ là cái lều tạm, để có chổ che nắng, che mưa cho cả gia đình có chổ ở, mới tính chuyện mưu sinh.

Lúc mới giải phóng về quê, bà con ruột thịt, đều hy sinh trong chiến tranh, chỉ còn lại duy nhất cô Ả là chị ruột của ba, chị Minh con đời trước của ba. Nhưng cô Ả bị cháy xăng hết cả người, nhưng số cô lớn nên thoát chết, ông bà nội đều mất hết. Chỉ còn bà con thúc bá cùng ông cố chung có: Bác Bốn, chị Hữu, bà Việt, chú Hai, cô Ba, chú Năm, chú Sáu, chú Bảy… Là bà con thân thuộc nhất.

Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của hầu hết những người thân trong gia đình của ba tôi “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Tôi cứ tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời, không hiểu sao cây dừa có sức sống mãnh liệt đến vậy. Vì nhiều lần tôi quan sát, thấy, thân nó có chổ trống huơ không còn ruột, bị bom đạn lấy đi hết ruột gan, chỉ còn cái vỏ cứng bên ngoài không lành lặng! Vậy mà không hiểu sao cây dừa vẫn sống, lá vẫn xanh tươi và cho quả ngọt như nước dừa sim. Đặc biệt, vượt qua được nhiều trận bão trong năm để tồn tại. Như người thương binh “tàn mà không phế”. Còn hai cây mít mặc dù bị chém cụt ngọn do bom đạn Mỹ, song các cành cây, thân cây vẫn cho rất nhiều trái rất ngon. Có lẽ mấy chục năm chiến tranh bom đạn đã lấy đi sự sinh trưởng và chức năng sinh sản, nên khi hòa bình, mít tăng cường cho nhiều trái, để bù đắp lại chăng?! Sở dĩ có tên cây mít dừa là vì trái nó tròn như trái dừa, múi mít khi chín ngọt thanh và giòn, ăn không biết chán.

Lúc nhỏ, tôi cũng tò mò hỏi cô tôi. Sao cô bị thương cháy hết da vậy, mà cô vẫn chịu đựng được. Nói thật, thời gian đầu nhìn cô tôi rất sợ, nhưng sau quen dần, tâm sự với cô tôi càng thương yêu cô hơn! Nên không còn sợ nữa. Chỉ là do cô ít nhiều bị ảnh hưởng thần kinh nên hay la, hay nói to tiếng vì những việc không đáng to tiếng. Nhưng cũng phải thông cảm cho cô vì bị như vậy làm sao không nóng nảy. Cô bị như vậy, chồng cô lại là liệt sỹ, nên cô không có con cái. Tuy nhiên, cô có con nuôi tên chị là May – cô giáo của em trai tôi khi học khi còn học lớp mẫu giáo!

 

  1. Sự tích cái ngõ đá:

Ấn tượng nhớ lâu và thích nhất là cái ngõ đá nhà tôi. Do nhà làm trên mảnh vườn tựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng ruộng bậc thang. Nên cái ngõ có độ khá cao, nếu không có các bậc nhiều cấp thì không đi lại được. Nên quá trình cải tạo khu vườn, ba tôi không quên chọn các viên đá to hơn dồn lại chuyển về gần nhà rồi tranh thủ lúc trưa chưa đi làm vườn, ba lại hì hục lát đá thành các cấp từ thấp lên cao, “kiến tha lâu rồi cũng đầy tổ”, như vậy, nhà tôi có được cái ngõ đá rất xinh xắn tới mấy chục bậc thang. Sau đó, ba xin được hai cây phượng con về trồng ở đầu ngõ, mấy năm sau mùa hè năm nào phượng cũng ra hoa đỏ tươi, trông rất đẹp mắt. Hè đến những chú ve cứ thi nhau hát vang, và lũ nhỏ chúng tôi quyết không ngủ trưa, lấy mủ trái mít già gắn vào đầu cây sào bằng tre để chấm ve ve… Khi hết mùa ve ve, làm ná bằng dây su để bắn chim… Cứ vậy thôi, thế là tuổi thơ tôi qua đi từ lúc nào không biết? Năm 1990, nhà tôi chuyển nhà từ mảnh vườn cũ xuống gần đường tỉnh lộ 16 (nay là quốc lộ 14 e). Vì sống trên mảnh vườn cũ mẹ và tôi bị đau ốm truyền miên…

Tôi vào được cấp ba, đi học trên thị trấn cách nhà gần chục cây số, lúc này không còn thời gian để chơi những trò trẻ con nữa. Tôi lên thị trấn học, tuy nhiên vẫn tranh thủ về nhà phụ giúp ba mẹ làm ruộng, cày bừa, gánh phân, gieo sạ. Còn việc chăm sóc lúa là mẹ và ba tôi. Hồi đó từ nhà lên thị trấn là đường đất, chưa có đường nhựa, nên nắng bụi mịt mùa, mưa thì bùn đỏ lầy lội, nên đi xe đạp, nhưng nhiều đoạn phải vác xe trên vai.

Rồi 3 năm cấp 3 cũng qua đi, tôi tiếp tục ở nhà phụ giúp ba mẹ làm nông 1 năm. Vì lúc này em trai tôi còn học năm cuối của cấp 3. Khi em tôi vào Đại học, thì tôi cũng trúng nghĩa vụ quân sự. Và phải lên đường nhập ngũ, để làm tròn nhiệm vụ của người lính thời bình. Tôi xa gia đình, xa cái ngõ đá với bao kỉ niệm của thời ấu thơ đầy gian khó.

Sau này khi ra trường, ba tôi yếu đi, không có bàn tay của ba chăm nom, nên khu vườn ngày càng xuống cấp, ngõ đá cũng mai một sau những trận mưa nguồn, vì nước trên núi đổ xuống cuốn đi hết dấu tích. Cây dừa cũng đến tuổi cuối cùng của quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”; hai cây mít khi không còn cho những chiếc lá xanh, đã được chế tác thành 2 cái tránh (trính) làm nhà. Hiện nay mẹ, chị tôi đang ở! Khi ba tôi đã về với cõi vĩnh hằng đã tròn 12 con giáp!

Ngõ đá tôi viết đây, chỉ còn trong hoài niệm…

Đêm mùa đông nhớ ba!

 22.10.2020                                                                                                V.V.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁNH CÒ

 

Quê hương!

Như một dải lụa mềm

Bầu trời rộng mở

Tháng ngày an nhiên

***

Yêu con sông êm ái

Yêu cánh đồng ngát hương

Yêu lũy tre, bến nước

Yêu mảnh vườn ngát xanh

Chiều về ngắm cánh cò bay

Cầu vồng bảy sắc, cánh chuồn chao nghiêng

***

À ơi! Tiếng mẹ ru hời

Đong đưa tiếng võng…

Sáo diều vi vu

Tiếng gà gáy giữa ban trưa

Thạch thùng tặc lưỡi

Tắc kè rong chơi

Tiếng chim cu đất gật gù

Mấy con sẻ nhỏ suốt ngày ríu ran

***

Biền dâu, luống bắp, hàng cà

Cứ đong đưa trái, ơn người xới vun

Quê hương nghĩa nặng tình người

Yêu quê biết mấy bến bờ nhớ mong…

 

VVT